Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015


         
Đầu súng trăng treo

Thân mến tặng các bạn Bùi văn Ba, Hoàng Hải, Bùi hữu Chiến ...và những bạn từng ngồi chung chiếu “Tiếp quản” !
                                        
Tuyệt vời !
Thật không dám khen “Phò Mã tốt áo”. Nhưng phải công nhận rằng : Ông “Nhà Thơ - Hoạ Sĩ” này đã vẽ nên bức tranh tuyệt vời. Trước khi bước vào trận đánh, chờ giặc tới mà lại đem treo “Chị Hằng” vào đầu mũi súng ! Thì hỏi rằng : Đánh giặc có khác chi làm thơ ? Lại nữa, còn rất dân dã. Bức tranh ông vẽ nó phảng phất bút pháp của dòng “Tranh Bờ Hồ”. Các tác giả của những họa phẩm này, thường cao hứng đặt vào tranh những cánh buồm, những mảnh trăng vào chỗ bất ngờ nhất. Tăng thêm cảm hứng cho người từ vùng quê lên thành phố mua tranh.

Không biết tác giả định cho anh chiến sĩ quan sát vầng trăng ở tư thế nào ? Nhưng nếu được tả toàn cảnh bức tranh, thì tôi sẽ cho hai anh chiến sĩ nằm gác chân lên nhau. Truyền cho nhau hơi ấm đồng đội, xua đi cái lành lạnh đầu thu, chung tâm trạng hồi hộp sắp vào trận đánh ... Chợt trở mình và thấy mảnh trăng hạ huyền mắc vào đầu khẩu súng trường ghếch trên bụi Mua bên gối. Một đêm lại sắp qua ! Cái cảm giác này, chỉ những người đã từng chung chiến hào mới biết nâng niu, trân trọng. Cái cảm giác yên bình đối với người bên cạnh.
Tôi chuyển ngành, ra ngoài quân đội đã lâu. Nhưng vào đầu năm 1975 lại được sống cái không khí náo nức mỗi khi vào mùa chiến dịch. Cũng ba lô cóc, tăng võng, mũ tai bèo ... Hệt một anh chiến sĩ giải phóng !
Mũi một lên đường trước chừng mươi ngày gì đó, do anh Tư T. làm trưởng đoàn. Mũi hai chúng tôi xuất phát vào sáng ngày 29 tháng 4 – 1975 do anh L.V dẫn đầu. “Thê đội 2” này là một “binh chủng hợp thành”, không thể thiếu, nếu muốn phát triển và củng cố vững chắc, sau khi “đầu cầu” đã được đánh chiếm. Như thế có nghĩa là : Tuy hai mũi, nhưng chung một nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở truyền hình của đối phương, khi có điều kiện. Còn một đặc điểm chung là đều xuất phát trước giờ giải phóng. Mũi một tiếp quản đài chiều ngày 30/4/1975, thì mũi hai vào chậm ba ngày, chiều 3/5/1975 mới hiệp quân được với mũi một.
Chuyện không có gì đáng nói, nếu như sau này, ai đó không có sự ngộ nhận, dẫn đến biến cái vinh dự của ngày 30 ấy thành cái thế độc tôn ... ngay cả với chiến hữu của mình ! Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi ? Hay hồn ma bóng quỷ từ thời Trịnh-Nguyễn lại hiện hình ở thế kỷ hai mươi này ?
Ngay giữa sân Đài Truyền Hình Giải Phóng tập hợp 4 lực lượng :
- Người cũ của Đài Sài Gòn ở lại bàn giao.
- Người từ căn cứ kháng chiến ® tiến vào.
- Người đi tập kết từ năm 1954 trở về.
- Người Miền Bắc tham gia tiếp quản.
Đến đây xin phép cho tôi tạm dẹp cái hình ảnh thơ mộng “Đầu súng trăng treo”, để nói lên một sự thật phũ phàng.  Những hình ảnh không ai muốn có. Những hình ảnh không ngờ mà có.
Biết thân biết phận, nên cái lực lượng thuộc chế độ cũ, không dám ho he hóc hách ... Chờ những quyết định ban ra từ ”Quý anh Giải phóng”.
Lực lượng Miền Bắc, tăng cường cho tiếp quản, cũng thấy rõ cái vị trí “phết phẩy” của mình.
Duy chỉ có hai lực lượng, gốc là Miền Nam, nhưng một là qua tập kết, được đào tạo những kiến thức cơ bản để tiếp quản. Một là lực lượng đã có “công lao” trụ lại, nay từ bưng biền trở về giải phóng quê hương. Cái “chiếu trên”, “chiếu dưới”, lúc này mới thực sự thành vấn đề. Tất nhiên lực lượng tại chỗ, lực lượng “Rờ” phải độc chiếm thượng phong. Mặc cho những nấm mồ viễn xứ, tuy đã lên đến hàng triệu vẫn trở thành đồ rởm (?) Hai lực lượng “Ngụy” và “Miền Bắc” có trở thành ngoại đạo, cũng là chuyện tất nhiên !

Đơn cử mấy chuyện dưới đây :
Không biết nẩy sinh từ những mâu thuẫn nào ? Mà một anh lái xe Miền Bắc, nguyên Bí thư Chi Bộ ... (Vì sợ mang tiếng nặc danh, nên xin nói tên thật) Anh Hoàng Hải, đã đứng giữa sân đài Truyền hình (Sài Gòn) gào lên :
- Thằng “7” T. kia ! Mày có nghĩ ngày nào sẽ quay lại Miền Bắc không ? Tao thề sẽ nhổ vào bộ mặt chó má của mày ! ...
Các xe từ Uỷ ban Phát Thanh Truyền Hình Miền Bắc vào, khi quay ra đều được lật cả cốp xe lên kiểm soát, giữa sân Đài và trước mặt những anh em của “Chế độ cũ”. Cái gì có thể nói ở đây ? Sự nghiêm chỉnh hay lòng đố kỵ được nguỵ trang ? Nói trắng ra là anh 7 sợ người ta chuyển hết hàng từ Miền Nam ra Miền Bắc. Cái nơi đã thắt lưng buộc bụng nuôi anh ta khôn lớn, dành đủ đặc quyền đặc lợi cho những đứa con xa xứ xa nhà. Đào tạo anh ta nên người để anh ta có đủ năng lực làm “Cách mạng Rờ”. Thật là vu vơ và hồ đồ, vì nếu có thế thì còn đâu chiếc Phôn Va Ghen để ngày ngày anh tự lái đưa chị 7 đến Đài ?
Đồng chí ĐTH, thường vụ duy nhất từ Đảng Uỷ Miền Bắc cử vào, cũng sớm bị quy là quan hệ vô nguyên tắc với gia đình sống ở Miền Nam (?) Đó là quan hệ giữa ông bố già và anh con trai xa nhà hơn 20 năm đi tập kết. Thật không còn gì mỉa mai hơn ?
Ông VTD, thời đó là phó tổng biên tập của Đài Truyền hình Việt Nam, khi nhắc đến anh 7, đã phải cay đắng thốt lên :
- Ôi cái thằng ? Nó là em vợ mình đấy ! Nhưng ngay với mình, nó đối xử cũng có ra sao đâu, nói chi ... ?
Tôi đau lòng phải dẫn ra những điều phi đồng chí, thiếu đồng loại ấy để chứng minh giấc mộng “Đầu súng trăng treo” đã phút chốc trở nên hão huyền !
Dẫn ra một số chuyện để thấy cái hiện tượng kỳ thị ấy đâu có phải là cá biệt ? Trước khi vào câu chuyện của tôi. Một anh chàng Miền Bắc được cử đi tiếp quản. Ngoài cái nhiệt tình và trình độ cần thiết ra, không còn cái danh hiệu gì bảo đảm thêm. Tuy đã được nhiều lần lãnh đạo ngành, giới thiệu là nằm trong mớ “những viên gạch đầu tiên”, được đào tạo ở nước ngoài, nhưng lại vẫn ... không Đoàn, không Đảng. Như thế có nghĩa là : Trước anh 7, tôi chỉ là con tép riu, còn anh 7 lại là tay nhậu mắm có cỡ ! Một điều nữa là tôi vốn chủ quan, nghĩ rằng đúng là cứ làm, nên khi anh 7 và lực lượng của anh dương bẫy ra thì tôi sập bẫy là cái chắc.      Than ôi !


Như đã kể ở “ KỶ NIỆM TIẾP QUẢN ”, năm 1975, tôi tiếp quản phần Văn Nghệ của Đài Truyền hình Sài Gòn. (Sau 30 tháng 4 đổi là Đài Truyền hình Giải Phóng). Tôi có một cái “hớ” (đó là bạn bè phê tôi, chứ tôi không cho rằng mình hớ) là ở ngay vào nhà một ông “Chuẩn tướng Ngụy”. Ông Phan duy Du. Ông này là bạn thân với gia đình bà cô bên ngoại của tôi. Bà Hoàng thị Phương đã nói với ông bà Du cho tôi ở nhờ để đi làm cho tiện vì nhà gần Đài. 39 Duy Tân với 9 Hồng Thập Tự chỉ một quãng đường.
Tôi không biết rằng ngôi nhà đó đã nằm trong tầm ngắm của một cái anh “4R” nào đó. Anh ta đã chiếm 3 căn hộ phía ngoài và tính làm nốt cả cái căn hộ của ông bà Du cho nó gọn một con hẻm. Để “làm cơ quan”. Thế là vô tình tôi đã thành vật chướng ngại trên “con đường giải phóng” của anh 4R. Tôi đã là cái gai nằm trong mắt quý anh 4. Không biết quý anh đã làm thế nào mà hư cấu nên cái lý lịch sặc mùi phản động, gán cho tôi ?
- Liên hệ với CIA. (hẳn là vì đã ở nhà ông Du ?)
- Chiều chiều đưa xe tải đi hôi tài sản, của đồng bào bên kia Cầu chữ Y. (dù cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết cái Cầu chữ Y hình thù nó ra sao ? Nó là i dài hay i ngắn ?)
Chỉ chừng ấy tội thôi, một là “Gián Điệp”, hai là “Thổ Phỉ”  đã đủ cho tôi lãnh án “Bóc lịch dài dài” thậm chí có thể “Dựa cột” ! Khi nghe LMK cán bộ cùng tiếp quản (thậm chí còn là Xếp của tôi nữa), cho biết : Trong một cuộc họp nội bộ, 7R phụ trách bảo vệ đã thông báo như thế (?) “Dzậy” là kịch bản đã hoàn thành !
ĐTH cũng có lời khuyên với tôi :
- Cậu nên nhớ rằng : Mình là thường vụ duy nhất vào đây, thế mà cũng bị “xơi” mất một chân ! ... ở hoàn cảnh cậu, phải hết sức thận trọng !
Thân phận tôi lúc này thật là bèo bọt.Tôi nói với lái xe Bùi văn Ba, trưa nay đưa tôi về nhà, nghỉ trưa với tôi, rồi chuyển dùm đồ đạc cho tôi về Hiền Vương. Nơi Lê Nuôi cùng một số anh em tạm trú. Khoảng một giờ trưa hôm đó, chúng tôi khởi hành. Chiếc Com măng ca đít vuông vừa quành ra khỏi đầu hẻm, thì thấy phía trong rầm rập mấy chú bảo vệ, xách AKA đuổi theo, miệng hô xe dừng lại. Xe không dừng, mà các chú cũng không dám nổ súng. Khi ấy tôi mới biết là mình vừa qua một cửa ải và đã bị chém hụt.
Ở Hiền Vương chưa nóng chỗ, tôi lại phải chuyển về Cao Thắng. Trả lại chỗ cho anh em được phân chính thức ở đây. Thôi thì “Trâu chậm uống nước đục”, chịu khó leo lầu cao vậy. Những chỗ thuận lợi thì anh em đã ở kín. Tôi cùng Dương Minh Nguyên, Nguyễn Ngọc Ngoạn làm xóm giềng với nhau ở lầu 3. Tính ở lâu dài, nên cũng như các anh em khác, tôi sắm dần cho mình một số tiện nghi. Sau này khi thấy “cái mòi” nhân duyên không thể kham nổi. Tôi đã phải xin với Già Làng TL cho tôi khăn gói về với mẹ đẻ. Đài TH Giải phóng chấp thuận, và báo cho tôi biết chuẩn bị bàn giao để “Ô rơ lui”. Tin “Nội tuyến” cho tôi hay :
- Cậu cẩn thận ! sẽ có vây ráp và lột sạch đấy !
Hú hồn hú vía, tôi tuyên bố với bạn bè, những đồ đạc cồng kềnh, tiện nghi cho cuộc sống mới sắm, ai thích cái gì thì xin cứ “tuỳ nghi di tản” Tôi nhờ lái xe Bùi hữu Chiến lặng lẽ giúp tôi tản cư xa vùng khói lửa hơn.  Một lần nữa tôi lại luồn vây và chạy thoát cửa ải thứ hai.
Về trú nhờ nhà ông Phạm văn Quý (cậu ruột của Nguyễn Thành). ở Nguyễn Cư Trinh được vài ba ngày, thì thấy trong ngõ ngoài đường lại lảng vảng những bóng dáng khả nghi. Biết là có động, nên phải gấp rút chuyển sang kế hoạch B.
Bà con khối phố bỗng thấy một cái xe của Hải Quân Cách Mạng dừng ở đầu hẻm. Trên xe nhẩy xuống toàn Thiếu tá, Đại Uý, vũ khí cá nhân tề chỉnh rầm rập tiến vào căn hộ của ông Quý, tịch thu đồ đạc và “áp giải” một người vừa đến trú ngụ ra xe. Chiếc xe nổ máy trực chỉ doanh trại 16 Lê Thánh Tôn. (Căn cứ cũ của Lữ Thuỷ Quân Lục Chiến Sài Gòn) Xe vừa dừng bánh ở giữa sân thì đã thấy các cán bộ diễn viên nam nữ của Đoàn Văn Công Hải Quân ùa ra đón. Người bị “áp giải” hôm đó chính là tôi. Tôi lại thoát cửa ải thứ 3, với cảm giác hơi lạnh, lưỡi gươm của những Quý anh 2, anh 3, anh 4R ... vừa sợt qua gáy.
Về đến đây thì tôi đã có điều kiện ăn ngon ngủ yên. Giả dụ nếu tôi là tội phạm đào tẩu thì có thoát đằng trời. Trốn vào đâu được. Một cái lệnh là xong. Nhưng khốn nạn, đây chỉ là một sự trù úm, mang tính hiềm khích, một cuộc “Ngậm máu phun người”... Nên cái doanh trại quân đội này hẳn không có sân khấu để diễn cái trò hề ấy.
Hạ tuần tháng 8 âm lịch, anh em giúp tôi chuyển đồ xuống tầu. Tiền Phương Hải Quân điện về căn cứ, đề nghị hết sức giúp đỡ tôi, vì tôi đã giúp đỡ nhiều cho binh chủng. Một con tầu 200 tấn, loại tầu duyên hải, men theo bờ biển Việt Nam Thống Nhất. Ghé Nha Trang, ghé Quy Nhơn, ghé Đà Nẵng ... Hải trình 11 ngày mới trông thấy Hải đăng Hòn Dáu. Tầu cặp quân cảng Hải Phòng vào ngày thứ 12. Chuyến đi này, cùng đi có Thanh Phúc. Hai chúng tôi liên hoan với hải thuyền một bữa thoả thuê rồi mới chuyển đồ lên quân cảng. Tối hôm đó Phòng Chính trị cho một buổi chiếu phim. Xem phim xong, vào khoảng nửa đêm, anh em lại giúp tôi và Thanh Phúc đi nhờ chiếc ô tô chiếu phim, vượt Bến Bính về doanh trại Bộ Tư Lệnh. Nhờ có chuyến công tác của Thiếu tá Bình Lâm, chúng tôi theo xe anh về Hà Nội. Anh Bình Lâm đã đưa chúng tôi về với tổ ấm yên bình trên đất Bắc.
Phải một thời gian sau, Ân, một chú công an mới nói với tôi những điều mà tôi không hề hay biết. Ân nói :
- Khi biết anh đã “chạy” vào Tiền phương Hải quân, trong đó bố trí theo rõi, khi nào anh lên xe rút theo đường bộ, thì tổ chức vây bắt. Sau đó biết  anh đã theo tầu Hải Quân ra Bắc, thì giao nhiệm vụ chúng em đón lõng ở Bến Bính. Cất vó anh ở đấy. Nhưng phục mãi vẫn không thấy anh đâu, cuối cùng thì được biết anh đã về Hà Nội an toàn.
Lúc đó tôi đã mường tượng ra hai cửa ải nữa, không kém phần quyết liệt do các “chiến hữu”  của tôi đã bố trí để đón tiếp tôi ???
Nói đến tình chiến hữu, tôi chợt nhớ lại câu thơ “Đầu súng trăng treo”  của nhà thơ Chính Hữu ! Nhưng hỡi ôi ! Tuy cuộc “ù té” xẩy ra vào giữa tuần trăng, nhưng tôi mải cắm đầu cắm cổ chạy. Có kịp ngửng mặt lên đâu, mà biết mảnh trăng nó treo vào cái gì ? Có đúng vào đầu súng hay không ?

                                        *

Phụ Lục :
1/ Ở nhà ông Phan Duy Du, tôi đã làm hai việc : Một là khuyên ông Du bàn giao bản sơ đồ mạng lưới cáp ngầm từ Việt Nam đi Mỹ. Hai là động viên ông Du đi tập trung học tập. Trấn an để bà Hoàn (vợ ông Du) Yên tâm không có chuyện hành hạ trả thù đối với ông Du.
2/ Tôi đã giúp mua rất nhiều trang thiết bị điện tử, để trang bị cho một số đoàn Văn công Quân đội Miền Bắc. Tôi cũng trang bị một số thiết bị điện tử. Khi mang ra cũng có giấy phép do Ban Quân Quản Đài Truyền Hình Giải Phóng cấp. Những thiết bị này tôi đã dùng trong giai đoạn thí nghiệm Truyền Hình Mầu 1978 – 1981 của ngành Truyền Hình. Ngoài ra không có vật dụng gì khác. Giấy phép do ông Phó ban Quân Quản ký, hiện tôi còn giữ làm kỷ niệm. (Các chú đón lõng tôi ở Bến Bính hẳn cũng khó “xực”).
3/ Còn về cái nhân vật “7R”, tôi chỉ xin nhắc lại màn kịch bi hài khi nguyên bí thư chi bộ Hoàng Hải, trước khi rời Sègòòng ra Bắc đã đứng giữa sân Đài,  mà ca một khúc theo điệu “Khổng Minh toạ lầu” :
- Tên 7 T. kia ! Mi có nghĩ là có lúc nào đó ? ... (Không thấy bảo vệ xông ra túm cổ tên ăn nói hỗn xược). Tôi hơi nghi ngờ sự nhẫn nhục ấy.

Gần ba chục năm trôi qua, khi kể lại câu chuyện nhơm nhếch này, tôi cứ có mặc cảm là đã vạch áo cho người xem lưng. Mà nghĩ cho cùng, có vén áo lên, lộ ra cái lưng ghẻ lở, để người ta xức thuốc cho thì có điều chi mà “mắc cỡ” ?
Cuối cùng. Trở lại với ý tưởng thơ mộng về trăng và súng đêm chiến hào, thì : Một khi bói không ra tình đồng đội thì thi sĩ nào có nổi cái “Inspiration poétique” đầu súng trăng treo ?

 

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015


Trao thưởng độc giả giành giải cuộc thi viết "45 năm VTV"
VTV NewsCập nhật 13:45:00 ngày 11/09/2015
VTV.vn - Sau hơn một tháng tổ chức, cuộc thi viết "45 năm VTV" đã thu hút hàng trăm độc giả tham gia dự thi viết bài, bày tỏ tình cảm sâu sắc đối với Đài Truyền hình Việt Nam.
Vào 14h00 ngày hôm nay (11/9), Báo điện tử VTV News đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “45 năm VTV" nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam (7/9/1970 - 7/9/2015).
Sau hơn một tháng khởi động, BTC cuộc thi đã nhận được hàng trăm bài thi của độc giả ở khắp mọi miền Tổ quốc gửi về tham dự. Trong đó, có rất nhiều bài viết chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm sâu sắc và gắn bó của khán giả đối với Đài Truyền hình Việt Nam trong suốt chặng đường 45 năm phát triển vừa qua. Trong số các tác phẩm dự thi, BTC đã chọn ra 10 bài viết xuất sắc nhất để trao giải.
Danh sách độc giả nhận giải thưởng cuộc thi viết 45 năm VTV
VTV.vn - Ban Tổ chức sẽ trao thưởng cho các khán giả có bài viết xuất sắc vào 14h ngày mai (11/9) tại tòa soạn Báo điện tử VTV News.
Tại buổi lễ trao giải, bà Vũ Thanh Thủy - Tổng biên tập Báo điện tử VTV News đã gửi lời chúc mừng và cảm ơn đến các độc giả tham gia cuộc thi cũng như trực tiếp trao tặng những món quà ý nghĩa đến các bạn đọc đã giành được giải thưởng.

Bác Nam Hà (Ba Đình, Hà Nội) - tác giả lớn tuổi nhất của cuộc thi đã dành rất nhiều tâm huyết trong các bài dự thi của mình.

Bác Nguyễn Nguyên Tản (Hưng Yên) - thạc sĩ Văn học đã có bài viết nhiều cảm xúc dành cho Đài Truyền hình Việt Nam. Bác cũng đã sáng tác bài thơ "Những bộ phim lên sóng" để dành tặng VTV.

Anh trai của bạn Nguyễn Diễm Quỳnh (Tứ Kỳ, Hải Dương) cũng đã đại diện cho em gái để đến nhận giải thưởng. Bạn Nguyễn Diễm Quỳnh (sinh năm 1999) hiện đang là học sinh lớp 11. Trong bài dự thi của mình, Diễm Quỳnh đã chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ gắn với VTV.
Với những độc giả ở xa, BTC sẽ gửi phần thưởng qua đường bưu điện theo địa chỉ đã đăng ký.
Một lần nữa, BTC cuộc thi viết "45 năm VTV" xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các độc giả đã gửi bài viết tham dự và hy vọng rằng khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ cũng như dành tình cảm yêu mến cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trong tương lai.