KÝ SỰ VỀ MỘT VÙNG QUÊ
Với anh, với chị, với ai đó? thì quê hương có thể là chùm
khế ngọt, nhưng với riêng tôi thì nó không ngọt tí nào, thậm chí còn chua nữa,
chua loét!
Dòng họ Đinh Gia Lạt Sơn
Quê nội tôi do cụ tổ 5 đời họ Đinh Gia đem tới cho con cháu
sau này.
Vào thời Minh Mệnh, Cụ Điều Đinh Gia Quang trông coi y vụ trấn
Sơn Nam. Rời quê gốc thôn Đông Quan, Kinh Bắc về Hà Nam và lấy vợ người làng
Lạt Sơn, tổng Quyển Sơn, huyện Kim Bảng và lập nghiệp ở đó. Đến đời ông nội
tôi, cụ tú tài Đinh Gia Mô đã là đời thư ba. Bố tôi, ông Thi Nham - Đinh Gia
Thuyết là đời thứ tư… Theo gia phả họ Đinh Gia thì chúng tôi thuộc chi Giáp, là
dòng chi Trưởng. Dưới cụ nội tôi còn 4 ông em nữa, hình thành các chi Ất, Bính,
Đinh.
Trong việc sàng lọc của dòng họ, do nhiều chi phạp tự (không
có người nối dõi) nên hiện nay chỉ còn có 2 chi, và tưởng như điều ngọt ngào
nhất là điều tôi trở thành chi trưởng dòng họ Đinh Gia Lạt Sơn, nhưng tiếc thay
chi Giáp chỉ còn mình tôi. Chi Ất và chi Đinh phạp tự. Chi Bính thì phát triển
đông mạnh nhưng ông tổ chi này vốn người họ khác, làm con nuôi Cụ Điều, nên cụ
cho mang họ cụ là họ Đinh Gia. Trong một lần thăm quê gần đây, ra viếng mộ tổ
họ Đinh Gia thì thấy bia ghi tên tổ họ Đinh Gia là một ông đời thứ tư, thuộc
chi thứ. Não lòng với họ với hàng! Đang ra sức kéo sợi dây họ tộc, tôi đã lỏng
tay và có cơ buông hẳn.
Với đám con cháu đã thờ ông thuộc đời thư tư làm tổ họ, thì
cụ Điều Đinh Gia Quang không khéo là người ngoại tộc?
Quả khế này hẳn là không ngọt!
Cụ Tổ đời thứ nhất của tôi đã tái tạo lại quan hệ mẫu hệ
theo khái niệm rộng, ăn theo và lớn lên cùng quê vợ. Đời thứ hai, cụ lấy vợ
người làng. Đời ông nội tôi lấy con gái cụ Nghè Hoàng Kim Chung, người thôn Đô
Hoàng, Xã Phú Khê, Huyện Ý Yên. Là dòng dõi khoa bảng nên bố tôi được các cậu
bên ngoại nuôi nấng và kèm cặp. Nhờ thế mà mới 13 tuổi, bố tôi đã lều chõng đi
thi, tuy đường khoa hoạn của ông không được hanh thông (chuyện đó nói sau).
Tóm lại, cho đến đời ông tôi, theo quan điểm Mác Xít thì
thuộc loại dân Phong Kiến An Nam, đến đời bố tôi thì đã thêm cái đuôi Nửa Thuộc
Địa. Những năm đó mấy ông tây râu xồm chưa du ngoạn xứ này, nên cái họ Đinh Gia
cũng như toàn dân An Nam chưa lột xác thành dân Dân Chủ Cách Mạng.
Nói thế chứ, chỉ họ Đinh Gia Lạt Sơn là kém cỏi, chứ bên họ
Hoàng, là họ bà nội tôi có chú Ba Trác, ông làm gì không biết, chỉ biết Tây
khoác cho ông cái tên "Hội Kín" rồi đầy ra Côn Đảo, khi được tha về
ông có nghề thủ công, chế tác vật dụng từ đồi mồi. Một ông anh họ nữa là Hoàng
Phạm Trân (tức Nhượng Tống) không yên phận văn chương, y lý mà nhẩy ra cùng
Nguyễn Thái Học làm Quốc Dân Đảng. Dù đã thoát lưỡi dao máy chém của Tây nhưng
cũng không thoát nổi viên đạn của Ta… (Ông bị ám sát năm 1948 tại Phố Huế Hà
Nội). Hỡi ôi cùng là cách mạng, sao ông không làm Việt Minh mà lại làm Quốc Dân
Đảng? Mất mạng mà cũng mất luôn cả sự nghiệp văn chương!
Lạt Sơn, quê nội
Lạt Sơn là một làng đại đồng chiêm, trước làng, sau làng,
bốn bề chung quanh mênh mang nước, nhưng nó vẫn chưa phải là đảo vì còn có
đường đi vào, Theo đường ruộng, đi tắt từ Thị Xã Phủ Lý qua trại Phú Cường về
đến làng, đường này khó đi nhưng được cái gần. Đường chính từ Quyển Sơn qua Bút
Sơn về đầu làng. Cái ta gặp đầu tiên là Đình Làng, sau Đình là Chùa, tiến sâu
vào giữa làng gặp nhà thờ Thiên Chúa Giáo, cuối làng, đầu cửa rừng là Đền. Một
làng mà có đủ Đình, Đền, Chùa và Nhà Thờ, dân thoải mái chọn Thần, Phật, Thánh
Chúa để thờ, ít thôn làng ở nước ta mà tôn giáo phong phú đến thế. Dân Lương
muốn ra Đình, Chùa phải qua xóm Đạo, làng trải dài theo một trục đường chính
trải đá củ đậu, lổn nhổn rất khó đi. Từ xưa, nhà và tường cũng như đường làng
ngõ xóm đều xây bằng đá, thứ vật liệu khai thác ngay tại sau làng, dãy núi Đồng
Mạ. Dãy núi tách khỏi làng bằng một khoảng ruộng chiêm và mùa khô thì có một
con ngòi để dân làng có thể dùng thuyền nan để vào rừng, vào núi. Chỉ 30 phút
chống thuyền là có thể đổ bộ, tiến sâu vào rừng.
Bố tôi ít sống ở quê nội, ông sống và học hành bên quê mẹ,
Phú Khê, trưởng thành thì đi dạy học và đi làm báo ở Hà Nội, thời gian làm công
chức ông lang thang hết Hà Giang đến Ninh Bình. Ông lấy vợ đẻ con ở Ninh Binh,
nơi ông đã sống hơn chục năm và thuyên chuyển khắp các Phủ, Huyện trong tỉnh.
Quê nội là nơi ông ít đi về, tuy thế vẫn gắn bó với quê cha đất tổ bằng một căn
nhà nhỏ ở Thị Xã Phủ Lý, ông xây lên nhưng không ở (chưa có dịp) và mấy mảnh
ruộng ở quê, do bà cô tôi (chị ruột của ông) tậu hộ và trông nom cấy hái, lúa
má thu hoạch chuyển ra tiền và từng vụ nộp cho ông em tiêu pha thêm. Sợi dây
liên lạc với quê hương do bà chi ruột của bố tôi cáng đáng. Không biết cô tôi
sau này có bị quy là địa chỉ hay không? Nếu có quy là địa chủ thì cũng chỉ là
loại tép riu. Quê tôi, địa chủ chính hiệu phải là vài chục mẫu cho đến vài trăm
mẫu, tá điền tản mát khắp vùng.
Bố mẹ tôi đã ít về quê nội, thì đến đời tôi lại càng hiếm
dịp về. Đầu năm 1947 do nổ ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,
tôi mới có dịp tản cư về quê, khi đó gia đình tôi không có lấy mảnh đất cắm
dùi, mọi việc trông vào cô Hào, chúng tôi đều là dân ăn bám.
Sáu tháng ở quê, không làm cho tôi biết được nhiều về mảnh
đất ấy, sự hiểu biết về Lạt Sơn trong tôi cũng tản mạn vụn vặt, thiếu chính xác
là cái chắc. Thôi thì nhớ gì kể nấy, nhớ nhiều kể nhiều, biết ít kể ít, có mang
tiếng là hàm hồ thì cũng chẳng sao.
Những con người làng Lạt Sơn
Làng Lạt Sơn có tất cả bao nhiêu họ? tôi chưa nắm được.
Những họ tôi biết là họ Đinh, họ Dương và họ Lý, mỗi họ lại chia ra nhiều chi
với tên đệm khác nhau (Đinh Gia, Đinh Khắc, Dương Đình, Dương Thái v.v…).
Bà cô tôi họ Đinh, lấy chồng là Hào Mục Dương Như Lăng, nên
thường gọi thân mật là Cô Hào. Cô có một con trai là Dương Thái Ban và hai con
gái là Thị Nhất và Thị Tắc. Ba người này với tôi là con cô con cậu. Anh Ban xem
mạch, bốc thuốc, xem tướng số, am tường địa lý và thường đặt mồ, đặt mả cho
trong họ ngoài làng, người thiên hạ nếu cần đến ông thì cứ mời. Bốc thuốc thì
thường cho đơn với các vị công phạt, vị thường dùng là Phụ tử, nên Anh còn có
tên là Ban Phụ tử. Cũng nhờ anh đã chiết xuất Thạch Tín (arsénic) cho tôi uống
mà tôi dứt được sốt rét cho đến bây giờ. Lang thang khắp nơi, trong tay nải lúc
nào cũng có cái địa bàn, có lần gặp tại chợ Quế, tôi đã dọa anh, cứ thế này có
ngày người ta nghi anh là Việt gian chuyên do thám và chỉ điểm cho máy bay địch
thì hết thuốc chữa, các ông bà du kích không ưa lý lẽ dài dòng. Không biết có
phải vì sợ hay không mà anh đã một mạch bỏ kháng chiến về thành, nơi trước đó
anh đã từng là chủ một nhà in, nhà in Quang Hoa 64,66,68 Sinh Từ và sau này là
13 Rue LeBlanc (gậm cầu Hà Nội) Nhà in cũng đã từng in truyền đơn của Việt Minh
thời Nhật, và cách mạng thành công thì đã in Nhật báo Thông Tin và Cứu Quốc. Cơ
xưởng gồm có một máy in bàn 32 trang và 2 máy Minerve 4 trang. Sau này khi bỏ
miền Bắc vào Nam, ông anh tôi lúc đầu ở Khu Bàn Cờ rồi về trú trong một ngách
bên Đại Học Vạn Hạnh, vào đó mà hỏi Ban Thày Bói (Sau này anh lại bị mù) thì ai
cũng biết. Dân Sài Gòn, nhiều người biết Dương Thái Ban đã từng xem tướng và để
mồ để mả không chỉ cho người thường mà đến các Tổng Trưởng, thậm chí Tổng Thống
nữa cũng đã nhờ đến tay Thày Bói Ban. Sau 75, Ban ù té sang tận bên kia đại
dương, nương nhờ đất Mỹ. Cũng phải thôi, vì những người như Ban với Cộng Sản
thì hẳn là như nước với lửa. Ban là bạn của Nguyễn Đăng Thục, Phan Văn Hùm, Tạ
Thu Thâu…đã có thời họ chủ trương thuyết Duy Nhất, chứ không Duy Tâm mà cũng
chẳng Duy Vật. Nghĩ đến lần Nhật khám nhà in ở nơi sơ tán, làng Mộ Lao bên sông
Nhuệ (do có người báo đã in truyền đơn cho Việt Minh), mà vẫn còn hồi hộp. Lần
đó Ban đã tuồn sang trần nhà tôi cuốn La Révolution Permanente của Léon
Strosky. Nhật mà phát hiện ra thì cả lũ sẽ là Đệ tứ Quốc Tế, mà chúng tôi thì
vẫn đinh ninh rằng cái thứ kiếm Nhật rất là bén.
Vợ Dương Thái Ban là Chị Mão, thuở trước chị đã từng dạy
học, sau ngày vào Nam chị làm ở Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa, ngày qua tháng
tới chỉ có một việc ngồi đọc sách báo, những ấn phẩm của Miền Bắc… Để làm gì?
Chắc không phải để ủng hộ Miền Bắc rồi. Khi vào tiếp quản tôi đã ghé thăm chị,
ngoài trao đổi tình cảm (quan hệ họ hàng) cũng là tuyên truyền chính sách (nhiệm
vụ tiếp quản). Chị đã ngỏ ý tặng cho tôi một căn phố hơn 100 mét vuông với 4
tầng lầu, nơi cửa hàng thuốc của con gái anh chị ở đường Thoại Ngọc Hầu, tôi đã
từ chối không thương tiếc, vì sống với CM ngần ấy năm trời, thì phải biết "chớ
có đùa với lửa!".
Làng tôi có ông Dương Đình Châu , đại biểu Quốc Hội đầu tiên
của tỉnh Hà Nam (năm 1946) thì cũng có ông Bảo họ Dương đô phó cảnh sát đô
thành Sài gòn (sau 1954). Ông Dương Đình Quy cùng làm thợ nhà in với tôi, hồi
đầu kháng chiến nhắn tôi cùng ông đi "Cứu Quốc" (báo Cứu Quốc) nhưng
tôi không đi. Vào năm 1974 tôi có đến tìm ông ở Chợ Tó, Đông Anh. Đang nằm trên
giường bệnh, ông nắm tay tôi nghẹn ngào, trào nước mắt, thều thào nói rằng:
"Không nhớ ai, nhưng đây đúng là anh em nhà mình đây!" gần 30 năm trời
xa cách còn gì? Lần sau tôi được gặp lại ông Quy cũng như ông Ban và những ông
họ Dương khác trên tường nhà thờ họ Dương ở Quê.
Ngoài ra còn 2 ông Dương Đình nữa là ông Bá Khiết và ông
Thừa Tuệ. Ông Bá Khiết thì từ sau khi rời làng vào giữa năm 1947 tôi đã không
gặp lại ông và 2 người con là Uân và Uẩn. Còn ông Thừa Tuệ thì năm 1975 tôi đã
gặp lại ông ở khu Bàn Cờ. Tình xưa nghĩa cũ hình như cũng chỉ là chiếu lệ.
Đứng đầu họ Lý trong làng là cụ Chánh Bá còn gọi là cụ Chánh
Chương, vì cụ là người giàu sang nhất mực, nên người ta chỉ dám gọi chức tước
của cụ. Ruộng nương của cụ thuộc hàng trăm mẫu, người ăn người làm cũng đến vài
chục người, không kể tá điền ở các làng lân cận. Mỗi năm vào mùa đông là mùa
nước cạn, cá trên cánh đồng rút xuống các ao của cụ, người làm chỉ việc vác vó
ra cất cá. Chung quanh ao cụ thả đá hộc, nơi cá trê ưa ẩn náu. Mỗi lần tát ao
chỉ việc lật những tảng đá là tóm cổ những con cá trê béo vàng, ném vào thùng,
vào chậu kéo theo người, nhưng cũng phải cẩn thận kẻo ngạnh trê đánh vào tay thì
tha hồ mà nhức.
Cá được phân loại, muối vào các vại các chum, cá bỏ ruột, để
nguyên con, ướp riêng hay ướp với dưa gang nguyên quả. Con cá cũng như quả dưa
thơm phức, ngậy mùi mắm, xé ra thịt cá cũng như thịt dưa, đỏ au, mặn ơi là mặn
nhưng cũng thật ngọt thật bùi. Cụ Chánh cho ăn không hạn chế, nhưng người ăn
thì phải biết liệu đũa, kẻo hối bất cập.
Nhà tôi khi tản cư về, thi thoảng cũng được cụ cho con cá,
quả dưa, mặn xót lưỡi xót mồm nhưng vẫn thích vì nó thơm mùi lạp xường, nhất là
khi cho vào chảo mỡ rán cháy cạnh. Cá muối là món chủ lực không chỉ riêng cho đám
thợ cầy thợ cấy mà cả nhà cụ cũng ăn thứ ấy. Đố ai dám mè nheo ca cẩm.
Ông cả là Lý Quốc Sủng, tuồng ông diễn từ bao giờ không
biết, nhưng về làng, năm ấy tôi mới được nghe là ông đội mũ phớt, ông mang kính
râm, ông diện pyjama, tay lấp lánh đồng hồ mà ra cầy ruộng. Tất nhiên ông cầy
giỏi vì con cháu cụ bá cũng là nông dân thứ thiệt, cụ nuôi dậy con cháu theo
kiểu riêng của cụ. Quan điểm của cụ là nghề nông có giỏi mới quản lý tốt được
người ăn kẻ làm. Ấy thế mà thiên hạ kéo nhau đi xem ông cả Sủng cầy như đi xem
Hoàng đế xuống đồng cầy ruộng tịch điền. Ông hơi toét mắt nhưng cực vui tính vì
sẵn máu hài hước.
Ông thứ hai là Lý Quốc Sỉnh, được ăn học đến nơi đến chốn
tận Hà Nội. Nghỉ hè, nghỉ Tết ông mới về cái làng sơn cước ấy để đổi gió. Khi
còn đi học cũng đã đôi lần tôi gặp ông ở Hà Nội, ông với cậu cả con cụ chánh
Điền làng Thụy Lôi (Gốm, Kim Bảng) là những nhân vật hiếm hoi từ xứ đại đồng chiêm
về nơi phồn hoa để dùi mài kinh sử. Học hành, ăn chơi trông vào tô tức từ nhà
gửi ra. Sau tháng 12 năm 1946, nhiều năm tôi không gặp lại những nhân vật này,
chỉ nghe qua đài tin Lý Quốc Sỉnh lập liên danh ra tranh cử phó tổng thống Việt
Nam Cộng Hòa. Ông cũng có những lời thơ chính trị gửi về Hà Nội, mơ ngày trở
lại đất Thăng Long, máu lưỡi lê rửa đỏ nước Tây Hồ… Ghê quá đi mất. Giá như ông
cứ giữ cái điệu thơ tồng ngồng ngày xưa: "Lửa dục lòng anh bừng bừng cháy,
anh muốn xông vào xé váy em ra…" nghe còn dễ cảm tình hơn.
Sau này không nghe nhắc tới ông nữa, ông đi mô rồi ông, hỡi
đồng hương?
Bà Phán Vinh (hình như cũng là con gái cụ chánh), Vinh là
con trai cả, người làng gọi tên con thay tên bà. Năm đó tôi nghe hơi nồi chõ
thấy nói "người nhớn" định thu xếp cho tôi và cô Hiển, con gái bà nên
đôi phải lứa. Tiếc thay tôi còn non tơ quá, chưa tới kỳ động dục nên nhân duyên
không thành. Chợt nhớ lại thì kể chơi cho vui chứ cũng không hàm ý gì. Chuyện
này có đến tai cụ bà Hiển thì cũng xin lượng thứ.
Những nhân vật trên, nếu không nhanh chân mà cao chạy xa bay
thì qua cuộc cải cách ruộng đất chắc cũng nhập chung vào nồi thắng cố của các
ông bà bần cố nông rồi. Cái danh "địa chủ kháng chiến" trong mặt trận
Liên Việt không thể làm tấm áo phủ ấm cho cõi lòng run sợ, không thể là lá bùa
trấn an họ trước bão táp cách mạng. Tình hình này, không độc tấu mà là hòa tấu
đàn tam thập lục. Họ kéo nhau đi vãn cả làng.
Những ngày ở quê
Tháng giêng năm 1947, trên con đò từ sông Nhuệ vào sông Đáy,
đổ bộ lên bến Châu Xá, gia đình tôi đi tắt theo bờ ruộng về làng. Một buổi
chiều mưa phùn gió bấc, chúng tôi bước thấp bước cao trên những cục đá củ đậu
lổn nhổn suốt dọc đường làng. Người trong làng cũng đã quen thấy những dòng
người xa lạ kéo nhau tản cư qua làng ra phía Sở Kiện, nhưng đây là một toán
người do người nhà cô Hào tôi đưa đón, nên họ quan tâm hỏi han hơn vì chắc là
người làng.
Nhà cô tôi ở trong cùng ngõ, sát với bến nước phía sau làng.
Phải leo ba bốn bậc đá mới lên đến sân, mà nhà lại trên một cái thềm cao đến
năm sáu tấc. Quê tôi, nhà nào cũng ở trên một cái nền cao như thế để phòng khi
nước lên to.
Cô tôi sống ở quê với vợ chồng chị Nhất, anh Hàm, nên mọi
người phải thu gọn lại để nhường chỗ cho gia đình tôi, lớn bé, già trẻ, thêm
đến năm người. Hai ông bà, hai cô gái nhỏ và tôi. Trâm thì mới lên ba và Chi
thì mới được vài tháng tuổi. Cuộc sống đến đâu biết đến đó, không thể tính đến
ngày mai.
Tất cả đều mới mẻ, từ việc dùng sào đẩy chiếc thuyền nan nhỏ
bé bồng bềnh, đến việc vào rừng lấy củi, buộc thế nào cho bó củi khi xóc lên
vai khỏi tụt và phải quen với việc chiếc đòn gánh xiết lên vai. Trong việc gánh
gồng, khó nhất có nhẽ là việc chuyển vai cho gọn lúc đi đường. Ngày một ngày
hai, cuộc sống mới cũng đi dần vào nếp, chuyện vào rừng, vào Gọng Xiếc lấy củi
để có dịp ăn xim, ăn ổi, thậm chí ăn mít rừng là những chuyện lý thú khó quên.
Gánh củi cũng chỉ phải đi chừng cây số trong rừng, tới bến thả xuống thuyền
thúng đẩy về nhà theo con ngòi cũng độ chừng hơn cây số, với cảnh mây nước mênh
mang cũng dễ quên thân phận tản cư. Có một chuyện buồn cười là tuy tôi dùng sào
đẩy thuyền đã thạo, nhưng có lần sào bị bùn mút chặt, nên khi dún mình đẩy mạnh
thì chỉ có thuyền đi, còn người với sào ở lại, đành phải tắm bất đắc dĩ, trước
trận cười của mọi người.
Lóp ngóp leo lên thuyền, tôi đẩy con thuyền về làng, trước
và sau tôi là đàn trâu đủng đỉnh bơi như trôi trên nước. Lũ trâu bơi êm đến mức
người đứng trên lưng trâu như đứng trên thuyền, quần áo khô nguyên, không hề có
giọt nước nào. Đàn trâu lặng lẽ bơi trong bóng núi và bóng chiều bảng lảng.
Quê tôi, trâu nuôi được thả trong rừng, chúng ăn theo đàn,
ít khi bị lạc, cuối ngày được lùa về làng. Con nào cũng mang một chiếc mõ tre ở
cổ như trâu của các bản làng miền núi. Tiếng mõ trâu lộc cộc khua đều các ngõ
rồi tất cả im ắng khi trâu đã về đến sân nhà.
Gánh củi leo lên sân đã thấy Trâm ra đón, trên tay em là
chiếc rổ đồ chơi xinh xinh đan nan mầu đỏ, đựng đầy ớt chỉ thiên, em đã hái ở
vườn để làm quà cho anh, vì Trâm biết tôi rất thích ăn ớt. Trong nhà vẳng ra
tiếng khóc của Chi.
Anh Hàm có một cái trại nuôi dê lấy sữa ở Gọng Xiếc, anh lại
có nghề làm phó mát, nên sáng nào cả gia đình cũng đều được uống sữa dê, mà cái
sữa dê đun bếp rơm mà không bị trào mới tài. Thỉnh thoảng lại được ăn chuối với
phó mát tươi, kể cũng phong lưu đấy chứ, nhưng cái sự phong lưu ấy không thể
kéo dài vì nó sẽ đảo lộn cuộc sống vốn có nếp ở đây.
Vào vụ chiêm, trên cánh đồng nước sóng đánh rập rềnh, người
đi gặt kéo theo con thuyền thúng nhỏ, lặn xuống dùng liềm cắt được túm lúa lại
trồi lên thả lúa vào thuyền, cũng là lúc lấy hơi để lặn tiếp, cứ thế suốt ngày,
trừ lúc nghỉ ăn trưa. Da dẻ những người thợ gặt dăn deo, bợt bạt, thật đúng với
tình cảnh người dân đồng chiêm "Sống ngâm da, chết ngâm xương".
Cảnh đánh dậm kéo te cũng lạ mắt. Hầu hết cánh đàn ông đều
cởi truồng, tồng ngồng, lõng thõng, mùa đông chỉ còn một mẩu thâm xì, tím ngắt.
Cánh đàn bà đẩy te theo họ cũng sắn quần tận bẹn, áo cộc tay tận nách hay chỉ
vận có cái yếm, mà họ cũng không hề ngượng ngùng e thẹn, có thể từng cặp họ là
vợ chồng, nhưng còn cặp này với cặp nọ, đâu có thể diễn khơi khơi như những màn
biều diễn áo tắm thời nay,
Đến khi tham gia dạy các lớp bình dân học vụ vào buổi tối,
tôi mới biết sự sinh hoạt tự nhiên ấy nó đưa đến cái kết cục thú vị của nó.
Cánh cửa được dỡ ra làm bàn học, hai cánh cửa kê liền nhau trên bục cửa là một
bàn học, học viên ngồi xệp, dãi thẻ hai bên bàn, ruỗi chân sang phía đối diện,
thế là có dịp tay thì viết chữ trên bàn, còn ngón chân cái cũng viết những chữ
i ngắn tờ dài hay o tròn hoặc cái móc câu vào đũng quần nhau ở dưới gậm bàn.
Những khuôn mặt đỏ bừng không phải chỉ do sự hứng thú của việc học hành đem
lại.
Tháng sáu, nước rút, người ta đã cầy vỡ cho vụ sau. Mùa hè,
nắng bỏng rát, cua không thể ngâm mình dưới nước nóng nên trồi lên nằm phơi
trên những vãng cầy, chỉ việc kéo theo một cái thùng và đi dọc những rãnh cày,
nhặt cua ném vào thùng, chẳng mấy chốc đã lưng lửng, chiều đó hẳn có nồi canh
cua, mồng tơi, rau đay với cà pháo muối xổi ngon nhớ đời, mát ruột mát gan, bõ
lúc phơi nắng ngoài đồng.
Quê tôi còn một thứ đặc sản nữa, vào mùa mưa đầu tiên trong
năm, người ta vào rừng, nhặt những mảng rêu đá ngấm nước mưa, nở ra như những
tai mục nhĩ trong xanh vắt, nhai ròn sần sật, người ta gọi đó là đi bắt Nhún.
Lấy được nhiều Nhún ăn một lúc không hết, đem phơi khô, mỗi lần ăn bỏ ra một
nhúm ngâm vào nước mưa cho nở ra, ăn với canh cua như rau ghém. Sau này đi khắp
bốn phương, tôi không thấy nơi nào có thứ đó, nên đã tự ý phong Nhún là đặc sản
quê nhà.
Xa rời ánh đèn thành phố, về quê, lần đầu tiên tôi tiếp xúc
với phương tiện chiếu sáng mới. Không phải đèn dầu hỏa, vì dụng cụ này là thứ
cận văn minh mà người ta còn gọi là "đèn Hoa kỳ" (đèn Mỹ) đằng này là
thứ giấy bản tẩm nhựa trám, cuộn lại như cây nến dài, đốt lên, không chỉ ánh
sáng tỏa khắp nhà, mà cùng với ánh sáng là làn khói vừa thơm hắc vừa khét, với
tiếng nổ lép bép.
Cũng ở quê, tôi đã lần đầu tiên say rượu. Ông Bá Khiết là
anh em cùng họ Dương với anh Dương Thái Ban, nên tôi cũng gọi bằng anh, tuy
tuổi ông cũng xấp xỉ tuổi bố tôi. Sau Tết, nhân đánh cá ở ao, có con Mè béo,
anh Bá cho làm gỏi và mời nhà tôi cùng thưởng thức, ông cụ bà cụ không dám động
đũa, nên tôi đại diện. Lần đầu tiên ăn cá sống cũng hơi ghê ghê, nhưng nhờ có
chén rượu đưa cay, nên chẳng mấy chốc đã quen miệng. Quốc lủi nhà nấu toàn nếp
nên càng uống càng ngọt lừ, ngọt lịm. Uống bằng chén quả hồng chứ không phải chén
hạt mít mà tôi cứ tu ừng ực. Anh Bá thì lặng lẽ vê râu, rung đùi tủm tỉm cười,
nhìn chú ngựa non háu đá.
Đá lia đá lịa một chặp, ngựa tôi lăn đùng giữa chiếu, khiến
người nhà phải khiêng vào buồng kẻo gió. Bàn chân, bàn tay bôi vôi trắng lốp,
thế mà cũng phải đến ngày hôm sau mới tỉnh và thấy là miệng đắng nghét.
Say thế tưởng ghê rượu suốt đời, chẳng ngờ, không chừa thì
chớ mà hơn sáu chục năm sau vẫn đánh tì tì cái thứ nước cất ấy.
Sống ở quê được nửa năm, tôi đi thoát ly, đôi lần ghé về
thăm nhà. Gia đình tôi cũng chỉ tá túc ở quê sang đầu năm 48 lại xuống đò xuôi
về Ninh Bình. Chiến sự ngày một lan rộng. Thân phận dân tản cư như những mảng
củi rều trôi theo dòng chẩy, đến lúc không còn sức chạy quanh chạy quẩn với ốm
đau bệnh tật nên đến 1950, bố mẹ và các em tôi kéo về Sở Kiện dánh đường "rinh
tê" về Thành. Từ đó gia đình tôi với tôi ở hai bờ của vùng tự do và vùng
địch chiếm. Tôi không có dịp về quê cho đến năm 2006 mới quay về với cảnh xưa,
người lạ, mồ mả tổ tiên ông bà cũng không biết ở đâu và không ai chỉ lại.
Lần về mái nhà xưa của cô tôi, nơi gia đình tôi đã tá túc
thì nơi ấy đã thành nhà thờ họ Dương, người trông nhà thờ là một bà lão, qua
trò chuyện bà vẫn nhớ ngày xưa ông bà Thuyết có về đây và có một anh là anh
Thoại… Thoại là "tên củ" của tôi, nghe đến đó một nguồn nóng chạy
suốt sống lưng.
Chiểu theo gia phả thì ở quê cũng còn một nhóm thân tộc,
nhưng như đã nói ở trên, họ hàng cũng như một thứ hàng nhái!?.
Mất sợi dây liên hệ với quê hương, đâu phải vì cha tôi mất
sớm (1953) không có dịp bàn giao lại, mà chính là vì tôi đã không có lòng với
quê cha đất tổ, suốt đời mải mê với những ý tưởng xã hội mung lung mà không
thấy đến cội rễ của con người phải là quê hương, dòng tộc.
Ôi Lạt Sơn - Kim Bảng - Hà Nam!
Nơi mà tôi có thể gọi là quê chỉ còn trong tôi với những
ngôn từ lạ tai: Cái rế là cái xiếng, cái vung là cái phẫn … và phải chăng
"Quê hương chỉ là một túm bồ hòn chĩu chịt!" ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét