Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

“Hãy đợi đấy!”



Nhân loại tiến đến Cộng Sản Chủ Nghĩa đã là lên đến tuyệt đỉnh chưa?


Tuyệt đỉnh là thế nào? Phải vượt qua chứ! Nghĩa là… bay ra ngoài, không dính dáng gì đến thế giới vật chất này nữa. Sau đó thì thế nào? Các nhà Cộng Sản Lý Thuyết (CSLT) chưa công bố, còn các nhà Cộng Sản Thực Hành (CSTH) thì từ xưa đến nay vẫn chỉ biết nhắm mắt tiến lên, có gì để nói.

Liên Xô, lực lượng tiên phong, sau 7 thập kỷ tiến lên theo chủ nghĩa Mác, vẫn chưa đưa được nhân dân lên đến đỉnh đã tuột dốc, ngọn đuốc soi đường văng đi đâu không biết?
Việt Nam chúng ta (người khác là chuyện của họ) được các nhà CSLT dẫn đường cho đến nay vẫn chưa sờ tới được cái đích nào. Phấn đấu không còn chế độ người bóc lột người (?) thì bây giờ “địa chủ đỏ” “tư sản đỏ” nó còn bóc lột gấp 5 gấp 10 lần ngày xưa. Bị bóc lột mà không được kêu, kêu lên là phản động. Ruộng đất về tay dân cầy (?) thì khắp trong nam ngoài bắc dân chúng lũ lượt kéo nhau đi đòi đất. Bị áp bức tới mức phải nổ súng chống lại chính quyền, bước đường cùng là nổ súng ngay vào đầu mình để tự giải thoát. Tự do ngôn luận (?) thì bị khoác cái tội nói xấu chế độ thậm chí câu kết với nước ngoài âm mưu lật đổ chế độ. Biểu tình chống lũ bành trướng khủng bố ngư dân Việt Nam, lấn chiếm biển đảo của tổ quốc thì bị hốt lên xe, đạp vào mặt nện vào đầu rồi tống vào tù, nhốt chung với bệnh nhân HIV để khủng bố tinh thần v.v… Những chuyện phản dân chủ ở Việt Nam thì lúc nào cũng thấy, chỗ nào cũng có, nó bình thường như cơm ăn nước uống, khí trời để thở trên con đường tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội vậy. Những mục tiêu tự do dân chủ, hạnh phúc ấm no vẫn chỉ là những tấm “bánh vẽ” khổng lồ, như những hành tinh xoay quanh xã hội Việt Nam với quỹ đạo elypse lúc gần lúc xa. Đại đa số nhân quần đó vẫn lầm lũi trong kiếp “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” Có người chịu những cảnh đứt bữa thì trong lúc đó cũng có những người hưởng lương trên 200 triệu Vnđ/tháng. Nghịch cảnh này từ thuở Hồng Bàng đến nay chưa từng gặp. Văn minh, công bằng, dân chủ gì mà như vậy? Nó vô lý tới mức tưởng như lực lượng lãnh đạo và chính quyền chỉ còn như những bóng ma.

Lịch sử Việt Nam, mỗi khi thay đổi một triều đại thì xã hội nói chung vẫn phải chịu những sự biến do triều đại mới mang lại. Ông vua mới xóa bỏ mọi dấu tích của triều đại cũ. Cung điện, đền đài, miếu mạo đều phải phá bỏ thay thế, những dấu tích nhiều lớp ở một hoàng thành đã nói lên điều đó. Của cải của hoàng tộc, quan lại cũng bị trưng thu, chiếm đoạt thẳng cánh. Thậm chí những cuộc trả thù chu di tam tộc, cửu tộc vẫn có thể xảy ra. Vì vậy những hậu quả mà Cách Mạng đem tới cũng là chuyện thường tình phải có.

Chính quyền mới chiếm dụng những công sở, công thự của chế độ cũ, của quan lại cũ là điều tất nhiên, nhiều ít không thành vấn đề và dân chúng cũng không thèm quan tâm. Các quan cách mạng cũng không ai chê những ngôi biệt thự thời thực dân nó hôi mùi bóc lột, nó tanh mùi máu. Độc nhất có Cụ Hồ, cụ chê cái Dinh Toàn Quyền, cụ chỉ nhận căn nhà để máy điện trong dãy công trình phụ, vì so với nhà tù Quốc Dân Đảng, Hang Pắc Bó, lán Nà Lừa nó còn sang chán vả lại còn được tiếng liêm khiết thì với một nhà cách mạng lão luyện như cụ, đây là một bước đi “sáng nước”.
Trong khi đó lũ tay chân dưới quyền tha hồ “đục nước béo cò” chiếm đoạt vô tội vạ những nhà vắng chủ, thậm chí những nhà mà chủ nhà còn lù lù cũng bị quy này chụp nọ, o ép đến phải lòi nhà cho các ông cách mạng. Muốn cướp tài sản của ai chỉ việc chụp cho người đó cái mũ thành phần là xong một kiếp người, là tan một gia đình. Miếng mồi nào cũng to nên các ông không thể nuốt chửng được, nhưng chuyên chính theo kiểu moi ruột, móc gan các ông làm thoải mái, của nả, tiện nghi trong nhà bay như gặp lốc. Một vài ca phải nhè ra là cực chẳng đã, thủ tướng (Phạm Văn Đồng) cần tranh thủ đối tượng nào đó, đã lên tiếng thì phải nôn vội ra và lau chùi cho sạch sẽ. Đồ đạc chuyển dời đi đâu phải khuân về gấp, lấy đâu trả đó như nhà ông Phùng Ngọc Tuệ (phố Phan Bội Châu), ông Lê Thành Ý (phố Nguyễn Thái Học) còn thì “Bắc thang mà hỏi ông Trời”. Đến như ngôi nhà vợ chồng ông Trịnh Văn Bô ở đầu đường Hoàng Diệu hiện nay cho chính phủ mượn có giấy có tờ hẳn hoi mà bây giờ Bà Bô xin lại cho gia đình thì mặc cho ý kiến cao thấp to nhỏ, người ta vẫn bỏ ngoài tai coi như từ điển Việt Nam không có từ “trả lại”.
Trước 1975 số nhà đất xung công ở Miền Bắc Việt Nam biết bao nhiêu mà kể, sau này ở Miền Nam Việt Nam còn nhiều hơn nữa. Theo thời gian và tùy hoàn cảnh, những thông tư và nghị định lại bổ xung cho chủ  những căn nhà đã bị chiếm đoạt không có cơ hội đòi lại.
Xét cho cùng về thành tích “xử lý” tài sản nói chung và bất động sản nói riêng của “đối phương” từ xưa đến nay thì các nhà cách mạng hiện nay là vô địch. Nhưng có điều cứ theo công thức “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” thì cái phần xung vào công quỹ làm của chung cho xã hội cũng không hơn gì cái “móng tay”. Đội ngũ “cướp ngày” cứ càng ngày càng dầy lên, mặc cho những ta thán của dân đen về sự nhiễu nhương ngày càng lan rộng và phổ biến. Những con giun thuộc dòng dõi rồng tiên đang bị các đồng chí dày xéo một cách tàn bạo.
Để bảo vệ những “quả thực” (tên gọi chung cho các tài sản của địa chủ mà nông dân cướp được trong cải cách ruộng đất), thì “Điều 4 Hiến pháp” là bất di bất dịch, bất khả xâm phạm.

Nói đến nhà bị xung công thì có câu chuyện về số nhà 30 Đường Hoàng Diệu. Trước đây nó là nhà của quan nào thời “tạm chiếm” cũng không biết, chỉ biết từ khi tiếp quản 1954 nó được phân cho ông Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi ông Đại Tướng bị ép nghỉ hưu thì có cái quyết định đòi lại nhà. Họ định đưa các ông Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Khả Phiêu về một khu phía trong phố Lý Nam Đế và Trần Phú. Ông Giáp đề  nghị để ông được ở đến hết đời vì còn những liên quan ngoài nước nó quan hệ đến bộ mặt của Việt Nam. Việc đó được chấp nhận, nếu không hơn nửa tháng qua dân chúng lấy đâu chỗ thắp hương dâng hoa cho hương hồn Đại Tướng.
Nói đến cái quyết định đòi nhà ắt phải kể đến người ký quyết định, đó là một ông trung tướng, ông này đi theo tướng Giáp từ khi còn là đội viên tự vệ (1945) sau này lên đến Quân Đoàn Phó rồi về làm Tổng Tham Mưu Phó, chắc rằng phụ trách doanh trại nên được chỉ thì ký quyết định đòi nhà Đại Tướng. Tuy bị quan thầy gắp lửa bỏ bàn tay nhưng vẫn bị đồng đội trong trung đoàn cũ chửi là thằng mặt dày, vô đạo lý. Minh oan là mình làm theo chỉ thị của trên vẫn còn bị chê là thiếu tiết tháo, không biết tự chặt tay đi để khỏi phải làm cái việc thiếu tình, thiếu nghĩa vô đạo lý đến vậy.
Thiết nghĩ nhà cửa công thì làm gì đến nỗi thiếu, chẳng qua là “võ bẩn” chơi nhau theo tinh thần cộng sản mà thôi.
Bây giờ Đại Tướng đã quy tiên, thời cơ lại cho phép đòi nhà, nhưng khổ nỗi với đảng thì nó chẳng là gì nhưng với dân thì số nhà 30 Hoàng Diệu nó đã là địa chỉ đỏ, đã trở thành nơi lưu niệm, có gọi đó là địa chỉ thiêng liêng tưởng cũng không quá đáng. Duy ai đó có dám muối mặt mà đòi nữa hay không? Mới là lần thứ hai thôi, chưa “quá tam” mà.

Năm 1975, tiếp quản Sài Gòn, gặp lại gia đình họ hàng, tôi có người chị con cô con cậu ngỏ ý muốn cho tôi căn hộ đường Thoại Ngọc Hầu, biết rõ chính sách nhà đất của Miền Bắc nên tôi đành cảm ơn không dám nhận, lỡ ra lại mắc vạ vào thân, mà quả nhiên cái vạ đó cũng ập đến ngay sau đó. Bà Cô tôi giới thiệu tôi với ông Phan Duy Du nhà số 39a Duy Tân để có thể đến ở đó đi làm cho gần. Trong một ngõ có 4 nhà, ông Du ở trong cùng, 3 nhà phía ngoài do một ông tư ông bốn gì đó ở rừng về đã chiếm, ông muốn chiếm nốt căn hộ phía trong nhưng vì vướng tôi, nên ông vu cho tôi đủ thứ chuyện nhảm nhí, kể cả chuyện móc nối với CIA (Ông Du nguyên là chuẩn tướng quân đội cộng hòa), cuối cùng tôi phải bán xới về đất Tổ.

Cô em gái tôi biết tiếng Anh nên đã làm ở sở Mỹ, về sau này, cô không có cửa làm ăn với cách mạng, dù bất cứ việc gì. Cậu em rể làm bác sĩ lý khám (pháp y) Sài Gòn – Gia Định, bị các ông bà nông dân kéo nhau kiện cáo về những oan sai trên trời dưới biển. Biết không tồn tại nổi nên đành kéo nhau sang định cư tận Florida, nhường sự đoàn tụ cho người khác. Bỏ nhà bỏ cửa, bỏ họ bỏ hàng kéo nhau ra đi đâu chỉ có vì chống lại cộng sản? Những trường hợp phải ra đi như em tôi thì nhiều, họ chống cộng thì ít mà gớm cộng thì nhiều, họ đều chung một lý do không có cửa lao động, không được làm công dân dưới chính thể mới. Không được bình thường tồn tại.
Tôi có một người bà con, tôi phải gọi bằng Ông. Không biết ông có làm chủ sự trường Quốc Gia Hành Chính hay không? Nhưng chắc chắn có làm giảng viên tại trường này. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông được một người bạn thân phía cách mạng đưa đến gặp ông Võ Nguyên Giáp. Biết rõ cung cách đào tạo cán bộ của miền Bắc và sót cho lớp cán bộ quản lý điều hành xã hôi mất công đào tạo có bài bản, đã góp ý với bên “Chiến thắng” nên tận dụng lớp công chức đã được ăn học đến nơi đến chốn (theo Hồi Ức “Những ngày muốn quên” của Đoàn Thêm). Người nói thì nhiệt tình, còn người nghe cũng chỉ biết ừ hữ, vì trọng dụng với lớp người có ăn có học này thì lớp cán bộ trưởng thành từ lập trường, không bằng không cấp biết nhét vào đâu? Điều này cũng xin lớp công chức lưu vong của Cộng Hòa Việt Nam hiểu cho sự khó ăn khó nói của chế độ mới. Hơn 3 chục năm, bây giờ nhận ra những lỗ hổng từ sự thiếu nghiệp vụ điều hành xã hội, nên mới nhúc nhắc thi tuyển công chức chứ không dựa vào “lập trường tư tưởng” như trước kia là chủ yếu. Không lấy thước đo “Hồng chuyên” làm cơ sở.

Con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản không biết có thể tiếp tục nữa hay không, khi những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác đã bị đảo lộn từ gốc rễ, cái kim chỉ nam đã ở 180 độ ngược lại. Những nhà CSLT cũng đã thấy mình duy ý chí, còn những nhà CSTH thì mải mê với những con tính cộng về mình, trừ từ người, thậm chí nhân về mình và chia từ người. Lúc này không biết ai chuyên chính ai? Đối tượng của cách mạng lúc là địch lúc là ta, lộn nhèo một mớ. Còn nếu nó tiếp tục tiến lên (theo kiểu chơi “leo cột mỡ”) trên con đường đầy rẫy những mớ bòng bong với những lợi ích nhóm này nhóm nọ, thì bao lâu nữa nó sẽ lên tới đỉnh. Tương lai toàn dân có cùng tiến lên CSCN hay chỉ có các đồng chí đảng viên tiên phong gương mẫu? Xem ra đường đến các vì sao dù xa nhất cũng còn gần hơn đường lên Xã Hội Chủ Nghĩa, chứ đừng nói tới cộng sản chủ nghĩa.

Lớp người có công trạng bước ra từ các cuộc cách mạng lãnh đạo đất nước, được nhân dân tin yêu ngày càng ít, càng hết dần. Thay thế vào đấy là những xếp xắp cơ học của những nhóm lợi ích theo hình thức hiệp thương, chứ đâu cần đến những người thực tài có tâm huyết với đất nước. Do thế cơ cấu này ngày càng rỗng, càng ít ý nghĩa tích cực. Trên đối với dưới, dưới đối với trên thông qua lợi ích nhóm là chủ yếu, đất nước là thứ yếu và nhân dân là cái gì xa xỉ phù phiếm. Vì thế tầng lớp thấp cổ bé họng chỉ còn biết đặt niềm tin vào sự đồng lòng của người người lớp lớp như trong đám tang ông Đại Tướng hôm nay, và… “Hãy đợi đấy!”




 



Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Ông Đại Tướng với những hệ lụy từ chữ “Nhẫn”




    Ông Đại Tướng với những hệ lụy từ chữ “Nhẫn

Từ lâu, chúng tôi đã biết ông cất đi chữ “Dũng”, cái tính cách không thể thiếu ở một vị tướng khi đứng trước địch quân. Thế cũng phải, vì bây giờ là đối với đồng chí, nhưng ông cũng đã nhầm khi cho rằng trong quan hệ đồng chí không có tính đối kháng (?).

Lịch sử phong trào cộng sản, qua thực tiễn ở các nước anh em như Liên Xô và Trung Quốc, một khi đã vận dụng chuyên chính vô sản thì các mặt đối lập đều có thể mang tính đối kháng, chỉ có nhiều hay ít, nông hay sâu mà thôi.



Khi Lê nin xây dựng chính quyền công nông ở Nga, ông đã đưa đi đày không ít những người đã từng cùng hội cùng thuyền. Sau này ông Stalin cũng đã đưa đi đày khổ sai ở Sibêri biết bao người không đồng chính kiến. Ông cũng đã tiêu diệt cả một trung đoàn Ba Lan vì ông không tin vào sự trung thành của họ. Ngay cả đối với đồng cấp ở Trung Ương, Stalin cũng thẳng tay đàn áp…

Những ông Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, người bị tù đày đến chết hoặc bị giết cả nhà bằng đạn chống tăng, do bàn tay đồng chí Mao Trạch Đông, đâu có phải là chuyện lạ chuyện hiếm?



Ông tướng Giáp nhận thấy sự nguy hiểm khi bị các đồng chí đẩy về “phía bên kia”, nhưng ông không chọn con đường chống lại mà chọn chữ nhẫn. Cũng vì thế mà ông đã có thể thọ đến trên trăm tuổi. Trước những chèn ép, bôi nhọ, chơi xấu ngấm ngầm hay cả công khai, ông cũng đều áp dụng khẩu hiệu “ba không” (không nghe, không thấy, không biết), mặc dù cả ông và gia đình ông đều không lạ những thủ đoạn này.

…“Những thủ đoạn quen thuộc áp dụng để ngăn chặn ông ấy vào Trung Ương, chúng tôi đều biết quá rõ. Sắp đến Hội Nghị là thế nào cũng có một vài nghi vấn nêu ra đối với ông, sự việc điều tra đến hết hội nghị, thế là qua một nhiệm kỳ. Lần trước đánh ông ấy là một tay “bực thày” (Lê Đức Thọ), lần này thì chỉ là một tay học trò (Nguyễn Đức Tâm)…”

Cả đến câu vè về sự nghiệp của ông kết thúc ở “Cây Đa Nhà Bò” (Địa chỉ nhà Hộ Sinh phố Lò Đúc) ông cũng thuộc.

Ông Ba Duẩn một thời đi đến đâu cũng riễu “Võ Nguyên Giáp sợ Mỹ”, vừa nói vừa làm động tác run rẩy gây cười.

Ông Sáu Búa (tức Thọ, tức Khải) ngạo mạn phán rằng: “Còn để cho cái đầu Giáp ở nguyên trên cổ là may lắm rồi!”

Thật ghê sợ cho cái quan hệ giữa những người cộng sản.

Xử thế, trong trường hợp này, chữ Nhẫn chỉ cứu được mình ông, còn số phận biết bao người, từ những cộng sự thân tín, đến những người công khai ủng hộ ông đều chung một số phận kết cục đầy nghi vấn. Những Đặng Kim Giang, Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Võ Văn Kiệt v.v… và những cộng sự ở những cấp thấp hơn đều chung một sự đầy ải, nhận những kết cục xấu số.

Ông Đại Tướng bị đồng đội vô hiệu hóa khi năng lực phục vụ đất nước của ông còn có thừa, đó là một sự đáng tiếc, một sự mỉa mai.

Cái ngày lịch sử, ông đứng ra thành lập Đội Việt Nam Truyên Truyền Giải Phóng Quân, 22 tháng 12 năm 1944, sau này lấy làm ngày Thành Lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, cũng bị chèn vào thành ngày Quốc Phòng Toàn Dân, có nghĩa rằng người ta đã từng bước bôi xóa bớt những gì liên quan đến ông. Năm 1994, kỷ niệm 40 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ, dự Mít tinh tại Điện Biên Phủ là hai ông Nguyễn Khánh và Đoàn Khuê. Ông chỉ được vi hành thăm Mường Phăng. Không ai nhắc đến ông Đại Tướng, duy chỉ có ông Võ Văn Kiệt dám đứng lên biểu dương tướng Giáp ở cuộc Mít tinh tại Hà Nội.

 Năm đó vì tự hào và vì tự ái là Chiến sĩ Điện Biên Phủ, chúng tôi bỏ tiền túi ra rủ nhau làm bộ phim tài liệu 5 tập “Chín năm làm một Điện Biên”. Khi thông qua, được ông khen là nhiều tư liệu quý và đẹp nhưng ông cũng dặn dò: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, con người vốn tốt, nhưng vì chưa hiểu hoặc không hiểu mình, nên có thể không ủng hộ mình thậm chí chống lại, vì vậy việc xã hội hóa phim náy, nên thận trọng”

Ông còn dặn thêm: “Lúc này họ còn mạnh lắm, thận trọng vì không chỉ kỷ luật đâu mà còn có thể tù tội nữa đấy!”.



Không phải đợi đến sau này khi những kiến nghị của ông về Tổng Cục II về bauxite, về nhà Quốc Hội về sát nhập Hà Đông của ông không được những nhà lãnh đạo đương thời quan tâm, thậm chí họ còn bỏ ngoài tai… mà ngay trong tang lễ ông Phạm Văn Đồng ông đã bị những quan chức vào tuổi con cháu chen bật mãi ra đằng sau. Có ai nghĩ rằng ông là người đồng chí thân cận cuối cùng của bộ ba Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Không ai nhường ông đi gần ông Đồng trong giây phút thiêng liêng tử biệt. Đối với người Việt Nam đó là một hành động vô đạo lý mà họ đã vô tư đối xử với ông.



Tuy chậm, nhưng lúc này đây, ông Đại Tướng của chúng ta đã theo lối ngựa ông Thánh Gióng, ông bỏ lại tất cả từ sự thương yêu đến lòng ghét bỏ, cũng không đợi thêm bất kỳ sự vinh danh nào. Ông đã là, chỉ là và mãi mãi là Đại Tướng, nhưng là một ông Đại Tướng không gì so sánh được. Riêng tôi còn mừng là ông đã rũ bỏ được Chủ Nghĩa Cộng Sản với lòng đinh ninh một nghịch lý “Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Vĩnh biệt người “Cộng Sản Lý Thuyết” cuối cùng của “Phái Việt Bắc”.



Trước dòng người tràn ra vô tận đối với thời gian và không gian tiễn biệt ông, những kẻ từng ăn nói và đối xử xàm xỡ với ông hẳn lấy làm hổ thẹn. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều nhưng không vội nói gì vì không muốn làm vấy bẩn không khí thiêng liêng của mọi người thương tiếc ông. Thêm một chút phân vân: Giá như Anh Văn bớt Nhẫn đi một chút thì tình hình bây giờ đã có thể khác.



Điều cuối cùng tôi muốn nói là trong điếu văn của ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đọc trước linh cữu tướng Giáp, ông cũng đã bắt chước mọi người gọi ông Võ Nguyên Giáp là “Anh Văn”, xong hình như danh xưng đó không phải dành cho những người đã từng không nghe lời Anh Văn lúc sinh thời thiết tha kiến nghị, phải không anh Nguyễn Phú Trọng?