Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

HỨNG NHƯNG KHÔNG NGẪU
 
85. Anh thì bảo: tao tính theo tuổi Cáo Phó. Chú Bích thì cứ khăng khăng: Anh mới bước sang tuổi 85. Ừ thì mới bước sang. Bước sang hay bước qua thì cũng thế thôi. Miễn cãi cọ để hơi mà hít mà tợp.
Sáng Mùng năm, ông con đưa bố đi chợ. Mẹ khỉ! năm Khỉ có khác, chưa đứa khỉ gió nào chịu hé cửa hàng chứ đừng nói mở. Đi một vòng Hà Nội, túi rỗng. Ông con móc điện thoại nói gì với vợ nó ở nhà... chỉ nghe thấy: cứ mang xuống để dưới nhà, anh về qua anh lấy. Từ lối Hồ Tây rẽ vào nhà con cứ như đi địa đạo nổi Củ Gì? Thả bố xuống giữa đường thì có nhẽ bố phải khấn Bụt hiện lên mới về được. Bù lại được một túi vừa Salami, vừa Jambon đùi, Rọi hun khói với hai thăn filet cá hồi, cộng với Paté gan và lạp xưởng hun khói Cao Bằng, coi như bữa Yến mừng thọ cũng “phi vô sản” ra phết rồi. Năm nay thức uống cứ để cả ra bàn, ai thích gì dùng nấy, tự phục vụ, không mời chèo phiền phức.
Thực khách hầu hết là lính, cả chống Pháp lẫn chống Mỹ. So với thời 80 thì đi mất 4 rồi. Mượn câu ca của thằng Làng Lúa. hát với con Làng Hoa:
“Đồng đội ơi, ta về với nhau, còn bao nhiêu nữa đâu? Ta về với nhau!...”
CANH KHUYA
Canh khuya trằn trọc, chẳng phải lo gì đến Quốc gia đại sự (không đến lượt) mà chỉ vì tuổi già. Qua biết bao nhiêu đề tài bỗng dưng dừng lại ở câu ngạn ngữ: “Chẳng thơm cũng thể hoa lài (nhài), dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nguyên hai câu này cũng có một số vấn đề cần nói đến.
Nói về niêm luật lục bát thì từ cuối câu trên vần ài (lài) thì từ thứ 6 câu dưới nghiêm chỉnh ra, không phải là “người” vần ười, mà là ngài (như thế là ép vận). Cái quan hệ hơn là Người Tràng An là giống nào, loại nào?
Trong một bài có tính khảo luận, tác giả đồ Gàn đã trình bày:
......
Bây giờ lại bàn đến chữ Tràng An. Tràng An là chổ nào, tên gọi có tự bao giờ của Thăng Long, của 36 phố cổ, của thành Hà Nội. Không! không có một chổ nào hết. Hà Nội- Thăng Long chưa bao giờ có địa danh hoặc là tên gọi Tràng An

Có người cho rằng bởi người Thăng Long- Hà Nội thanh lịch, đài các, con dòng cháu giống hệt như người của cố đô vĩ đại bên Trung Quốc, kinh đô đó tên là Tràng An, cho nên khi nói đến sự thanh lịch cao quí, họ đã ví mình cao cả như người của cố đô vĩ đại của Trung Hoa. Thật là nhơ nhuốc và tức cười, khi ví von như vậy...
(Nguồn dẫn: http://thuannghia.vnweblogs.com/post/7291/256771)


Khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, tuy hai nơi đều là đất nước Việt, nhưng phong tục tập quán mỗi nơi đều có nét khác nhau. Muốn đem theo những thành tựu của một vùng đã trải qua đến ba triều đại (Đinh, Tiền Lê, Lý) được định là kinh đô, thì ngoài bộ máy cai trị vua Lý còn chú ý đến những giá trị tinh thần như sự thanh lịch của người kinh đô Trường Yên. những vật thể như Chùa Một Cột v.v... về áp lên kinh đô mới Thăng Long.
Những con người với văn hóa, văn minh Trường Yên, trải qua thời gian đã pha loãng, biến chất đi nhiều, phần còn lại còn được mấy phần trăm? Cái đất Hà Nội bây giờ có địa lý đông giáp Biển Đông, tây giáp Lai Châu, nam giáp Bình Định, bắc giáp Tàu... Nó chứa trong lòng nó bao nhiêu biến thiên, dị dạng đâu có thuần một thứ gì? Người Tràng An ở Hà Nội bây giờ hầm bà làng xí cấu, đâu còn chất xưa? mà nói đúng ra thì thành ngữ Người Trường Yên, chư không phải Người Tràng An. Tràng An là một thứ âm Hán Việt của những nhà “túc nho” dùng mãi mà thành quen. Sau này nước ta cũng đề nghị với Unesco công nhận Tràng An là di tích lịch sử nhân loại. Khổ quá! Hỏi dân Ninh Bình thì người ta chỉ biết có Trường Yên chứ không biết Tràng An. Rõ tội nợ!
Dẫu sao, cũng phải công nhận cái đất Ninh Bình nhỏ bé đã chứa trong lòng nó những địa danh nhỏ bé hơn như Trường Yên (Tràng An) nơi đã có 3 Triều đại Đinh, Lê, Lý đóng đô, sau này Triều Trần cũng từng lập Hành Cung chống Nguyên Thanh ở vùng Hoa Lư, Hoàng Đế Quang Trung cũng xốc quân tại đây để tiến ra Thăng Long, đúng là đất Địa linh nhân kiệt. Chẳng thế mà ông Vua sắp lên ngôi tới đây cũng là con dân đất Ninh Bình với Sông Vân Núi Thúy.