Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

BỦ BÀI

Người tôi tiếp xúc đầu tiên khi vào Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ, ngoài anh Chính Trị Viên mắt lé ra là Bủ Bài. Bủ Bài người quê Phú Thọ, đất ông Bủ bà Bầm. Bủ là cấp dưỡng trưởng của bếp Tiểu Đoàn Bộ.
Ngầy đầu nhập ngũ, tôi được phân công giúp anh nuôi. Chắc đây là sáng kiến thử thách của những đầu óc công nông, muốn bóc mẽ một anh Tiểu Tư Sản với cái bề ngoài ngứa mắt, bộ Đại Y chúc bâu mầu nâu non, chân đi đôi giầy Bát Kết, trên đầu, chiếc mũ phớt xanh da chai, đặc biệt cặp kính trắng trên mắt.
Bủ Bài phân vân mãi mới phân cho tôi một gánh nồi niêu xoong chảo, tuy hơi cồng kềnh nhưng cũng không nặng lắm, tôi làm một mạch hơn 20 cây số ngon ơ. Đến mỗi chỗ nghỉ lại vi vu tiếng sáo, hết Thiên Thai lại Đàn Chim Viêt...Nhờ bản lĩnh gánh củi mấy tháng đầu tản cư ở quê, gánh nặng, trở vai nhoay nhoáy, đã có 2 cái u 2 bên vai, đặc biệt cái u ở gáy nó giúp cho việc đổi vai trở nên chuyên nghiệp. Bữa cơm chiều ở địa điểm trú quân mới, Bủ Bài ưu tiên cho tôi miếng cơm cháy, có rưới tí mỡ. Béo ngậy.
Được mấy ngày giúp anh nuôi, đã quen với nấu cơm bằng chảo thì được gọi lên Văn Thư, giao cho đánh máy một cái công văn. Với một anh từng là kế toán trưởng, cán sự 5 Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến thì cái này mùi mẽ gì? Mắt nhìn văn bản, mười ngón tay gõ phím không cần nhìn, miệng lại khe khẽ hát một giai điệu gì đó... quá bằng làm xiếc. Sau đó được phân về Tổ Tác Chiến, theo rõi Huấn Luyện và đặc biệt gắn với chiếc máy chữ hiệu Japy gửi mua tận nội thành. Không biết tôi đã dành được cảm tình của những ai? Nhưng đặc biệt Bủ Bài rất khoái, coi tôi như em.
Tháng chạp năm năm mươi, đơn vị hành quân lên Việt Bắc đổi vũ khí, thống nhất trang bị toàn quân một loại súng trường Trung Chính (kiểu Mauser) cỡ đạn 7ly9, lính gọi là súng thất cửu. Tôi ở lại Thanh Hóa lo giúp đám cưới cho một trinh sát viên quê ở Rịa, Nho Quan. Xong việc đuổi theo đơn vị, mỗi ngày cuốc bộ trung bình 50 cây số. Ngày đầu Nho Quan - Vụ Bản, ngày thứ hai Vụ Bản – Cao Phong, ngày thứ ba Cao Phong vượt Dốc Cun sang Thị Xã Hòa Bình, ngày thứ tư Hòa Bình – Hưng Hóa, tiếp theo chặng Hưng Hóa – Phú Thọ, rồi Phú Thọ - Vũ Ẻn, vượt Sông Thao sang Tình Kiêng vào Suối Rắn. Gặp lại đơn vị, một trong những người đầu tiên tôi phải gặp là Bủ Bài để báo cơm. Bủ đang nấu cơm, cái đầu húi cua ướt đẫm mồ hôi, Bủ kéo cái khăn quàng ở vai lên lau mồ hôi, ôm chầm lấy tôi rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Mấy trăm cây số... tao tưởng mày chuồn rồi!” Chuồn là chuồn thế nào? Bủ biết tôi rồi mà!
Sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, trên đường hành quân về lại Khu Tư, qua Đồn Vàng, Tổ trưởng Tác Chiến Phạm Chấp (nguyên là Trung Đội Trưởng công binh) có sáng kiến thay kíp một quả bom bằng kíp đốt dây cháy chậm. Anh kê quả bom bấp bênh ở đầu mũi một con đò gỗ và ngồi đè lên để giữ quả bom. Con đò được dòng dây vào bờ, hàng chục người chờ lệnh, khi Phạm Chấp thả quả bom xuống nước thì ra sức kéo con đò vào bờ. Một cột nước dựng lên cả chục mét, có những con cá tung lên theo. Bếp đơn vị được bữa cải thiện. Chập tối, tôi xuống bếp lấy nước cơm cháy vào ống bương thì Bủ Bài khòeo lại, tao cho cái này, một gói lá chuối còn nóng hổi, Bủ dặn với, trong ấy còn gói muối ớt, khéo rơi. Về chỗ nằm mở ra thì là một ổ trứng cá rán, bằng cái đầu gối. Phải gọi thằng nằm bên hỗ trợ mới hết nổi. bây giờ mới tiếc không có rượu.
Tháng 5 năm 1951, sau Chiến dịch Quang Trung, tôi bị sốt rét phải cáng về trạm xá Trung Đoàn. Đến Trạm xá chiều hôm trước, qua bữa cháo với cá khô, sáng hôm sau, tôi khoác ba lô chuồn. Đi độ một cột dây thép lại phải ngồi nghỉ. Cuối cùng cũng về tới đơn vị. Gặp bữa có thịt bò, Bủ Bài lấy một miếng gan xào thơm phức cho tôi, đánh hết miếng gan xào, tôi thấy chân đỡ run, tay đã xách được gầu nước. Bủ Bài thấy thế cười nói:
- Không phải đi đâu hết, cứ ở nhà, tao nuôi cho là khỏe liền!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét