Chưa bao giờ điếu thuốc bị đem ra đấu tố như bây giờ. Nó là
loại tội ác chống lại loài người. Mọi nơi mọi lúc, bằng nhiều hình thức, người
ta lên án điếu thuốc. Nhưng nói gì thì nói, còn nhà máy sản xuất thuốc lá thì
ắt còn người hút. Sản xuất càng nhiều thì số người hút càng cao. Khói huyền cứ
thoải mái bay lên cây…
Không biết ai là người đầu tiên có sáng kiến đốt thuốc lên
để hít lấy khói? Chỉ nói riêng ở Việt Nam này, khi gặp nhau, để tiếp khách, mời
nhau miếng trầu, điếu thuốc là việc giao tiếp đầu tiên. Có thuốc điếu thì mời
nhau một điếu, còn nếu hút thuốc lào thì nạp vào điếu một mồi thuốc, đưa điếu
hay xe điếu cho khách rồi tự tay châm đóm mời khách hút.
Người Mường có cái ống điếu rất to. Nữ chủ nhân nạp thuốc,
châm lửa mấp khói cho đầy điếu, cặp mắt lúng liếng đưa mời khách thì khách nào
mà chả say? Trong khói thuốc hình như còn trộn lẫn hơi thở mang hình sơn cước.
Trong kháng chiến, tôi có một ông bạn hút thuốc lào. Ông có
thói quen, sáng sớm ra kiếm một chỗ ngồi cao, thoáng, rít một hơi thuốc rất sâu
rồi lần nào cũng thế, tự do lăn đùng ra mới khoái. Có lần ngồi bên bếp lửa, sau
khi rít xong điếu thuốc, say quá, ông ngã dúi dụi, đút cả hai tay vào bếp lửa,
nhưng chứng nào tật ấy, vẫn không chừa. Vậy mới có câu: "Nhớ ai như nhớ
thuốc lào? Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên!" Nói đến chuyện "cai
thuốc" cứ như nói đùa.
Khi thuốc hiếm, người hút điếu cày thường ghé đóm cho lửa ăn
vào một bên nõ, điếu thuốc chỉ cháy một nửa, còn một nửa nhường cho người sau,
ngọt bùi có nhau. Đã có lần, một người châm đóm cho người hút trước, mong nửa
điếu thuốc nó sẽ nhường cho mình. Khốn nỗi vì đói thuốc, anh này đã lỡ rít hết,
khi nhận chiếc điếu trơ nõ từ tay anh bạn, người này đã đập luôn chiếc điếu vào
gốc cây rồi văng ra: "Mẹ nó, ông chỉ mong cái xái mà nó cũng đ… cho".
Đời lính chia nhau hơi thuốc là nghĩa cử thường ngày. Có
điếu thuốc chuyền tay nhau, vừa hút vừa vê cho sợi thuốc tụt ra đầu điếu, hút
đến hết mà không bỏng tay (thời điếu thuốc chưa có "cán"). Có điếu thuốc, chui vào màn hút vụng cũng không
xong, sẽ có đứa đánh hơi và sớm muộn cũng sẽ bị vạch mặt.
Hòa bình rồi, tuy xa nhau nhưng anh bạn Cao Vân Xanh đã bỏ
vào phong bì "Thư binh sĩ" gửi cho tôi một điếu Đại Tiền Môn kèm theo
câu: "Tiền Môn một điếu thơm lừng, nhớ xưa một thuở bên rừng ngát
hương" Đó là một kỷ niệm "Inoxidable" (không rỉ), tuy bây giờ anh bạn đã đi xa,
Anh bạn bị ung thư, giờ phút cuối cùng trên giường bệnh, vẫn
nhờ vợ châm cho điếu thuốc để được hút những hơi cuối cùng. Sinh thời có những
người nghiện thuốc nên mới có những điếu thuốc cắm vào chân hương để cúng người
đã khuất.
Riêng tôi thì đã có đến hơn 60 năm làm quen với khói thuốc, từ khi điếu thuốc chưa có cán đến khi có cán (đầu lọc).
Thời làm thợ in hút RubiQueen, Macedoine, Philipp Moriss. Theo kháng chiên hút
Cotab, Grandprix, Coolie Cut, Hiboux, Zuk, Bazooka, Quân nhân đường 12, Cẩm Lệ,
thuốc lào. Thời bao cấp hút Berrati (Albanie viện trợ) Bông Lúa, Trường Sơn,
Tam Đảo, Điện Biên, Trung Hoa Bài, Trùng Cửu, Thăng Long. Vào tiếp quản Sài Gòn hút
Capstan, Mélia, Craven A, Quân Tiếp Vụ. Cuối đời, hút lung tung, gà xì cái gì cũng hút… Khám
bệnh, chụp phổi cũng chưa phát hiện được chỗ nào mờ chỗ nào nám v.v… Tuy thế bây giờ vì
huyết áp cao nên đã tự giác ly dị với anh thuốc lá, tuy hơi nhạt miệng nhưng đã
có quốc lủi nhâm nhi chia lửa.
Khốn nỗi cái anh Vinataba lại là anh nộp cho công quỹ những
món tiền không phải là nhỏ, nên cuộc chiến với anh ta cứ người nâng kẻ đập dài
dài. Còn Viện Ung Bướu, thì vẫn còn đó anh Hồ Dzếnh với "Khói huyền bay lên
cây".
Đời mà lỵ!
Đời mà lỵ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét