Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

VẪN MỘT CHỦ ĐỀ
Theo góp ý của Facebooker Duong Hong, hôm nay tôi gửi tới các bạn thêm một bài nữa về chủ đề Trại Giam. Tôi hiểu rằng đây là một địa điểm không phải ai cũng đến được và là một nơi mà các bạn cũng như tôi, dù có được mời mọc thịnh tình đến đâu cũng phải biết tránh xa hai nơi này: Trại Giam và Bệnh Viện.
Đây là một nơi trú ngụ bất đắc dĩ.

Trước đây, Anh đã từng chĩa súng vào đầu người ta mà “đòm” bây giờ bị người ta tóm được, hãy tự hỏi lòng mình, trong trường hợp ngược lại thì mình sẽ đối xử thế nào với đối phương? sẽ thấy những đối xử mà đối phương dành cho mình ắt phải thế. Tóm lại đây không thể là một chốn “thần tiên”, mà ngược lại 180 độ. Tuy thế câu chuyện tôi sẽ kể cho các bạn nghe dưới đây thì đúng là một chốn “Thàn Tiên” giữa vùng khổ ải. Trong trại Cải tạo Bình Minh, Thanh Oai, Hà Đông. Nay là Hà Nội.

NHÀ KHÁCH (trong một trại giam)

Lần nào lên thăm chồng, chị Hữu cũng lễ mễ, tay xách nách mang. Thôi thì lỉnh kỉnh đủ thứ. Tất cả chỉ do người vợ quá thương chồng. Mỗi lần như thế, bạn hữu anh đều có quà hậu hĩnh.
Trông thấy chị từ chỗ đường vòng ngoài cổng, hai tay hai xách lặc lè, anh Quang phụ trách nhà khách, đã vội ra đón và đỡ tay cho chị.
- Gớm, chị mang những gì mà nặng thế ? đưa tôi đỡ nào !
- Không có chi, dạ ! tôi đi được mà.
Tuy chị nói thế, nhưng anh Quang vẫn đỡ cho chị chiếc làn quá cỡ. Hai người vào đến nhà khách. Anh Quang bật quạt, mời chị ngồi nghỉ, anh đi báo tin cho anh Hữu biết có chị lên thăm.
Chị Hữu cúi lục trong làn lấy chiếc khăn, lau qua khuôn mặt ửng hồng đẫm mồ hôi. Nhìn quanh, ngoài vườn, những cây huệ, thược dược rực rỡ trong nắng sớm đầu hè. Anh Quang đã quay lại với khay nước trên tay. Đưa mời chị chén nước :
- Chị xơi nước, anh Hữu sắp ra. Để tôi báo cơm trưa.
Chị vội xua tay :
- Ấy thôi, cảm ơn anh. Tôi có mang theo mấy xuất bún chả, trưa nay mời anh cùng ăn với chúng tôi cho vui.
Chị cười, lấp ló chiếc răng vàng khoé miệng, nói thêm :
- Nhà tôi, anh ấy mê bún chả Ngã tư sở lắm !
- A ! bún chả, em thiệt là tuỵêt vời. Anh Hữu đã đứng ngay cửa, chị mừng rỡ kêu lên :
- Anh ! rồi đứng lên, bước tới. Anh dang tay đón, và đặt lên đôi má ửng hồng của chị hai cái hôn thành tiếng : "chút chút", như hôn em bé vậy. Với ông bà già cỡ lục tuần, làm thế có vẻ không được tự nhiên lắm. Nó có gì như hơi phô diễn.
Anh vừa dìu chị vào ghế, vừa hỏi :
- Em độ rầy thế nào ?
- Thì Anh coi đó !
- Dung có khoẻ không em ? Dung là con gái lớn của anh chị. Đang quản lý một cái nhà khách của thành phố.
- Dạ, con nó vẫn thường, vừa theo học một lớp nghiệp vụ ngắn ngày. Chị vừa trả lời vừa ngước nhìn anh. Trông anh vẫn phong độ, chị nghĩ bụng. Da mặt bóng đỏ, hơi cớm nắng, trước khi ra đây, chắc đã được kỳ cọ hơi kỹ. Nghĩ thế, chị bỗng mỉm cười. Nhìn anh ngậm trễ điếu thuốc bên mép, chị hỏi :
- Lóng rày, anh hút thuốc à ?
- Lâu lâu, vui thì hút chơi chút !
- Anh Minh, anh Vĩnh có khoẻ không anh ? Chị chợt nhớ và hỏi thăm những người bạn của chồng.
- Cũng như anh, Tinh thần thoái mái, sinh hoạt điều độ, anh nào cũng lên cân.
Chị kể tiếp về những người bạn của hai vợ chồng và nói họ gửi lời thăm, họ đòi gửi quà, nhưng nặng quá, chị không nhận.
Điếu thuốc không đốt, anh cứ mân mê hoài giữa những ngón tay, chiếc nhẫn vàng hai chỉ cố tình như khoe, như nhắc nhở chị nghĩ tới điều gì đó ?...

Chị ra ngoài một lát, lúc quay vào bưng theo một chồng bát đũa, chị nói với anh
- Em mời mãi mà anh Quang không chịu ăn với chúng mình, thôi anh giúp em một tay, đói dữ rồi. Chị đổ túi nước chấm có lẫn đu đủ ngâm ra cái bát to, còn những thứ khác chỉ mở gói và bầy lên bàn.
Chị, miệng tuy kêu đói nhưng ăn uống nhỏ nhẹ. Anh, không "khách khí". Gắp rau, gắp chả, húp xoàn xoạt, nhai đu đủ rau ráu, xuýt xoa vì ớt cay. Nhìn anh ăn mà thấy ngon lây. Ngược lại với ánh mắt sáng lên vẻ thích thú của anh, ánh mắt chị bùi ngùi thương cảm. Chị khe khẽ xua đuổi mấy con ruồi sợ nó dính vào chả mà anh không thấy.

Một ngày qua đi nhanh chóng, cả ngày hôm ấy chị nói nhiều hơn anh. Những chuyện chị xắp xếp trong đầu từ nhà, lúc này bên anh, dường như nó tứ tán hết. Chị lo không nhớ để kể hết với anh thì tội quá. Bình thường chị vốn điềm đạm, chín chắn, sao hôm nay chị bẻo lẻo luôn miệng, như dân gian thường ví : "mồm miệng không kịp kéo da non".
Lần trước lên thăm anh ở Hà Nam, chị vội về ngay, không ở lại, nên không có cái cảm giác như hôm nay. Nhìn chiếc giường với đôi gối lạ lẫm chị thấy ngài ngại. Một cảm giác giống như lần đầu ngồi trước món hải sâm (đỉa bể), cứ thấy ghê ghê, ơn ớn. Mặc dù với anh chị, chuyện qua đêm ở khách sạn trong các chuyến du ngoạn quốc ngoại trước đây, thưòng vẫn diễn ra thoải mái.
Chị quay ra, khép đôi cánh cửa buồng, rồi ngồi lại bên anh. Anh vòng tay qua, nhẹ ôm lấy chị. Một cảm giác là lạ quen quen rõ nét dần, làm cả hai cùng thấy rạo rực. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, anh chị hơi xích xa ra một chút. Anh nói :
- Mời vào ! Anh Quang xách phích nước, đẩy cửa bước vào :
- Có phích nước mới, phòng đêm anh chị muốn dùng.
- Cảm ơn anh ! cả hai vợ chồng như cùng cất lên :
- Anh chu đáo quá !
- Chúc anh chị ngon giấc, chị hôm nay, đường xa chắc cũng mệt, tôi xin phép. Nói rồi, anh quay ra, khép cửa lại, chặt hơn trước.
Chị khẽ hỏi :
- Có cần cài trong không anh ?
- Thôi khỏi, ở đây nghiêm lắm em ạ ! Em ngả lưng, nghỉ đi. Anh âu yếm nói rồi bỏ bớt quần áo ngoài, tắt đèn nằm xuống cạnh vợ... Không biết bao lâu rồi nhỉ ? Anh choàng tay lên người , ghé vào tai chị :
- Em hồi này coi bộ mập ra đó ! - Dạ ! chị khẽ gỡ tay anh, rồi nhỏm dậy bỏ bớt áo ngoài.
Anh hồi hộp như ngày mới đón chị từ Quan Thánh về căn gác nhỏ Ngã tư Sở, mới đó mà đã hơn ba chục năm rồi. Chị cũng thấy cái cảm giác rụt rè, tưởng đã quên, bỗng từ đâu kéo về, làm một thiếu phụ đã ngót lục tuần như chị cũng nóng bừng đôi má. Anh xoa tay lên bụng vợ, bụng đã có một lớp mỡ, nhưng những nếp nhăn gấp của những lần mang thai cũng vẫn gờn gợn sóng. Anh nhè nhẹ đặt lên má, rồi lên môi chị những nụ hôn da diết. Những nụ hôn không phát ra tiếng kêu, không phô diễn. Những nụ hôn của riêng đôi lứa.
Trong khoảnh khắc, cả hai cùng tưởng như mình trẻ lại sau thời gian cách trở. Nhưng thực tế khắc nghiệt, đã sớm chỉ cho họ cái giới hạn hạnh phúc không thể vượt qua. Cái giới hạn họ phải cam chịu (!)
... Pháo đã kéo ra, nhưng loay hoay cách gì cũng không thể nào nổ được một phát!?

Sớm hôm sau, đợi chị Hữu mở rộng cửa, anh Quang mới mang phích nước sôi vào đổi. Cái phích tối hôm trước vẫn đầy nguyên, như chưa hề dùng đến. Anh Hữu vẫn quen nếp dậy sớm, đang tập thể dục ở ngoài vườn.
Chị pha ấm trà mới, đợi anh vào uống. Câu nói đầu tiên của chị sáng nay là khen anh Quang chu đáo quá, người đâu mà thiệt tốt ! Anh Hữu cũng chỉ biết ậm ừ, vì lần đầu tiên, cũng như chị, lần này anh mới biết anh Quang .

Nhưng anh Quang lại biết rõ anh Hữu, từng mang hàm Trung Tướng quân đội Sài gòn và đã có lần ra làm Phó Thủ tướng dưới cái chế độ đã bị đánh đổ.
Giá như vợ chồng anh Hữu cũng biết được rằng anh Quang, từng là một cán bộ cấp Huyện, không may vướng vòng "lao lý". Cùng là trại viên như nhau, nhưng được Trại phân công trông nom Nhà Khách.
CUỘC GẶP GỠ GIỮA TÔI VÀ HỌ

Họ là những sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa, từ Úy đến Tướng. Họ là những nghị sĩ trong chính chính phủ, là đảng viên các đảng phái chính trị, mà trước 30 tháng 4 năm 1975 họ là Việt Nam Cộng Hòa, chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hay nói gọn hơn họ là miền nam chống lại miền bắc.
Còn Tôi là phóng viên của Đài Truyền Hình Việt Nam, làm phóng sự về cuộc sống của Họ trong các trại cải tạo của Cộng Hòa Xá Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trong tay tôi khi đó là những phương tiện mới nhất của kỹ thuật truyền hình Thế giới. Tôi xác định giữ cho ống kính được khách quan trung thực, nên không có bố cục xếp xắp cho từng cảnh quay. Ống kính cứ tha thẩn như một cặp mắt tham quan, hết góc này đến góc khác. Mọi dự kiến cứ nạp vào trong đầu, về sẽ dàn ra trên bàn dựng.
Nhìn qua, cuộc sống của Họ giống như trong một doanh trại lính. Chỗ nằm ngăn nắp, cũng chăn màn gấp vuông vức trên đầu giường, giầy dép thẳng hàng dưới chân. Có một chi tiết khác là một số vật dụng cá nhân và sách báo xếp ngăn nắp bên chăn màn.
Mỗi dẫy nhà là một phòng giam, nên mọi sinh hoạt khép kín. Nhà vệ sinh và kho tiếp liệu ngay cuối gian phòng. Nhà vệ sinh cả tiểu tiện lẫn đại tiện, còn kho tiếp liệu chứa những đồ tiếp tế của từng cá nhân, có sổ sách, phân công ghi chép và cấp phát theo yêu cầu. Rất ngăn nắp, rất trật tự, vẫn tự do tuy rằng trong tù túng, vì hầu hết Họ là những người có văn hóa từng quen với đời sống văn minh. Rõ nét nhất là sự tự giác vệ sinh chung. Đứng ngay cạnh cửa nhà vệ sinh cũng không hề thấy mùi phân, mùi nước giải.
Sau những giờ lao động chung ở ngoài đồng hay ở trong công xưởng, là giờ tự do. Từng tốp chơi bài ngay hiên nhà, người xem sách trên giường, người đọc báo dưới câu lạc bộ. Chỗ này tập hát những bài hát mới, tốp chơi bóng ở sân bóng chuyền. Y hệt sinh hoạt của một doanh trại, hay đơn thuần một khu Nội trú, nếu ai đó không để ý đến tấm bảng ngang cổng ra vào TRẠI CẢI TẠO NAM HÀ.
Tôi đưa máy tới hỏi một anh đang cầm quyển sách chuyên đề Nông Nghiệp; -“Anh thích ngành này à?” –“Vâng, trước đây tôi học ngành này, muốn sau này khi về sẽ tiếp tục nghiên cứu về nông nghiệp”. Một câu hỏi mà câu trả lời đã trọn vẹn và ý nghĩa.
Gặp anh Lý Tòng Bá (chuẩn tướng) Sư trưởng Sư 5 đang có mặt ở câu lạc bộ. Tôi trao đổi với nữ phóng viên Thanh Loan để chị đặt câu hỏi cho Lý Tòng Bá. Từ khuôn mặt Thanh Loan, tôi thu câu hỏi: - “Anh có hay tới đọc sách báo ở đây không?” Máy lia sang chân dung Lý Tòng Bá. Anh ta cười và trả lời: - “Dạ, thường ạ!” Tiếng ngoài hình: - “Anh hay xem loại nào?” Lý Tòng Bá chỉ vào tờ họa báo Liên Xô: -“Loại này.” Một ý hay có điều kiện mở cho lời bình, nhưng Thanh Loan chưa dừng lại, “nàng” hỏi tiếp: -“Tại sao?” – “Dạ, bởi nó nhiều ảnh và mầu cũng đẹp!” câu trả lời như một đòn phản cung. Tôi tắt máy và nghĩ bụng, tiên sư cái anh chàng này, nó láu cá ghê, đáng mặt tướng “ngụy”.
Sau này tôi cũng không cắt trường đoạn này, vì nó rất Lý Tòng Bá.

Thấy Lê Minh Đảo đang ngồi ở vỉa hè chơi guitare, tôi tiến lại; - “Chào anh Đảo!” – “Vâng chào anh!” – “Khi còn chỉ huy sư đoàn 18 ở Xuân Lộc anh vẫn có cây đàn này chứ?” – “Có hai thứ, một cây guitare và một cây Pianica. Pianica là một thứ kèn có lưỡi gà bằng đồng như harmonica, thổi bằng hơi nhưng lại bấm bằng phím giống piano, nên có nhẽ vì thế nó có cái tên kép, mang tên hai loại nhạc cụ như vậy. Trong đời làm nhạc trưởng của tôi, tôi chưa hề biết đến nhạc cụ này.Tôi đề nghị anh chơi một bản gì đó để tôi có thể thu hình một ông tướng chơi nhạc. Hiểu thiện ý của tôi, và nghĩ, đây có thể là một dịp thông tin cho người thân đang ở bên ngoai, Đảo chơi bài Dòng sông xanh (Danube Bleue của Johann Strauss). Có trớn, chơi hết bài, Đảo chơi luôn Bésamé mucho (Hãy hôn tôi đi), cặp môi của chuẩn tướng khi mím chặt khi trành ra theo tiết tấu và những phím đàn, trông hơi dữ dằn. Tôi nghĩ bụng, giá hiền đi một chút mà đảm nhận phần solo guitare trong dàn nhạc của tôi thì hay biết bao? (Bệnh nghề nghiệp).
Dứt tiếng đàn, những cử tọa quanh đó đều vỗ tay hưởng ứng. Tôi kéo máy zoom rrộng, một cảnh liên hoàn, đẹp ngoài ý muốn. Không hiểu tại sao cái ý của một lời bình trong óc tôi bỗng vọt ra. Tôi hỏi Đảo, không ác ý: - “Như thế là sau Xuân Lộc, anh đành bỏ lại Sư 18 và chỉ giữ lại cây đàn này?”
Đảo không trả lời, anh chỉ mỉm cười. Tôi cố giữ đặc tả nụ cười đầy ý nghĩa ấy.
Trong phóng sự này tôi đặc biệt thú vị Trường Đoạn dàn đồng ca của trại hát bài “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du. Các trại viên cất cao giọng dưới sự chỉ huy của nhác trưởng vốn là Đô trưởng cảnh sát Sài Gòn.
...“Ta đi giữa tình thương của Đảng!...”
Họ đồng thanh phát âm từ Đảng đúng dấu hỏi chứ không thành đàng thành đáng hay thành đãng, thành đạng. Tôi đã cho Huy Du xem lại đoạn băng này và nghĩ rằng không có sự động viên nào đối với nhạc sĩ hơn hình ảnh này.
Tôi và Họ ở một khía cạnh khác là người cùng thời, cùng trưởng thành, cùng hoạt động, chỉ khác ở bên này hay ở bên kia. Sau 30 tháng 4-1975, mới đầu tôi cũng có ý nghĩ, giải binh cho họ để họ trở về đời sống thường mà xây dựng miền Nam. Thật may Chính Quyền đã giữ họ lại, không để họ tự do tiếp xúc với những thành phần bên ngoài liên tục tuồn người, tuồn vũ khí về lôi kéo những phần tử trong nước nổi lên chống chế độ mới. Tiền thì bên ngoài lo, còn máu thì trong nước cứ đổ.
Chế độ mới này đã ngăn chặn được một cuộc đổ máu không cần thiết rất dễ xẩy ra, nếu để họ nhận súng nhận người từ bên ngoài thì tránh sao được sự đàn áp bóp nghẹt của bên kia khi nòng súng còn chưa nguội, và máy móc cơ giới đang sẵn sàng kihởi động trở lại. Ấy thế mà Chúng tôi...
Ở đây tôi muốn ở vị thế Chúng tôi để nói lên chủ trương chung của chế độ này. Chế độ đã sẵn sàng giải bài toán “cầm tù” đối với Họ. Đã sẵn sàng cho Họ hưởng chế độ Tự Quản. Tôi đã dự một cuộc họp do Tướng Lê Hữu Qua và bên Họ là tướng Nguyễn Hữu Có, cùng một số đại diện mà Họ đã cử ra. Mỗi ứng viên nói lên chức vụ trước đây, khả năng và nguyện vọng của mình khi tham gia chế độ tự quản. Người cầm đầu Họ sẽ là Tướng Nguyễn Hữu Có và địa điểm họ chọn làm “căn sứ địa” se là Thanh Hóa. Tiếc thay dự kiến đẹp đẽ này đã bị anh Chệt Đặng Tiểu Bình phá hỏng.
Phóng sự này, tôi đã mở một cánh cửa để mọi người có thể nhòm qua cánh cổng trại giam mà thấy một phần nào sinh hoạt của Họ. Cánh cửa còn hơi hẹp nhưng cũng đủ cho anh Lê Hữu Qua mang theo giới thiệu cho một cuộc họp chuyên đề tại Cu Ba. Người ta hoan nghênh vì mình đã cho người ta biết phần nào thứ người ta muốn biết.
Đây hẳn là sự đóng góp tích cực của Họ và Tôi.

Còn một điều nữa vì ngại lạc đề nên tôi không nhắc lại ở đây, tuy vẫn tiếc nuối, đó là rượu Mơ do “Ngụy” cất, ngon hơn Cognac. Ngon Tuyệt Cú Mèo!
Không biết ngoài Rượu Nếp Cái Hoa Vàng thì Henry Kissinger đã được đãi thứ Rượu Mơ của Trại Cải Tạo Nam Hà này chưa? Nếu chưa thì thật là đáng tiếc cho cuộc đời cố vấn của mình!
MỘT CHIỀU ĐÔNG

Chuyện đã cách đây sáu mươi tám năm. Vâng! đó là mùa đông năm 1948. Giữa năm 1947 tôi rời gia đình đi kháng chiến, thì ngay sau đó bố mẹ tôi cũng rời quê nội, tản cư xuống miệt Ninh Bình, mảnh đất quen thuộc cũ. Cuối thập niên thứ hai của Thế kỷ hai mươi, bố tôi đã từng sống tại Phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Tôi ra đời ở đấy và đến năm 3 tuổi mới rời Yên Khánh mà về Thị Xã Ninh Bình.
Lần về thăm nhà này tôi đi bằng xe đạp, Từ Chợ Quế Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, tôi theo đường 1, rẽ vào đường 10 từ cuối Thị Xã Ninh Bình, qua Bích Đào, Yên Vệ, Chùa Cao về Phủ Yên Khánh rồi từ đó rẽ sang Yên Mô về Chợ Bút.
Gần đến Yên Khánh, chiều đã tà tà, trước mặt tôi là một ông già đang chậm rãi chống gậy. Đường vắng vẻ không có đến bóng người thứ ba. Ngay khi bắt đầu nhìn thấy ông già, tôi đã có linh tính rằng đây là một người quen. Khi đạp qua ông, tôi dừng xe và nhìn lại, máu dâng mạnh ở thái dương, tôi chào ông già và xin lỗi hỏi ông: - “Xin lỗi, cụ có phải là cụ Giáo Lợi?” Ông già ngước cặp mắt kèm nhèm nhìn tôi, thừa nhận: - “Vâng tôi đúng là giáo Lợi, tại sao ông biết tôi?” Tôi phải xưng tên mình và cả tên bố tôi vốn là bạn ông giáo Lợi. Ông giáo Lợi nắm tay tôi, - Lạy chúa! Mười lăm năm rồi đấy, tại sao ông à anh còn nhận ra tôi? - Tự nhiên thôi bác ạ! Như một ánh chớp lóe lên chiếu sáng mọi việc từ mười lăm năm trước, năm tôi lên 3 tuổi và ở trước cửa nhà ông ở phố Phủ Yên Khánh. Gia đình ông giáo Lợi là một gia đình công giáo nên có bàn thờ Chúa cực lộng lẫy. Người lớn cũng thích chứ đừng nói lũ trẻ con chúng tôi. Tôi hay sang chơi và được cả nhà ông yêu quý.
Trong gió chiều lành lạnh, Cụ Giáo Lợi ngậm ngùi kể chuyện gia đình cho tôi nghe:
“Cả nhà Bác đã tản cư về bên Cầu Cổ (bên kia Sông Đáy) ngang với Thị Xã Ninh Bình. Đầu năm vừa rồi bị Tây từ Nam Định càn ra, anh Châu con trai cụ giáo bị Giặc bắn chết. Con gái cụ Giáo, chị của Châu bị bệnh bẩm sinh, không xương, toàn thân mềm nhũn nên gia đình không đem chạy theo được, đành cứ nằm ở giường và bị Tây hãm hiếp ngay trước tượng Chúa Cứu Thế. Tuy không chết nhưng bây giờ cứ điên điên dại dại...” Câu chuyện được kể dưới ánh chiều và cơn gió lạnh mùa đông càng thêm thê thảm.
Tối đó tôi ngủ lại nhà Cụ Giáo Lợi. Khẩu súng ngắn mang theo được lôi ra khỏi cạp quần và để dưới gối. Lý do phải mang theo vũ khí vì vùng đó là vùng chịu ảnh hưởng về mọi mặt với lực lượng vũ trang công giáo Phát Diệm do Cha Quỳnh chỉ huy và do Pháp đỡ đầu. Cả vùng Ninh Bình là vùng xôi đỗ, an toàn đó và mất an toàn cũng ngay đó. Việc mang vũ khí hoàn toàn không phải chỉ lo xa?
Đêm nằm trằn trọc, không hiểu tại sao mình lại có thể nhận ra ông Giáo Lợi, người mà tôi đã xa ông mười lăm năm về trước, năm tôi mới lên 3 tuổi. Không ai có thể tin vào trí nhớ của một đứa trẻ lên ba, và chính tôi cũng không thể tin tôi có một trí nhớ như vậy. Chỉ có thể nhờ vào một tiềm năng siêu nhiên nào đó đã bất thình lình tỏa một ánh chớp vào một điểm vô thức nằm sẵn đâu đó, để tôi có thể kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện đã tám mươi hai năm.
Duyên nợ đã run rủi tôi còn trở lại với con đường 10 hai lần nữa trong Kháng chiến Chống Pháp. Chiến Zịch Quang Trung năm 1951, trong một đêm chúng tôi tiêu diệt cả Bích Đào và Yên Vệ, riêng Chùa Cao thì không dứt điểm được. Năm 1954, từ Diện Biên Phủ về, chúng tôi tham dự vào trận truy kích lịch sử, đuổi Tây rút khỏi Ninh Bình, Nam Định, và Hà Nam.

Kể đến đây. tôi chợt nhớ đến tiểu thuyết Bông Hồng Vàng của Pau-Tốp-Sky mà tôi đã đọc lâu lắm rồi, hình như có một liên hệ nào đó?
NGÀY GIA ĐÌNH,

Hôm nay 28 tháng 6 là Ngày Gia Đình, thế là lại phải có đôi điều với cái ngày náy.
Hai từ Gia đình nó có ý nghĩa với từng người tùy theo hoàn cảnh, nhưng có điều thống nhất là Gia Đình là gốc của Xã Hội. Cả một đời người thói thường là gắn với gia đình, nhưng hoàn cảnh của tôi khác.
Tôi xa gia đình từ những năm trọ học trên tỉnh. Gia đình tôi chạy bom Mỹ về quê ngoại. Chiều thứ 7 sau buổi học tôi được về với bố mẹ và em gái. Quãng đường xa hơn 4 cây số, tôi tự đặt mức, nếu qua được một cây số là tự thưởng cho mình một cái kẹo bột, thứ kéo một chinh hai cái, một xu năm cái. Cái trò trẻ con ấy ai ngờ tôi đã áp dụng cho suốt cuộc đời mình, luôn tự động viên, tự khen thưởng.
Ngày 15 tháng 7 năm 1947, tôi chính thức rời gia đình đi “thoát ly”, sau đó do tình hình chiến sự, bố già ốm đau, các em nhỏ dại, gia đình tôi về thành (rinh tê). Năm 1953 bố chết tại Hả Nội. Năm 1954 Mẹ tôi đưa các em tôi theo “Hụi” vào Nam, cũng tưởng hai năm sau trở lại. Ai ngờ cái mong ước đó phải 21 năm sau mới thực hiện nổi. Năm 1975, tôi đón mẹ tôi ra Bắc và đưa bà lên Yên Kỳ thăm mộ chồng. Bà viếng ông rồi quay lại dục tôi lấy vợ.
Cuộc sống cơm bếp tập thể, ngủ ván cá nhân kéo dài đã thành quen. Thật không ngờ thời gian qua nhanh làm vậy. Tết năm 1976, tôi khai bút bằng đôi câu đối:
Ba mươii năm, lo sự nghiệp chung, từng gánh hai vai, kiu kĩu kịt.
Bốn sáu tuổi, ngẫm bề gia cảnh, vẫn nghe một dạ, tểnh tềnh tênh
Đôi câu đối mà ý nghĩa và luật vận bằng trắc đối nhau chan chát. Giá có dịp đưa Nhà “Câu Đối Sĩ” Vũ Khiêu thì chắc cũng nhận “khuyên” của ông mà thôi.

Cuộc đời sau đó đến bây giờ tôi thực sự sống đời sống gia đình, có vợ có con rồi co cháu nội. Các con tôi nó cũng đã tự tách ra sống riêng, thỉnh thoảng gặp bí vẫn phôn về nhờ bố mẹ gỡ bí:
A lô! luộc lòng thì cho vào nước lạnh hay nước sôi?
Con phải nhớ nguyên tắc, thứ gì ăn nước thì hãy cho vào nước lạnh cho chất ngọt tiết ra, còn luộc lòng thì phải chờ nước thật sôi, mới nhúng lòng vào, rồi lại vớt ra để hơi nguội và nước sôi lại mới nhúng tiếp lần hai, độ vài lần, cắt ra một khúc thấy lòng hơi hồng hồng nhưng nước thì trong là được. Nhúng ngay lòng vào bát nước đá... Bảo đảm lòng sẽ ròn khầu khậu. Nếu không ròn thì đem sang mà bắt đền bố. Hê Hê! (nhớ kèm cút rượu quê).
Ý nghĩa gia đình lên tới tột đỉnh khi bố nó mở cửa xe và bảo con gái:”Con đỡ ông nội xuống!” một bàn tay nhỏ xíu chìa ra cho ông bám vào... Khi đó trong bụng ông nghĩ, không biết mình là cây nến gì? mà lung linh một gia đình!
Trở lại cái gia đình bị thu nhỏ hiện nay của tôi, các con cháu năm thì mười họa mới ghé về. Bố mẹ nó nhậu với ông bà còn các cháu thì đã có bất bún thần thánh mà bà đã dành riêng, bún mọc, nấm hương và trứng cút. Các cháu quen miệng nên khi bà hỏi: Con ăn gì? thì cái mồm chúm chím: Con ăn Búm!
Con cháu về rồi thì căn nhà hai tầng chỉ còn lại ông và bà. Nếu như thời trai trẻ thì hẳn ông bà sẽ bầy ra lắm game... Nhưng khọm hết rồi, giá có đang thay quần áo mà đối tượng bắt gặp thì cũng no problem, toàn thứ lòng thòng, nhũn nhéo như trong phim “Ma” chứ không có tí gì “Sex”.
Nhà hai tầng, ông ờ tầng dưới, bà ở tầng trên. Quá 7 giờ sáng mà chưa thấy bà xuống thì ông phải mò lên và nhìn xem chỗ bụng bà còn phập phồng thở không?
Cuộc đời cứ tưởng cái gia đình này sẽ diễn ra bình thường đến phút chót. Ai ngờ gần đây, nghe bạn bè khuyên bảo thế nào đó? Bà góp ý với tôi:
Viết gì thì viết, ngay cả việc kể những mối tình cũ của ông cũng được, thôi ngay những trò Kiến nghị với Tham luận chính trị đi. Nếu không tôi bắt buộc phải đơn phương tuyên bố “Vỡ Hụi”.
Ấy chết, thế này thì nguy rồi đây. Hàng ngày ngoài cơm thưòng hai chính, một phụ, thi thoảng bà chiếu cố cho một bữa “Obama” (Bún chả) với bia lạnh thế là thua kém gì Tổng Thống Mỹ, còn như bây giờ mà không nghe lời bà thì “toi đặc”. Tránh voi chẳng xấu mặt nào? đành chấp nhận tiếp tục “Kinh doanh đa cấp” với bà vợ già

 vậy.


THƯ NGỎ GỬI CON TRAI

Con yêu quý,
Bố vừa đọc thắc mắc của con, con không hiểu tại sao khi tầu của ta bị tầu của Trung Quốc đâm bẹp ruột ở Biển Đông, mà QĐNDVN lại ra thêm một phiên bản điện tử bằng tiếng Trung...? Bố cũng không hiểu và chỉ biết rằng, cùng lúc các Đài VTV, VOV, VNews, ANTV, QPVN, đều có tiết mục tiếng Trung. Nên chắc rằng vì cần thiết, không có không được.
Nước Việt Nam ta từ xưa đến nay, vẫn dùng thư tịch bằng “chứ Nho” (Hán tự), không chỉ riêng trong tổ chức nhà nước mà ngay trong cả giao dịch dân sự đều cũng qua thông cáo bằng chữ nho luôn. Ông ngoại của ông Nội con là Cụ Nghè Hoàng Kim Chung, con cụ Kim Chung là các bác anh của cụ Hoàng Thị Từ Yến (cụ Nội bà của con) đều là Cử nhân hoặc Tú Tài. Cụ Nội của con cũng là Tú Tài Đinh Gia Mô. Ông Nội con cũng đã lều chõng 3 lần thi Tú tài nhưng đều rớt, nhưng kiến thức của ông cũng đủ mở trường hàng Tổng dạy chữ Nho. Học trò của ông trong Tổng Quyển Sơn cũng nhiều...

Nếu không có cái ông Alexandre de Rhodes du nhập chữ Quốc ngữ chế ra từ tiếng Latin, thì có nhẽ đên 2016 này, dân ta vẫn lấy chữ Nho làm gốc.
Cho đến đời con, bây giờ con lấy được vợ biết tiếng Trung là một điều cực kỳ may mắn. Con phải biết trân trọng điều này, sau này mọi sự rắc rối đều có thể nhờ vợ con mà gỡ được. Nhân đây bố cũng muốn nói với các con, hướng dần cho các con nhỏ của con học tiếng Trung Quốc đi thì mới là thức thời. Ông mong một ngày nào đó ông được nghe các cháu chào ông: Ní hao, Ní hào!
Việc của ông là giữ gìn cẩn thận bản gia phả bằng chữ Nho, nhỡ sau này các cơ quan hộ tịch cần đến.
Viết đến đây, chợt từ Ti vi vẳng lại một điệu Ví Dặm Nghệ Tĩnh, tuy gọi là dân ca gốc của vùng này, nhưng tôi chợt phát hiện ra nếu thêm trống và chũm chọe vào “Tủng, tỏng, xủng xoẻng” thì có thể múa ương ca được đây
KHÔNG CÓ CÁI VẠ NÀO BẰNG CÁI VẠ MIỆNG...
(Ý kiến của một người chưa bao giờ là đảng viên)
Nhân nói đến vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Dân Tộc, Tổ Quốc và Xã Hội Việt Nam, nó liên quan đến Điều 4 trong Hiến Pháp nước ta. Ít lâu nay có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này: Để lại hay bỏ đi Điều 4 của Hiến pháp.
Vai trò của Đảng Lao Động trước kia, sau này là Đảng Cộng Sản, và những thắng lợi của Cách mạng Việt Nam do Đảng cùng toàn dân toàn quân đem lại, đều rất rõ ràng. Cho đến nay thì tất cả các đảng phái quốc nội, quốc ngoại đều không có một tổ chức nào có thể đặt ngang hàng hay có thể so sánh được.
Trong quá trình lãnh đạo của mình, Đảng Cộng Sản không phải không có những vấp váp, ngay cả những thất bại tạm thời cả lớn lẫn nhỏ... Nhưng bảo thay vào đấy một đảng lãnh đạo khác thì thành thật mà nói, chưa có chính đảng nào đủ tầm cỡ. Chưa có khuôn mặt nào sáng giá hơn.
Nhưng tự khẳng định vị trí của mình trong Hiến Pháp thì phải thật chuẩn về câu chữ, kẻo dễ gây phản cảm.
Hiến Pháp năm 1980, trong điều 4 có ghi:
“Đảng Cộng sản Việt Nam...là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội;”
Ý muốn nói là duy nhất đến muôn đời, chứ chỉ một giai đoạn thì nói làm thèm vào? Đây là một câu “Xưng Bá” không duy vật biện chứng một chút nào.
Đến năm 1992, do đã tỉnh hơn, nên điều 4 đã sửa lại dễ nghe hơn:
“Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. (bỏ chữ duy nhất, có nghĩa là không thừa nhận độc quyền.)
Và cho đến 2013 thì rõ ràng hơn:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Tôn chỉ như thế là rõ ràng. Không thể có quan điểm sai trái là đảng quyết định vận mệnh của dân tộc, mà đảng chỉ được sinh ra từ cao trào đấu tranh của dân tộc. Dân tộc là Mẹ Đảng là Con. Dân tộc ủy quyền cho Đảng lãnh đạo đất nước, giống như Mẹ trao quyền cho ông con cả quán xuyến gia tài.

Nhân vô thập toàn. Đảng Cộng Sản cũng thế, vẫn có thể lúc này lúc khác vấp váp. Nhưng trong sự nghiệp lãnh đạo của mình chỉ xin Đảng đừng một lần nữa mắc “sai lầm vĩ đại”, như những vụ Cải Cách Ruộng Đất, vụ án Xét Lại Chống Đảng, hay vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.
Từ chỗ ngồi trên tất cả và vĩnh viễn đến chỗ khép mình vào trong Hiến Pháp rồi thượng tôn Hiến Pháp, là những chuyển biến tiến bộ đáng kể. Đến lúc này thì ta thấy việc để hay bỏ Điều 4 Hiến Pháp là chuyện không cần bàn đến nữa. Chỉ mong sao Đảng nghiêm chỉnh thực thi khoản 3 Điều 4, để chứng minh mình, ngoài vai trò lãnh đạo còn mang nghĩa vụ của một tổ chức quần chúng. Không tự đặt ra một thứ luật pháp riêng để “xử lý nội bộ”. Cũng như không lấy lực lượng Công An làm lực lượng bảo vệ riêng cho mình. Điều này sẽ gạt bỏ tất cả mọi vướng mắc. Chỉ thêm một tí ti minh bạch nữa là hoàn hảo. Anh minh bạch một thì dân sẽ tin anh mười, là có thể hoan nghênh ĐCS (chứ hô ĐCS muôn năm thì lại không thực tế). Hãy học tập Trung Quốc. mạnh tay hơn với những kẻ vì lợi ích riêng mà chống lại đường lối chung. Hãy nhập Vắc sin Ăng Ti Lâm Bưu, Ăng ti Lưu Thiếu Kỳ, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và mới đây là Giang Trạch Dân... Muốn đảng mạnh, trước tiên là phải chuyên chính mạnh tay với nội bộ, để nội bộ được trong sạch.
Còn hai vấn đề nhỏ nữa, xin góp thêm với Đảng.
Một là vấn đề Chống Tham Nhũng. Ngày xưa Cụ Hồ đã có cuộc vận động Chống Tham Ô Lãng Phí, nói như thế nó đầy đủ hơn vì lãng phí cũng là tác nhân để gây thành tham ô. Lãng phí là “đem vứt bỏ cái gì đó mà giá trị sử dụng còn lâu dài” rồi xuất công quỹ mua bù cái khác. Hay đáng tiêu một thì chi đến mười. Không ai đem tiền vứt xuống sông xuống suối cả. Tiền không ném vào túi người này cũng rơi vào túi người khác. Bỗng nhiên nhận tiền không phải của mình thì chính là tham ô do lãng phí phát sinh, chứ còn gì nữa.
Cần phải phát động lại phong trào chống lãng phí song song với chống tham ô, không được coi nhẹ tội lãng phí. Đi liền với lãng phí là tham ô.

Hai là vấn đề tiết kiệm. Việc tiết kiệm trước tiên là giảm sự chi tiêu từ Ngân Quỹ, mà việc bớt đi 50% quỹ lương là việc cần làm ngay.
Trong tổng số 496 đại biểu quốc hội được bầu kỳ này (Khóa 14) thì có 475 là đảng viên. Tôi cho là nếu cả 496 người đều là đảng viên thì càng tốt chứ sao? Tôi chắc rằng đây cũng là mong muốn của Bộ Chính Trị.
Nếu như chất lượng của đảng viên là hơn hẳn quần chúng thì đây là một thắng lợi lớn. Nhưng bầu cử mới là bước khởi đầu, còn phải trông chờ vào các đại biểu khi đảm nhiệm chức trách mới, có đủ tâm đủ tầm hay không? Anh hay chị có thể là một đảng viên ưu tú nhưng vẫn có thể là một nhân viên tồi, nếu như nghiệp vụ chuyên môn về quản lý xã hội không có. Ngồi sau lưng người cưỡi ngựa khác với khi mình cầm cương. Nếu gặp trường hợp không như ý thì Quốc Hội cũng nên bỏ phiếu bãi nhiệm ngay, rôi thay thế vào đó một đại biểu khác có đủ tâm đủ tầm hơn bất kể là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Quốc Hội cần có vai trò thật của mình.
Tôt nhất là trong Chính Phủ hoàn toàn đảng viên ngồi vào các ghế chủ trì.

Tình hình thực tế ở ta hiện nay, bên cạnh bộ máy chính quyền Nhà Nước, tồn tại song song một bộ máy chính quyền Đảng. Tại sao những ông bà đảng viên đủ năng lực không tham chính ngay mà lại làm cố vấn hay kiểm soát viên bên cạnh để lương phải chi 2 lần cho 1 việc.
Tổng Bí Thư kiêm Tổng Thống, Chủ tịch kiêm bí thư v.v... Có phải gọn ghẽ biết bao? mà hiệu suất rứt khoat sẽ tăng cao hơn hẳn. Bớt vai trò cố vấn đi. Không hiểu một nhà nước mà toàn cố vấn thì sẽ như thế nào?
Mong rằng Đảng và các tổ chức của mình, cũng như từng đảng viên hãy đi đầu và gương mẫu trong việc thực hiện Hiến Pháp và chỉ thực hiện Hiến Pháp thôi. Đừng bầy ra lý này lẽ nọ để làm rối rắm thêm một việc mà bản thân nó đã rất phức tạp. Trong phong trào bỏ bớt tới bỏ hẳn ‘Giấy phép con” thì tôi thấy các loại giấy phép con về chính trị hơi nhiều và thường lạm dụng vai trò lãnh đạo.
Đồng thời cũng giúp đỡ dân chúng thực hiện Hiến Pháp cùng mình. Không thể bảo dân ăn cơm mà lại không đưa gạo... Xin hãy mau chóng chỉ đạo hoàn thiện tiến tới phổ biến những luật còn mơ hồ, trong đó có Luật Biểu Tình. Có cần xem lại xem có thực là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”? hay thuộc sở hữu của Quan chức các cấp. Nếu thông qua ngay được trong khóa họp đầu tiên của Quốc Hội khóa 14 thì càng tốt.

Các bạn thử hình dung xem cái nước Việt Nam mình bây giờ nó như thế nào? Nó giống như một con tầu với đầy đủ thủy thủ đoàn, đang rẽ nước giữa dòng thì hai bên bờ cũng một lực lượng thủy thủ thứ hai đông như thế, chạy theo con tầu, vác những chiếc sào, từ trên bờ thọc xuống chỉ đạo từ xa, hay thò tay vào đòi cầm lái từ trên bờ(?) Thử hỏi còn có gì phi lý và hài hước hơn... Trong khi đó thì ngân sách về tiền lương phải tăng gấp đôi. Thậm chí tăng gấp 3, hay 4 lần tùy nơi, tùy việc.
Trước hình ảnh này, mong mọi người hãy đừng cười suông, khóc hờ nữa! Hãy xắn tay áo lên, với tinh thần cứu nước, cứu lửa trước vận mệnh của dân tộc.
CON HỒ LÔ TINH Ở PHÍA ĐÔNG SÔNG TÔ LỊCH
(Thời sự Tâm linh)
Con Đường Bưởi vốn là con đê nối dài từ xưa của Đường La Thành, phía tây Thành Đại La và kèm bên sông Tô Lịch. Con đường một thời gắn với những sự kiện tâm linh như báu vật yểm dưới khúc sông của cầu Đông Quan, làm huyên náo dư luận một thời.
Con đường vốn là đường đê, nên nó chỉ nối liền một khúc. Từ khi có vốn ODA, người ta chủ trưong mở rộng vành đai, nên bây giờ ở quanh vùng Bưởi, nó đã chi chít đường lên đường xuống. Nó không còn là đường đê trị thủy nữa mà là đường vành đai giải tỏa ách tắc lưu thông. Ấy cũng vì cái sự mở mang này mà nó động chạm đến nhiều “long mạch”. Dẫn tới việc cái dàn khoan HD 981 đi nhầm vào lãnh hải Việt Nam mà cứ tưởng đây là đất của Đại Hán, rồi chuyện ông Tập Cận Bình nói lẫn nói lộn ở Quốc Hội Việt Nam, để khi đến Singapore phải cải chính lại v.v... Không biết cái việc vừa rồi 2 chiếc máy bay Su30MK2 với chiếc CASA thoát khỏi sự kiểm soát của Không Quân Việt Nam có do cái huyệt nào bị chọc thủng hay không? Duy có sự 3 cái ghế cao nhất trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam “đẻ non”, phải đẻ lại vào cái ngày Quốc Hội Khóa 14 sắp tới có hiệu lực thì đã rõ. Chỉ không hiểu đây là điềm sui hay điềm hên thì chưa dám khẳng định.
Thôi, không dông dài nữa mà xin kể vào việc tại chỗ. Việc đầu tiên là sự xuất hiện của Cần Cẩu Đại Vương, nó đập một hồi tan tành cả dẫy phố từ K.80 đến Chợ Bưởi. Hàng cây cổ thụ hai bên đường cũng bị cạo nhẵn nhụi. Cần cẩu Đại Vương vừa rút thì lũ Hồ Lô Tinh ầm ầm xông tới, đem theo cơn địa chấn thường trực 2 độ richter, mà tâm chấn nằm ngay dưới bụng con Hồ Lô và ngay trên mặt đường, chứ không ở độ sâu nào cả. Nhà cửa rung lắc liên tục, cái gì lún cứ lún cái gì nứt cứ nứt, ví như cái bình nóng lạnh của thảo dân này bị lắc gẫy ngay mối nối, nước nóng cứ ào ào đổ ra như hờn rỗi. Một mùa rét qua mà thân già không biết đến nước nóng, nên tốt nhất là chớ có tắm rửa gì hết, thà mang tiếng “kém tắm” chứ không thì hết hơi.
Bây giờ đã sắp hết tháng 6 mà hai con Hồ Lô Tinh vẫn rẫy rụa đêm ngày, nên cái bình nước nóng nếư có hàn lại thì nó cũng bẻ gẫy luôn. Tốt nhất là “Hãy đợi đấy!” Lấy chữ Nhẫn làm đầu.

Nghĩ cho cùng thì cái vận nước mới đáng lo, chứ cái việc nước nóng hay lạnh thì “Thả đỉa ba ba, rơi vào nhà nào nhà nấy phải chịu!”

ĐẾN LƯỢT TÔI NHIỄU SỰ...

TỪ TỜ BÁO ĐẾN TỜ BÁO...

Từ khi trên mạng xuất hiện Yahoo!360, và bây giờ là Facebook, còn có nhiều trang mạng khác nữa, nhưng không thân thiện và phổ biến như hai anh chàng này. Những anh chàng, chị chàng “ngứa mồm”. bèn lấy đó làm diễn đàn tự do, miễn phí để phát lên những chính kiến được sự quan tâm chung của nhiều người. Nhưng cũng không ít trường hợp lỡ phun nước miếng làm hoen ố trang mạng. Dù kết quả có là A hay Z cũng là được phép của ít ra là trang mạng đã đăng tải. Người viết, người đăng phải tự lượng tâm, lượng sức mà tung lên mạng cái thứ mà ít ra cũng phải có lợi cho riêng mình tác giả. Còn như có lợi cho nhiều người thì là một việc làm rất đáng hoan nghênh.
Trang mạng đã là tấm bánh chung, thì việc mỗi người cắn mấy miếng, to hay nhỏ là tùy sự tế nhị và biết điều của từng người. Đừng bao giờ lạm dụng và coi đó là Nhà Xuất Bản hay Nhà In riêng của mình. Mọi ngôn ngữ phải chừng mực và tế nhị, còn nếu không thể lịch sử và nhã nhặn thì mời ra đầu đường xó chợ. Thoải mái!

Nếu như nhà nước mình thực thi
LUẬT BÁO CHÍ

được quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1989
và đã được công bố thì làm gì có thể xẩy ra sự bức xúc đến quá ngôn, quá khích như ta đã gặp chỗ này, chỗ khác trên Facebook. Tiếc thay cả hai phía đều ra sức ép nhau đến phòi mỡ ra, mà ai đó cũng đều nhân danh dân chủ.
Cái đáng buồn là nhiều bài gọi là “báo” mà còn nhiều lỗi chính tả quá. Người ta đã khắc phục khiếm khuyết bằng cách “viết ngọng”, sáng tạo ra một thứ Esperanbé, thay cho Quốc tế ngữ Esperanto. Nhiều khi người đọc không thể hiểu người viết muốn nói gì? Tiếng Việt đã đến lúc phải đổ khuôn lại.

Vào nửa đầu của Thế kỷ 20, ở Hà Nội cũng như nhiều thị thành khác còn duy trì những địa chỉ “Công Công Xí Hổ” (Tiếng Việt chứ không phải tiếng Hán). Ai có dịp vào đó hẳn đã được tiếp xúc với một thứ trang offline WCBook.
Nhân tường nhà xí được thường xuyên quét vôi trắng làm vệ sinh, nên các văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ tha hồ phóng tác lên đó, mà đặc sắc hơn là vẫn kèm những Like, Comment, Share...
Có một thi phẩm:
Em ơi chớ vội bồn chồn,
đến năm mười sáu là ... có lông.
Mười bẩy chỗ có chỗ không,
đến năm mười tám là lông mọc đều.
Mười chín lông rất gợi khêu,
hai mươi, hai mốt đáng yêu vô cùng...

Bên cạnh có một comment:
Chuẩn nhưng chưa được chỉnh!

Sang Đông Đức vào những năm 70, vào Hố xí Otsbanhof (Nhà ga Trung tâm Berlin)
thấy một Stt của một ông Ba Lan: Tôi rất muốn một cái... của con gái Đức xem có gì khác với Ba Lan? Có ký tên và địa chỉ đàng hoàng.
Ấy là vào thời kỳ các trang mạng vẫn chưa ra đời nhưng xu thế đòi tự do phát biểu đã nóng hừng hực như thế, trách gì khi có điều kiện thì người ta chen nhau, tranh nhau lên tầu, cho đến khi con tầu lật úp thì... thôi.
HAY NHIỄU SỰ LÀ GIỐNG CHÓ
 
Nói thế có oan cho cái giống chó không nhỉ ? Chứ cái chuyện đẩu chuyện đâu, không liên quan gì đến mình mà cũng “nhúng mõm” vào, thử hỏi không nhiễu sự thì là cái gì ?
ở trên đời này, bất cứ chuyện nhiễu sự nào, cũng đều đem đến cho nguời ta cái sự bực mình. Nhng phải nói rằng : Cái anh chó mà nhiễu sự là bực mình nhất, bực phát điên lên được.
Có người động vào cổng, có người lạ vào nhà, chó sủa toáng lên đã đi một nhẽ. Đằng này, vợ chồng người ta cãi nhau ở bên hàng xóm, cũng chõ mõm vào. Trẻ con nô đùa ngoài ngõ cũng hộc lên can thiệp. Chủ vừa thiêm thiếp giấc nồng, chợt có chú cún con nào đó lách nhách ở xóm xa, thế là cẩu ta chồm lên gâu gâu đến váng cả tai, quát cũng không thôi, cứ gâu gâu gâu gâu từng khổ tứ tuyệt, buộc chủ phải dùng đến “biện pháp mạnh” mà vẫn chưa tâm phục khẩu phục, vẫn gầm gừ cãi lại. Khủng khiếp nhất là cái khúc “Liên hoàn sủa”. Chó gần chó xa cùng thi nhau lên tiếng. Ô hay ! Chúng cãi nhau, hay chúng hưởng ứng cái chuyện gì ? Mà cứ ỏm tỏi cả lên ! Dẫu sao thì cái trận chiến (Khẩu chiến) vượt qua biên giới này, người ta cũng đành bó tay, mặc cho nó kéo đến bao giờ chán thì thôi. Đố can thiệp được. Đấy là những trường hợp cẩu ta nhiễu sự do có khách quan tác động vào. Còn cái chuyện “sủa trăng” mới thậm là vô lí. Chị Hằng mãi tít trên cao, hiền lành là thế, hoà bình là thế, chẳng hề gây gổ với ai, mà cũng hếch mõm lên quát từng chập. Như có ý khoe với mọi ngời cái lối “thưởng trăng” đặc biệt, rất là Chó.
Đêm thu thanh vắng, tiếng võng đưa kẽo kẹt, đan xen với lời ru ngai ngái của người vợ trẻ. Thi sĩ ta cũng đang mơ màng với một tứ thơ. Chẳng biết vì đâu cẩu ta bỗng “tru” lên một tràng, thế là bé giật thót mình, khóc ré. Nàng Thơ bị xua đuổi phũ phàng cũng đã bỏ đi. Để lại tình thơ vì thế bẽ bàng ... Rồi lại những vị nhập thiền, đang trong tư thế kiết già, chìm đắm vào vô thức, cũng bị cái lũ chó vô ý thức lôi ngài ra khỏi cơn vô thức, đẩy ngài trở lại thực tại ồn ào. Hỏi thế làm sao mà giữ được chữ “nhẫn” ?
Chao ôi ! Những tội lỗi như thế, do cái giống chó gây ra (mà chắc chắn chỉ là vô tình thôi !) hình như không thể tha thứ. Nên những đao phủ lừng danh như Tú Béo, Tuấn Béo, Nhung Béo v.v... đã áp dụng khung hình phạt cao nhất, không để cho những mụ cẩu, những chú chó có thời gian và điều kiện mà khóc đứng khóc ngồi nhắn nhe mẹ nó : - “Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng !” Cái gì ? Chứ riềng thì người ta đã muối sẵn từng vại, giã nhiễn từng thau, không bao giờ sợ thiếu.
Hoá kiếp rồi, những cái tên riêng như Mực như Vàng, Kiki, Mích, Ních, Vằn Vện gì cũng đều mang cái tên chung là mộc tồn với phụ danh là gia truyền hoặc bẩy món !
Vì không cố tình mà bị chết oan, nên những linh hồn chó khó bề siêu thoát. Người ta đồn rằng : Những tay giết chó, có thể kiếm lời từ khoản mộc tồn mà phất lên nhanh chóng, nhưng rứt khoát không bền. Chẳng thế mà có nhà giết phải chó điên, dính rớt dính rãi thế nào mà “bương” cả nhà. Nghe đến phát ớn, nhưng cũng còn bán tín bán nghi cái chuyện “Chó báo oán”. Riêng cái chuyện “nhiễu nhương” đã nói tới ở trên thì hình như chó cũng ám vào những người can tội “diệt chủng” với loài chó má. Không tin, xin mời các vị cứ đảo qua những địa chỉ các đao phủ đã nói ở trên, thì sẽ thấy ngay quang cảnh : Thây cháy thui xếp lớp chồng chất, thủ cấp lăn lóc hàng đống, ruột gan lòng thòng từng cuộn từng cuộn. Xương cốt bị chém bị chặt nghe tiếng vỡ cứ rôm rốp rôm rốp. Chó chết rồi làm sao còn tru còn sủa ? ấy thế nhng đã bảo oan hồn nó ám vào mà lị. Nó ám vào những người chuyên giết thịt chó. Mặt mũi họ vẫn bình thường, ta nhìn vào đó chẳng thấy có gì. Nhưng lạ cho cái lũ chó ! Hễ thấy bóng dáng những người này là chúng chồm lên sủa rất dữ tợn. Tiếc rằng ta không có viên ngọc để có thể nghe hiểu tiếng nói của các loài vật, chứ nếu có thì hẳn nghe thấy những tràng “đả đảo, đả đảo!” đầy phẫn nộ.
Nó còn ám vào những người đang nhai thịt nó. Bàn trong, bàn ngoài, trên gác dưới nhà, cứ ầm ầm không dứt. Bàn này nói đã to, bàn kia lại phải gào to hơn. Cứ như có hồn chó nhập đồng vào vậy. Này ! bạn cho tôi hỏi : - Đã bao giờ con chó sủa theo lại sủa bé hơn con chó cất giọng đầu tiên ? Không ! Cứ ngày càng to, ngày càng rộng khắp. Nhất là với những con cùng giống. Còn với khác giống thì ít khi thấy chúng to tiếng với nhau. (ít khi thôi, chứ cũng có lúc oẳng nhau ra trò) Hình như chúng cũng biết thì thầm thì phải ? Đấy cứ thử nhìn lại cái bàn phía trong cùng, có đôi nam nữ đang nhỏ nhẹ cùng nhau thưởng thức mộc tồn. Họ chỉ liếc nhìn nhau, chứ có đâu cứ gào tướng lên như các bàn bên cạnh.
Tội ở chỗ, khi được sủa free thì con sau thường cao giọng hơn con trước, nên cái sự ồn ào hỗn loạn thường tăng theo cấp số nhân.