CHUYẾN ĐI ĐẶC BIỆT 40 NĂM TRƯỚC
Để chuẩn bị cho việc tiếp quản “đài Sài Gòn”, chúng tôi đã
có đoàn thứ nhất (đoàn nhẹ) do ông Huỳnh Văn Tiểng làm trưởng đoàn, ông Đặng
Trung Hiếu và một số cán bộ khung, một số phóng viên… Đoàn lên đường vào giữa
tháng 4 năm 1975. Đoàn chúng tôi (đoàn nặng) gồm thành phần kỹ thuật đủ kiện
toàn cho đoàn đi trước. 40 năm đã qua, làm sao nhớ hết được, cố vận dụng bộ não
cũng chỉ nhớ loáng thoáng những khuôn mặt trên chiếc xe PAZ. Hầu hết là anh chị
em “tập kết” kèm theo vợ chồng của họ. Dân Bắc gồm có 2 lái xe (Hải và một
người nữa, hình như Điền thì phải?) Hữu Liên (Cameraman) Ái Vân (nữ ca sĩ) xin
ở trường nhạc về bổ xung cho đội ngũ Phát thanh viên, Cương râu, bác sĩ Yến
biên tập viên và tôi, Nam Hà đạo diễn văn nghệ. Các anh Sáu Điểm, Sáu Khải, Tấn
Mầu, chuyên viên kỹ thuật, các chị Thêm, Loan, Năm kỹ thuật viên âm thanh, Các
chị Lan Hương và Kiều Oanh phát thanh viên, Ngô Phụng Ánh, biên tập viên v.v..
có cháu Quang con anh Đặng Trung Hiếu nữa. Không biết còn những ai mà cái đầu
già (84) của tôi nhớ không nổi.Xe do anh Lê Võ chỉ huy.
Đoàn viên được trang bị ballot, tăng võng, mũ tai bèo, mì
chính, ruốc thịt, đồ hộp Hạ Long, một số thuốc thông thường và một đèn piles.
Đoàn không được trang bị vũ khí, nhưng tôi thì có hai khẩu súng ngắn, 1 khẩu
Colt của phi công Mỹ bắn đạn 9mm cỡ dài, chiến lợi phẩm do một đơn vị tặng khi
tôi còn ở Văn công Quân đội, một khẩu K59 do Nguyễn Thành đưa cho với hơn chục
viên đạn.
Xe rời Hà Nội vào lúc 9 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975.
Địa điểm xuất phát là trước số nhà 45 Bà Triệu. Vỉa hè nơi đưa tiễn cũng lốm
đốm lệ rơi, những giọt nước mắt khi kẻ ở người đi.
Hành trình khá khẩn trương vì tình hình chiến sự biến đổi
từng phút, từng giờ. Lộ trình bám sát đường Một cho đến khi phải rẽ lên đường Trường
Sơn. Hai lái xe thay phiên nhau, giờ nghỉ chỉ là tối thiểu, thật cần thiết mới phải
nghỉ. Đêm đầu tiên nghỉ ở Hà Tĩnh, 4 giờ sáng xe đã nổ máy lên đường. Khoảng 11
giờ trưa, giữa phà Sông Gianh nghe tin đài báo Dương Văn Minh đã đầu hàng, thật
ý nghĩa khi đứng giữa con sông chia cắt một thời mà nghe tin đất nước liền một
dải, lúc đó chỉ ước ao có đôi cánh để bay thẳng ngay vào Sài Gòn. Tuy thế lộ
trình cũng đã thay đổi về cơ bản, hành quân thẳng đường một. Xe qua cầu Bến Hải
vào lúc nhập nhoạng tối, thị trấn Hồ Xá một thời sôi nổi ồn ào với các đoàn ra
vào tham quan giới tuyến, nay tiêu điều vắng vẻ, dấu tích bom đạn khắp nơi, xe
phải bò từ từ trên con đường còn lỗ chỗ vết đạn pháo, cũng phải đến 10 giờ đêm
mới tới Đài Huế. Ở đây anh em ta đã tiếp quản. Lúc này ăn cái gì cũng thấy
ngon, ăn vội ăn vàng rồi lăn ra sàn mà ngủ, 3 giờ sáng đã đánh thức nhau dậy
lên đường. Hôm nay là 1 tháng 5 rồi. Dọc đường vào Đà Nẵng đã thấy nhiều khác
lạ, quân trang, quân dụng, đồ lề của dân của lính vứt rải rác suốt lối đi, lần
đầu tiên dân miền Bắc thấy cái rổ cái rá bằng nhôm. Xe qua Hải Vân vào Đà Nẵng
vẫn không giảm tốc độ, chạy nuốt đường, tối đó đến Quy Nhơn mới nghỉ lại. Lúc
này Hoàng Minh Phương đã tiếp quản và làm giám đốc đài Quy Nhơn. Dù cho giám
đốc rất ân cần cũng xin cảm tạ để tranh thủ nghỉ, đường còn dài.
5 giờ sáng ngày 2 tháng 5 xe đã lại nổ máy bon trên con
đường thiên lý. Qua Nha Trang cũng không có thì giờ ngắm cảnh, vượt Cam Ranh
cũng không biết rằng ở nơi đó đang có mẹ và các em gái, đã xa nhau hơn hai chục
năm ròng. Dọc đường đã gặp những cây cầu hỏng, lối đi mới mở vòng xuống suối.
Xe cộ trên đường, cái chạy ra, cái chạy vào, lác đác những chiếc xe mà đồ đạc
lẫn với người chất đầy trên nóc và đeo bám khắp xung quanh. Chắc chắn trong số
đó có những người lính cộng hòa mới buông súng trước đây ít phút. Cảm giác “đối
phương” còn lẩn quất đâu đây, gần thật gần. Trong đầu đôi lúc cũng thoáng qua
hình ảnh phục kích ven đường, một tràng súng máy, một quả bazoka vụt ra… thì
thế nào nhỉ? Thế nào thì xe cũng vẫn không giảm tốc độ.
Đêm 2 tháng 5 ngủ dã chiến tại một trường học ở Phan Rang.
Những chiếc ghế dài, những chiếc bàn học kê sát lại. Điện không có, leo lét ánh
đèn dầu.
Sáng 3 tháng 5 rời Phan Rang vào Phan Thiết. Nghỉ ăn trưa
tại Phan Thiết rồi lại tiến vào con đường ngổn ngang chiến cụ, vật dụng chiến
tranh, vòng qua Biên Hòa để vào Sài Gòn. Vào đến địa phận Sài Gòn đã chạm trán
các loại xe cộ chen nhau chạy tới chạy lui, những chiếc xe mà ống sả vắt lên
trời phun khói thành dòng như rồng lượn, tiếng nổ rộ lên như những tràng súng
liên thanh tóe ra hai bên phố đông nghịt người. Vào đến Sài Gòn thì mọi niềm tự
hào về chiếc Karosa do Tiệp Khắc sản xuất đều đã bị những chiếc xe siêu trường
siêu trọng ở đây đè bẹp dí.
Đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường vẫn hoạt động đều đặn.
Tới tận 17 giờ xe chúng tôi mới lách được đến đường Hồng Thập Tự, tiến vào cái
cổng số 9, mà ở đó đã có những anh em của mũi đi trước đang canh giữ. Họ đã vào
đây ngay chiều 30 tháng 4. Cùng một nhiệm vụ nhưng mũi trước mũi sau đã không
đến được cùng một lúc, vì nhiều lẽ, nhưng chẳng có lẽ nào mà mũi một mới là đi
tiếp quản còn mũi hai chỉ là dây máu ăn phần như sau này có những đầu óc thiển
cận từng suy nghĩ.
Lực lượng bổ xung được chi viện cho cả Sài Gòn lẫn Cần Thơ.
Lê Võ cùng chị Loan, chị Năm, Kiều Oanh đi Cần Thơ. Theo dự kiến đi Cần Thơ còn
có Lâm Mộc Khôn, nhưng vì lý do nào đấy Khôn đã cố ở lại Sài Gòn ngồi vào cái
vị trí đã định của tôi? Phải chăng vì thế mà sau này gây cho tôi nhiều rắc rối
để cuối cùng tôi phải xin với ông Trần Lâm để quay về Bắc? Có chăng chỉ là suy
diễn? nếu thế tôi sẵn sàng tạ lỗi cùng vong linh người đã khuất.
Đi chuyến này, ngoài nhiệm vụ công tôi còn một số nhiệm vụ
tư cũng ít nhiều quan trọng.
Tôi phải chuyển thư của bà Ái cho bà Phương (cô họ tôi),
liên lạc với vợ chồng anh Bình chị Nhật con cụ Phùng Như Thăng (bố vợ tôi sau
này) Thư và ảnh của Tô Hải gửi gia đình, chuyển thư của Nguyễn Thành gửi ông
cậu ruột, chuyển thư của Văn An cho ông anh cả ở ngành Bưu điện, tìm bố đẻ cho
Bùi Tòng, chuyển lá thư của cô Tuyết gửi cho mẹ em Tú và nhất là tìm lại gia
đình mà tôi đã thất lạc từ năm 1948. gồm Mẹ và các em Trâm, Chi, Bút.
Cả một núi công việc mang sứ mệnh cao cả mà chỉ trong 1 tuần
lễ tôi đã hoàn tất, và còn hơn thế nữa, cũng chỉ vì cách quản lý xã hội của cái
chế độ cũ ở đây nó đơn giản và hiệu quả mà thôi.
Đó là hình ảnh của chiếc xe và những con người dân sự đầu
tiên, chở đầy băng nhạc và phim ảnh, từ Thủ Đô Hà Nội tiến thẳng vào vùng mới
giải phóng. Chiếc xe PAZ do Liên xô chế tạo, sơn hai mầu trắng vàng và dòng chữ
bên hông :
TIẾNG NÓI VIỆT NAM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét