Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016



BIẾT NÓ NHIỄM HIV VẪN ĐÒI CHƠI BẰNG ĐƯỢC.




Trả lời báo chí, chiều 23-3 ông Nguyễn Văn Tốn - tổng giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - cho biết có bốn đơn vị tham gia đấu thầu và chỉ có một nhà thầu Trung Quốc đủ hai điều kiện về kỹ thuật và tài chính nên đã trúng thầu.
Ông Trương Quốc Dương - phó tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex - tự tin nói về nhà thầu Trung Quốc trúng thầu:
Nhà thầu Trung Quốc này có nhà máy rất hiện đại. Mọi người đừng nghĩ sản phẩm Trung Quốc là không hiện đại,
 (Nguồn TTO) XUÂN LONG ghi

Tôi không biết hai ông Nguyễn Văn Tốn và Trương Quốc Dương có phải là chủ Dự Án Đường ống dẫn nước Sông Đà 1 hay không? Vì không có lý gì, cái đường ống đã nhiễm tim la, nổ ống khói tới 17 lần mà chủ nhân của nó còn tồn tại? Chỉ biết rằng gói thầu thứ nhất do nhà thầu Trung Quốc thi công đã 17 lần gây sự cố, mà bây giờ khắc phục sự cố đó lại một lần nữa được các ông này chọn nhà thầu Trung Quốc? Do cái gì? Do trách nhiệm cao hay do vô trách nhiệm?
Đã quyết bắt tay với Trung Quốc thì có đến hàng trăm nhà thầu cũng kiếm cớ gạt đi 99 nhà thầu khác để giữ được đối tác đã ngầm chọn.

Biết nó là gái điếm nhiễm HIV vào giai đoạn cuối vẫn đòi ngủ với nó bằng được? Thôi thì thích thì chiều, nhưng hậu quả đâu chỉ có chết cả nhà nhà thằng làm liều mà còn là cái án treo lơ lửng trên đầu 8 triệu dân Hà Nội thì không thể ngồi im được.
Cái gì đã thúc đẩy nhà đầu tư này quyết bảo vệ “Láng Giềng bốn tốt”  tôn trọng 16 chữ vàng đến thế? Có phải 30% giá trị hợp đồng được bên trúng thầu lại quả bằng tiền tươi đã hấp dẫn các vị? (Ts. Lê Đăng Doanh)

Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. Ống nước tắc thì Vinaconex (Viwasupco) mới chịu trách nhiệm còn như người dân nhiễm độc do ống nước bẩn thì nhà nào có người chết nhà ấy lo lấy việc tống táng.

Mùi “hình sự” đã thẩy rõ, các cơ quan chức năng đâu? xin hãy vào cuộc đừng để mất bò lần nữa thì chuồng nào cũng thành vô nghĩa.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016



CƠ QUAN QUYỀN LỰC CAO NHẤT


Quốc Hội, giả như nó cao nhất thật, thì cũng chỉ là cao nhất với dân, chứ còn dưới sự lãnh đạo của Đảng thì cái sự “cao nhất” này còn nằm trong giả định. Nó lủng ca lủng củng, hụt chỗ nọ, thừa chỗ kia như “Thày bói dọn cưới” mà lại trong một căn phòng hẹp.

Nếu Quốc Hội của ta cũng chỉ như Quốc Hội Đài Loan thôi, nơi các nghị sĩ đối lập có thể rút giầy đập vào đầu nhau thì cái luật biểu tình đã xong lâu rồi. Hay như dịp cái đứa gian manh từng uống máu ngư dân, chiến sĩ Việt Nam, mồm nó còn be bét dấu đất ngoạm ở biên giới, tên côn đồ ở Biển Đông, nó làm sao có thể vác mặt vào tận phòng Diên Hồng của Quốc Hội làm cái việc mạ lỵ dân tộc ta đến mức ấy mà không có nghị sĩ nào có nửa lời chất vấn và đuổi cổ nó ra khỏi Hội Trường, chỉ vì Đảng đã cho phép nó.

Việc thảo ra cái luật biểu tình lại giao cho Bộ Công An là cái đơn vị ghét và chống biểu tình đến tận xương tủy, khi nó vừa tạo ra cái gọi là lực lượng “Dư luận viên” mạo danh là tổ chức Quần Chúng để chống lại Quần Chúng. Bảo họ làm cái việc tự trói tay mình lại thì bao giờ nó làm? Có đến mùng thất.

Ngày xưa Mặt trận Việt Minh (tiền thân của Mặt trận Tổ Quốc) phát động quần chúng làm biểu tình mà cướp được chính quyên, thì nay sao không giao cho Mặt Trận Tổ Quốc làm luật, hay Đảng không muốn thế? Cứ giao cho Mặt Trận Tổ Quốc là đơn vị lãnh đạo các cuộc biểu tình và Công An phải có trách nhiệm bảo vệ những người biểu tình để biểu tình thắng lợi xem có được không?

Quốc Hội của ta không có các nghị sĩ đối lập, không có hoạt động đối lập thì chỉ có “gật” để giả vờ “thống nhất cao” mà thôi. Cái vở này cũ lắm rồi, đã đến lúc phải xin phép Đảng mà thay vở mới đi thôi. nếu thực lòng muốn thực thi dân chủ, cứ như hiện nay thì có cái gì đó giống Kinh doanh đa cấp vậy. Quyền lực ảo thì có khác gì cái lãi giả?

Dân chủ rầm rộ hiện nay qua các cuộc hiệp thương Bầu cử chỉ là “sàng sẩy” để giữ lại những hạt muốn giữ, gạt bỏ bằng được những gì không vừa ý lãnh đạo. Vào vòng ba, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng là giai đoạn tung “dư luận viên” vào quấy phá, bôi đen bôi đỏ theo chỉ đạo. Còn sót lại mống nào thì đến khi bầu cử chỉ việc xếp danh sách vào các điểm bầu cử, lấy những con béo xếp cạnh con gầy thế tất con gầy sẽ không được chọn. A ha! có thể xoa tay với thắng lợi vang dội. Có đúng thế không các đồng chí?

Cuối cùng cho tôi có lời xin lỗi đến các đại biểu Quốc Hội đã một lòng vì dân vì nước, nếu những lời nói trên có gì xúc phạm đến các vị.

Một con ngựa dậm chân giữa đống bùn thì tránh sao khỏi tung tóe lên những người xung quanh?



Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

NGÀY VĂN CÔNG TOÀN QUÂN

Đã thành thông lệm sau Tết Nguyên Đán, khi không khí vui xuân chưa phai nhạt, thì cái nhóm anh chị em tự mệnh danh là Văn Công Toàn Quân thường tụ họp với nhau ở một địa điểm nào đó, góp kinh phí và tổ chức ăn uống, hội hè vui vẻ với nhau.
Đó là nét chung còn thiếu gì trường hợp không nói ra miệng nhưng cũng thường coi đây là “Chợ Tình Văn Công”. Cũng tốt chứ sao? Người Mèo còn làm được thì tại sao ta không làm?
Cái cần bàn bây giờ là cái mũ Toàn Quân nó còn hợp nữa không? Hay chỉ là những diễn viên văn công quân đội nghỉ hưu, cư ngụ ở khu vực Hà Nội và phụ cận.
Thời kỳ đầu văn công quân đội ra đời, cũng khá đông. Từ khi ta học tập Trung Quốc thành lập ra những bộ phận làm công tác văn nghệ nhằm úy lạo tinh thần quân đội và nhân dân (một hình thức công tác chính trị trong lực lượng vũ trang) cái tên Văn Công, chắc chắn cũng mượn của Tàu.
Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những đội văn nghệ vũ trang đầu tiên là dội thuộc Trung Doàn 148, hoạt động ở mặt trận Lao Hà. Đội này bị Phỉ tàn sát. Những Đại đoàn chủ lực, đều có một đội Văn Công, thuộc biên chế Phòng Chính Trị. Các đội Văn Công 308, 304, 320, 312, 316, 324, 325, 330 v.v... lần lượt ra đời rồi đến các binh chủng: Công Binh, Pháo mặt đất, Pháo Cao Xạ, Hải Quân, Không Quân, Đặc Công, Biên Phòng, Công An, Tổng Cục Hậu Cần, Các Khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Khu IV, Khu V, Khu VI, Trường Sơn v.v... các đội kể không xiết. Ngoài ra có một đơn vị được gọi là Đoàn đó là Đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị, mà có lúc lên đến ba đoàn Một, Hai, Ba.
Với dàn nhạc một quản có tăng cường bộ đồng và trống định âm, với những Ngọ, Quế, Thản, Lộc, Thắng, Lê Lan, Phú,Cương,Thơn, Thiên, Thuần, Cầu, Việt Lập, Tranh, Phùng, Tuy, Doãn Mạch... Dưới ngọn đũa của Nhạc Trưởng Lê Đóa thì ai cũng muốn múa, và ai cũng trở nên hát vang hơn, lộng lẫy hơn.
Tôi nhớ đã có lần gọi là họp mặt Toàn Quân tại Bảo Tàng Quân Đội. Tôi đã ghi hình và phỏng vấn các Đoàn Trưởng Hoàng Cầm. Đức Toàn, Trọng Loan, Ngọc Trác, Thành Chính, Thanh Vân, Nguyễn Bính, Nguyễn Thông và nhiều nữa hầu hết các đoàn trưởng các đoàn, đúng là toàn quân. Nhiều năm sau họp tại Hội Trường 66 đều có mặt Anh Văn và Chị Hà cùng dự. Có lần anh Lành (Tố Hữu) và anh Chiến (Văn Tiến Dũng) cũng đến vui với anh chị em, đây là dịp cho các chị lớn tuổi như Thùy Chi, Kim Ngọc tung hoành. Đã có lần chị Kim Ngọc dang tay thách mời anh Hồng Cư hôn, nhưng Trung Tướng nhà ta đã khiêm tốn.
Nói đến văn công toàn quân mà không nói đến những anh chị em đã ngã xuống trên chiến trường thì là một điều đáng trách. Ngoài đôi vợ chồng ngã xuống tại mặt trận Lao Hà, sau này còn biết bao nhiêu người đã nối gót họ. Anh Úy diễn viên ca TCCT đi B đã trở thành liệt sĩ, dũng sĩ diệt Mỹ. Ngọc Lạn, cây Flutte đã ngã xuống ở chiến trường Khu VI. Thanh Lâm Accordeoniste Trị Thiên Huế, Nguyệt Ba, Kim Yến, Phạm Lập, Lê Đình Tiểng tại chiến trường B2, Chu Nghi, Ngọc Minh và Quy, Văn Dũng, Thanh Tùng diễn viên múa, trên đường Trường Sơn... Chắc rằng còn nữa mà tôi chưa kể được hết. Xin có lời tạ tội!

Kể lại vài nét như thế để thấy cái gọi là “toàn quân” bay giờ nó ẻo uột ra sao? Hàng năm, vào dịp họp mặt truyền thống của các đơn vị đều có giới thiệu “đại biểu toàn quân”, cũng có lẵng hoa tặng, nâng ly, chạm cốc, chúc tụng, đáp từ đấy nhưng nó hình thức và nhạt nhẽo vì nó chẳng đại điện cái gì và cho ai? Nó chỉ mang tính hình thức giáo điều.
Đã mấy năm nay, tôi bỏ cái họp toàn quân, không phải không nhớ tới anh chị em. Với cái đầu chưa đến nỗi lẫn như tôi, thì tôi còn nhiều đối tượng để mà nhớ mà muốn gặp, nhưng:
Khi nghe nói đi họp Toàn Quân thì thấy ngượng, cứ như mình ăn gian nói dối. Vả lại, “ăn có mời, làm có khiến” Đừng tùy tiện gặp đâu gọi đấy, gọi ai thì gọi... Đành là Ban Kiên Lạc làm việc không công, cái đó hoan nghênh, nhưng cũng nên góp ý để khỏi phí Ngày Xuân, đừng uổng tuổi già.
Năm nay vẫn chúc các bạn vui vẻ khỏe mạnh.
Tôi xin kiếu! .

TÔI LÀM NGHĨA VỤ QUÂN SỰ TÌNH NGUYỆN.

Nhân dịp cả nước tưng bừng lễ hội Tòng Quân, lớp lớp thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Tôi kể cho các bạn Lính Mới nghe trường hợp nhập ngũ của tôi.
Tôi có người bạn công tác ở Tư Lệnh 3, cho biết ở đó đang cần cán bộ có năng lực tài chính và hỏi tôi có muốn chuyển sang bên đó không? Ngồi một chỗ mãi cũng chán, tính ưa bay nhẩy nên tôi đồng ý và chờ công văn xin người của bên Tư Lệnh 3.
Khi có công văn của Tư Lệnh 3 xin đích danh tôi, thì anh Khuất Duy Tiến chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Khu Đặc Biệt Hà Nội gặp và trao đổi thẳng với tôi: Bên TL3 họ xin cậu, nếu sang bên đó thì cậu cũng chỉ làm lính cậu (lính văn phòng), không khác gì ở đây. Nếu không thích đi thì tôi sẽ có thư cho anh Lê Quang Hòa, Ủy ban giữ cậu lại.
Tôi nói, tôi muốn đi. Thế là có ngay công văn điều chuyển và giới thiệu tôi là Cán sự 5 Phòng Tài Chính UBHCKCKĐBHN về nhận nhiệm vụ ở Tư Lệnh 3. Tôi từ giã cơ quan mà đồng sự đều là viên chức già, lên đường ngay.
Tháng 5 năm 1950, chiến sự mở rộng, các cơ quan đều di chuyển khẩn cấp. Tìm hiểu mấy ngày liền không biết TL3 di chuyển về đâu? Một chiều đang mỏi mệt nghỉ chân ở Sêu thì gặp một đơn vị hành quân qua. Tôi quan sát thấy mấy anh có dáng cán bộ, liền lại gần, đưa giấy tờ và hỏi tin về TL3. Một anh mắt lé nhìn tôi cười và nói, bây giờ có mà giời biết họ di chuyển về đâu? Thôi thì ở đâu cũng là lính, cậu vào đây với chúng tớ. Nghe cũng phải, tôi gật đầu, thủ tục thế là xong. Đơn vị này là Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ (766) Trung Đoàn Ký Con (66), chủ lực của Liên Khu III. Tiểu đoàn không có nhu cầu cán bộ tài chính, nhưng căn cứ vào chức vụ ghi trong giấy giới thiệu thì tôi còn có năng lực văn phòng, nên tôi được giữ lại tiểu đoàn bộ với cấp bậc ban đầu là binh nhì. So với cán sự 5 tức là bậc 7 hành chính (Tá sự 2, tá sự 1, Cán sự 1 đến Cs 5) tôi coi như bị tụt 7 bậc. Sá gì? được thành anh Bộ đội là vui rồi. Tôi nhanh chóng thay đổi bộ dạng, bộ cánh Chúc bâu nhuộm nâu cùng với chiếc mũ phớt xanh da chai (vert bouteille) được đổi cho bọn lính trinh sát lấy bộ quân phục cũ, chỉ gĩư lại cặp kính trắng và đôi giày Bát Kết cao cổ. Nhiệm vụ đầu tiên là giúp anh nuôi gánh một gánh nồi niêu soong chảo cùng anh nuôi hành quân. Giữa đường gặp Tiểu Đoàn Trưởng tôi lễ phép nghiêng mình: Anh ạ!... Kết quả ngày hôm sau được thằng thư ký chính trị vác ghế đẩu ngồi ngoài hè để tôi bước từ sân lên chào nó kiểu chào quân sự. Tôi nghiêm chỉnh chào đi chào lại, mấy thằng thư ký nhân sự, tác chiến rỉ tai nhau khen thằng này ngoan hiền. Chưa đến tuần sau chính chúng nó lại rỉ tai nhau: Thằng này không phải vừa, cái gì nó cũng biết... Thật khéo, mấy ông tiểu đội phó, tiểu đội trưởng lại đi khen cái ông có hàm ngang cán bộ đại đội?
Đó là chuyện những ngày đầu, nhưng càng về sau tôi càng lộ bí mật nhiều điều mà tôi đã tích lũy được, và nhờ tính xởi lởi nên cũng mau chóng trở thành tri kỷ với đa số chúng nó. Cũng phải mấy tháng sau tôi mới được nâng cấp lên Tiểu đội phó.
Nhớ lúc mới vào đơn vị, thủ tục tuyển binh tôi cũng phải chuyển qua nhiều khâu. Có một khâu buồn cười nhất, mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu hết mục đích của nó. Y tá Tua bắt tôi bỏ hết quần ngoài, quần lót trước mặt Y sĩ Đệ. Lấy hai ngón tay “nâng bi” lên rồi bắt tôi ho đi ho lại, xem bi có nẩy đều không hay lệch. Nảy lên rồi có tụt đều không? Phải làm đi làm lại chỉ vì buồn cười lắm, không nghiêm túc được. Kết thúc, Y tá Tua phải đi rửa tay chứ tôi không việc gì phải rửa, tay thằng này sạch. Về mắt thì cặp kính trắng là cái giấy chứng nhận “mắt xoàng” nhưng khi bắn đạn thật, tôi đạt hai viên vòng 10 thì miễn bàn tán. Lại nữa, đi đến đâu cũng được chị em khen là có cặp mắt biết nói. Chắc là biết kêu be... be!
Định làm nghĩa vụ 3 năm, không biết run rủi thế nào mà kéo dài đến 22 năm. Một hơi không nghỉ. 


Lâu rồi, một thuở tôi là lính.
Nhẹ cả hành trang, lẫn sự đời.
Thêm khẩu súng và trang nhật ký,
kể hoài không hết chuyện đôi mươi!



Người ngồi bên trái tôi là Đại Tá Phạm Công Cửu. Trong kháng chiến chống Pháp, Cửu là Tiểu đội trưởng liên lạc. Trong trận Hói Đào (1950) Cửu đi đầu, đi sau Cửu là một liên lạc viên rồi đến tôi. Người thứ hai đạp phải mìn, nhưng chúng tôi vẫn tiềm nhập.
1951, sau Chiến dịch Quang Trung, về đóng quân tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) Trang Nguyên đổi miếng vải bạt được con vịt, giao cho Cửu toàn quyền chế biến. Bữa chén có cả hạng mục tiết canh đông úp bát. 1953 gặp nhau tại Rừng Thông (Thanh Hóa), Cửu đổi chiếc mũ lá cho tôi và nói: - Chia tay! tớ đi Tây Nguyên đây. Từ Tây Nguyên về, Cửu đã là Đại Đội Trưởng, về Thủ Đô duyệt binh.
Sau đó bặt tin, nghe nói Cửu được đi học chỉ huy Tăng Thiết Giáp tại Phrun-De. Không nói với ai, nhưng tôi cứ băn khoăn, không hiểu cái thằng ngọng lờ nờ này nó nói tiếng Nga thế nào? Sau này nghe Cửu kể lại thì ra anh chàng đã tốt nghiệp sau cuộc diễn tập Hiệp Đồng Binh Chủng của các học viên thuộc nhiều nước. Đến đây thì tôi thực sự tâm, khẩu phục anh chàng Cửu Vổ (biệt danh của Phạm Công Cửu). Học về Tăng nhưng đi B hồi đó chưa có Tăng, nên Cửu về làm Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 66, Sư đoàn 304.
Tháng 11 năm 1965 Mỹ đổ quân vào Thung lũng Ia Drang, mở đầu chiến dịch tìm diệt. Mỹ đã bất ngờ đổ quân vào nơi đóng quân của một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 66. Tao ngộ chiến xẩy ra...
Phần tiếp theo xin để Wikipedia kể tiếp:
...Trong khi đó, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 Tiền Phương và Trung Đoàn 66 tìm cách chế ngự trận đánh. Hay tin các chỉ huy trưởng không có mặt tại các vị trí chỉ hủy, Trung Đoàn Phó Phạm Công Cửu, đang ở bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 7 khi cuộc tấn công xảy ra, báo động cho tiểu đoàn chuẩn bị rút ra.
Đem theo mình một nhóm sĩ quan của Tiểu Đoàn 7, Cửu tiến tới để lượng định tình hình. Ông tới vùng của Tiểu Đoàn 9 vào lúc trưa và chứng kiến cảnh hỗn độn, với nhiều thương binh di chuyển về hậu cứ và không ai biết rõ điều gì ̣đang xảy ra. Viên chính ủy phó tiểu đoàn chỉ báo cáo được cho ông là địch quân chỉ gồm toàn lính Mỹ (không có lính Nam Việt Nam) và chúng rất hiếu chiến và trang bị đầy đủ.
Châu, tới nơi trễ sau hơn, gặp Đại Đội 13 của Tiểu Đoàn 9 trên đường rút lui và ra lệnh để lại sau một trung đội để cầm chân lính Mỹ. Trong khi trung đoàn trưởng Trung Đoàn 66 vắng mặt, Châu đứng ra chỉ huy.
Xế chiều, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 Tiền Phương ra lệnh cho Châu tấn công vị trí lính Mỹ với lực lượng sẵn có. Châu phái lính của Tiểu Đoàn 7 nhập với các đơn vị rải rác của Tiểu Đoàn 9. Châu đặt Cửu chỉ huy trực tiếp cuộc tấn kích.
Cuộc tấn kích dự định khởi sự vào lúc 0300 ngày 15 tháng 11, nhưng vì không quen địa thế và mưa pháo Mỹ, mãi đến hừng đông các quân lính mới sắp xếp xong vào vị trí. Hai đại đội của Tiểu Đoàn 7 và các đơn vị của Tiểu Đoàn 9 chuẩn bị đánh một mặt của tuyến phòng Mỹ trong khi đại đội súng ống của Tiểu Đoàn 7 dàn trận phía mặt kia làm lực lượng ngăn chận. Thế dàn trận này cũng cho phép dùng súng liên thanh ria qua đầu họ.
Cửu khẳng định là báo cáo qua rađiô với Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 Tiền Phương là lính mình đã tràn ngập tuyến phòng Mỷ, thu góp được hơn 70 khẩu súng và quân số còn lại của lực lượng là 150 người, có nghĩa là thiệt hại từ 300 đến 400 người. Cửu nhìn nhận là lúc đầu Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 không tin bản báo cáo của mình và gạn hỏi Cửu có đích thân kiểm chứng bản báo cáo hay chỉ chuyển đạt các báo cáo từ các đơn vị trực thuộc trình lên. Sự thật thì một khúc tuyến phòng của Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 7 Kỵ Binh Mỹ bị chọc thủng nhất thời, nhưng cuộc xâm nhập bị trám lại ngay và tuyến phòng Mỹ đứng vững. Bốn mươi hai lính Mỹ bí giết và 20 bị thương...

1967, trong chuyến đi biểu diễn phục vụ Lục Quân 1 tại Sơn Tây. Cửu đã từ chỗ ngồi của khán giả lẻn ra sau sân khấu gặp và ôm chầm lấy tôi, ghé vào tai tôi thì thầm; “Báo tin sầu cho mày, tao hai gạch ba sao rồi nhé!”. Thì ra thằng bạn thuở “hàn vi” nay đã là Thượng Tá.
Sau khi chụp ảnh chung với tôi (tấm ảnh kèm) ông bạn tôi đã qua đời với quân hàm Đại Tá.
TIẾNG KHÓC

Ông lớn nhà tôi có đứa con gái đầu lòng ở tuổi 47. Ông bà về thăm cháu, tiếp nhận lời phát biểu đầu tiên của cháu qua tiếng khóc. Một tiếng khóc như một lời trần tình, một lời đề nghị, một lời phát biểu khiêm tốn: ...Éo...on...òn...ỉ... kéo dài. Lên bổng xuống trầm giống như một lời ca ở nhịp 6/8. Một tiếng khóc khác với những tiếng thông thường.
Thông thường, trẻ con thường ngộ nhận về quyền lực của mình, nên tiếng khóc thường mang tính yêu cầu, một lời dọa dẫm. Nó oe!oe! Oa! oa! gay gắt, gấp gáp cho đến khi thỏa được yêu cầu. Riết rồi thành quen, trẻ con ngộ nhận về quyền lực của mình.
Ở đây, tiếng khóc cháu tôi như một lời tâm tình, nó như tiếp tục một tiếng nói kiếp trước vọng lại. Người nghe như được đối thoại với một đối tượng ngang hàng. Ngoài thương yêu còn là tôn trọng.
Ôi! Giữa lúc đời thường đẩy rẫy những hiện tượng chướng tai gai mắt làm khô héo tâm hồn, thì đây là những điểm xuyết hiếm hoi cho hạnh phúc từng người và mọi người thêm tươi rói.
Nhân ngày 8 tháng 3

Một cuộc đột kích ngoạn mục xảy ra ở một căn hộ gồm một đôi vợ chồng già (Vợ 77 và chồng 85).
Bình thường, ngày 3 buổi, vợ hỏi chồng: sáng nay ăn gì, trưa ăn gì và chiều ăn gì? Những câu hỏi đều đặn từ miệng người vợ quan tâm tới “miếng ăn, giấc ngủ” của chồng... Trả lời riết rồi cũng có khi ông chồng “bí” không biết nên hay phải ăn gì?
Hôm nay 8 tháng 3, để giải phóng phụ nữ, lão chồng quyết không để vợ phải bận tâm đến việc “ăn gì?” của chồng. Tối hôm qua, ông chồng đã tăm được miếng rọi hun khói và khúc lạp xường Cao Bằng, vợ cất chỗ nào trong tủ lạnh. Có hai thứ này, đĩa dưa chua bắp cải muối xổi đỡ cô liêu hơn nhiều. Rượu thì khỏi lo, nó là lực lượng du kích thiện chiến của chồng, chai nào phục kích ở đâu? Lão chồng đều nắm vững.
4 giờ sáng mò dậy, làm ấm chè mới, ngồi vào bàn lướt Web. Sau đó thực hiện việc “ăn vụng”. (Có camera hành trình làm nguyên chứng) Đến giờ này mà vợ già vẫn ngáy thì coi như chuyến đột kích thành công mỹ mãn.
Kể lại chuyện này để các friends cùng tôi hưởng ứng ngay 8/3 thêm muôn mầu muôn vẻ.

CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG
 
Đang xoay đi xoay lại cái tư duy về sự vĩ đại của một đời người. Từ lúc ngậm ti, đến khi mọc hết răng khôn đến răng dại. đủ 32 răng. Rồi lại lần lượt rút lui, đến khi còn toàn lợi... Đời người dù tầm thường đến mấy cũng thực là vĩ đại.
Mải miên man ở tầm vĩ mô về cái vĩ đại của sự tầm thường thì bị lôi tuột về cái vi mô:
- “Sáng nay ăn gì nào? để mẹ còn đi chợ, kẻo hết chợ”
Thì ra đã 9 tháng 3!
Miệng nói: “Cho bố nắm xôi!” nhưng lại nghĩ về húp nước dưa sáng qua, sau bữa nhậu. Húp nước dưa đầy tranh cãi. Vợ thì kêu chua đến ê cả răng, chồng thì cãi ngon đấy chứ! Vợ giải thích: “Ông không thấy ê răng vì còn đâu răng mà ê!
Đấy là chuyện đời thường, được nâng lên tầm ný nuận của anh Bắc Kỳ... cục.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016



CHO TÔI KHEN ANH TRỌNG...

Đồng bào ơi, cho tôi khen Anh Trọng một câu và cũng cho tôi chê Anh Trọng một điều.
Tư cách gì mà khen chê Tổng Bí Thư?
Nhân danh người dân ở chế độ này, một người dân đã mang gươm đi biểu tình, cướp chính quyền ở Thị Xã Hà Đông vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, về hưu với niên hạn 54 năm 6 tháng, và nay đã 85 tuổi. Đủ chưa nhỉ? (mà biết thế nào là đủ?).
Trong cuộc đấu tranh với đ/c X, đồng chí đã khéo léo dựa vào Đại Hội Đảng cho đ/c X to và các đ/c X nhỏ, kẻ thì đắp chiếu, kẻ thì ngồi chơi xơi nước... lã. Trước đó đ/c X mạnh đến nỗi muốn làm gì thì làm, những vụ ký kết với Tàu về rừng đầu nguồn, về bauxit Tây Nguyên, về Xe điện trên cao, về Formosa, nhiều nhiều nữa. Tuy đều có chỉ thị của Đảng nhưng không thể nói đ/c không tự tung tự tác. Ròi những vụ dung túng Vinashin, Vinaline thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng mà  mọi người vẫn không dám gọi đích danh đ/c. Nói đến đ/c X với thái độ rụt rè e ngại. Ấy thế mà đồng chí Trọng đã làm được việc đưa đ/c X về vườn. Quét luôn bộ sậu giang hồ ra lề đường. Giỏi đấy chứ? Phải khen thôi! Khen cái đã rồi sau thế nào thì chưa nói tới.

Còn chê một điều, là sau Đại Hội Đảng, tuy thắng lợi rực rỡ nhưng đồng chí Trọng đã hơi vội vàng. Ai cũng biết những vị trí chủ chốt nắm quyền lãnh đạo đất nước là do Bộ Chính Trị (tức Đảng) sắp xếp. Nhưng công khai mà nói thì theo Hiến Pháp những “ghế” đó phải do Quốc Hội bầu và thông qua. Quốc Hội chưa họp mà đồng chí Trọng đã đổ bê tông làm bệ bầy những vị (chưa bầu) Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ, Chủ Tịch Quốc Hội ngồi một hàng ngang bên cạnh đồng chí cho đủ tứ chế, thì có khác gì coi cái Quốc Hội tương lai chỉ là thứ bù nhìn?
Chê chỉ là cái không khéo. Tuy là việc nội bộ của Đảng nhưng công khai thì cũng phải đúng lề đúng lối. Đi đâu mà vội mà vàng?
Nhân đây tôi nghĩ giá như Mỹ cũng có một Bộ Chính Trị như ở Việt Nam thì bầu cử Tổng Thống đỡ tốn kém hơn nhiều.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016



SAU LƯNG HỌ LÀ BỌN PHẢN ĐỘNG (?)

Sáng 15-3, Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội đồng bầu cử quốc gia, đã làm việc với Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết trong số 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.
Tuy nhiên, theo một thành viên đoàn giám sát, kỳ bầu cử lần này có phức tạp hơn, và đã hình thành phong trào tự ứng cử. (Tự ứng cứ mà gây nên sự phức tạp lớn thế cơ à? (NH)
(TTO)

Ngoài số “Đảng cử Dân bầu” ra thì tuyệt đại đa số những người tự ứng cử chỉ có sau lưng họ sự tự đánh giá về mình, sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Cái hậu phương này có phản động không? phản động tới mức nào thì chỉ có những người nắm căn cước của dân, lưu giữ lí lịch của dân là tường tận. Họ tạo lí lịch của dân trắng hay đen hay mầu gì đi chăng nữa cũng là tùy họ.

Nhân nói đến “phản động đứng đằng sau”, tôi nhớ đến năm 1946. Cuộc bầu cử năm đó, không phải phản động đứng đằng sau... mà độc đáo là ông Hồ Chí Minh đứng đằng sau “Bọn phản động” đẩy lưng hơn bẩy chục đại biểu của họ vào Quốc Hội. Hồi đó chắc vì chưa có tổ chức Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia, nên mới sẩy ra sự đáng tiếc này?

Nói thế thôi, chứ bột trong tay của tổ chức thì đảng năn thế nào nên thế. Kinh nghiệm “chuyên chính vô sản” mà các bậc đàn anh Bôn Xê Vích Liên Xô, Trung Quốc dạy cho thì thiếu gì bài? Đã có bao nhiêu ủy viên bộ chính trị Sô Viết bị đi đày ở Sibéri? Ở Trung Quốc thì ông Lưu Thiếu Kỳ đã nếm mùi nhà đá. Ông Đặng Tiểu Bình cũng đã vào rồi lại ra. Thậm chí cả nhà ông Nguyên Soái Lâm Bưu cũng xơi đạn chống tăng ngay trong sân Trung Nam Hải. Người ta cũng đã từng nhuộm đỏ Quảng Trường Thiên An Môn  bằng máu Sinh Viên để tạo thành lá Quốc Kỳ Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Trung Hoa.

Ở ta cũng thiếu gì nạn nhân, những ông Đặng Kim Giang, Chu Văn Tấn, Đỗ Đức Kiên... nhiều lắm, đã nếm mùi đi “tù nội bộ”. Ngay cả ông Võ Nguyên Giáp cũng lên bờ xuống ruộng với ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Hữu Tâm trước những kỳ đại hội. Chỉ cần một nghi vấn là qua một đại hội, một nhiệm kỳ. như trường hợp có người tố cáo “ngày xưa, đã có một vị quan Tây Thuộc địa gửi thư cho ông Giáp gọi ông với danh xưng “Mon enfant” mà ông Giáp thành con nuôi của Pháp?” Thêm một Sáu Sứ nữa là ông Đại Tướng về với “Cây đa Nhà Bò”.

Bộ máy tổ chức của ta bao gồm những kỳ thủ đại kiện tướng Cờ Vây, Cờ Chân Chó”, mà dân ta thì quá nhiều người “Đầu ngu, đít nhọ”, phản động lại đầy rẫy quanh mình, muốn thì lúc nào và bao nhiêu cũng có, nên oan khiên trên dải đất này còn hú lâu với gió.






HỘP DẦU CÙ LÀ



Năm 2007, tôi có dịp vào gặp mặt với nhóm Bloggers Sài Gòn. Trong số bạn mới gặp mặt lần đầu, có người cho tôi một hộp dầu Cù Là phòng khi gió máy dọc đường. Tôi trân trọng tấm lòng của bạn như mọi sự vồn vã chân tình khác.
Đến nay đã trải qua 8 năm, quãng thời gian không thể nói là ngắn. Hộp dầu ngày đầu nó đầy lùm lùm, nay đã hư hao già nửa. Vật chất tuy bị thời gian bào mòn nhưng tinh thần của nó là hương dầu vẫn ngát như xưa.
Nếu khi xuôi tay mà còn hộp dầu thì một điểm trong di chúc của tôi là hãy bỏ theo tôi hộp dầu đó. Đó là chân tình mà tôi lặng lẽ đáp lại bạn. Hỡi những người bạn gió trăng một thuở của Linhgia!