Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

NHÂN NGÀY GIỖ TRUYỀN HÌNH 7/9



Nhân Ngày Kỷ niệm 42 năm VTV
Một điều thú vị là đem số năm phục vụ Đài Truyền Hình của tôi cộng với số  năm tôi nghỉ hưu từ Đài, thì thành số năm kỷ niệm của THVN, (21+21).
Kỷ niệm với Truyền Hình thì nhiều, kể đến hết hơi vẫn còn chuyện kể, nhưng kể để làm gì? Điều này thì các anh chị ở Đài hiện nay đã trả lời thay tôi và lớp người cùng tôi đã phục vụ ở Đài. "Không cần kể lể gì cả, chỉ cần giữ hơi để hàng năm, vào dịp cuối năm đến nhận cái phong bì mừng tuổi trước Tết là được rồi!". Tình nghĩa giữa những "Hưu Sĩ" với Đài còn sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long,
42 năm ấy bây giờ còn đây, xin kể chuyện trước mắt, chuyện nghỉ hưu xem truyền hình. Nhiều quá, phong phú quá. Nghe, thì ngồi chán, mỏi lưng cứ việc nằm, nhưng xem, thì phải ngồi, mở mắt, không thể nhìn bằng tai, nên mỏi mắt không thể chịu được.
Cái cần xem lẫn cái không cần xem cứ lấn át lẫn nhau. Mỗi lần quảng cáo nó nhẩy vào giữa chương trình, cáu không chịu được nhưng vẫn phải nhịn, vì thấy bóng dáng cái quảng cáo nó phảng phất trong cái phong bì cuối năm… Nhịn mãi cũng có lúc phát khùng, muốn văng ra cái gì đó cho hả khí. Thôi thì chịu "nhẫn" chờ Quốc Hội thông qua cái Luật quảng cáo.
Ngoài cái thỏa mãn vì có nhiều kênh, nhiều đài để tiêu thời giờ còn phải nghĩ đến quốc kế dân sinh nữa, thấy cái bụng đói mà bội thực truyền hình thì phi lý quá.
Nhân đọc ý kiến của anh Phạm Khắc Lãm:
Thứ sáu 29/06/2012 08:00
Đây là ý của ông Phạm Khắc Lãm - nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - tại Hội thảo “Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình” do Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) tổ chức ngày 28.6.
Theo ông Lãm, việc mỗi địa phương có một đài truyền hình là không cần thiết, gây lãng phí trong khi nội dung của nhiều đài địa phương còn nghèo nàn.
Theo các đại biểu, với hạ tầng truyền hình cáp trả tiền, đã có hiện tượng mạng chồng mạng. Các doanh nghiệp truyền hình cáp không sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn gây ra nhiều sự lãng phí cho xã hội như lãng phí điện, hiệu suất sử dụng thiết bị thấp, chi phí bảo hành, bảo trì cao...
Ngoài ra, gần đây còn xảy ra tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình ở một số chung cư. Theo đại diện của SCTV, tổng số cổng truyền hình cáp của các doanh nghiệp đầu tư trên mỗi địa bàn ít nhất bằng 2 lần số hộ dân trên địa bàn đó.
Vũ Hải
Laodong.com.vn/
Nhớ những ngày đầu, làm thí nghiệm Truyền hình ở 58 Quán Sứ, anh bạn Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã gọi chúng ta là "Những người anh hùng phố Quán Sứ" vì thấy chúng ta "tay không bắt cọp". Những chuyên gia đó nếu bây giờ còn sống, trước thành tựu của Truyền Hình Việt Nam, chắc phải gắn cho chúng ta chiếc huân chương to bằng cái mẹt.
Những năm đó được cử sang thực tập tại nước bạn, tôi đã thấy tầm vóc của bạn rất đáng nể, đáng cho chúng ta học hỏi với chương trình phát sóng lên trước không phải hàng tháng mà là hàng năm. Tuy vậy Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũng chỉ có duy nhất một đài Truyền Hình Quốc Gia tại Át-Le-Sốp với một ăng ten chính (Pheng-dê-thum) tại A-lếch-xăn-đơ-plát. Cả nước có 2 Trung tâm sản xuất chương trình là Ha-Lê và Rốt-Tốc, Những Trường quay ở Lai-Xích, Đơ-rêt-đen, Các-Mác-Stát và chung với điện ảnh Đức tại trường quay Béc-Lin (Giô-han-nét-than), để luân phiên sản xuất chương trình. Tất cả đều được truyền dẫn về ghi hình tại At-le-sốp.
Sát nách với Tây Béc-Lin, dân chúng tha hồ muôn xoay ăng ten để bắt chương trình tùy thích. Nghĩ lại những năm đó, ở Việt Nam thường dùng sóng phá sóng, với các đài đối lập, như lá chắn tên lửa thời nay vậy. Chúng tôi hỏi bạn, sao lại để thế? Có chủ quan không? Bạn cười trả lời: Chúng tôi có cách, làm chương trình hay hơn thì dân sẽ xem chúng tôi mà không xem đài Tây Đức nữa. Giản dị thật.
Đới sống năm đó ở Đức chắc là cao hơn cả ta bây giờ, nhưng bạn cũng thấy như thế là đủ (về mặt truyền hình) còn ta hiện nay thì sao? Theo một bài trên mạng:
         …hiện tại tính tới thời điểm này thì nước ta có tổng cộng 67 đài phát thanh - truyền hình trên cả nước trong đó có 63 đài địa phương, 4 đài toàn quốc và gần 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, còn lại là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo các phương thức khác.
như vậy theo bạn trừ đài tỉnh và địa phương thì số đài của các bộ - ngành cũng hơi bị nhiều ví như: truyền hình thông tấn, truyền hình công an(ANTV), kênh phát thanh có hình VOV, tv của đài tiếng nói Việt Nam
Ngoài ra còn các kênh phối hợp sản xuất cảu các đài địa phương với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền mà tiêu biểu là BTV( đài truyền hình bình dương) với AVG(truyền hình an viên). Ngoài ra còn có các kênh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tự sản xuất như nhóm kênh SCTV, VCTV, VTC, HCTV, K+, AN Viên, TTXVN, rồi các kênh truyền hình do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chỉ cung cấp cho các thuê bao tại một khu vực nhất định... Riêng ở Thủ Đô Hà Nội đã có tới 6 đài (VTV, HTV, VTC, Vnews, AVG, và VOV) với nhiều kênh phát 24/24, 5 đài cỡ Phạm Văn Mách và 1 đài cỡ Lý Đức (những lực sĩ thể hình), thật là quá đồ sộ.
So với VTV thì các đài đàn em (do sinh sau đẻ muộn, chứ không hề kém võ) cũng xấp xỉ, để cạnh  nhau cũng đố biết ai hơn ai kém, và mỗi đài cũng có thế mạnh riêng của nó. Tin tức thì hiện nay ai qua mặt được Thông Tấn Xã (Vnews). Kể về vụ án, về truy bắt tội phạm, hung thủ, hiếp dâm, cướp của v.v… là chuyện vườn nhà của Truyền hình An Ninh. VOV với thế mạnh "võ mồm" bấy lâu, bây giờ lại thêm cả võ chân tay, với cập nhật tin giao thông, thì dễ đã Thúy Kiều nào chơi trèo được?... Quân Đội Nhân Dân cũng thừa sức mở đài, chỉ chưa thèm đó thôi.
Cứ đà này sẽ đến lúc, Hải quan cũng lên đài, Kiểm lâm cũng phát sóng. Ai cũng thấy không có ngành mình thì Tổ Quốc dễ suy vong. Ngành giết mổ chắc cũng cần có đài riêng để rỉ tai các bà nội trợ…


Một ngày đẹp trời nào đó, giả dụ nghề mại dâm được coi như một nghề hợp pháp, thì khi đó mình sẽ xin mở một kênh truyền hình Đèn Đỏ, ĐĐTV (Đêđêtivi), chắc chắn là ăn khách.
 
Chỉ trong một kênh Phim Việt, vừa thấy nó là một người tử tế đàng hoàng… Đùng một cái bộ mặt ấy đã thành gã lưu manh, đểu cáng… Lúc sau nó lại thay tên đổi họ, biến thành đại gia chững chạc đáng kính… Cứ như ma ấy. Dụi mắt mấy lần vẫn không biết tỉnh hay mơ? Chẳng nhẽ đời này không còn phân biệt được thực hư, tốt xấu? Nghĩ thiển cận: Loại này mà lọt vào chính quyền thì chỉ còn nước, cả dân tộc bị gậy lên đường…
Đến cái đận ấy thì khán thính giả của Truyền Hình sẽ bị tẩu hỏa nhập ma cả lũ.
Lạy giời lạy phật cho con thoát khỏi kiếp nạn này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét