Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

CUỘC GẶP GỠ GIỮA TÔI VÀ HỌ

Họ là những sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa, từ Úy đến Tướng. Họ là những nghị sĩ trong chính chính phủ, là đảng viên các đảng phái chính trị, mà trước 30 tháng 4 năm 1975 họ là Việt Nam Cộng Hòa, chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hay nói gọn hơn họ là miền nam chống lại miền bắc.
Còn Tôi là phóng viên của Đài Truyền Hình Việt Nam, làm phóng sự về cuộc sống của Họ trong các trại cải tạo của Cộng Hòa Xá Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trong tay tôi khi đó là những phương tiện mới nhất của kỹ thuật truyền hình Thế giới. Tôi xác định giữ cho ống kính được khách quan trung thực, nên không có bố cục xếp xắp cho từng cảnh quay. Ống kính cứ tha thẩn như một cặp mắt tham quan, hết góc này đến góc khác. Mọi dự kiến cứ nạp vào trong đầu, về sẽ dàn ra trên bàn dựng.
Nhìn qua, cuộc sống của Họ giống như trong một doanh trại lính. Chỗ nằm ngăn nắp, cũng chăn màn gấp vuông vức trên đầu giường, giầy dép thẳng hàng dưới chân. Có một chi tiết khác là một số vật dụng cá nhân và sách báo xếp ngăn nắp bên chăn màn.
Mỗi dẫy nhà là một phòng giam, nên mọi sinh hoạt khép kín. Nhà vệ sinh và kho tiếp liệu ngay cuối gian phòng. Nhà vệ sinh cả tiểu tiện lẫn đại tiện, còn kho tiếp liệu chứa những đồ tiếp tế của từng cá nhân, có sổ sách, phân công ghi chép và cấp phát theo yêu cầu. Rất ngăn nắp, rất trật tự, vẫn tự do tuy rằng trong tù túng, vì hầu hết Họ là những người có văn hóa từng quen với đời sống văn minh. Rõ nét nhất là sự tự giác vệ sinh chung. Đứng ngay cạnh cửa nhà vệ sinh cũng không hề thấy mùi phân, mùi nước giải.
Sau những giờ lao động chung ở ngoài đồng hay ở trong công xưởng, là giờ tự do. Từng tốp chơi bài ngay hiên nhà, người xem sách trên giường, người đọc báo dưới câu lạc bộ. Chỗ này tập hát những bài hát mới, tốp chơi bóng ở sân bóng chuyền. Y hệt sinh hoạt của một doanh trại, hay đơn thuần một khu Nội trú, nếu ai đó không để ý đến tấm bảng ngang cổng ra vào TRẠI CẢI TẠO NAM HÀ.
Tôi đưa máy tới hỏi một anh đang cầm quyển sách chuyên đề Nông Nghiệp; -“Anh thích ngành này à?” –“Vâng, trước đây tôi học ngành này, muốn sau này khi về sẽ tiếp tục nghiên cứu về nông nghiệp”. Một câu hỏi mà câu trả lời đã trọn vẹn và ý nghĩa.
Gặp anh Lý Tòng Bá (chuẩn tướng) Sư trưởng Sư 5 đang có mặt ở câu lạc bộ. Tôi trao đổi với nữ phóng viên Thanh Loan để chị đặt câu hỏi cho Lý Tòng Bá. Từ khuôn mặt Thanh Loan, tôi thu câu hỏi: - “Anh có hay tới đọc sách báo ở đây không?” Máy lia sang chân dung Lý Tòng Bá. Anh ta cười và trả lời: - “Dạ, thường ạ!” Tiếng ngoài hình: - “Anh hay xem loại nào?” Lý Tòng Bá chỉ vào tờ họa báo Liên Xô: -“Loại này.” Một ý hay có điều kiện mở cho lời bình, nhưng Thanh Loan chưa dừng lại, “nàng” hỏi tiếp: -“Tại sao?” – “Dạ, bởi nó nhiều ảnh và mầu cũng đẹp!” câu trả lời như một đòn phản cung. Tôi tắt máy và nghĩ bụng, tiên sư cái anh chàng này, nó láu cá ghê, đáng mặt tướng “ngụy”.
Sau này tôi cũng không cắt trường đoạn này, vì nó rất Lý Tòng Bá.

Thấy Lê Minh Đảo đang ngồi ở vỉa hè chơi guitare, tôi tiến lại; - “Chào anh Đảo!” – “Vâng chào anh!” – “Khi còn chỉ huy sư đoàn 18 ở Xuân Lộc anh vẫn có cây đàn này chứ?” – “Có hai thứ, một cây guitare và một cây Pianica. Pianica là một thứ kèn có lưỡi gà bằng đồng như harmonica, thổi bằng hơi nhưng lại bấm bằng phím giống piano, nên có nhẽ vì thế nó có cái tên kép, mang tên hai loại nhạc cụ như vậy. Trong đời làm nhạc trưởng của tôi, tôi chưa hề biết đến nhạc cụ này.Tôi đề nghị anh chơi một bản gì đó để tôi có thể thu hình một ông tướng chơi nhạc. Hiểu thiện ý của tôi, và nghĩ, đây có thể là một dịp thông tin cho người thân đang ở bên ngoai, Đảo chơi bài Dòng sông xanh (Danube Bleue của Johann Strauss). Có trớn, chơi hết bài, Đảo chơi luôn Bésamé mucho (Hãy hôn tôi đi), cặp môi của chuẩn tướng khi mím chặt khi trành ra theo tiết tấu và những phím đàn, trông hơi dữ dằn. Tôi nghĩ bụng, giá hiền đi một chút mà đảm nhận phần solo guitare trong dàn nhạc của tôi thì hay biết bao? (Bệnh nghề nghiệp).
Dứt tiếng đàn, những cử tọa quanh đó đều vỗ tay hưởng ứng. Tôi kéo máy zoom rrộng, một cảnh liên hoàn, đẹp ngoài ý muốn. Không hiểu tại sao cái ý của một lời bình trong óc tôi bỗng vọt ra. Tôi hỏi Đảo, không ác ý: - “Như thế là sau Xuân Lộc, anh đành bỏ lại Sư 18 và chỉ giữ lại cây đàn này?”
Đảo không trả lời, anh chỉ mỉm cười. Tôi cố giữ đặc tả nụ cười đầy ý nghĩa ấy.
Trong phóng sự này tôi đặc biệt thú vị Trường Đoạn dàn đồng ca của trại hát bài “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du. Các trại viên cất cao giọng dưới sự chỉ huy của nhác trưởng vốn là Đô trưởng cảnh sát Sài Gòn.
...“Ta đi giữa tình thương của Đảng!...”
Họ đồng thanh phát âm từ Đảng đúng dấu hỏi chứ không thành đàng thành đáng hay thành đãng, thành đạng. Tôi đã cho Huy Du xem lại đoạn băng này và nghĩ rằng không có sự động viên nào đối với nhạc sĩ hơn hình ảnh này.
Tôi và Họ ở một khía cạnh khác là người cùng thời, cùng trưởng thành, cùng hoạt động, chỉ khác ở bên này hay ở bên kia. Sau 30 tháng 4-1975, mới đầu tôi cũng có ý nghĩ, giải binh cho họ để họ trở về đời sống thường mà xây dựng miền Nam. Thật may Chính Quyền đã giữ họ lại, không để họ tự do tiếp xúc với những thành phần bên ngoài liên tục tuồn người, tuồn vũ khí về lôi kéo những phần tử trong nước nổi lên chống chế độ mới. Tiền thì bên ngoài lo, còn máu thì trong nước cứ đổ.
Chế độ mới này đã ngăn chặn được một cuộc đổ máu không cần thiết rất dễ xẩy ra, nếu để họ nhận súng nhận người từ bên ngoài thì tránh sao được sự đàn áp bóp nghẹt của bên kia khi nòng súng còn chưa nguội, và máy móc cơ giới đang sẵn sàng kihởi động trở lại. Ấy thế mà Chúng tôi...
Ở đây tôi muốn ở vị thế Chúng tôi để nói lên chủ trương chung của chế độ này. Chế độ đã sẵn sàng giải bài toán “cầm tù” đối với Họ. Đã sẵn sàng cho Họ hưởng chế độ Tự Quản. Tôi đã dự một cuộc họp do Tướng Lê Hữu Qua và bên Họ là tướng Nguyễn Hữu Có, cùng một số đại diện mà Họ đã cử ra. Mỗi ứng viên nói lên chức vụ trước đây, khả năng và nguyện vọng của mình khi tham gia chế độ tự quản. Người cầm đầu Họ sẽ là Tướng Nguyễn Hữu Có và địa điểm họ chọn làm “căn sứ địa” se là Thanh Hóa. Tiếc thay dự kiến đẹp đẽ này đã bị anh Chệt Đặng Tiểu Bình phá hỏng.
Phóng sự này, tôi đã mở một cánh cửa để mọi người có thể nhòm qua cánh cổng trại giam mà thấy một phần nào sinh hoạt của Họ. Cánh cửa còn hơi hẹp nhưng cũng đủ cho anh Lê Hữu Qua mang theo giới thiệu cho một cuộc họp chuyên đề tại Cu Ba. Người ta hoan nghênh vì mình đã cho người ta biết phần nào thứ người ta muốn biết.
Đây hẳn là sự đóng góp tích cực của Họ và Tôi.

Còn một điều nữa vì ngại lạc đề nên tôi không nhắc lại ở đây, tuy vẫn tiếc nuối, đó là rượu Mơ do “Ngụy” cất, ngon hơn Cognac. Ngon Tuyệt Cú Mèo!
Không biết ngoài Rượu Nếp Cái Hoa Vàng thì Henry Kissinger đã được đãi thứ Rượu Mơ của Trại Cải Tạo Nam Hà này chưa? Nếu chưa thì thật là đáng tiếc cho cuộc đời cố vấn của mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét