Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

MỘT CHIỀU ĐÔNG

Chuyện đã cách đây sáu mươi tám năm. Vâng! đó là mùa đông năm 1948. Giữa năm 1947 tôi rời gia đình đi kháng chiến, thì ngay sau đó bố mẹ tôi cũng rời quê nội, tản cư xuống miệt Ninh Bình, mảnh đất quen thuộc cũ. Cuối thập niên thứ hai của Thế kỷ hai mươi, bố tôi đã từng sống tại Phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Tôi ra đời ở đấy và đến năm 3 tuổi mới rời Yên Khánh mà về Thị Xã Ninh Bình.
Lần về thăm nhà này tôi đi bằng xe đạp, Từ Chợ Quế Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, tôi theo đường 1, rẽ vào đường 10 từ cuối Thị Xã Ninh Bình, qua Bích Đào, Yên Vệ, Chùa Cao về Phủ Yên Khánh rồi từ đó rẽ sang Yên Mô về Chợ Bút.
Gần đến Yên Khánh, chiều đã tà tà, trước mặt tôi là một ông già đang chậm rãi chống gậy. Đường vắng vẻ không có đến bóng người thứ ba. Ngay khi bắt đầu nhìn thấy ông già, tôi đã có linh tính rằng đây là một người quen. Khi đạp qua ông, tôi dừng xe và nhìn lại, máu dâng mạnh ở thái dương, tôi chào ông già và xin lỗi hỏi ông: - “Xin lỗi, cụ có phải là cụ Giáo Lợi?” Ông già ngước cặp mắt kèm nhèm nhìn tôi, thừa nhận: - “Vâng tôi đúng là giáo Lợi, tại sao ông biết tôi?” Tôi phải xưng tên mình và cả tên bố tôi vốn là bạn ông giáo Lợi. Ông giáo Lợi nắm tay tôi, - Lạy chúa! Mười lăm năm rồi đấy, tại sao ông à anh còn nhận ra tôi? - Tự nhiên thôi bác ạ! Như một ánh chớp lóe lên chiếu sáng mọi việc từ mười lăm năm trước, năm tôi lên 3 tuổi và ở trước cửa nhà ông ở phố Phủ Yên Khánh. Gia đình ông giáo Lợi là một gia đình công giáo nên có bàn thờ Chúa cực lộng lẫy. Người lớn cũng thích chứ đừng nói lũ trẻ con chúng tôi. Tôi hay sang chơi và được cả nhà ông yêu quý.
Trong gió chiều lành lạnh, Cụ Giáo Lợi ngậm ngùi kể chuyện gia đình cho tôi nghe:
“Cả nhà Bác đã tản cư về bên Cầu Cổ (bên kia Sông Đáy) ngang với Thị Xã Ninh Bình. Đầu năm vừa rồi bị Tây từ Nam Định càn ra, anh Châu con trai cụ giáo bị Giặc bắn chết. Con gái cụ Giáo, chị của Châu bị bệnh bẩm sinh, không xương, toàn thân mềm nhũn nên gia đình không đem chạy theo được, đành cứ nằm ở giường và bị Tây hãm hiếp ngay trước tượng Chúa Cứu Thế. Tuy không chết nhưng bây giờ cứ điên điên dại dại...” Câu chuyện được kể dưới ánh chiều và cơn gió lạnh mùa đông càng thêm thê thảm.
Tối đó tôi ngủ lại nhà Cụ Giáo Lợi. Khẩu súng ngắn mang theo được lôi ra khỏi cạp quần và để dưới gối. Lý do phải mang theo vũ khí vì vùng đó là vùng chịu ảnh hưởng về mọi mặt với lực lượng vũ trang công giáo Phát Diệm do Cha Quỳnh chỉ huy và do Pháp đỡ đầu. Cả vùng Ninh Bình là vùng xôi đỗ, an toàn đó và mất an toàn cũng ngay đó. Việc mang vũ khí hoàn toàn không phải chỉ lo xa?
Đêm nằm trằn trọc, không hiểu tại sao mình lại có thể nhận ra ông Giáo Lợi, người mà tôi đã xa ông mười lăm năm về trước, năm tôi mới lên 3 tuổi. Không ai có thể tin vào trí nhớ của một đứa trẻ lên ba, và chính tôi cũng không thể tin tôi có một trí nhớ như vậy. Chỉ có thể nhờ vào một tiềm năng siêu nhiên nào đó đã bất thình lình tỏa một ánh chớp vào một điểm vô thức nằm sẵn đâu đó, để tôi có thể kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện đã tám mươi hai năm.
Duyên nợ đã run rủi tôi còn trở lại với con đường 10 hai lần nữa trong Kháng chiến Chống Pháp. Chiến Zịch Quang Trung năm 1951, trong một đêm chúng tôi tiêu diệt cả Bích Đào và Yên Vệ, riêng Chùa Cao thì không dứt điểm được. Năm 1954, từ Diện Biên Phủ về, chúng tôi tham dự vào trận truy kích lịch sử, đuổi Tây rút khỏi Ninh Bình, Nam Định, và Hà Nam.

Kể đến đây. tôi chợt nhớ đến tiểu thuyết Bông Hồng Vàng của Pau-Tốp-Sky mà tôi đã đọc lâu lắm rồi, hình như có một liên hệ nào đó?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét