Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

MỘT CUỘC HẦU ĐỒNG, SÁU GIÁ

Sau này có người nói với chúng tôi rằng: Cái việc các cậu kéo nhau đi làm phim, xem ra có tính "đồng bóng". Đúng thế thật, thành phần đoàn làm phim "CHÍN NĂM LÀM MỘT ĐIỆN BIÊN" toàn dân hưu trí, kinh phí gom nhau từng đồng, mua máy, mua băng, thuê ô tô, tiền ăn, tiền ở v.v… từng tí một là đi vay, đi xin, đi quyên góp. Tất cả chỉ vì cái huy hiệu đeo trên ngực "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Năm đó, năm 1994, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nói đến chiến thắng này người ta còn lắm e dè, còn lắm nghi ngại (đó là phía ta thôi, chứ phía Tây, phía Tàu người ta nói ầm ầm). May sao trong dịp lễ kỷ niệm tại Hà Nội, có ông Thủ Tướng Võ Văn Kiệt dám đứng lên giữa hội trường dõng dạc ca ngợi tướng Giáp, "Người đã làm nên lịch sử"… Nhưng cũng cùng thời gian đó, có một ông Giáo viên nghỉ hưu ở Thuận Châu, Sơn La thắc mắc sau khi xem chương trình tường thuật của vô tuyến truyền hình: "Dân chúng tôi đã theo rõi buổi lễ ở Điện Biên Phủ, tại sao trên khán đài không có tướng Giáp? Trong buổi lễ lịch sử thì nên có mặt người đã làm nên lịch sử ấy!", trong khi đó thì vợ chồng tướng Giáp vi hành đi thăm dân chúng ở Mường Phăng, trên khán đài năm ấy chỉ có Nguyễn Khánh và Đoàn Khuê, hai anh không có tí gì dính dáng đến Điện Biên Phủ. Đến năm ấy thì hai nhân vật lịch sử của Điện Biên Phủ đã khuất núi, đó là 2 ông đại tướng, Lê Trọng Tấn và Hoàng Văn Thái. Lo rằng nhân chứng lịch sử sẽ theo nhau "đi" hết, nên cộng với chút tự ái trong lòng, chúng tôi đã bốc đồng mà làm cái việc quá sức mình ấy. Nhưng chúng tôi đã đúng, vì đến khi phim ra được (1999) thì đã có 13 cái tên nhân chứng được đóng khung đen, người cuối cùng ra đi là Thượng Tướng Trần Văn Trà. Đến nay thì số nhân chứng từ giã chúng ta đã lên đến con số gần ba chục. Rõ là không nhanh tay thì "trắng tay". Phim đã ra, nhưng không mang tên "CHÍN NĂM LÀM MỘT ĐIỆN BIÊN" 5 tập (Mượn tên bài thơ của Tố Hữu), mà là "KÝ ỨC ĐIỆN BIÊN PHỦ" 10 tập, do phải "bán lúa non" cho Đài Truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh. Đó là câu chuyện của 6 anh chiến sĩ Điện Biên già, 6 "giá đồng", gồm 1 Đại tá, 1 Thiếu tướng, 1 Chính trị viên tiểu đoàn, 1 Phó tổng giám đốc, 1 Cục phó và một Biên tập, kiêm Đạo diễn, kiêm Quay phim đã vẽ ra một sự nghiệp dở dang, tuy thừa bốc đồng, nhưng cũng không thiếu trung thực và dũng cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét