Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

NGƯỜI BUÔN GIÓ

Trước đó, tôi có đọc trên Yahoo 360 mấy bài việt của một blogger có nick Người Buôn Gió. Tôi thích cái văn phong ngồ ngộ của anh chàng này.
Chợt một hôm hắn ào đến tôi như một cơn gió, cuốn tôi về cái tổ ấm của hắn bên khu Nghĩa Tân, chiêu đãi tôi món gà chọi do chính tay Trang Hạ chế biến. Toàn những bộ mặt đến đây mới quen. Tàn rượu, đã ngà ngà, hắn và hai chiếc xe, có bạn hắn hộ tống lại đưa tôi về tận nhà.
Ít lâu sau, con gái tôi Hồ Lan từ Sài Gòn điện ra hỏi tôi: Bố có biết Người Buôn Gió không? - Biết!... Chỉ có thế vì cái quan hệ Blogger như thế là quá đủ.
Bẵng đi. Tôi được biết hắn đã ở Weimar, cái nơi mà năm 1973 tôi đã thăm mấy hầm mộ và những nghĩa trang ở đó. Rồi bây giờ tôi lại tình cờ thấy hắn trên Facebook, trả lời phỏng vấn của cái tên Điếu Cày Điếu Bát nào đó. Nhấn vào nút kết bạn, liền được trả lời: Ông này hết chỗ chứa bạn rồi vì bạn ông quá đông.
Thôi thế cũng được, Bầu trời mênh mông, Internet chằng chịt, chẳng gặp chổ này thì gặp chỗ khác. Chẳng lúc này thì lúc khác, chưa hết hơi là còn gặp.

Linhgia tức Nam Hà Đinh.
XỬ LÝ NỘI BỘ
Sau vụ án mạng nội bộ vừa mang tính hình sự vừa mang tính chính trị, vừa xẩy ra ở Yên Bái. Tôi tán thành quyết định của chính quyến: không khởi tố hình sự với lý do kẻ gây án cũng đã chết, nên mất đối tượng (?).
Đúng thế, vụ án này nên chôn ngay, chôn sâu và khử trùng để chống lây lan gây ra hậu quả không lường. Xét cho cùng thủ phạm gây ra vụ án này có cái gốc rễ từ ý thức coi thường Hiến Pháp, dẫm lên luật pháp và chủ trương “xử lý nội bộ”. Tự đặt ra những điều khoản nằm ngoài Hiến pháp mang tính luật rừng.
Xét trong “Phe ta”, theo lịch sử Bôn Sê Vích, thì ông Staline đã từng tiêu diệt cả một trung đoàn Ba Lan. Hay bắt những đồng chí lãnh đạo ngay trong hội nghị và đầy thẳng đi Si Bê Ri, chịu đầy ải khốc liệt và chết rục tại đó. Bên nước Trung Hoa vĩ đại thì lại càng khủng khiếp hơn, mà điển hình là vụ thảm sát Thiên An Môn và vụ mời gia đình Lâm Bưu vào Trung Nam Hải tiệc tùng khoản đãi, rồi khi ra về Mao Trạch Đông đã cho một khẩu đội súng chống tăng, phục kích bắn nổ tung xe, giết cả nhà. Chính Chu Ân Lại đã thị sát và công nhận kết quả mỹ mãn.
Họ Kim ở Triều tiên triệt hạ nhau cũng có kém cạnh gì? Tóm lại chỉ cần hô một tiếng “Giêt”.
Còn ở Việt Nam mình, cũng đâu có kém hai ông anh. Tướng Nguyễn Bình bị “phục kích” trên đường đi họp. Những Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái chịu những cái chết chưa giải thích được. Những Vũ Đình Hòe, Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Cầm, Tử Phác, Trần Dần và nhiều nữa, đều mang án chống đảng và tù tội không xét xử. Văn Cao may nhờ có bài Quốc Ca mà thoát khỏi đi tù.
Bên Campuchia thì các đồng chí Polpot đã từng nổ súng vào mặt những đồng chí ở Hà Nội về vừa bước chân vào Hội Nghị vân vân và v.v...
Tóm lại, nên thôi ngay cái luật rừng “xử lý nội bộ”, không thể tự tung tự tác. Đảng cũng như toàn dân phải phục tùng Hiến Pháp, đừng chế riêng ra cái “Hiến pháp” của đảng mà lại áp dụng ra xã hội. Kẻ nào chủ trương “xử lý nội bộ” chính là kẻ chống lại Hiến Pháp. Phải đem kẻ ấy ra tòa Đại Hình mà xử tội thật nặng.
“Vụ thảm sát Yên Bái” mà mất mạng đến ba người, toàn những trụ cột, ngoài cái sự đau thưong riêng cho các gia đình nạn nhân, tôi tiếc cho cái sự nghiệp trồng người của đảng, đổ một lúc ba cây lưu niên nếu không nói là cổ thụ. Cả ba vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Trước đây họ đã cùng nhau gây ra gió và bây giờ họ lại cùng gặt bão.
CHUYỆN NGÀY NAY, CHUYỆN NGÀY XƯA
 
Hôm nay ngồi xem Ti vi, có tiết mục giáo dục giới tính cho các bé, chợt nhớ ngày xưa, vào tuổi ấy, bọn mình chưa bao giờ được nghe về những chuyện này. Bây giờ về già được nghe cũng còn thấy lạ tai.
Ngày xưa bọn mình tự tìm hiểu thế nào là con trai? Thế nào là con gái? và nhất quyết quan hệ khác giới này phải là vợ chồng. Thấy nó “đi tè” không giống mình thì hỏi: Mày tè bằng gì? Trả lời: Tao tè bằng chim! – Còn tao tè bằng bướm! và người lớn đều tè bằng bàn chải.
Năm lên mười tuổi, tôi ở Thị Xã Hà Đông, đầu phố tôi có nhà ông Hai Mùi, có hai cô con gái. Chúng tôi chơi trò vợ chồng với nhau. Cạnh nhà ông Hai Mùi có một chiếc xe bò hỏng, người ta đã tháo đi mất hai chiếc bánh xe. Đấy là nhà chúng tôi. Cái Mùi lấy hai mảnh chiếu, cái rách thì trải xuống làm nền, cái lành thì khum lại, tỳ vào hai bên thành xe làm mái nhà.
Vợ chồng chui ra chui vào, nhưng vẫn xưng hô là Mày, Tao, Làm cơm bằng chiếc bánh đa, củ khoai củ lạc. Có bộ nồi niêu xinh xinh bằng đất nung. Đèn bằng ngọn nến. Ngủ thì nằm co, úp thìa. Giả làm gà gáy, rồi đánh thức nhau dậy, ăn cơm rồi còn đi làm... Trò chơi quanh đi quẩn lại chỉ có thế mà vẫn không chán. Chồng thì chỉ có mình tôi, còn nếu con Mùi vắng mặt, thì con em thay làm vợ. Thích nhất là những buổi lay phay mưa, sự chui rúc càng ấm cúng, chứ mưa to thì chạy không kịp. Người nhớn có thấy cũng chẳng cấm đoán gì.

Từ 1940 đến giờ đã gần tám mười năm. Có ai biết gia đình ông Hai Mùi ở góc phố trông sang vườn hoa Thị Xã Hà Đông, gần nhà ông Bang Tàu và Bà Giáo Đương, hiện nay lưu lạc ở đâu? Để “vợ chồng” tôi, còn có dịp đem vòng hoa viếng đến với nhau, cho vẹn nghĩa vẹn tình.

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016



NGÀY 2 THÁNG 9, THAY ÔNG VUA BẰNG ÔNG CHỦ TỊCH

  


Năm 1945, với một thanh gươm do thợ rèn sản xuất và bán ở chợ Đơ Hà Đông, tôi đã theo đoàn biểu tình cướp chính quyền ở Thị Xã Hà Đông vào ngày 17 tháng 8. Cuộc biểu tình đã bị dìm dưới làn đạn của Quản Dưỡng và chìm xuống dòng lũ do vỡ đê Đông La. Tôi chạy thoát cùng đoàn người “chạy như vịt” lội, chạy tóe nước. Cảm giác bi hùng đó tôi vẫn giữ bên lòng như một kỷ niệm đầu đời đi theo đảng Việt Minh.
Sau vụ này thì anh Quản Dưỡng đi đâu không ai biết, nhưng cứ theo lời bài Quốc ca “Thề phanh thây xé xác quân thù!” thì mười phần chắc cả mười là Quản Dưỡng đã được đưa đi nuôi giun. Quan thầy của Quản Dưỡng là Tỉnh Trưởng, Tổng Đốc Hồ Đắc Điềm (con rể Hoàng Trọng Phu) vì đã lánh mặt, có chứng cứ ngoại phạm. Thực ra là do chính sách chiêu hiền của ông Hồ Chí Minh mà thoát chết và còn được dung nạp dài dài sau này.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn đi theo sự lãnh đạo ấy. Làm những gì theo Tuyên giáo nói và noi gương các đồng chí đảng viên. Trong óc đặc sệt những hai phe bốn mâu thuẫn, những tư bản và vô sản và một lòng tin Việt Nam sẽ tiến lên Cộng Sản Chủ Nghĩa bằng cuộc đấu tranh giai cấp, đi tắt đón đầu và với sự hỗ trợ của Phe Xã Hội Chủ Nghĩa hùng mạnh... Thế đấy trong bộ óc trắng tinh của tôi đã dần được nhuộm một mầu đỏ lờ lờ chứ chưa đỏ rực như đảng viên. Sự giác ngộ tột đỉnh mà một anh Tiểu Tư Sản như tôi có thể có được.
Hơn bẩy mươi năm đã qua đi, càng về cuối trong tôi bổng nẩy ra những “hình như” và “giá như”, ngược lại với sự suy nghỉ theo dòng cố hữu. Điều đầu tiên, tôi đánh giá lại cái sự mang gươm đi “mở cõi” của tôi. Nói rằng tôi đã theo các đồng chí đi đánh Pháp duổi Nhật thì hình như hơi bị “thậm xưng”. Pháp thì đã bị Nhật hất cẳng hoàn toàn vào ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhật thì đã đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15 tháng 8 năm ấy. Thực ra Việt Minh chỉ làm cuộc đảo chính, cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim. một chính phủ đại điện cho một Quốc Gia có Quốc Kỳ là lá cờ Quẻ Ly và Quốc Ca là Bài Tiềng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước, với khẩu hiệu biểu trưng là “Dân Vi Quý”. Việt Nam vẫn có Quốc Vương là ông vua Bảo Đại, Nguyễn Vĩnh Thụy. Cùng với Campuchia có Quốc Vương Sihanouk và Láo có vua Sisavangvong là ba vương quốc trong Liên Bang Đông Dương.
Trước tình thế đều có thể mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào chiếm được thời cơ. Cuộc cờ Đông Dương náo nhiệt hẳn lên. Trước nguy cơ Việt Nam mất trắng về tay Việt Minh của Hồ Chí Minh, Việt Nam có thể bị nhuộm đỏ (theo phe Cộng Sản). Phái De Gaulle ở Pháp cấp tốc kiếm con bài thay thế Bảo Đại đã theo Hồ Chí Minh làm cố vấn Vĩnh Thụy.
Thế giới sau thế chiến thứ hai có xu thế các nước Tư Bản Đế Quốc trao quyền tự quyết cho các nước vốn là thuộc địa. Bước một là nước Tự Trị, có quyền ngoại giao, có tài chính riêng, có quân đội riêng nằm trong sự bảo trợ của nước trước đây là “Mẫu Quốc”. Sau một thời gian 4 đến 5 năm, khi nước tự trị đã cứng cáp lên thì quân đội đồn trú sẽ rút hết và trao trả quyền độc lập cho nước này. Nghĩa là giành độc lập theo thi hành Hiệp Định chứ không phải dùng chiến tranh giành độc lập. Cuộc thay đổi này Việt Minh gọi là Chế độ Thực Dân Mới thay cho chế độ Thực Dan Cũ đã lỗi thời. Nên Việt Minh không mắc lừa, và phải chiến đấu đến ... một bên phải đầu hàng.
Theo đường lối này thì đã có những nước dưới đây, vốn là thuộc địa đã được trao trả độc lập mà không tốn xương máu:
Độc lập năm l946: Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ, Syrie và Liban thuộc Pháp. Độc lập năm l947: Ấn Độ và Đại Hồi thuộc Anh. Độc lập năm l948: Miến Điện, Tích Lan và Palestine thuộc Anh. Độc lập năm l949: Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên thuộc Pháp, và Nam Dương thuộc Hà Lan.
Cuối năm 1945, Pháp đã tính con bài Cựu Vương Duy Tân sẽ là đại điện cho Việt Năm để Pháp thương lượng trao trả độc lập. Rủi thay, trên đường từ Pháp về thăm nhà tại đảo Réunion, Duy Tân đã bị tử nạn vì máy bay rơi tại Trung Phi.
Nước cờ mà Hồ Chí Minh đi tiếp là căn cứ vào nội dung mà De Gaulle định ký kết với Duy Tân, Hồ Chí Minh đã đi những bước, tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11 tháng 11 năm 1945. Mở rộng chính phủ liên hiệp có Việt Quốc (Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam) và Việt Cách (Nguyễn Hải Thần) tham gia để trở thành một chính thể đa đảng, rồi gợi ý ký kết với đại điện Pháp là Sainteny ở Hà Nội một tạm ước vào ngày 6 tháng 3 năm 1946, tiếp đó là Hội Nghị Fontainebleau để bàn sâu thêm về nội dung Hiệp Ước. Hội nghị không thành công, trước khi về nước Hồ Chí Minh ký thêm một thỏa ước với Marius Moutet tại nhà riêng vào ngày 14 tháng 9 năm đó, không ngoài ý định kéo giài thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị chiến tranh nếu cần. Pháp cũng rõ ý đồ của Việt Minh, nên tăng cường khiêu khích, ép Việt Minh vào thế bắt buộc phải nổ súng sớm để có cớ tiêu diệt cái anh VẸM khó chơi này.
Đây là một nước cờ mà anh Pháp đã không “Tri kỷ, tri bỉ”, tưởng rằng có thể nuốt chửng Việt Minh trong ngày một ngày hai. Cái sự tính toán sai lầm đó đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh chính thức về Ý Thức Hệ giữa hai phe đối đầu vào thời bấy giờ.
Trong lời kêu gọi Toàn Quốc Kháng Chiến, có câu: “Ta càng nhân nhượng thì giặc Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa...” là một câu vừa đúng vừa sai.
Sau tạm ước 6 tháng 3/1946 và thỏa ước 14 tháng 9 cả Pháp và Việt Minh đều biết đây chỉ là động tác giả. Việt Minh trước sau một lòng giữ độc quyền yêu nước và độc quyền lãnh đạo Việt Nam không nhường bất kỳ ai. Việt Quốc, Việt Cách cũng biết tỏng bụng dạ Việt Minh và Pháp cũng biết không thể chơi với Hồ Chí Minh như với Duy Tân được. Cả hai bên đều rình sơ hở của nhau để ra đòn. 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, đòn đã được tung ra. Hồ Chí Minh đã huy động cuộc Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Mỗi ngày qua đi Pháp cũng đã biết sẽ hao người tốn của nếu đi nước cờ ngược với xu thế chung lúc này, nên năm 1947 Pháp đã ký một hiệp ước tạm thời với Bảo Đại tại Vịnh Hạ Long và Chủ quyền độc lập của Việt Nam được thừa nhận bởi Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 ký kết giữa Tổng Thống Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại.Từ đó, chiếu công pháp quốc tế, Việt Nam được hòan toàn độc lập, các hiệp ước thuộc địa và bảo hộ ký với Pháp trong hậu bán thế kỷ 19 đã bị Hiệp Định Élysée bãi bỏ. Ngày 23-4-l949, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ thuộc địa để sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất (với 45 phiếu thuận và 6 phiếu chống). Nước Việt Nam đã là một dải kéo dài từ Nam Quan đến Cà Mau.Tuy nhiên Đảng Cộng Sản đã phủ nhận và đã phá hoại nền độc lập thống nhất này.
Trước đó ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng Trường Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Đây là tuyên ngôn tỏ rõ ý chí của dân tộc Việt Nam, nhưng đối với thế giới mới chỉ là Việt Nam tự công nhận mình. Ngay cả phe ta cũng phải nhiều năm sau, khi Liên Xô và Trung Quốc ra tuyên bố công nhận Việt Nam rồi các nước khác trong phe ta mới lần lượt công nhận. Những năm trước đó Việt Nam mới tự chiến đấu vì mình thôi. Sau Hiệp nghị Élysée, Việt Nam cũng đã được Quốc tế công nhận, nhưng Việt Nam chỉ độc lập với chính phủ Cộng Hòa do ông Bảo Đại lãnh đạo. Đối với ông Hồ thì đây là Chính phủ Ngụy Quyền, Quân đội của nhà nước này chỉ là Bảo Chính Đoàn và là ngụy quân, tay sai của Thực dân Pháp. Nói trước đây ông Hồ cũng đã ký kết thừa nhận mình là nước tự trị trong Liên Hiệp Pháp. Ai biết đó chỉ là “động tác giả” và ông Hồ chỉ đùa dai mà thôi. Độc lập phải tự tay ông giành lấy trong cuộc chiến ý thức hệ mà phe cộng sản phải thắng phe Quốc Gia. Vì thế mà từ 1949 đến 1975, dân Việt Nam đã chơi một ván cờ mà một bên đổ máu vì cộng sản chủ nghĩa và bên kia là đổ máu để bảo vệ phe Tư Bản Chủ nghĩa, bảo vệ tên sen đầm quốc tế. Trên một chiến trường mà bên nào cũng chỉ là lính đánh thuê cho chủ nghĩa của minh. Cùng dương cao lá cờ đấu tranh vì độc lập dân tộc, và bên nào cũng coi bên kia là bán nước là phản động. Đáng buồn là bên nào cũng có trên đầu một quan thầy nhìn mình với con mắt rẻ rúng. Yểm trợ tùy hứng, dùng hay bỏ như trở bàn tay. Mỹ thay ngựa giữa dòng là chuyện bình thường, nâng lên hay hạ bệ một ông Tổng Thống như quăng ra một con bài. Với chế độ của ông Hồ Chí Minh thì không thể trắng trợn, nhưng vẫn o ép bằng cách cưỡng bách tàn bạo. Gọi là thắng lợi trong việc ký kết Hiệp Nghị Genève, nhưng chính Chu Ân Lai và Molotov ép ta phải nhận Vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời (trong khi ta đòi vĩ tuyến 16). Sau 1955, khi ta chủ trương kết hợp đấu tranh vũ trang với chính trị, thì Mao Trạch Đông khuyên ta phải trường ký mai phục 10 đời, thậm chí 20 đời sau, đã chót nổ súng thì chỉ được đánh đến lực lượng một trung đội, không được đánh lớn hơn. Năm 1975 khi ta đã giải phóng Đà Nẵng thì Trung Quốc khuyên ta nên dừng lại (?). (Hồi ký Lê Duẩn). Đúng là đầu óc một “đồng chí” độc tài, duy tâm và ngu xuẩn.  Tôi có thể cá 10 ăn 1 với ông Lành, người đã từng gọi Staline bằng Ông (Ông đẻ ra cha) là ngay cả Bác Hồ Chí Minh của ông, cũng chưa bao giờ được coi trọng dưới con mắt của nhà Độc tài Vô Sản Staline.
1974 Sau cuộc gặp gỡ Nixon Đặng Tiểu Bình, Mỹ đã phớt lờ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. 1984 khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Trường Sa thì lực lượng Liên Xô đáng đóng ở Cam Ranh cũng án binh bất động... Họ đã hành xử với ta tùy theo lợi ích nhóm của họ. Ta cứ việc cúi đầu theo những Ông Thầy ưa đổi trắng thay đen, chứ chẳng vì lợi ích Quốc tế nào cả.
Phe Tư bản huy động vũ khí, chiến cụ và các sắc lính, kể cả lính đánh thuê. Lính Lê dương, lính các thuộc địa Châu Phi của Pháp, thậm chí Nhà Thờ cũng có hẳn đội quân riêng để bảo vệ Chúa thoát khỏi sự khủng bố của Cộng Sản. Sau 1954 là  Lính Hàn Quốc, Tân Tây Lan, Úc Châu, Thái Lan, Phi Luật Tân cùng với lính Mỹ huy động đến nửa triệu quân. Lính bản địa thì có Bảo Chính Đoàn, thời Pháp, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa hợp tác với Mỹ chơi với Việt Cộng.
Phe Cộng Sản thì riêng Việt Nam huy động tất cả những ai có thể cầm súng được đều ra chiến trường, cộng với vũ khí chủ yếu của Liên Xô và Trung Quốc viện trợ để thay họ đánh với phe kia. Việt Nam có máu, phe ta có súng, chiến đấu tới người Việt Nam cuối cùng. Mà nếu có hết người Việt Nam thì Mao Trạch Đông và những người kế tục ông sẽ điều người Hoa sang lấp vào chỗ trống. Các đồng chí Việt Nam cứ yên tâm đi. (Hồi ký Lê Duẩn)
Hiện nay Phe ta không còn nữa, chiến đấu vì phe ta là chuyện hài hước. nhưng Phái thì vẫn còn đó. Mỗi phái đều có lợi ích riêng. Trong một nước thì mâu thuẫn chỉ là sự lục đục nội bộ, nhưng giữa hai quốc gia là chuyện có thể dẫn đến chiến tranh. Ván cờ Việt Nam hiện nay là dối đầu với Trung Quốc, trước kia tuy cùng phe, nhưng bây giờ là quan hệ mang tính lưu manh, côn đồ, xã hội đen định hướng cộng sản chủ nghĩa.
Thật buồn cho Việt Nam, đổ bao nhiêu xương máu để bây giờ vẫn chưa hoàn toàn là một nước độc lập, còn biết bao sự lệ thuộc và vẫn là một xã hội còn nhiều bất ổn, Hiến pháp liên tục soạn thảo, luôn thay đổi và ít hiệu lực. Là một nước mới thoát nghèo nhưng tham nhũng tràn lan và nhân dân vẫn phải è cổ để nuôi nhiều sắc cán bộ, và đi hoài mà chưa tới đích.
Điển hình cho chế độ là chính sách về ruộng đất. Một chính sách lớn bắt đầu từ cuộc cách mạng long trời lở đất Cải Cách Ruộng Đất, cướp lại ruộng đất từ tay Địa chủ Phong Kiến để rồi lại trao vào tay các địa chủ cách mạng mới là Chính quyển các cấp. Nông dân trước sau vẫn không được làm chủ ruộng đất. Chủ trương Ruộng đất thuộc sở hữu Toàn Dân, đồng nghĩa với Vô chủ. Trong hoạt cảnh này, nông dân như những chú ếch mà chính sách của Đảng như những bông hoa mướp, cứ vồ trượt hoài mà rủi anh nào vồ trúng thì cũng đồng thời vào giỏ. Vấn đề Ruộng Đất là một khủng hoảng mà theo đường lối cộng sản thì  không bao giờ thu xếp ổn thỏa được.
Chỉ tồn tại việc treo cờ vào dịp 2 tháng 9, đã trở thành một thói quen, mà rủi có sao nhãng thì đã có tổ trưởng dân phố đến tận nhà nhắc nhở đôn đốc.
-        Nhà này treo cờ đi nhớ!
Rồi kết thúc bằng một đêm pháo hoa như toàn dân “nổ đom đóm” tập thể.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

VẪN MỘT CHỦ ĐỀ
Theo góp ý của Facebooker Duong Hong, hôm nay tôi gửi tới các bạn thêm một bài nữa về chủ đề Trại Giam. Tôi hiểu rằng đây là một địa điểm không phải ai cũng đến được và là một nơi mà các bạn cũng như tôi, dù có được mời mọc thịnh tình đến đâu cũng phải biết tránh xa hai nơi này: Trại Giam và Bệnh Viện.
Đây là một nơi trú ngụ bất đắc dĩ.

Trước đây, Anh đã từng chĩa súng vào đầu người ta mà “đòm” bây giờ bị người ta tóm được, hãy tự hỏi lòng mình, trong trường hợp ngược lại thì mình sẽ đối xử thế nào với đối phương? sẽ thấy những đối xử mà đối phương dành cho mình ắt phải thế. Tóm lại đây không thể là một chốn “thần tiên”, mà ngược lại 180 độ. Tuy thế câu chuyện tôi sẽ kể cho các bạn nghe dưới đây thì đúng là một chốn “Thàn Tiên” giữa vùng khổ ải. Trong trại Cải tạo Bình Minh, Thanh Oai, Hà Đông. Nay là Hà Nội.

NHÀ KHÁCH (trong một trại giam)

Lần nào lên thăm chồng, chị Hữu cũng lễ mễ, tay xách nách mang. Thôi thì lỉnh kỉnh đủ thứ. Tất cả chỉ do người vợ quá thương chồng. Mỗi lần như thế, bạn hữu anh đều có quà hậu hĩnh.
Trông thấy chị từ chỗ đường vòng ngoài cổng, hai tay hai xách lặc lè, anh Quang phụ trách nhà khách, đã vội ra đón và đỡ tay cho chị.
- Gớm, chị mang những gì mà nặng thế ? đưa tôi đỡ nào !
- Không có chi, dạ ! tôi đi được mà.
Tuy chị nói thế, nhưng anh Quang vẫn đỡ cho chị chiếc làn quá cỡ. Hai người vào đến nhà khách. Anh Quang bật quạt, mời chị ngồi nghỉ, anh đi báo tin cho anh Hữu biết có chị lên thăm.
Chị Hữu cúi lục trong làn lấy chiếc khăn, lau qua khuôn mặt ửng hồng đẫm mồ hôi. Nhìn quanh, ngoài vườn, những cây huệ, thược dược rực rỡ trong nắng sớm đầu hè. Anh Quang đã quay lại với khay nước trên tay. Đưa mời chị chén nước :
- Chị xơi nước, anh Hữu sắp ra. Để tôi báo cơm trưa.
Chị vội xua tay :
- Ấy thôi, cảm ơn anh. Tôi có mang theo mấy xuất bún chả, trưa nay mời anh cùng ăn với chúng tôi cho vui.
Chị cười, lấp ló chiếc răng vàng khoé miệng, nói thêm :
- Nhà tôi, anh ấy mê bún chả Ngã tư sở lắm !
- A ! bún chả, em thiệt là tuỵêt vời. Anh Hữu đã đứng ngay cửa, chị mừng rỡ kêu lên :
- Anh ! rồi đứng lên, bước tới. Anh dang tay đón, và đặt lên đôi má ửng hồng của chị hai cái hôn thành tiếng : "chút chút", như hôn em bé vậy. Với ông bà già cỡ lục tuần, làm thế có vẻ không được tự nhiên lắm. Nó có gì như hơi phô diễn.
Anh vừa dìu chị vào ghế, vừa hỏi :
- Em độ rầy thế nào ?
- Thì Anh coi đó !
- Dung có khoẻ không em ? Dung là con gái lớn của anh chị. Đang quản lý một cái nhà khách của thành phố.
- Dạ, con nó vẫn thường, vừa theo học một lớp nghiệp vụ ngắn ngày. Chị vừa trả lời vừa ngước nhìn anh. Trông anh vẫn phong độ, chị nghĩ bụng. Da mặt bóng đỏ, hơi cớm nắng, trước khi ra đây, chắc đã được kỳ cọ hơi kỹ. Nghĩ thế, chị bỗng mỉm cười. Nhìn anh ngậm trễ điếu thuốc bên mép, chị hỏi :
- Lóng rày, anh hút thuốc à ?
- Lâu lâu, vui thì hút chơi chút !
- Anh Minh, anh Vĩnh có khoẻ không anh ? Chị chợt nhớ và hỏi thăm những người bạn của chồng.
- Cũng như anh, Tinh thần thoái mái, sinh hoạt điều độ, anh nào cũng lên cân.
Chị kể tiếp về những người bạn của hai vợ chồng và nói họ gửi lời thăm, họ đòi gửi quà, nhưng nặng quá, chị không nhận.
Điếu thuốc không đốt, anh cứ mân mê hoài giữa những ngón tay, chiếc nhẫn vàng hai chỉ cố tình như khoe, như nhắc nhở chị nghĩ tới điều gì đó ?...

Chị ra ngoài một lát, lúc quay vào bưng theo một chồng bát đũa, chị nói với anh
- Em mời mãi mà anh Quang không chịu ăn với chúng mình, thôi anh giúp em một tay, đói dữ rồi. Chị đổ túi nước chấm có lẫn đu đủ ngâm ra cái bát to, còn những thứ khác chỉ mở gói và bầy lên bàn.
Chị, miệng tuy kêu đói nhưng ăn uống nhỏ nhẹ. Anh, không "khách khí". Gắp rau, gắp chả, húp xoàn xoạt, nhai đu đủ rau ráu, xuýt xoa vì ớt cay. Nhìn anh ăn mà thấy ngon lây. Ngược lại với ánh mắt sáng lên vẻ thích thú của anh, ánh mắt chị bùi ngùi thương cảm. Chị khe khẽ xua đuổi mấy con ruồi sợ nó dính vào chả mà anh không thấy.

Một ngày qua đi nhanh chóng, cả ngày hôm ấy chị nói nhiều hơn anh. Những chuyện chị xắp xếp trong đầu từ nhà, lúc này bên anh, dường như nó tứ tán hết. Chị lo không nhớ để kể hết với anh thì tội quá. Bình thường chị vốn điềm đạm, chín chắn, sao hôm nay chị bẻo lẻo luôn miệng, như dân gian thường ví : "mồm miệng không kịp kéo da non".
Lần trước lên thăm anh ở Hà Nam, chị vội về ngay, không ở lại, nên không có cái cảm giác như hôm nay. Nhìn chiếc giường với đôi gối lạ lẫm chị thấy ngài ngại. Một cảm giác giống như lần đầu ngồi trước món hải sâm (đỉa bể), cứ thấy ghê ghê, ơn ớn. Mặc dù với anh chị, chuyện qua đêm ở khách sạn trong các chuyến du ngoạn quốc ngoại trước đây, thưòng vẫn diễn ra thoải mái.
Chị quay ra, khép đôi cánh cửa buồng, rồi ngồi lại bên anh. Anh vòng tay qua, nhẹ ôm lấy chị. Một cảm giác là lạ quen quen rõ nét dần, làm cả hai cùng thấy rạo rực. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, anh chị hơi xích xa ra một chút. Anh nói :
- Mời vào ! Anh Quang xách phích nước, đẩy cửa bước vào :
- Có phích nước mới, phòng đêm anh chị muốn dùng.
- Cảm ơn anh ! cả hai vợ chồng như cùng cất lên :
- Anh chu đáo quá !
- Chúc anh chị ngon giấc, chị hôm nay, đường xa chắc cũng mệt, tôi xin phép. Nói rồi, anh quay ra, khép cửa lại, chặt hơn trước.
Chị khẽ hỏi :
- Có cần cài trong không anh ?
- Thôi khỏi, ở đây nghiêm lắm em ạ ! Em ngả lưng, nghỉ đi. Anh âu yếm nói rồi bỏ bớt quần áo ngoài, tắt đèn nằm xuống cạnh vợ... Không biết bao lâu rồi nhỉ ? Anh choàng tay lên người , ghé vào tai chị :
- Em hồi này coi bộ mập ra đó ! - Dạ ! chị khẽ gỡ tay anh, rồi nhỏm dậy bỏ bớt áo ngoài.
Anh hồi hộp như ngày mới đón chị từ Quan Thánh về căn gác nhỏ Ngã tư Sở, mới đó mà đã hơn ba chục năm rồi. Chị cũng thấy cái cảm giác rụt rè, tưởng đã quên, bỗng từ đâu kéo về, làm một thiếu phụ đã ngót lục tuần như chị cũng nóng bừng đôi má. Anh xoa tay lên bụng vợ, bụng đã có một lớp mỡ, nhưng những nếp nhăn gấp của những lần mang thai cũng vẫn gờn gợn sóng. Anh nhè nhẹ đặt lên má, rồi lên môi chị những nụ hôn da diết. Những nụ hôn không phát ra tiếng kêu, không phô diễn. Những nụ hôn của riêng đôi lứa.
Trong khoảnh khắc, cả hai cùng tưởng như mình trẻ lại sau thời gian cách trở. Nhưng thực tế khắc nghiệt, đã sớm chỉ cho họ cái giới hạn hạnh phúc không thể vượt qua. Cái giới hạn họ phải cam chịu (!)
... Pháo đã kéo ra, nhưng loay hoay cách gì cũng không thể nào nổ được một phát!?

Sớm hôm sau, đợi chị Hữu mở rộng cửa, anh Quang mới mang phích nước sôi vào đổi. Cái phích tối hôm trước vẫn đầy nguyên, như chưa hề dùng đến. Anh Hữu vẫn quen nếp dậy sớm, đang tập thể dục ở ngoài vườn.
Chị pha ấm trà mới, đợi anh vào uống. Câu nói đầu tiên của chị sáng nay là khen anh Quang chu đáo quá, người đâu mà thiệt tốt ! Anh Hữu cũng chỉ biết ậm ừ, vì lần đầu tiên, cũng như chị, lần này anh mới biết anh Quang .

Nhưng anh Quang lại biết rõ anh Hữu, từng mang hàm Trung Tướng quân đội Sài gòn và đã có lần ra làm Phó Thủ tướng dưới cái chế độ đã bị đánh đổ.
Giá như vợ chồng anh Hữu cũng biết được rằng anh Quang, từng là một cán bộ cấp Huyện, không may vướng vòng "lao lý". Cùng là trại viên như nhau, nhưng được Trại phân công trông nom Nhà Khách.
CUỘC GẶP GỠ GIỮA TÔI VÀ HỌ

Họ là những sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa, từ Úy đến Tướng. Họ là những nghị sĩ trong chính chính phủ, là đảng viên các đảng phái chính trị, mà trước 30 tháng 4 năm 1975 họ là Việt Nam Cộng Hòa, chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hay nói gọn hơn họ là miền nam chống lại miền bắc.
Còn Tôi là phóng viên của Đài Truyền Hình Việt Nam, làm phóng sự về cuộc sống của Họ trong các trại cải tạo của Cộng Hòa Xá Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trong tay tôi khi đó là những phương tiện mới nhất của kỹ thuật truyền hình Thế giới. Tôi xác định giữ cho ống kính được khách quan trung thực, nên không có bố cục xếp xắp cho từng cảnh quay. Ống kính cứ tha thẩn như một cặp mắt tham quan, hết góc này đến góc khác. Mọi dự kiến cứ nạp vào trong đầu, về sẽ dàn ra trên bàn dựng.
Nhìn qua, cuộc sống của Họ giống như trong một doanh trại lính. Chỗ nằm ngăn nắp, cũng chăn màn gấp vuông vức trên đầu giường, giầy dép thẳng hàng dưới chân. Có một chi tiết khác là một số vật dụng cá nhân và sách báo xếp ngăn nắp bên chăn màn.
Mỗi dẫy nhà là một phòng giam, nên mọi sinh hoạt khép kín. Nhà vệ sinh và kho tiếp liệu ngay cuối gian phòng. Nhà vệ sinh cả tiểu tiện lẫn đại tiện, còn kho tiếp liệu chứa những đồ tiếp tế của từng cá nhân, có sổ sách, phân công ghi chép và cấp phát theo yêu cầu. Rất ngăn nắp, rất trật tự, vẫn tự do tuy rằng trong tù túng, vì hầu hết Họ là những người có văn hóa từng quen với đời sống văn minh. Rõ nét nhất là sự tự giác vệ sinh chung. Đứng ngay cạnh cửa nhà vệ sinh cũng không hề thấy mùi phân, mùi nước giải.
Sau những giờ lao động chung ở ngoài đồng hay ở trong công xưởng, là giờ tự do. Từng tốp chơi bài ngay hiên nhà, người xem sách trên giường, người đọc báo dưới câu lạc bộ. Chỗ này tập hát những bài hát mới, tốp chơi bóng ở sân bóng chuyền. Y hệt sinh hoạt của một doanh trại, hay đơn thuần một khu Nội trú, nếu ai đó không để ý đến tấm bảng ngang cổng ra vào TRẠI CẢI TẠO NAM HÀ.
Tôi đưa máy tới hỏi một anh đang cầm quyển sách chuyên đề Nông Nghiệp; -“Anh thích ngành này à?” –“Vâng, trước đây tôi học ngành này, muốn sau này khi về sẽ tiếp tục nghiên cứu về nông nghiệp”. Một câu hỏi mà câu trả lời đã trọn vẹn và ý nghĩa.
Gặp anh Lý Tòng Bá (chuẩn tướng) Sư trưởng Sư 5 đang có mặt ở câu lạc bộ. Tôi trao đổi với nữ phóng viên Thanh Loan để chị đặt câu hỏi cho Lý Tòng Bá. Từ khuôn mặt Thanh Loan, tôi thu câu hỏi: - “Anh có hay tới đọc sách báo ở đây không?” Máy lia sang chân dung Lý Tòng Bá. Anh ta cười và trả lời: - “Dạ, thường ạ!” Tiếng ngoài hình: - “Anh hay xem loại nào?” Lý Tòng Bá chỉ vào tờ họa báo Liên Xô: -“Loại này.” Một ý hay có điều kiện mở cho lời bình, nhưng Thanh Loan chưa dừng lại, “nàng” hỏi tiếp: -“Tại sao?” – “Dạ, bởi nó nhiều ảnh và mầu cũng đẹp!” câu trả lời như một đòn phản cung. Tôi tắt máy và nghĩ bụng, tiên sư cái anh chàng này, nó láu cá ghê, đáng mặt tướng “ngụy”.
Sau này tôi cũng không cắt trường đoạn này, vì nó rất Lý Tòng Bá.

Thấy Lê Minh Đảo đang ngồi ở vỉa hè chơi guitare, tôi tiến lại; - “Chào anh Đảo!” – “Vâng chào anh!” – “Khi còn chỉ huy sư đoàn 18 ở Xuân Lộc anh vẫn có cây đàn này chứ?” – “Có hai thứ, một cây guitare và một cây Pianica. Pianica là một thứ kèn có lưỡi gà bằng đồng như harmonica, thổi bằng hơi nhưng lại bấm bằng phím giống piano, nên có nhẽ vì thế nó có cái tên kép, mang tên hai loại nhạc cụ như vậy. Trong đời làm nhạc trưởng của tôi, tôi chưa hề biết đến nhạc cụ này.Tôi đề nghị anh chơi một bản gì đó để tôi có thể thu hình một ông tướng chơi nhạc. Hiểu thiện ý của tôi, và nghĩ, đây có thể là một dịp thông tin cho người thân đang ở bên ngoai, Đảo chơi bài Dòng sông xanh (Danube Bleue của Johann Strauss). Có trớn, chơi hết bài, Đảo chơi luôn Bésamé mucho (Hãy hôn tôi đi), cặp môi của chuẩn tướng khi mím chặt khi trành ra theo tiết tấu và những phím đàn, trông hơi dữ dằn. Tôi nghĩ bụng, giá hiền đi một chút mà đảm nhận phần solo guitare trong dàn nhạc của tôi thì hay biết bao? (Bệnh nghề nghiệp).
Dứt tiếng đàn, những cử tọa quanh đó đều vỗ tay hưởng ứng. Tôi kéo máy zoom rrộng, một cảnh liên hoàn, đẹp ngoài ý muốn. Không hiểu tại sao cái ý của một lời bình trong óc tôi bỗng vọt ra. Tôi hỏi Đảo, không ác ý: - “Như thế là sau Xuân Lộc, anh đành bỏ lại Sư 18 và chỉ giữ lại cây đàn này?”
Đảo không trả lời, anh chỉ mỉm cười. Tôi cố giữ đặc tả nụ cười đầy ý nghĩa ấy.
Trong phóng sự này tôi đặc biệt thú vị Trường Đoạn dàn đồng ca của trại hát bài “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du. Các trại viên cất cao giọng dưới sự chỉ huy của nhác trưởng vốn là Đô trưởng cảnh sát Sài Gòn.
...“Ta đi giữa tình thương của Đảng!...”
Họ đồng thanh phát âm từ Đảng đúng dấu hỏi chứ không thành đàng thành đáng hay thành đãng, thành đạng. Tôi đã cho Huy Du xem lại đoạn băng này và nghĩ rằng không có sự động viên nào đối với nhạc sĩ hơn hình ảnh này.
Tôi và Họ ở một khía cạnh khác là người cùng thời, cùng trưởng thành, cùng hoạt động, chỉ khác ở bên này hay ở bên kia. Sau 30 tháng 4-1975, mới đầu tôi cũng có ý nghĩ, giải binh cho họ để họ trở về đời sống thường mà xây dựng miền Nam. Thật may Chính Quyền đã giữ họ lại, không để họ tự do tiếp xúc với những thành phần bên ngoài liên tục tuồn người, tuồn vũ khí về lôi kéo những phần tử trong nước nổi lên chống chế độ mới. Tiền thì bên ngoài lo, còn máu thì trong nước cứ đổ.
Chế độ mới này đã ngăn chặn được một cuộc đổ máu không cần thiết rất dễ xẩy ra, nếu để họ nhận súng nhận người từ bên ngoài thì tránh sao được sự đàn áp bóp nghẹt của bên kia khi nòng súng còn chưa nguội, và máy móc cơ giới đang sẵn sàng kihởi động trở lại. Ấy thế mà Chúng tôi...
Ở đây tôi muốn ở vị thế Chúng tôi để nói lên chủ trương chung của chế độ này. Chế độ đã sẵn sàng giải bài toán “cầm tù” đối với Họ. Đã sẵn sàng cho Họ hưởng chế độ Tự Quản. Tôi đã dự một cuộc họp do Tướng Lê Hữu Qua và bên Họ là tướng Nguyễn Hữu Có, cùng một số đại diện mà Họ đã cử ra. Mỗi ứng viên nói lên chức vụ trước đây, khả năng và nguyện vọng của mình khi tham gia chế độ tự quản. Người cầm đầu Họ sẽ là Tướng Nguyễn Hữu Có và địa điểm họ chọn làm “căn sứ địa” se là Thanh Hóa. Tiếc thay dự kiến đẹp đẽ này đã bị anh Chệt Đặng Tiểu Bình phá hỏng.
Phóng sự này, tôi đã mở một cánh cửa để mọi người có thể nhòm qua cánh cổng trại giam mà thấy một phần nào sinh hoạt của Họ. Cánh cửa còn hơi hẹp nhưng cũng đủ cho anh Lê Hữu Qua mang theo giới thiệu cho một cuộc họp chuyên đề tại Cu Ba. Người ta hoan nghênh vì mình đã cho người ta biết phần nào thứ người ta muốn biết.
Đây hẳn là sự đóng góp tích cực của Họ và Tôi.

Còn một điều nữa vì ngại lạc đề nên tôi không nhắc lại ở đây, tuy vẫn tiếc nuối, đó là rượu Mơ do “Ngụy” cất, ngon hơn Cognac. Ngon Tuyệt Cú Mèo!
Không biết ngoài Rượu Nếp Cái Hoa Vàng thì Henry Kissinger đã được đãi thứ Rượu Mơ của Trại Cải Tạo Nam Hà này chưa? Nếu chưa thì thật là đáng tiếc cho cuộc đời cố vấn của mình!
MỘT CHIỀU ĐÔNG

Chuyện đã cách đây sáu mươi tám năm. Vâng! đó là mùa đông năm 1948. Giữa năm 1947 tôi rời gia đình đi kháng chiến, thì ngay sau đó bố mẹ tôi cũng rời quê nội, tản cư xuống miệt Ninh Bình, mảnh đất quen thuộc cũ. Cuối thập niên thứ hai của Thế kỷ hai mươi, bố tôi đã từng sống tại Phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Tôi ra đời ở đấy và đến năm 3 tuổi mới rời Yên Khánh mà về Thị Xã Ninh Bình.
Lần về thăm nhà này tôi đi bằng xe đạp, Từ Chợ Quế Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, tôi theo đường 1, rẽ vào đường 10 từ cuối Thị Xã Ninh Bình, qua Bích Đào, Yên Vệ, Chùa Cao về Phủ Yên Khánh rồi từ đó rẽ sang Yên Mô về Chợ Bút.
Gần đến Yên Khánh, chiều đã tà tà, trước mặt tôi là một ông già đang chậm rãi chống gậy. Đường vắng vẻ không có đến bóng người thứ ba. Ngay khi bắt đầu nhìn thấy ông già, tôi đã có linh tính rằng đây là một người quen. Khi đạp qua ông, tôi dừng xe và nhìn lại, máu dâng mạnh ở thái dương, tôi chào ông già và xin lỗi hỏi ông: - “Xin lỗi, cụ có phải là cụ Giáo Lợi?” Ông già ngước cặp mắt kèm nhèm nhìn tôi, thừa nhận: - “Vâng tôi đúng là giáo Lợi, tại sao ông biết tôi?” Tôi phải xưng tên mình và cả tên bố tôi vốn là bạn ông giáo Lợi. Ông giáo Lợi nắm tay tôi, - Lạy chúa! Mười lăm năm rồi đấy, tại sao ông à anh còn nhận ra tôi? - Tự nhiên thôi bác ạ! Như một ánh chớp lóe lên chiếu sáng mọi việc từ mười lăm năm trước, năm tôi lên 3 tuổi và ở trước cửa nhà ông ở phố Phủ Yên Khánh. Gia đình ông giáo Lợi là một gia đình công giáo nên có bàn thờ Chúa cực lộng lẫy. Người lớn cũng thích chứ đừng nói lũ trẻ con chúng tôi. Tôi hay sang chơi và được cả nhà ông yêu quý.
Trong gió chiều lành lạnh, Cụ Giáo Lợi ngậm ngùi kể chuyện gia đình cho tôi nghe:
“Cả nhà Bác đã tản cư về bên Cầu Cổ (bên kia Sông Đáy) ngang với Thị Xã Ninh Bình. Đầu năm vừa rồi bị Tây từ Nam Định càn ra, anh Châu con trai cụ giáo bị Giặc bắn chết. Con gái cụ Giáo, chị của Châu bị bệnh bẩm sinh, không xương, toàn thân mềm nhũn nên gia đình không đem chạy theo được, đành cứ nằm ở giường và bị Tây hãm hiếp ngay trước tượng Chúa Cứu Thế. Tuy không chết nhưng bây giờ cứ điên điên dại dại...” Câu chuyện được kể dưới ánh chiều và cơn gió lạnh mùa đông càng thêm thê thảm.
Tối đó tôi ngủ lại nhà Cụ Giáo Lợi. Khẩu súng ngắn mang theo được lôi ra khỏi cạp quần và để dưới gối. Lý do phải mang theo vũ khí vì vùng đó là vùng chịu ảnh hưởng về mọi mặt với lực lượng vũ trang công giáo Phát Diệm do Cha Quỳnh chỉ huy và do Pháp đỡ đầu. Cả vùng Ninh Bình là vùng xôi đỗ, an toàn đó và mất an toàn cũng ngay đó. Việc mang vũ khí hoàn toàn không phải chỉ lo xa?
Đêm nằm trằn trọc, không hiểu tại sao mình lại có thể nhận ra ông Giáo Lợi, người mà tôi đã xa ông mười lăm năm về trước, năm tôi mới lên 3 tuổi. Không ai có thể tin vào trí nhớ của một đứa trẻ lên ba, và chính tôi cũng không thể tin tôi có một trí nhớ như vậy. Chỉ có thể nhờ vào một tiềm năng siêu nhiên nào đó đã bất thình lình tỏa một ánh chớp vào một điểm vô thức nằm sẵn đâu đó, để tôi có thể kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện đã tám mươi hai năm.
Duyên nợ đã run rủi tôi còn trở lại với con đường 10 hai lần nữa trong Kháng chiến Chống Pháp. Chiến Zịch Quang Trung năm 1951, trong một đêm chúng tôi tiêu diệt cả Bích Đào và Yên Vệ, riêng Chùa Cao thì không dứt điểm được. Năm 1954, từ Diện Biên Phủ về, chúng tôi tham dự vào trận truy kích lịch sử, đuổi Tây rút khỏi Ninh Bình, Nam Định, và Hà Nam.

Kể đến đây. tôi chợt nhớ đến tiểu thuyết Bông Hồng Vàng của Pau-Tốp-Sky mà tôi đã đọc lâu lắm rồi, hình như có một liên hệ nào đó?