Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

CHẶNG ĐƯỜNG KÉO DÀI ĐÃ 82 NĂM

TỰ BẠCH TÓM TẮT


ĐỜI TÔI, VỚI NHỮNG NẺO ĐƯỜNG

Chặng đường hình thành do những khoảng cách, có chặng do không gian và cũng có những chặng do thời gian thay đổi. Đứng một chỗ và không có gì thay đổi thì không có chặng đường nào cả. Máy móc chia ra những chặng đường này nọ là một việc làm không hẳn là cần thiết, cứ để lẫn lộn như nó diễn ra, vậy nhé!


Năm lên 4 tuổi, tôi theo gia đình rời phố Phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lên phố Chợ, Thị Xã. Những năm ở Yên Khánh, tôi đã kể trong chuyện ngắn "U Thíu".  Di chuyển một chặng đường hơn 10 cây số, không đáng kể, nhưng lên Tỉnh, tôi phải đi học, lớp vỡ lòng trường Trí Tri. Chuyện này cũng đã được kể trong "Sâu thẳm một nỗi nhớ". Học một năm, tôi vào trường công, trường tiểu học Hautefeuille (tên một ông công sứ Pháp). Do quy định của trường: 7 tuổi mới đươc vào lớp 5 (Enfantin) nên tôi phải đúp đến 3 năm lớp bét. 3 năm đó học cụ Huấn Chinh. Năm lên lớp tư (Préparatoire) học ông giáo Trà. Lớp ba (Élémentaire) thầy giáo Ngạc. Thi Sơ học yếu lược xong lên lớp nhì năm thứ nhất (Moyens un), học thày Ngữ. Sau đó theo gia đình về tỉnh Hà Đông, một cuộc di chuyển khá xa, xa cảnh, xa người… tâm tư gửi cả trong ký sự "Sâu thẳm một nỗi nhớ"

Cùng bố mẹ trên đường lên núi Thúy

.

Năm 1942 vào học lớp nhì năm thứ hai (Moyens deux) tại trường con giai thị xã Hà Đông. Con gái học riêng, trường khác. Trước đó hồi ở Ninh Bình học chung với con gái. Năm 1943 lên lớp Nhất (Supérieur) năm 1944 thì Séc (Certificat) Cao đẳng tiểu học. Những năm này bố đã nghỉ hưu, gia đình tản cư về quê ngoại (tránh máy bay Mỹ ném bom) thôn Hữu Châu, xã Hữu Thanh Oai, phủ Thanh Oai. Tôi trọ học trên Thị Xã, cuối tuần đến ngày nghỉ mới về với gia đình, đi bộ hơn 8 cây số cả đi lẫn về.

Đến đây hết giai đoạn đi học, coi như một chặng đường đã qua, 8 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường.

Thập niên 40, đây là Trường con trai Hà Đông


CHẶNG THỨ HAI - HỌC NGHỀ

Do bố ốm, mẹ lại sinh em bé (em Trâm) nên tôi đành bỏ học và chuyển sang học nghề in tại nhà in Quang Hoa của anh Dương Thái Ban.
Tôi làm nghề in được 2 năm (1945 - 1946), làm tất cả các việc trong nhà in, nhà chữ, nhà sách, lên khuôn, sửa bản in, tuốt lô, pha mực v.v… Nhưng chủ yếu là nhà chữ, với việc sắp chữ và lên khuôn. Tay nghề cũng đã khá cao so với các đàn anh đi trước như Lê Thiệp, Lê Đăng Bình, Dương Đình Quy v.v… Nhà in Quang Hoa in báo Cứu quốc ra hàng ngày, nên việc in vở kịch Lôi Vũ giao cho mình tôi sắp chữ và giao thiệp với cụ Đặng Thai Mai (dịch giả) để cụ ký vào Épreuve. Khi về nhà in Minh Tân (1946) tôi đã là thợ chính, chuyên làm những việc kỹ thuật (traveaux diverses), vì biết nhạc nên chuyên in các bản nhạc của nhà xuất bản Đan Thanh phố Huế. Được mấy anh này o bế hết sức. Từ việc sắp lời dưới các nốt nhạc đến pha mầu in bìa, rập bản in thử (Morasse, Épreuve) rồi mới giao lại cho thợ máy in.
Cuối năm 1946, rục rịch đánh nhau đến nơi, nên mọi việc cần hoàn tất nhanh để kịp thanh toán, mà muốn nhanh thì phải chở bia, kẹo lạc, thuốc lá đến "cúng" các ông thợ. Thế là mình biết ăn hối lộ từ đó.
Được anh em bầu là Thư ký xí nghiệp, kiểu thư ký công đoàn sau này, tôi "đấu tranh" với chủ trả hết lương cho anh em để mọi người còn kịp đưa vợ con về quê. Riêng tôi thì được chủ mời đi theo nhà in tản cư về Hưng Yên, nhưng bố ốm mẹ nuôi em nhỏ, lại thêm một em Chi sinh năm 46, nên đành từ chối, không đi theo được. Tiếng súng kháng chiến nổ cũng là dấu chấm hết quãng đời "làm thợ, gù lưng, thâm đít" đúng nghĩa của tôi.


CHẶNG THỨ BA - CÙNG GIA ĐÌNH TẢN CƯ

Hữu Châu Quê ngoại (1046)
Hà Nội, nổ súng được 3 ngày tôi mới lần về đến làng Hữu, vào một buổi chiều, khi ông bố đang ngồi ôm lấy em gái tôi mà thở vắn than dài: "Thế là hết, công cậu nuôi anh ấy mười mấy năm trời!"…
Ở Hữu được mấy ngày, thấy không yên, nên gia đình tôi quyết đi xa hơn nữa, về quê nội Lạt Sơn Kim Bảng, Hà Nam. Chuyến đi này đã được kể trong "Chiều đông bến vắng", và "Ký sự về một vùng quê". Một chuyến đò dọc khoảng 50 cây số.

Lạt Sơn, Quê nội 1947

Tháng 7 năm 1947, tôi lên đường "thoát ly" lên vùng Mỹ Đức, Hà Đông (Bài Dâm, Đốc Tín) lên Ban Kinh Tài Khu Ủy II công tác.

Cùng với Bình và Tĩnh, 2 kế toán viên


CHẶNG THỨ TƯ - CUỘC ĐỜI CÔNG CHỨC

Trong thời gian ở quê thì Lê Đăng Bình (Sau này là giám đốc nhà máy in ST) có nhắn tôi đi "Sự Thật" và Dương Đình Quy cũng rủ tôi đi "Cứu Quốc" là hai nhà in mà các anh đang làm. Âu cũng do lòng ưu ái và sự tín nhiệm của các anh đối với tay nghề của tôi. Đành cảm ơn các anh nhưng tôi muốn xoay sang một nghề khác.
Đầu tiên, tôi làm văn phòng vì biết đánh máy chữ theo phương pháp "mù" (Méthod' aveugle) đánh 10 ngón mà không cần nhìn phím. Sau đó được theo lớp Kế toàn Kép (comptabilitée en partie double) do 2 thầy Nguyễn Khắc Lộc và Nguyễn Phúc Lộc giảng dậy, vừa làm vừa học, học tất cả các dạng kế toán, công nông nghiệp, hành chính, ngân hàng v.v… Những điều cơ bản để có thể tự mình mở tài khoản (comptes), nhìn sự việc ra con số và dựng sổ sách cho bất kỳ một ngành nào. Không nhớ học trong bao nhiêu lâu, thông thạo cả đến việc viết con số và gọt bút chì, cộng ngang, cộng dọc, rồi mở được sổ con, sổ cái (Grand livre) lên được Balance, Bilant … Tôi được phân về Nam Hưng Công Ty, có từ ngành chăn nuôi đến Công Binh Xưởng, các Đại lý Đống Năm, Chợ Đại, Chợ Quế, đến các mỏ than, các đồn điền trong Chi Nê, Lạc Thủy. Thời gian này hết Khả Phong Kim Bảng đến Nam Công Thanh Liêm. Sau cùng về hẳn Y Dược Hợp Tác Xã  Chợ Quế, Kim Bảng, làm kế toán trưởng.

LÀNG KHẢ PHONG VỚI NGÕ ĐÁ RA SÔNG ĐÁY
Thời gian này Cụ Phạm Gia là Trưởng ban, cụ Ba Hoán là một trong các phó ban.
Năm 1948, tôi mới 16 tuổi thì được cụ Phạm Văn Hoán nói chuyện riêng: "Hội muốn đặc cách xét kết nạp anh vào Hội" (Khi đó chưa gọi là Đảng mà Hội là Đảng). Là một kế toán trưởng vững vàng, việc tổ chức kết nạp tôi cũng là việc đúng đắn, nhưng không biết sao khi đó tôi lại trả lời: "Tôi rất cám ơn, nhưng cho phép tôi còn suy nghĩ" Câu này không khác gì một lời từ chối, nếu không bây giờ tôi đã hơn 60 tuổi đảng(?). Nhưng đó là tính cách của tôi.
Năm 1949 tôi xin chuyển về Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Khu Đặc Biệt Hà Nội, về làm cán sự 5 Phòng Tài Chính, nếu tính cả 2 bậc tá sự thì tôi thuộc bậc 7 ngạch hành chính, có thể thi lên tham sự một (như chuyên viên sau này).Chủ tịch Ủy Ban hồi đó là ông Khuất Duy Tiến, trưởng phòng là ông Lều Thọ Đăng. Ủy ban hồi đó đóng tại khu vực Chợ Cháy, Xuân Tình, Trầm Lộng… Trên trục đường Cống Thần đi Ứng Hòa.

Tiểu đoàn bộ Nguyễn Huệ (1950)

CHẶNG THỨ NĂM - ĐI BỘ ĐỘI
          
Tự dưng lại nghĩ đến chuyện muốn đi Bộ Đội. Nhân có người quen ở Bộ Tư Lệnh Quân Khu III, tôi nhờ họ xin tôi sang. Ông Hoàng Sâm ký giấy gửi Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Hà Nội, xin tôi về Tư Lệnh III. Ông Khuất Duy Tiến trao đổi với tôi rằng, tôi có về Tư Lệnh III thì cũng chỉ là anh lính Văn Phòng, mà Ủy ban đang cần người, nếu ở lại thì ông Tiến sẽ có thư trả lời cho ông Sâm giữ tôi ở lại. Tôi xin đi, ông Tiến đồng ý cấp giấy giới thiệu tôi về Tư Lệnh III.
Cuối tháng 4 năm 1950 tôi rời khỏi Ủy Ban, chấm dứt 3 năm làm anh viên chức cách mạng. Khi đó chiến sự đang mở rộng, Ủy ban cũng vào sâu trong Chợ Bến. Tôi về Sêu trên con đường đi tìm Tư Lệnh III không biết di chuyển về đâu? Người tản cư kéo đàn kéo lũ dọc đường đi. Gặp một đơn vị bộ đội ở chợ Sêu, tôi hỏi thăm về Tư Lệnh III, một anh cán bộ mắt hơi lé, sau khi xem giấy giới thiệu của tôi, cười cười gợi ý: "Bây giờ không biết Tư Lệnh III ở đâu, tình hình này cũng khó tim, thôi thì bộ đội thì đâu cũng thế, cậu ở đây với chúng tớ!" Nghĩ đến chặng đường gió bụi mịt mờ thế là tôi đồng ý ở lại Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ. Trung Đoàn Ký Con. Đơn vị này không cần đến cán bộ tài chính, thế là nghiễm nhiên tôi được làm anh binh nhì, tụt một lúc bẩy bậc lương mà không thấy luyến tiếc gì.
Ngay ngày hôm sau, tôi được giúp anh nuôi, gánh nồi niêu xoong chảo, Khi thì giúp trợ chiến khiêng khẩu Hốt Kít, hành quân về Nho Quan, luyện quân. Đóng tại Bò Son, Vô Hốt, ở đây được biên chế về tổ Tác Chiến tiểu đoàn. Nguyễn Lê Quỳnh là tổ trưởng, kiêm thư ký tác chiến, tôi theo rõi huấn luyện và Đinh Trang Nguyên phụ trách Đồ bản. Việc đầu tiên là ra tờ báo tường cho tiểu đoàn bộ, sau đó tôi viết một ca khúc về luyện quân cho đơn vị, được thưởng 30 đồng, mua được quả mít về khao anh em. Phụ cấp tiêu vặt hàng tháng cũng chỉ như thế. Sau đợt này tôi được phong Tiểu đội phó.
Trong đội hình Trung Đoàn, hành quân vào Thanh Hóa thành lập Đại Đoàn 304. Ra mắt đại đoàn bằng trận đánh Hói Đào, trong chuỗi vị trí Mai An Tiêm và Liên Sơn, Tam Tổng. Sau đó lại hành quân ra Kim Bảng, Hà Nam. Tiểu đoàn Lê Lợi đánh cứ điểm Hồi Trung, Hồi Giộc. Tiểu đoàn Gô Tô đánh vận động Phương Khê, Mã Não. Tiểu đoàn Nguyễn Huệ của tôi đánh vận động trên đê Gốm, Thụy Lôi…


Ở với tiểu đoàn được 4 chiến dịch, một lần hành quân lên Việt Bắc lấy vũ khí. Lần này, cả đơn vị đi trước, tôi được ở lại giúp cho một chiến sĩ trinh sát lấy vợ, rồi đi sau.
Dọc đường 12, một mình từ Nho Quan, qua Vụ Bản, Cao Phong, Dốc Cun đến Thị Xã Hòa Bình, lên Đồn Vàng, qua Hưng Hóa, lên Thị Xã Phú Thọ, lên Vũ Ẻn, vào Tình Kiêng, Suối rắn, gặp đơn vị ở đó vào ngày giáp Tết. Hành trang qua dọc Xứ Mường, ngoài quân trang ra còn bánh thuốc lào để đổi gạo, đổi cơm và tút thuốc lá Quân Nhân Đường 12 để đốt dọc đường. Chuyện dọc đường đã viết trong "Niềm hạnh phúc rùng rợn" và "cái tẽn tò đầu xuân"
Không biết chuyến xa đơn vị này có ai thử thách gì không? Có ai nghĩ nhân dịp này mình sẽ rinh tê hay không? Chỉ biết trung bình ngày cuốc bộ 40,50 cây số , chỉ có 4 ngày đã đuổi kịp đơn vị, từ khu Ba lên khu Mười. Một chặng đường đáng kể. (khoảng 200 cây số).
Sau khi nhận xong vũ khí, trung đoàn tôi hành quân qua Sơn Dương về Tam Đảo, đánh vị trí Thanh Lanh (không thành công) mà còn ăn một trận bom tại Quan Đình, Dị Nậu (Đã kể trong "Hải và Mã".
 
Kéo quân về đồng bằng, đi lối nào về lối ấy. Tạm dừng ở Nho Quan, chuẩn bị tham gia chiến dịch Quang Trung.
Suốt một đêm ngâm nước, lội từ Nho Quan đến Hệ Dưỡng. Gặp gò nào cao cao leo lên, gạt đỉa bám ở chân này thì nó lại leo lên chân kia. Về đến Hệ Dưỡng còn lôi được hai con đỉa kềnh càng ở háng và ở bụng. Trận huyết chiến âm thầm đầu tiên mở màn chiến dịch. Cũng trên chặng đường này, máy bay Pháp đã bắn chết quản lý "Hách răng vàng".

Hệ Dưỡng ngày nay


Nghỉ ở Hệ Dưỡng 1 ngày, ngay chiều hôm ấy đã bôn tập vào sâu hơn 15 cây số, đánh Đường 10. Gô Tô đánh Chùa Dầu, Lê Lợi đánh Chùa Cao, và Nguyễn Huệ đánh Yên Vệ. Ngay trong đêm phải đưa thương binh ra hậu phương, một mình với đoàn tải thương qua các làng Tề, cũng thấy hơi ngợp.

Trong Chiến dịch này, mình được Trung Đoàn tuyên dương vì đã hoàn thành nhiệm vụ và truy lùng bắt được tù binh, nhưng cũng cùng ông Tiểu Đoàn Trưởng Đào Huy Vũ bị cảnh cáo vì bắn và đánh tù binh.

Trên đường lui quân, mình được đi trước để lĩnh quân trang cho toàn Trung Đoàn. Đoàn thuyền quân trang về đến Cầu Bố thì bị máy bay địch oanh tạc. Đạn xuyên thủng một số quân trang, một thuyền bị đắm. Huy động nhân dân vớt hộ đem phơi, để quân ta hành quân qua, lĩnh ngay dọc đường.

Ông Hoàng Kiện Trung Đoàn Trưởng dọa đưa mình ra tòa án bình, nếu không ngụy trang để lộ thuyền. May quá chuyện đó không xảy ra.

Về đến Quỳnh Lưu, Nghệ An nghỉ ngơi, lính khu III sà vào các o thiếu nữ Nghệ An, gây nên một Scandale nực cười, (đã ghi trong "Từ một chuyện đồn…").

Trong những ngày nghỉ ngơi, Đinh Trang Nguyên từ Trung Đoàn xuống mang theo một tấm bạt chiến lợi phẩm, Phạm Công Cửu bán đi, mua được con vịt và chính Cửu ra tay chế biến, được một bữa chén (không rượu).

 
Chặng hành quân sau Chiến dịch từ Ninh Bình vào Nghệ An cũng khoảng 200 cây số đi chân. Về một vùng quê khác hẳn đồng bằng Bắc Bộ về mọi mặt. Biết món Khoai reo (khoai lang thái lát, phơi khô), đồ với đỗ đen, chiêu ngụm nước chè xeng (chè xanh, chè tươi), cũng dễ lấp đầy bụng. Đặc biệt là món tiết canh có mật mía và không đông, cứ xì xụp húp. Ôi chao một thời oanh ít liệt nhiều.
Sau một trận sốt rét, tiểu đoàn cho về đơn vị thu dung cùng với Nguyễn Quyết. Hai thằng sau đó được điều về Đại Đoàn, Quyết về Ban 3, mình về Ban 1 Phòng Tham Mưu.

Đại tá Hoàng Minh Thảo, người ngồi giữa


Ở với Tham mưu Đại Đoàn được 2 năm, từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 10 năm 1953. Nhiệm vụ chính là thư ký đánh máy ban 1, ban tác chiến, nhưng mỗi kỳ chỉnh huấn chính trị lại được điều sang phòng Chính Trị. Do đó có dịp đánh máy hai bản kiểm thảo của Đại Đoàn Trưởng đại tá Hoàng Minh Thảo và Chính ủy Đại Đoàn Lê Chưởng. Ngoài nhiệm vụ chính ra, tôi còn là chủ nhiệm câu lạc bộ Phòng Tham Mưu, điều hành các cuộc sinh hoạt văn nghệ mà thành phần từ cán bộ trung đoàn trở xuống.
Về Tham Mưu F được tham gia ngay chiến dịch Hòa Bình. Đi với sở chỉ huy tiền phương, nên có dịp gặp lại Tiểu đoàn phó Nguyễn Huệ cũ, bây giờ đã là tiểu đoàn trưởng bên E9. Anh Lê Ngọc Phô tức Quốc Vũ. Sau trận đánh đồi Gô Tô, trên đường rút lui, anh đã bị đại bác tiện mất một chân lên đến đùi. Bắt tay anh nằm trên cáng khi qua suối Tranh, và cũng là lần cuối cùng chia tay với một đồng đội, 1 cán bộ chỉ huy năng nổ, vui và nóng tính. Anh luôn có câu cửa miệng dọa lính: "Con gái nó thì ỉa lên đầu chúng mày"… Lính không giận mà thường khoái trí, vì hình dung ra lúc đó sẽ thấy cái gì?
Trong chiến dịch, tôi còn có lần đi cùng một trinh sát vượt Giốc Cun quay lại Giang Mỗ để nghiên cứu chiếc xe Tank mà Cù Chính Lan đã hạ gục, vẽ và ghi lại chỗ dầy chỗ mỏng của vỏ thép, những chỗ mạnh chỗ yếu và những chỗ dễ bám để trèo lên xe, rồi sẽ phổ biến cho toàn quân. Rất tiếc đó không phải là Tank mà chỉ là cái xe AM (Auto miltrailleuse) bánh lốp.
Tôi và một tổ trinh sát đã phát hiện ra địch đã rút khỏi đường số 6, qua tiềm nhập đồn Gò Bùi, phát hiện ra địch còn bỏ lại một số lớn đạn đại bác 105 ly, đã điện báo về đại đoàn cho người ra thu chiến lợi phẩm. Đang ở trong đồn thì bị 4 chiếc khu trục đến bắn phá, được một trận ù tai nhức óc, đành lấy công sự địch để tránh địch. Vui thật.
Sau chỉnh huấn "Quân Đội Nhân Dân" và tham gia cuộc đấu tranh Giảm tô tại Thanh Hóa và Nghệ An, đầu năm 1853 đơn vị lại đi chiến dịch Thượng Lào. Theo đường số 7 qua Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Mường Xén, Con Cuông rồi đóng quân tại một khu rừng sát biên giới Việt Lào. Theo rõi diễn biến chiến dịch, đánh Nọong Hét, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng. Đợt này trùng vào dịp con cháu ở Việt Nam để tang ông Staline tại mãi Liên Xô. Một tuần không vui chơi, ca hát, hò hét, cho nổi không khí bi thương tang tóc.
Sau Chiến dịch Thượng Lào, rút quân về Thanh Hóa, đóng quân vùng Yên Định, Nông Cống, Quảng Xương, tiếp tục tham gia đấu địa chủ, học tập Cải cách ruộng đất "Theo bước đảng tiên phong, nông dân đứng lên diệt thù…" Say sưa gào thét tối ngày, mãi sau này mới biết đó là kiệt tác của ông Đặng Đình Hưng (bố đẻ Pianiste Đặng Thái Sơn), người  vùng Diên Hồng, Sông Đáy, Thanh Oai Hà Nội.
Tháng 10 năm 1953, sau chỉnh huấn, tôi được làm kiểm thảo điển hình nhưng bị suy diễn và quy chụp, nên phải kiểm thảo lại và lập tức phải trao lại túi dấu, gồm dấu mật, dấu công khai của Đại Đoàn, để xuống đơn vị, nơi 2 năm trước tôi đã từ đó về đây. (Đã kể trong "Ba lần chết hẳn").

Xuống đại đội công binh được hai tuần, đào được mấy chỉ huy sở dưới đất, lại được điều về d.533 tiểu đoàn Súng máy Phòng Không 12 ly 7. Ra quân đánh trận đầu tại Cầu Tào phía bắc Thanh Hóa, bắn 1 chiếc Dakota bị thương nhưng với chiếc Skymaster 5 đầu thì như gãi ghẻ. Súng mới được Liên Xô viện trợ, đạn thừa dùng, nhưng khiêng vác hơi nặng so với 12 ly 7 của Mỹ.
Tháng 12/1953, đại đội 95 được điều khỏi đội hình tiểu đoàn, vượt rừng Mai Châu, theo quốc lộ 6, qua Yên Châu, Mộc Châu, lên chiếm giữ Ngã ba Cò Nòi. Bấy giờ mới biết được tham gia chiến dịch Trần Đình.
Đào không biết bao nhiêu trận địa, cơ động hết Đèo Chẹn lại Ngã Ba Cò Nòi, chiến đấu liên tục bảo vệ Ngã Ba cho đến sẩm tối ngày 7 tháng 5 năm 1954, có điện báo cho Thôn 5 Ấp Bắc biết quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Thở phào, xong một keo. Đời lính còn biết bao nhiêu keo không hẹn trước nữa, nhất là lính phòng không, hậu phương với tiền tuyến không ranh giới.
Sau đó chừng một tuần, đơn vị nhận lệnh hành quân về hậu phương Thanh Hóa, nhưng lần về khác với lần đi, được cưỡi ô tô. Xe Gát 63 với 4 bánh to, lốp cứng lại bọc xích nên chồm lên thoải mái. Ngồi trên xe chỉ lo què vì súng ống, hòm đạn, cái gì ghè vào cũng tan nát ống đồng như chơi. Chót lên xe, bụng bảo dạ lần sau có đứa nào rủ lên xe thì chừa cái mặt nó ra. Ông đi bộ dễ ăn bún riêu hơn, muốn dừng đâu thì dừng.
Chặng này cả đi lẫn về cũng chừng 400 cây số, nhưng chỉ phải dùng đôi chân có nửa chặng đường.


Về đến Thanh Hóa, đồ đạc tư trang gửi lại nhà dân đây chính là lý do để sau này lính mất hết những đồ gửi lại. Tất cả, sau cuộc cải cách long đất lở trời, đều biến thành quả thực, chia cho các ông bà bần cố.
Súng đạn lên vai, cấp tập hướng Ninh Bình. Từ vị trí tập kết, suốt đêm chạy gằn vượt qua vành đai là sân bay Đồng Giao, tiến vào sát đường 10. Vừa giá được súng, chỉnh được đường ngắm cơ bản, thì đã nghe tiếng vè vè của chiếc bà già bay trinh sát. Lệnh đại đội: Bắn!, chỉ 1 điểm xạ, chiếc máy bay đã loạng choạng và rơi gần trận địa. Bộ binh ta bố trí gần đấy reo vang và yên trí đã có chúng tôi yểm trợ. Niềm vui chưa dứt thì đã có lệnh của Trung đoàn 9 yêu cầu 12 ly 7 rời khỏi trận địa.
Xa xa trong làn sương sớm đã thấy nhấp nhô những chiếc Tank Crabe đang lổm ngổm bò về phía chúng tôi, nếu không rút nhanh thì có thể bị bọc hậu. Tôi hạ lệnh tháo súng rút lui, Số 1 vác thân súng, số 2 vác hòm đạn, còn cái chân súng do 2 tân binh mới bổ xung là Khoa và Giáp, 2 cậu này đã tự động bỏ về tuyến sau từ lúc nào không biết? Sợ mất súng, tôi đành vác cái chân súng 58 cân lên vai, cùng khẩu tiểu liên, đạn và túi phụ tùng súng gò lưng chạy trên những luống cày lổn nhổn, đạn veo véo phía trước, phía sau. Đến tuyến hai mới biết súng còn mà người cũng còn, nhìn hai cậu Khoa, Giáp đang thu lu ngồi dưới hầm mà vừa giận vừa buồn cười.
Sau đó chúng tôi vượt sông Đáy sang Ý Yên, lên Bình Lục. Dừng chân ở một thôn có nhà thờ gần cầu sắt, dân không cho bộ đội đào công sự gần nhà thờ đành tản ra ruộng, đợi đến tối hành quân tiếp, bỏ qua thị xã Phủ Lý, tiến lên Duy Tiên, ra sát Sông Hồng, bố trí trận địa ngay bãi sông, đối diện với bốt Yên Mỹ bên kia sông. Qua rồi giai đoạn cơ giới Pháp đuổi bộ đội ta chạy chân, mà đến lượt ta đuổi cơ giới Pháp chạy tóe loe, bỏ Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Tây chạy đến đâu phá cầu đến đấy, hệt như ta hồi đầu kháng chiến.
Ở đây chúng tôi chỉ đánh có một trận. Không hạ được một máy bay nào mà còn bị thương vong. Khẩu đội tôi hy sinh khẩu đội phó Dậu, xạ thủ 1 Hồng bị thương. Ứng trung đội phó Trung đội 2 bị thương. (Xem truyện ngắn Gió Sông Hồng).
Khi hiệp nghị đình chiến có hiệu lực thì chúng tôi đã tiến theo đê sông Hồng về gần bốt Tống, Chợ Tía, cách Hà Nội trên hai chục cây số đường chim bay. Đêm đêm ánh điện từ Hà Nội hừng sáng soi rõ đường làng ngõ xóm nơi đây.
Tiểu đoàn tôi có 3 đại đội, thì 2 đại đội ở phía tây Hà Đông, vùng Ba Thá, Ngã Tư Vác, riêng đại đội tôi ở phía đông, phía sông Hồng. Cả tiểu đoàn sau ngày ngừng bắn về tập kết ở vùng Chùa Thầy, Quốc Oai. Một thời gian ngắn sau đó đại đội tôi hành quân theo đê về Lý Nhân rồi tiến vào tiếp quản thành phố Nam Định. Có nhiều chuyện đáng nói thì đã kể hết trong "Phở Nam Định".
Đến đây có thể coi là hết giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Thành tích lớn nhất của lính ta không chỉ có đánh mà còn là đi. Có thể nói, đi đến nơi về đến chốn là đã thắng được 50 phần trăm rồi. Trung bình một đêm hành quân chừng 30 cây số.
Ôi những đôi chân vạn dậm, in dấu trên khắp mọi miền đất nước qua chín năm kháng chiến. Hẹp hòi gì mà không gắn huân chương cho những đôi chân không biết mỏi ấy? Biết bao nhiêu mối tình đã tiễn ta đi và đã đón ta về? Nếu không có những tình cảm ấy thì người lính lấy sức đâu mà đi?

CỰU CHIẾN BINH 533 THĂM NHAU KHI ĐAU ỐM


CHẶNG THƯ SÁU, HÒA BÌNH ĐẦY GIAN KHỔ.

Trú quân ở vùng Chùa Thầy, tập đội ngũ chuẩn bị tiếp quản Hà Nội. Tổ chức văn nghệ liên hoan với địa phương. Đại đội tôi rất mạnh về biểu diễn các tiết mục ca múa, thơ kịch, một phần là có tôi, vốn là anh chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Phòng Tham Mưu Đại Đoàn, nơi tập trung những đoàn học viêc lục quân từ Trung Quốc bổ xung, mang theo về những điệu múa mới lạ hấp dẫn như Mông Cổ Vũ, Múa đũa, Múa khâu giầy. .. Khi đóng quân tại Cò Nòi, c95 được đón tiếp đoàn đại biểu Thanh Niên Việt Nam đi dự liên hoan Bucarest về qua. Đoàn do anh Lưu Hữu Phước trưởng đoàn, anh Lương Ngọc Trác phó đoàn, trong đoàn còn có nhạc sĩ Nguyễn Thành, ca sĩ Song Ninh, diễn viên múa Phan Thanh v.v… hướng dẫn lại cho tôi, những điệu múa nón, Tây Bắc chiến thắng, những bài ca Nhị Lang Sơn, Henri Martin v.v… Với vốn liếng ấy chúng tôi đã dựng được một chương trình khá xôm trò.
Đáng kể vì c95 tập trung lớp pháo thủ xuất thân từ những trường Trung Học Nghệ An, Thanh Hóa, thêm một số học sinh vùng tạm chiếm trốn ra, những anh chàng tiểu tư sản, những Tiến, Tập, Nghĩa, Vũ, Hậu, Lương, Hồng, Hòe, Bạch Hải, nhiều cậu đóng giả gái xinh ra phết. Đồng ca đại đội chơi bè những bài như Nhị Lang Sơn, Henri Martin rất thành thục. Tóm lại đóng quân ở đâu cũng được các cô gái cảm tình và ngược lại lính ta cũng gửi lại tình cảm với hậu phương hết sức nồng nàn.
Đùng một cái, nhận lệnh gửi lại súng 12 ly 7, chỉ mang theo lương thực và vũ khí nhẹ, bỏ tiếp quản mà hành quân cấp tốc lên phía bắc.
Một chiều mùa thu, chúng tôi rời thôn Thụy Khê với biết bao lưu luyến, xa dần vẫn cố ngoái lại nhìn đỉnh núi chùa Thầy với duyên nợ còn dang dở. Nghĩ cho cùng thì cuộc sống đã dậy cho lính một bài học, chớ nghĩ đến chuyện ăn sâu cắm rễ bất cứ ở đâu và bất cứ với ai? Hãy trả lại nụ cười sơn cước cho núi rừng, đó là thứ không thể bỏ vào ballot làm hành trang mang theo lính được. Đây là lời khuyên với ai ưa những bước nhẹ thênh trên vạn nẻo đường, còn chú lính nào ưa vác nặng thì xin cứ việc.
Hành quân theo đê ra Phùng, đi theo đoàn quân còn có những cặp mắt mọng nước của các cô Tụng, chị Thuyết… Đêm nay biết bao người trằn trọc, lính cũng như dân. Nửa đêm vượt sông Hồng ngay gần Hát Môn, qua Phúc Yên. Gần sáng thì đến một thôn ngoại vi thị xã. Đêm sau, men theo chân Tam Đảo lên Thái Nguyên, rồi từ Thái Nguyên đi Bắc Cạn, những chặng này được hành quân ban ngày, vượt Col Léa vào đất Nguyên Bình, đây đã là Cao Bằng, tỉnh cực bắc giáp với Trung Quốc. Chặng đường Cao Bằng - Hà Nội này hơn 300 cây số, tôi đã đi lại đến 4 lần, 2 lần đi chân và 2 lần cơ giới.
Dọc đường đi, chúng tôi được biết là đơn vị đã được biên chế sát nhập với E367, Trung đoàn Phòng Không đầu tiên của Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp nhận vũ khí thay đổi theo Hiệp Nghị Genève quy định cho cả 2 bên. Điều khoản thì thế, nhưng thay cái gì, đổi cái gì? Là điều bí mật quân sự mà mỗi bên đều giữ kín.
Gần 60 năm qua, những điều bí mật ấy không cần phải giữ nữa, nên tôi có thể khai rằng, chúng tôi đã đổi 12 ly 7 lấy 23, 40, 90 và đặc biệt là 88mm, thứ vũ khí chưa kịp sử dụng ở thế chiến thứ 2. Ngày đêm lo chuyển từ biên giới vào sâu trong nội địa. Bãi pháo ngụy trang như một rừng cây, ngày thay ngụy trang 3 lượt. Đường kéo pháo được bê nguyên cả một gian nhà đặt lên, thế là đường biến thành sân. Việc bảo mật hết sức nghiêm ngặt và vì thế rất vất vả. Lính không được ra ngoài khu trú quân, cán bộ trung đội trở lên hóa trang thành dân, đi tuần vòng ngoài. Sở dĩ phải đối phó gắt gao như thế vì thời gian đó Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát Đình Chiến tại Việt Nam có 3 anh Ba Lan, Ấn Độ và Gia Nã Đại. Ba Lan là phe ta, Ấn Độ thì lừng chừng, còn anh Gia Nã Đại thì như hung thần, hết sức soi mói, làm khó cho ta, chỗ nào anh ta cũng đòi sục vào.
Năm đó Cao Bằng rét hại từ 05 độ C trở xuống. Rét cắt ruột lính vẫn phải mò xuống suối Tài Hồ Sìn, để cào sâu dòng suối cho xe của Ủy Ban Quốc Tế không lội qua được. Cầu Tài Hồ Sìn bị đánh gẫy từ lâu. Anh Gia Nã Đại đòi leo qua, 2 anh Ấn Độ và Ba Lan nhường ngay, chúng em không dám!
Chuyện 60 năm trước kể qua để biết lính ta đã phải chịu cái rét sun vòi để cho các nòng pháo được vươn cao sau này.
Tết năm đó, vũ khí được chuyển về Đại Từ Thái Nguyên để chuyển binh chủng. Toàn đơn vị được hành quân bằng xe xích và đại xa kéo pháo, riêng đại đội tôi phải hành quân bộ hàng trăm cây số để xóa dấu vết. Mỗi người kéo theo một cành cây để xóa các vết tích trên đường, các bãi pháo do Thô La Chi (một loại xe xích) in hằn vết xích thì chúng tôi phải mượn cầy của dân để cầy xóa hết vết xích. Cầu đã đi qua thì có thể phá để tránh UBQT có thể dò theo. Mỗi ngày hành quân chừng 15 cây số. Trời rét nứt nẻ chân tay, nửa tháng hành quân, vào những ngày giáp tết năm ấy, đại đội chúng tôi đã về tới Vai Cầy, Đại Từ nơi đại quân đã làm xong lán trại.
Khẩu đôi tôi là một khẩu pháo 88mm có thể bắn theo rada, bắn liên động điện, toàn trận địa 4 khẩu do một sự điều khiển chung từ khí tai 2B (Quang học) đến 4B (Rada), các nòng pháo đều ngóc lên nhịp nhàng xoay như một tiết mục nghệ thuật.
Học khí tài chưa được bao lâu thì có lệnh bàn giao lại khẩu đội, mang theo 7 ngày gạo lên trung đoàn nhận lệnh. Tôi liên hoan chia tay với khẩu đội 5 e220 rồi ra đi. Lên đến Trung Đoàn gặp Chính Ủy Truy, ông nói: "Văn công nó xin cậu về bổ xung cho nó. Để cậu đi chúng tớ cũng đứt ruột, nhưng vì sự nghiệp chung, đành để cậu đi, xây dựng cho nó vững mạnh, khi nào cậu muốn về lại đơn vị thì chúng tớ sẵn sàng nhận lại. Thôi cứ nghỉ ở đây, bao giờ thấy thông thì đi!" Ngập ngừng một chút, tôi nói với anh Truy: "Tôi biết việc này tổ chức đã sắp xếp đâu vào đấy rồi, quẫy lắm chỉ tổ trầy vi tróc vẩy, vâng anh cho tôi đi. Tôi không thích Văn Công vì nếu thích tôi đã có thể làm văn công ngay thời kỳ ở 304 rồi. Tổ chức đã quyết, tôi xin tuân lệnh!"
Sau cái bắt tay với chính ủy, tôi thành anh chiến sĩ diễn viên văn công từ đó.


CHẶNG THỨ BẢY - DIỄN VIÊN VĂN CÔNG

Đội Văn Công 367 đón tôi ngay chiều hôm đó. Tôi được biên chế về Tổ Múa, Trương Tam Loan trung đội phó làm Tổ trưởng, Thưởng, Thá và tôi đều là tiểu đội trưởng. Các em gái thì có Dung, Khanh, Lan, Hồng, Thủy.
Xin quay ngược lại thời gian để biết lý do tại sao Văn Công lại biết đến tôi, một anh khẩu đội trưởng pháo cao xạ. Như đã kể, tôi từng là anh trùm sò của văn nghệ nghiệp dư, nên tháng 12 năm 1954, tôi cùng với một anh nữa tên Nguyên, được Trung Doàn 220 cử làm đại biểu đi dự Đại hội Văn Nghệ toàn quân tại Hà Nội. Văn công cũng được đi dự cuộc liên hoan đó, họ đã quan sát từ xa những hoạt động học hỏi, ghi chép của tôi, và biết rằng chỉ cần lôi cổ tôi về văn công là có thể khai thác được nhiều thứ.
Trong suốt thời gian đại hội diễn ra, lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn, khi biết bố tôi đã mất, mẹ tôi và 3 em gái đã đi nam. Niềm vui đoàn tụ đã bị hụt hẫng, tôi chỉ còn biết vùi đầu vào đại hội để quên đi nỗi sầu riêng. Vô tư mà không biết rằng mình đang là con mồi bị săn đuổi, mặc dù là sự săn đuổi rất thiện chí và êm ái.
Tan hội, về lại Cao Bằng, trong túi tôi có cân kẹo nougat và bao thuốc là Philipp Morris mua ở Hàng Bông. Anh em đơn vị đã đè tôi ra và chiến lợi phẩm tuy đã hết veo, nhưng tôi vẫn bị mang tiếng là Tiểu tư sản khó giác ngộ. "Đi theo cách mạng" tôi đâu có biết tôi đã vô tình khoác cái nghiệp chướng đó vào mình. Nó để cho tôi một nỗi ân hận đeo đẳng, có khi phải mang theo xuống mồ.
Tôi đã giã từ số nhà 30 phố Ký Con, ra đi vào một đêm khói lửa ngút trời và trở về vào một buổi sáng thanh bình trong khu Trại Trắng bên hồ Đống Đa với mối tình đầu chớm nở.


Ba năm ở Văn Công 367 có nhiều chuyện xảy ra, nhưng có hai chuyện đáng nhớ nhất là có một em gái trong đội đem lòng thầm yêu. Trong tiết mục "Hái chè bắt bướm" anh chàng bướm đã bị cô út vồ được. Chuyện thứ hai là do yêu đương nên tôi đã bị hạ tầng công tác từ tiểu đội trưởng xuống chiến sĩ. Tôi là tội phạm bị đem ra xử điển hình mang tính răn đe. Đó có phải là một nỗi nhục không? Có chứ! Nhưng tôi rứt khoát xin đem trả lại nỗi nhục đó cho anh Phạm Ngọc Kình, trưởng phòng tuyên huấn, người mà năm 1950 đã nhận tôi vào tiểu đoàn Nguyễn Huệ. Anh này trước sau coi những chuyện tình ở Văn Công chỉ là "quá mù ra mưa" và tuyệt đối cấm. Tôi không những dính vào yêu đương, chống lại chủ trương ấy mà lại còn bị gán là người cầm đầu chương trình luyến ái quốc cấm này.
Năm 1950 là cán sự 5, ngang với chức vụ đại đội phó, sau 7 năm tôi lại quay về làm anh binh nhì, ngang với cán sự 2. Chuyện đời tôi nó vòng vo tam quốc như thế, nhưng đây mới chỉ là màn thứ 2, màn đầu diễn ra từ khi chấp nhận vào quân đội. Một cái vòng đời thối không chịu được.
Cuối năm 1957, Đội Văn Công 367 cùng với đội 308, đội 325 và đội Quân Khu IV sát nhập thành Đoàn Văn Công Quân Khu IV. Chúng tôi khăn gói lên đường, vượt chặng đường hơn 300 cây số vào thành phố Vinh Nghệ An để xây dựng đơn vị mới. Các đoàn trưởng dẫn quân về đây, hầu hết đều trở về đơn vị cũ, có anh Đào Ngọ 308 ở lại làm đoàn phó, cùng với một "Thằng Hèn" Tô Hải làm phó đoàn, trưởng đoàn là Đồng Ngọc Vân, hình như cũng biết chơi đàn tam hay kéo nhị gì đó.

Hơn ba năm, từ 1957 đến 1961 phục vụ quân dân Khu IV, từ Thanh Hóa đến giới tuyến quân sự tạm thời  Vĩnh Linh, Bến Hải và các đồn Biên Phòng từ Thanh Hóa đến Cù Bai Hướng Lập, tôi vẫn làm anh Đội trưởng đội Múa, có tham gia viết ca khúc và nhạc múa.
Chuyện đáng nhớ thứ nhất là tôi mất "em" vì em ở lại Hà Nội. Sau nhiều phen chữa chạy, bệnh không thuyên giảm mà rốt cuộc là đi đoong mất mối tình đầu. Đau không chịu được, nhưng lại có một chuyện khác xảy ra, đau không kém, đó là việc mang hơn 400 đồng đi Hà Nội mua sắm cho đoàn, bị kẻ cắp ở Bách Hóa Tổng Hợp rút mất. Dư luận đánh giá: "thằng này tha rút tiền của ai, chứ kẻ cắp nào rút được tiền của nó?". Thế là nghi án kéo giài, trong suốt thời gian lao động cải tạo, đi làm thợ nề xây doanh trại, phụ cấp bị trừ, chỉ dành cho đủ mua thuốc đánh răng và xà phòng giặt.
Kỷ luật kéo dài cho đến đầu năm 1961 được cùng với Đỗ Niệm, Huy Chu ra Hà Nội theo học lớp Bổ Túc Trung cấp Âm nhạc, tại nhạc viện Ô Chợ Dừa.

Lớp bổ túc âm nhạc cùng giáo vụ đi Chùa Hương
Một năm theo học Abatoire chứ không phải Conservatoire Ô Chợ Dừa, cùng với một số bạn Thế Dương A, Thế Dương B, Thanh Phúc, Tường Vi, Quế Loan, Nguyễn Lầy, Chu Thuyên, Trần Chương v.v… Tốt nghiệp Bình Ưu, với bài tốt nghiệp "Mùa Xuân vui Tết trồng cây" do 2 em Thủy và Thao song ca.
Cổng trường có gánh bún riêu, bao giờ chị bán bún cũng dành rau chuối cho hai ông, ông gầy và ông béo, dù ra muộn cũng có phần.
Đầu năm 1962 về trại sáng tác Quân Đội tại Mai Dịch, rồi sau đó về làm nhạc trưởng cho đoàn 330, Văn Công Quân Đội Nam Bộ. Trong thời gian này có tham gia vai anh tiểu đội phó Nùng trong phim "Người chiến sĩ trẻ". Duyên cớ là không biết ai đã mách cho Hải Ninh biết tôi là người nắm rõ Cù Chính Lan hồi ở 304. Hải Ninh, Khánh Dư và Thẩm Võ Hoàng đến đoàn Văn Công Quân Đội Nam Bộ tìm tôi lấy tài liệu, sau đó qua trao đổi họ mời tôi tham gia một vai trong phim, tôi trả lời việc này phải hỏi Tổng Cục Chính Trị là đơn vị chủ quản. Họ giơ ngay lá bùa do Tổng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái ký cho họ có quyền huy động người trong toàn quân để xây dựng bộ phim, thế là tôi mất trước sau gần 8 tháng cho bộ phim này. Trong thời gian ở đoàn 330 tôi đã từng dẫn đội nhạc đến tổng hành dinh chơi nhạc phục vụ khiêu vũ mỗi khi có đoàn khách quân sự tới thăm quân đội ta. Tôi được gần gũi với một số tướng tá của quân đội, kể từ tướng Giáp trở xuông. Ngoài ra còn phối hợp với ca sĩ Kim Ngọc. Dàn nhạc của tôi phối theo kiểu nhạc nhẹ, đệm cho Kim Ngọc các bài "Huế Sài Gòn Hà Nội" "Siboney"… Xem trong "Hồi ký tôi viết hộ chị".
Cuối năm 1964, đoàn 330 lên đường đi B, tôi và một số anh em người miền Nam ở lại. Đội Nhạc khẩn thiết xin cho tôi đi, nhưng không biết ý kiến từ đâu chỉ đạo nhạc trưởng không phải đi, mặc dù nhận xét của chi ủy đoàn đối với tôi rất tốt.
Sau này gặp một số chiến sĩ từ B ra chữa bệnh, họ cứ nói là họ đã gặp tôi ở đâu rồi, lâu sau mới nhó tôi là anh Nùng trong phim Người Chiến Sĩ Trẻ mà họ đã xem ở hậu cứ. Thế có nghĩa là tôi chỉ được làm tổ trưởng Đảng và được đi B trong phim, còn tôi ở ngoài đời thật thì có gia đình di cư năm 1954, lại không đảng viên thì đi B làm sao được? Thế mới biết… Người ta kỹ tính thật!
Biết tôi không đi theo đoàn 330, Nguyễn Bính đã xin tôi cùng với Dũng Tai Voi, Hải Điện, Xuân Hậu Đài về đoàn Văn Công Quân Chủng Phòng Không Không Quân mới thành lập

ĐOÀN NGHỆ THUẬT QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG KHÔNG QUÂN (1965)
.
Từ Mai Dịch ra Khương Thượng về đơn vị mới. Tôi vẫn làm nhạc trưởng, viết đơn ca, hợp ca, hợp xướng, nhạc múa, nhạc cho kịch, phối những bài cổ điển cho dàn nhạc chơi để nâng cao tay nghề. Có thời điểm già nửa số tiết mục đêm diễn là của tôi. Về đây tôi gặp lại Trọng Đạt, Lê Tăng và Thanh Phúc cùng học lớp Bổ túc ngắn hạn tại Ô Chợ Dừa.

ĐỘI NHẠC, NHỮNG NGÀY ĐẦU
Để ra mắt đơn vị mới, tôi viết nhạc cho Thơ Múa "Quật Ngã Thần Sấm" do Minh Tiến biên đạo. Bản Piano gồm 4 chương, hơn 20 phút, tôi viết trong một tuần. Buổi tổng duyệt, anh em bè bạn các đoàn kéo đến đông, Các anh Nguyễn Đức Toàn, Văn An, Vũ Trọng Hối cũng có mặt. Nghe xong, anh Vũ Trọng Hối ghé tai tôi: "Mày viết thế này thì đái ra hòa thanh à?" không biết khen hay chê?

NAM HÀ, THANH TÙNG, MINH TIẾN, VĂN BÍCH
NĂM 34 TUỔI
Duyên nợ với Đoàn PKKQ cũng chỉ kéo dài 3 năm, cộng với 3 năm Phòng Không 367, trước sau là 6 năm.
Năm 1968, Nguyễn Thành rủ tôi về Tổng Cục Hậu Cần. Một đoàn Văn Công có hai sân khấu chính là Ca Múa và Chèo. Tất nhiên tôi là nhạc trưởng cho cả hai sân khấu. Vở chèo Nguyễn Viết Xuân của Tào Mạt và Nguyễn Đức Thuyết, do Nguyễn Văn Tý viết nhạc, tôi cũng có tham gia vài ca khúc vào và đặc biệt phối cho một dàn nhạc kim cổ, ngoài nhị, hồ, đàn tam, thập lục… còn có cả Flutte, Clarinette, Oboie, trompette, trombone, Cor, Accordeon Violon, Cello, Contrebasse.
Biểu diễn 3 đêm tại nhà hát lớn. Thất bại. Vì dàn micro là những chiếc loa giấy treo trên trần sân khấu, giọng hát bị dàn nhạc đè cho bẹp dí. Giá như có một dàn micro sans file như bây giờ, mỗi diễn viên treo cổ, giắt đít một cái thì tớ đã thắng to.
Tiếng để đời là: "Không biết cái thằng nhạc trưởng ấy nẩy nòi từ đâu ra vậy?". Tuy thế vẫn hơi nể.
Bài ca Tiếng bom ở Siêng Phan, tôi phổ một bài thơ của Phạm Tiến Duật cho đơn ca giọng trung Quốc Bình đơn ca và đặc biệt "Để lại con đường" do đơn ca nữ Phương Mai, Phùng Thủy, Tường Thụ và sau này là Lê Dung  cũng để lại nhiều tai tiếng.
Tháng 10 năm 1971, Đoàn Trường Sơn lên đường đi B, tớ lại được ở lại, nhân đó mình xin ra Xí Nghiệp Bánh Kẹo Hà Nội làm Kế toán, cái nghề đã ghi trong lý lịch, cầm giấy giới thiệu, tớ không ra Xí nghiệp Bánh Kẹo mà về thẳng Truyền Hình Việt Nam như đã liên hệ với anh Bàn Tổ chức. Sở dĩ phải quanh co tránh né như thế vì sợ "miếng thơm" có đứa nó ghét nó ngăn không cho rơi vào mồm mình. Sự đời nó thế.
Chấm dứt quãng đời quân ngũ, 22 năm. Có 10 năm là Quân Nhân Chuyên Nghiệp, cái thứ lính mà Hàm chỉ dừng lại ở Chuẩn Úy là kịch trần. Tuy thế lương Đạo diễn 5/7 ngang với lương thiếu tá. Một thứ Chuẩn úy ăn lương Thiếu tá. Nó quanh co vòng vo như người đã nghĩ ra chính sách này. Đồn rằng đó là anh Song Hào, nên có câu chuyện tiếu lâm, một anh lính cuối đời tưởng tránh được anh Song Hào thì lại gặp anh Hai Hào, Xuống đến Văn Điển còn gặp phải anh Hai Mươi xu… Thế mới biết có loại người cái gì cũng biết mà cái gì cũng không biết, chỉ biết cái lập trường to tướng.  
Hết 16 năm Văn Công, nhưng cái nghiệp Văn Nghệ nó còn ám mình một thơi gian nữa.
 

CHẶNG THỨ TÁM - TRỞ LẠI ĐỜI CÔNG CHỨC

Bước vào đời công chức từ năm 1947, sau nhiều năm "Ta đi loanh quanh cho đời mỏi mệt…" đến năm 1971 ta đã thành anh Cóc bôi vôi. Tuy thế tổ chức đài nói rằng: "Lương anh cao quá, chúng tôi còn phải nghiên cứu sắp xếp cho phù hợp. Đến năm 1981 mới xếp được vào Cán sự 6. Trừ hết thâm niên, cấp bậc của Quân đội,  sau 10 năm, lương mới hơn lương cũ được 1 đồng. Năm 1949 là cán sự 5 Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Hà Nội, năm 1981, 22 năm sau là cán sự 6 ban Vô Tuyến Truyền hình đài Tiếng Nói Việt Nam. Hơn 20 năm phục vụ hết lòng ở mọi nơi, mọi chỗ, thế này thì ai nợ ai đã rõ. Mình không thấy xấu hổ vì chuyện này.
Về Tổ Văn Nghệ của Ban VTTH đã có Lâm Mộc Khôn, chi ủy viên phụ trách chung, Hồng Minh là Tổ trưởng, Phan Lưu, Hải Đăng và tôi là tổ viên. 3 anh kia làm sân khấu, ca nhạc như thế chỉ có mình tôi. Tôi còn kiêm thêm Thư ký Công Đoàn bộ phận.
Theo yêu cầu của Đài thành lập tổ múa VTTH, tôi là người giới thiệu và anh Bàn là người nghiên cứu lý lịch và liên hệ xin về đài những anh chị em Ngọc Thảo, Trần Minh, An Ninh, Thúy Hồng, Ngọc Loan, Kim Tiến, Đỗ Thủy, Danh Tình, Công Khang, Vũ Phổ, Trọng Liên, Đăng Thành, Mạnh Tường, Kim Phụng, Thanh Hà, Xuân Thu, Hữu Ái, Thúy Đạt. Thu Giang
Ngọc Thảo, Đăng Thành, Thúy Hồng, An Ninh, Công Khang, Vũ Phổ, Trọng Liên, Đăng Thành, Thanh Hà sau này đều làm đạo diễn. Kim Tiến, Mạnh Tường làm phát thanh viên, Thúy Đạt, Thu Giang về ban Ca Nhạc Đài. Hữu Ái vào Đài Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Thu làm phó phòng Thời sự, rồi sang phó giám đốc Trung Tâm Nghe nhìn, riêng có Lê Kim Phụng xin về làm chủ nhiệm phim, chưa làm ngày nào, lại sang làm Bí Thư Đảng Ủy VTTH. Tất cả những người trên ăn nên làm ra đều do tố chất và sự nỗ lực riêng họ, tôi chỉ là anh công nhân bắc cầu cho họ. Độc đáo có anh Lê Kim Phụng, chắc là anh này tính đảng cực lớn, phè cả ra ngoài vóc dáng khiêm tốn của anh.
Sau khi đưa Đài TH sơ tán hết Đông La đến Hát Môn, chạy B52, tháng 1 năm 1973 Đài quay về 58 Quán Sứ thì tôi và các anh chị Phạm Khắc, Khái Hùng, Ngọc Thảo, Vân Anh, Khánh Toàn, Trường Phước, NguyễnThăng và Trương Nghĩa Tiến được cử đi Cộng Hòa Dân Chủ Đức thực tập Vô Tuyến Truyền hình. Đầu tháng 6 năm ấy chúng tôi lên đường. Đây là chặng đường xa nhất đầu tiên của tôi, 15 ngày ngồi xe lửa qua Trung Quốc, Mông Cổ, Sibéri, Nga, Ba Lan rồi sang Đức, vượt qua hàng vạn cây số. Thời gian đủ tiêu thụ mấy lít cuốc lủi, một lô đồ hộp cà chua, dưa chuột mang theo, ngay khi sang đến Quế Lâm đã phải bổ xung 1 kg Lạp Xưởng, và đến Iarcut phải thêm ký cá khô Camsatka nữa mới đủ mồi cho bợm nhậu.

NHỮNG NGÀY Ở CỘNG HÒA DÂN CHỦ ĐỨC (1073-1974)
Một năm ở Đức, tôi được ông thầy cho đi theo các chương trình sản xuất Ca Nhạc khắp nước Đức. Thời gian ở Berlin rất ít. Cuối chuyến thực tập tôi được đặc cách bạn giao cho Studio Karlmarxstad 3 ngày để sản xuất chương trình Ca Múa Nhạc "Bạn ở Hải Phòng". Diễn viên gồm cả Đức lẫn Việt, ngoài các sinh viên Việt Nam đang học ở Đức còn có chị Hảo (xiếc) dạy Hổ tham gia.
Trước đó ông thầy giải thích, từ xưa đến nay VTTH Đức chưa giao trường quay cho bất cứ đạo diễn nước ngoài nào. Ngay cả sản xuất chương trình Opéra của Ý thì đạo diễn Ý cũng chỉ làm phó cho đạo diễn Đức. Đây là ưu ái đặc biệt. Sau câu giới thiệu từ giờ phút náy, tất cả các bộ phận thuộc Studio này do đạo diễn Nam Hà điều hành. Tôi bắt tay vào dàn dựng và tiến hành ghi hình và hứa với tất cả mọi người sẽ hoàn tất chương trình trước nửa ngày để mọi người có thể về Berlin kịp trong ngày (hơn 500 cây số, mất 5 giờ trên Autobahn). Sau khi chương trình hoàn tất sớm được nửa ngày, cũng ông thầy đó bắt tay và chúc mừng: "tôi ném anh xuống nước và chúc mừng anh đã bơi tốt". Chủ nhiệm chương trình, một cô gái người Đức, đòi đạo diễn ôm hôn ngay giữa trường quay như đã hứa thưởng. Hôn thì hôn chứ sợ gì? Nói thế chứ gây bỏ mẹ, không biết nó ăn cái gì? Đạo diễn một mình một xe Volga đen, như bộ chính trị ở ta thời ấy. Về đến Berlin nửa giờ sau đã thấy con bé chủ nhiệm chạy mô tô đến rủ về nhà nó chơi, lầu thứ 11 một tòa nhà ở trung tâm. Nó ở một mình. Sợ tác động của nụ hôn ban trưa…Cái này thì hổng dám đâu..
Đi nhiều là do bạn có hảo ý, tạo điều kiện học hỏi một phần, nhưng cái chính là tạo điều kiện tăng thu nhập. Phụ cấp đi đường cho người nước ngoài cao gấp rưỡi phụ cấp của người Đức. Tiền phụ cấp đi đường cao hơn lương chính. Khi mới sang, bạn đề nghị trả lương cho thực tập sinh như lương đạo diễn mới ra trường của họ vì bạn biết chúng tôi đều là cán bộ đương chức đi học. Số tiền đó là 800 DM/1 tháng, giá 1 xe máy Star là 1200DM. Sứ quán thấy mức lương đó cao quá nên đề nghị bạn cho hưởng 400DM thôi, như lương thực tập sinh các nghề khác. Do bạn "lách luật" nên mỗi tháng tôi cũng được lĩnh như bạn đã đề nghị lúc đầu.
Đường về cố hương, bạn mua cho vé xe lửa hạng nhất. Về đến Mạc Tư Khoa, Sứ quán bảo là không đăng ký được vé hạng nhất vì chuyến tầu đã hết chỗ, đành đi hạng nhì. Khi tầu đã rời ga, trưởng toa xem vé gốc, thấy là vé hạng nhất, nên yêu cầu đoàn Việt Nam chuyển sang toa khác. Các bạn có vé hạng nhất mà đi hạng nhì để rút bớt tiền, chúng tôi không giải quyết. Thế là một lần nữa lại chứng minh được cái gọi là "bụng dạ Việt Nam". Cũng chỉ hưởng hạng nhất đến Bằng Tường. Chuyển sang tầu Việt Nam thì mắm sốt, không có hạng. Nhưng bù lại, lâu ngày được bữa cơm dưa chua, thịt lợn luộc, chấm nước mắm ớt với bia Hữu Nghị, mới thấy tình quê nó đậm đà làm sao? Đi bao nhiêu dặm về vẫn bấy nhiêu.
Tháng 6 năm 1974 về đến nhà thì thấy không khí đã rất khẩn trương, tôi được giao cho cùng anh Bùi Công Kỳ đi lo nhân sự cho "phái thứ ba". Hai anh em hai xe đạp đi khắp các trường các đoàn. Xin cô Ái Vân, con bà Ái Liên đang học trường nhạc về bổ xung cho lực lượng phát thanh viên. Khi đó mới có cô Kiều Oanh và chị Lan Hương là phát thanh viên đã từng lên hình. Thêm cô Ái Vân vì cô là cải lương con nhà nòi, hát tiếng miền Nam rất sõi.

ẢNH CHỤP VỚI GIA ĐÌNH ÔNG ĐOÀN BAN ĐỂ MANG THEO KHI ĐI TIẾP QUẢN
Tiếc rằng sau này khi vào tiếp quản thì bị các anh chị ở "Rờ" về phản ứng, Nam Bộ thiếu gì người mà phải dùng tiếng Sài gòn ba rọi như thế? Cô Ái Vân thế là thất nghiệp. Cô khóc đứng khóc ngồi, đi cũng dở mà ở cũng không xong. Khổ cả cho tôi phải đi lậy lục xin gửi cô về tiếp tục đi học nhạc. Gia đình cô cứ mắng xơi xơi vào cái mặt dày của tôi, họ có biết đâu đến các anh Quân quản là ai? Mãi xa gần hai nghìn cây số, vào đấy mà hỏi.

GẶP LẠI GIA ĐÌNH SAU 25 NĂM XA CÁCH

CÁC EM GÁI KHI ANH VẮNG NHÀ (YÊN MÔ 1950)

PHỐ KIM MÃ HÀ NỘI (1952)
Chuyến đi tiếp quản Đài Truyền Hình Sài Gòn, tôi may mắn gặp lại Mẹ và các em. Sau 25 năm xa cách. Một chặng quá dài cả thời gian lẫn không gian. Tiếc rằng cái thế không ở lại được, tháng 9 năm 1975, tôi quay về Đài Truyền Hình Trung Ương, để rồi sau đó, năm 1976, người ta lại xin tôi vào hỗ trợ. Nhưng thực bụng tôi đã ghê các anh ở R về và ngay cả các anh cùng vào tiếp quản với tôi cũng có anh lắt léo bỏ mẹ (Đầu súng trăng treo và Kỷ niệm tiếp quản). Cái ghế trưởng phòng văn nghệ cũng như miếng mồi ngon giữa các con chó đói. Tẩu vi thượng sách (Xem "Quá ngũ quan trảm hụt nhất tướng", kể chuyện tôi tháo chạy khỏi Sài Gòn ra sao?). May nhờ có quân chủng Hải Quân ưu ái, tôi đã trải qua 11 ngày vượt (ven) biển về đến Quân cảng Hải Phòng.
Chặng đường Hà Nội Sài Gòn, tôi còn trở lại nhiều lần, khi bằng đường bộ khi bằng đường không. 1976 cùng một chuyên cơ bay vào bay ra lấy tin về cuộc Tổng Tuyển Cử đầu tiên đất nước thống nhất. 1977, 1978 vào làm các chương trình ca nhạc, có chương trình đi tận Cần Thơ. 1979 qua Sài Gòn sang Campuchia cùng Quân Đoàn 4 vào giải phóng Phnompeng làm phim tài liệu "Phnompeng ngày mới", chiều 30 Tết về đến Hà Nội, dựng ngay để kịp phát vào giao thừa năm ấy.
Tàu đánh phía bắc, tôi đem theo một tổ ghi hình cùng đại đội 10 Sư Sao Vàng trong trận tấn công lấy lại Đồi Chậu Cảnh, Tam Lung, Lạng Sơn. Sau đó qua đường 1B lên Đồng Đăng săn hình ảnh xác xe Tank Tàu.
Thời gian sau  tiếp tục làm Thí nghiệm Mầu, một tuần phát một buổi vào sáng chủ nhật. Chương trình này kéo dài 3 năm 1978-1980, tôi làm "giám đốc" 1 đài, hơn thế nữa có quyền dùng micro nói thẳng lên sóng những lúc gặp sự cố. Không thấy có ý kiến cảnh giác đề phòng tôi nói bừa lên sóng. Oách đấy chứ.
Giai đoạn này có lời khuyên của một anh lãnh đạo, làm thí nghiệm thì không cần để chức danh làm gì? Tôi nghe theo, thế là 3 năm liền, không ai biết tôi làm gì? Thâm độc thật! Xin tôn làm bậc thầy. (truyện ngắn "Tùy Tiện")
Thời gian tiếp theo tôi tuy về Trung tâm Nghe Nhìn, nhưng biệt phái sang Đài làm kỹ xảo, chuyên sản xuất đài hiệu, hình hiệu các chương trình, và những cảnh kỹ xảo. Tôi đã dùng một Recorder Panasonic và một Typewriter cho xem chậm lại và đưa tên các cầu thủ trong các trận bóng giải SKDA. Cứ chồm chồm như đánh boxe trên xe Truyền hình Lưu động ngoài sân Hàng Đẫy. Tự khen mình là chính chứ cũng chẳng có ai khen, người ta cứ tưởng Truyền hình có trang thiết bị mới.
Vui nhất là chuyện lồng tiếng phim Fantomax, thiết bị âm thanh gồm Micro, Headphone, Recorder là của tôi, máy ghi hình là của đài. Chị Thu Thế dịch đến đâu, tôi đánh máy làm nhiểu bản đến đó, phát cho các diễn viên lồng tiếng và lăn lộn suốt đêm, bồi dưỡng bằng một nắm mì, không có mỡ và cũng không có mắm vẫn thấy ấm bụng.
Suốt thời gian làm thí nghiệm mầu, tôi huy động hai phát thanh viên Thanh Hùng và Kim Tiến làm phát thanh viên chính cho chương trình phát sóng thí nghiệm mầu. Kim Tiến đi lại tổ mầu, có tờ rơi tố giác Nam Hà "có chuyện" với Kim Tiến… Tổng Biên Tập Lý Văn Sáu gặp tôi hỏi: Cậu có ý định … với Kim Tiến đó à? Này, để nó tập trung làm nhiệm vụ. Tài sản Quốc gia đấy! Tôi chỉ cười trừ, miệng nói anh cứ yên tâm, nhưng trong bụng lại nghĩ thầm: Đằng ấy là tài sản Quốc Gia thì tớ đây cũng là Tài Sản của Đảng chứ kém gì?.Hài hước ghê! Tớ biết tỏng đứa nào vừa tốt bụng lại vừa xấu bụng gây ra chuyện ỡm ờ này.
Năm 1981 Truyền hình Hungarie cử một đoàn sang làm khảo nghiệm về chèo cổ Việt Nam, Đài cử mình và Nguyễn Thiện Đức theo giúp bạn. Tiền kỳ xong, bạn đề nghị cho phép dựng một màn Kính Tâm lõa thể nằm giữa và tổ chức chạy đàn xung quanh. Trực tiếp nói Kính Tâm là gái, tất nhiên đề nghị này không được chấp thuận.
Hậu kỳ bạn gửi công hàm qua đường ngoại giao mời tôi và Thiện Đức qua Hung làm tiếp. Thế chẳng đừng, nhưng Đài giữ Thiện Đức lại và cử một cậu Trưởng phòng giỏi tiếng Anh bên phát thanh, qua đi với tôi, với lời nhắn: "đi với anh lần này là một người có chức có quyền đấy nhé" Tôi trả lời: "Dù lam gì thì đi với tôi cũng chỉ là giúp việc cho tôi. Sau này mới biết tổ chức đã đề nghị anh Hoàng Khảng đi thế vào chỗ Đức, anh kiên quyết từ chối không làm cái việc thiếu tình, vô lý ấy. Sang đến Hung, bạn từ chối với lý do không thạo tiếng Anh, bạn cho anh này ngồi chơi xơi nước, bạn dùng một nghiên cứu sinh người Việt đi làm phiên dịch. Tuy không phải làm gì, nhưng anh này vẫn lĩnh và tiêu hộ 7000 Florins bạn trả cho Thiện Đức giai đoạn tiền kỳ. Tôi vốn đã ghê bây giờ lại càng tởm cái mang danh "tổ chức" này. Chuyến đi có một hậu quả thê thảm là thất lạc mất cái valise Samsonite, của nhà mang đi, của người sắm về thế là sạch sành sanh. Chắc rằng mất ở chặng transit Budapest - Berlin.
Trước khi về nước, ông chủ tịch Đài Hung gặp gỡ, hỏi anh đã đi được những đâu trên đất nước chúng tôi? Tôi xin phép đưa ông tấm bản đồ nước Hung mà tôi đã đánh dấu những điểm đã tới. Ông xem xong cười nói: " Anh đã đi nhiều hơn tôi rồi đấy! Thành tích này do nữ nghệ sĩ công huân Torosick Marie dắt lối đưa đường, bà tự tay lái xe cho tôi du ngoạn. (Xem "Lời nói không mất tiền mua") Có chặng đi suốt đêm qua những vùng Tzigan, chứng kiến những màn đàn hát bên bờ con suối chỉ rộng hơn ba bước chân, và những quán rượu thâu đêm gần biên giới Áo. Trên đường đi bỗng nhớ Thanh Tùng và Hoàng Yến ghê gớm. Vòng quanh hồ Balaton có cảnh sát giao thông bay trên đầu kiểm tra tốc độ, để nhắc nhở chứ không phải để phạt. Tôi với bà Torosick đồng điệu với món thịt ngựa sống ăn trên thớt.
Dân Tzigan ở Hung rất đông, ngay thủ đô Budapest, họ cũng kéo đi hàng đoàn, bán đồ lưu niệm thủ công và không loại trừ cả móc túi. Cảnh sát lùa họ như lùa những đàn dê qua khu chợ đông người.
Cuộc đời thêm một chuyến viễn du hàng vạn cây số bay đi bay về.
Trước khi đi Hungarie, tôi có chuyến làm phim "Một ngày OSC" giới thiệu về ngành dầu khí, mấy tháng trời rong chơi hết Vũng Tàu lại Đà Lạt, đem theo cả cậu quý tử lên 5.
Năm 1983 mò lên Daklak làm phim "Đường qua vùng đất Bazan". Ở Ban Mê Thuột đến ba tháng, đi hầu hết các huyện, bằng đủ loại phương tiện, xe đạp, xe thồ, xe ngựa, xe Zip. Ngoài thiết bị ghi hình còn mang cả tiểu liên đề phòng Fulro. Đội hình ban đầu 4 người nhưng do không ăn ý, tôi cho về trước 2 người, một biên tập, một quay phim chính, còn lại hai người là chủ nhiệm Hữu Ích và tôi, kiêm đủ mọi việc từ lớn đến nhỏ, từ len lỏi các vùng hiểm yếu để tổ chức ghi hình đến tổ chức tiệc chiêu đãi quan chức tỉnh tại khách sạn thành phố.
Giai đoạn cuối ở Truyền hình tôi phụ trách tổ Kỹ Xảo, từ Trung Tâm Nghe Nhìn (là Hãng Phim sau này) biệt phái sang đài Truyền hình, đó là dịp để người ta quên tôi khi phân nhà cho cán bộ. Trước sau Đài Truyền hình phân cho tôi một chiếc quạt 35w. 2 lần cho mua máy Vô tuyến, thì một lần "đi B" nhường chiếc Béring cho bà Thu Chung, lần thứ hai chung với anh Đặng An Nguyên một chiếc Neptun, tôi nhường cả cho Nguyên vì đã mang được một máy Sharp từ Sài Gòn ra.
Nhiều người hẹp bụng ghen với tôi vì tôi được đi Đức học lại được đi tiếp quản Sài Gòn. Sao không tiện thể ghen luôn với tôi được đi cùng Quân Đoàn 4 vào giải phóng Phnompeng, hay lên biên giới phía bắc nếm mùi đại bác của Tàu? Ở đời, biết thế nào cho vừa lòng người.

CHẶNG THỨ CHÍN - LỌ MỌ SAU KHI NGHỈ HƯU

1991, nhận quyết định nghỉ hưu. Sau đó có cái hợp đồng đi làm phim phòng chống cháy rừng do Bộ Lâm Nghiệp đặt hàng. Tôi làm quay phim, Tát Thắng đạo điễn, thực ra anh em bảo nhau mà làm, chỗ nào có rừng là đến chỗ ấy, từ những cánh rừng miền bắc đến Rừng Tràm, Vồ Dơi, Cà Mau, qua suốt dải Tây Nguyên. Một chuyến đi lý thú, ở cái tuổi 61m còn gân đi còn sức ăn nhậu.
1994 cùng các anh Hoàng Minh Phương,, Nguyễn Minh Long, Nguyễn Đức Cầu, Nguyễn Xuân Hường, Nguyễn Văn Ngoạn, chúng tôi lên đường làm phim tài liệu 5 tập "Chín năm làm một Điện Biên", tháng 9 năm 1998 chúng tôi lại đi Điện Biên chuyến thứ hai, quay bổ xung theo ý của Đài Truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh. Phim mới gồm 10 tập "Ký ức Điện Biên" (xem "Cuộc hầu đồng 6 giá").

ANH VĂN GÓP Ý VỀ 5 TẬP PHIM CHÍN NĂM LÀM MỘT ĐIỆN BIÊN


CÂU LẠC BỘ ZOBACO.
Vào thập niên cuối của thế kỷ 20, tôi có tham gia vào một Câu Lạc Bộ Hưu Trí, thành viên gồm những cử nhân tốt nghiệp khóa đầu,  sau 1954. Họ là những học sinh Trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An, của những năm Hà Nội bị Pháp tạm chiếm. Sống giữa bản lề của 2 chế độ, số phận của họ cũng không đồng nhất, có người bị kẹt giữa bản lề, có người văng ra được. Dù thế nào thì họ vẫn là bạn. Khi về Hưu họ gồm những kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, Cục, Vụ, Viện, Giám Đốc, Chuyên Viên. Cũng có những người không chức vị gì, sống rất long đong vất vả… Tất cả đến câu lạc bộ với tinh thần đồng môn, đồng khóa, đồng hội đồng thuyền.

 
Sinh hoạt của Câu Lạc Bộ ấn định vào sáng thứ sáu hàng tuần, không phải mời, không phải gọi. Chủ đề trao đổi thượng vàng hạ cám, từ chuyện sinh hoạt ăn nằm bụi bặm đến quốc gia đại sự… Không hạn chế đề tài nào, trao đổi với tinh thần thượng tôn trí thức. Bệnh tật, thuốc men, lòng phổi, tim gan, xương cốt đều có thể mách nước. Có cụ bác sĩ từng là chủ nhiệm khoa sản, tự nhận  mình là người được xem nhiều "hoa" nhất thiên hạ. Cụ bảo nhìn nó chẳng gợi cảm gì? trước sau chỉ sợ bất thình lình nó nổ cái đùng thành nhiều mảnh, mất công khâu vá. Nói thế nhưng cụ cũng đúc kết thành phương ngôn: "nhất vú, nhì mông, tam lông tứ lỗ". Cũng có lúc người ta thấy các cụ to tiếng, nhưng to tiếng để mà vui chứ không phải to tiếng để xích mích. Cũng có dịp các cụ bạn ở "bên kia" về, đến CLB vì nhớ anh em, quà cáp đôi hộp thuốc bổ, thuốc bệnh kể cả vài vỉ Viagra để hỗ trợ cho các cụ đi đến nơi về đến chốn, khỏi tuột xích giữa đường, luôn giữ thế thượng phong "Một người uống, cả làng vui!".
Đến câu lạc bộ để kể chuyện, ngâm thơ, hưởng những nụ cười thoải mái, cái thừa thãi, cái thiếu thốn của một ai đó đều có thể mang lại sự trào lộng tại chỗ, không mang bất kỳ bất mãn, bất đồng nào ra khỏi cuộc họp. Cho đến cận kề miệng lỗ, các cụ vẫn thích nhất món "tao, mày, thằng nọ, con kia", như cái thời "quàng khăn đỏ".
Tôi tham gia Câu Lạc Bộ ấy với tinh thần tự nguyện, họ thấy tôi chơi được và tôi cũng thấy ở họ những người đồng điệu, tuy khi họ ngồi ở ghế nhà trường thì tôi vác súng đi kháng chiến. Tôi là người lớn hơn họ vài tuổi, nhưng dễ quên đi cái khoảng cách về tuổi tác để đàn đúm sòng phẳng với nhau trên mọi phương diện. Nếu Hà Nội có một Câu Lạc Bộ Hưu trí mang tên Thăng Long, thì Câu Lạc Bộ Zobaco (vì nó tọa lạc ở Dốc Bác Cổ, chứ không phải thành viên gồm ba cô, bốn cô gì đó?) cũng là một Câu lạc bộ có máu mặt.  Nó có điểm khác với anh CLB Thăng Long là CLB Quốc Doanh, lề phải. Còn Zobaco là CLB Dân Doanh, lề phải lề trái thoải mái, hơn hẳn cái anh "Thăng Long" là không dành diễn đàn cho cá nhân nào. Theo mỗi buổi họp đều có "chén", bia rượu có gì uống nấy, gà rán, chim quay cũng hay mà cơm nắm muối vừng cũng tốt.
Đây là một tổ chức mà tôi tham gia tự nguyện bên cạnh hôi đồng đội Trung Đoàn, Tiểu đoàn thời kháng chiến, chứ tôi không vào hội Cựu Chiến Binh và tuy đã 82 tuổi cũng không thể tìm thấy tên tôi ở Hội Người Cao Tuổi, vì cái tính hình thức của những đoàn hội này nó không hợp với tôi.
Gần đây do gân cốt lỏng lẻo nên việc sinh hoạt Zobaco cũng có phần trễ nải, nhưng không hề quên những thành viên đã một thời gắn bó.

Năm 2001 theo đoàn Cựu chiến binh "Thập vạn đại sơn" qua Quảng Tây Trung Quốc thăm chiến trường xưa và gặp gỡ nhân chứng. Tư liệu tôi quay còn đó, gồm 2 đĩa, nhưng chưa biết sử dụng thế nào?
Năm 2007 các bạn bè blogger phía nam mua vé mời cụ linhgia_32 (Nick của tôi trên Blog) vào offline, nhận bạn, nhận bè, nhận ông, nhận bố, nhận cháu nhận con, vui vẻ cả tháng trời. Lần đầu tiên được Chiều chiều lái xe cho đi Kiên Giang, thăm biển Hà Tiên. Cuối đời lại được nối dài thêm những chặng đường lý thú.

CHIỀU CHIỀU, HUY CƯỜNG, HỒ LAN HƯƠNG VÀ NAM HÀ
TAY LÁI LỤA CHIỀU CHIỀU TRÊN ĐƯỜNG HÀ tIÊN
2009 được ông cháu cho cái vé Điện Biên khứ hồi, đắm đò giặt mẹt, đi luôn Mường Lay thăm Hải Ly cụt đuôi, bạn quen qua mạng. Nhân dịp vào thăm anh Hồ Đắc Trác, Hồ Lan Hương giữ lại cho đi 5 tỉnh Tây Nguyên, rồi ghé qua Cam Ranh thăm hai cô em trước khi về Hà Nội. Thế là năm nay đi hơi nhiều, gần 5000 cây số, tuy đã vào tuổi 79, vào cái tuổi cụ Hồ ra đi.
2011, vào tuổi 81, cấp cứu lần một do tiểu đường ảnh hưởng mắt, nhìn cái gì hình ảnh cũng gấp đôi. Nằm giường mình nhìn sang giường bên thì thấy bên ấy có 2 ông bạn, một ông nằm trên tường và một ông thẳng cẳng dưới gậm giường. 
Nửa tháng nằm viện, ra về thì mắt không phải đeo kính số 3 nữa, nhưng hai cái đầu gối lại đòi đeo kính, chê thang gác, không leo lên được. Đành hạ sơn, đưa mọi thứ cần xuống tầng dưới và nằm ngay tại buồng khách. Già trẻ, gái trai đều tiếp tại giường (miễn bình phẩm). Sang năm 2012 cấp cứu lần thứ hai vì huyết áp lên 231/101. Bây giờ đã về lại 137/67, chứ không đã bước sang CHẶNG CUỐI CÙNG… Có trời cứu được. Hàng ngày thường xuyên 3 viên tiểu đường, 1 viên huyết áp làm cái phanh, tránh tụt dốc. Tuy vậy bữa vẫn làm ly rượu vì bác sĩ bảo rằng: "Bác đang uống mà thôi ngay thì nguy hiểm đấy!'
Chuyện cả một đời mà không nhắc nhở đến mối tình nào thì cũng phiến diện, nhưng nói đến bất kỳ mối tình nào thì đó ít nhất cũng là chuyện hai người. Một người không thể trơ trẽn nói ra. Nếu còn điều kiện thì sẽ xin bạch hóa sau.
Chặng cuối cùng đã viết trong "Ký sự nằm viện"
Trò này đến đây tạm dừng, coi như cạn dzốn. Hình ảnh cuối của ĐỜI TÔI cùng sẽ là tấm bia:
"NƠI ĐÂY YÊN NGHỈ MỘT DIỄN VIÊN ĐÃ HẾT VAI DIỄN".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét