Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015



SUY NGHĨ NGẮN
VỀ CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM

Tôi không phải là nhà nghiên cứu, càng không phải là nhà tạo mẫu, vì vây nói là suy nghĩ, cũng chỉ là nằm dài nghĩ quẩn trong cái oi bức của mùa hè.

Trước tiên xin nói là chiếc áo dài bắt nguồn từ chiếc áo ngắn. Chiếc áo năm thân hay áo tứ thân chỉ vì cái khung cửi ngày xưa nó chỉ cho ra khổ vải vừa bằng một bên thân áo. Cái khổ vải hẹp đến nỗi khi may quần phải táp thêm miếng vải, nên gọi là quần chân què. Tại sao ống quần lại rộng? Vì đàn ông cũng như đàn bà ta khi cần... cũng chỉ vạch quần là xong. Nó không cần cả dẫy khuy dưới đũng như quần tây.
Nói chiếc áo dài bắt nguồn từ chiếc áo ngắn vì nó chính là chiếc áo cánh vai liền, các cụ nhà ta đã bỏ đi hai cái túi và kéo dài cả vạt trước lẫn vạt sau. Thần tình ở chỗ các cụ bỏ luôn cả dẫy khuy, chỗ hở ra được “đậy” bằng một chiếc yếm (may mà các cụ không dở hơi như lũ con cháu sau này?) rồi sáng kiến bắt chéo hai vạt, thắt lưng bỏ múi như một cái nơ, kết hợp với mớ thắt lưng nhiễu đủ mầu,  vừa hấp dẫn vừa kín đáo cả khi đi khi đứng. Lẳng lơ nhất các cụ khi các cụ chế ra cái vai đổi “áo đổi vai” làm cái áo trữ tình hẳn lên mà vẫn đậm nét truyền thống.

Áo dài (dài thân, dài tay) là áo nhà giàu vì vậy mới có lớp người được gọi là “dân áo ngắn”, dân nghèo. Áo dài cần cho đàn bà vì nó kín đáo, nó tha thướt. Áo dài của đàn ông để thêm oai nghiêm. trang trọng. Áo dài của đàn ông thường được may năm thân, với cái vạt con bên ngực phải làm chỗ đính khuy. Áo của đàn ông xưa thì ngắn đến trên đầu gối, có thể buông xõa hay có thắt lưng ngang sườn, bằng vải mộc hay nái (lụa thô) với hai mầu là thâm (đen) hay nâu, các hương chức, lý dịch thường mặc khi có công vụ. Sang hơn là loại áo dài 5 thân (bốn vạt cả, một vạt con) dài đến dưới đầu gối, thường mặc với quần ống sớ, phổ biến là quần vải chúc bâu mầu trắng. Áo dài có cổ đứng và được may bằng the, sa, nhiễu, đoạn, hay gấm, khuy xương hay khuy đồng hoặc mã não và thường được lót bên trong bằng chiếc áo dài mầu trắng. Đây là y phục của quan lại, nhà giàu. Cũng là y phục của nho sinh Cửa Khổng Sân Trình, và cũng là y phục không bắt buộc ở trường công lập.

Chiếc áo dài của nam giới ít thay đổi so với áo dài của nữ, đổi luôn xoành xoạch mà cũng chẳng tôn được cái đẹp cái quý lên là mấy.
Nào là áo dài tay ngắn, tay rộng, tay bó, thậm chí không có tay. Cổ cao cổ thấp, thậm chí không cổ, có loại được  cài mắc lên người chỉ bằng hai sợi giây như chiếc “Rốp”... Từ thời ông “Le Mur” (Ô.Tường), ông này có sáng kiến ngược, may liền hai cái vạt áo trước của các cụ thành một vạt, các bà các cô đã gọi cái áo đó là áo “Lơ Muya”.
Từ ông Tường đến bà Minh Hạnh đều là những nhà cải cách vào hạng “to đầu”, đến các nhà cải cách hạng choai choai ra sức phá phách đến tươm cả cái truyền thống ra mà vẫn chưa thật thuyết phục. Gần đây có một nhà sáng chế, biến cái áo tứ thân thành những mảng màu trên thân trước tấm áo dài. Cũng chưa đi đến đâu? và cũng không thay thế được bộ y phuc truyền thống “Mớ ba mớ bẩy” của các dì các mợ ngày xưa.
Thời nước nhà chưa thống nhất, trong Nam có bà Trần Lệ Xuân, bà này xẻ cái cổ áo dài thành hình thuyền. Người hưởng ứng cũng lắm mà kẻ chê bai cũng nhiều. Cũng vì bà là vợ ông cố vấn, mệnh phụ phu nhân nên không được “xếch xy”. Báo chí miền Bắc cũng phê phán mổ xẻ. Thật oan cho bà cố vấn và cái sự cải cách của bà. Cứ như hiện nay, ngày hôm qua thứ ba 23 tháng 6 năm 2015, trong một chương trình ca nhạc của kênh QPVN đưa lên hình ảnh một nữ ca sĩ với chiếc áo dài xẻ cổ từ vai đến ức hở cả cái “hẻm...dzú” ra thì sự cải cách của bà cố vấn chỉ là “hạng bét”.
Ngày xưa, đẹp nhất là những tấm áo dài lụa hàng vân với các họa tiết và mầu sắc nhã nhặn, chỉ hở ra một chút bên hông từ cạp quần đến khe áo xẻ đã làm mê mẩn mấy ông tây hội họa. Phàm cái nửa kín nửa hở càng kích thích sự tò mò và làm giàu thêm óc tưởng tượng.

Ngày nay tôi vẫn ủng hộ các họa tiết trên thân áo chỉ vừa vặn tôn cái thân áo lên chứ đừng biến thiếu nữ thành cái cột để rồng leo, đừng mang những bức họa với họa tiết nặng nề làm biến dạng cả tấm thân thon thả của người mặc áo.

Đá nói là vài ý kiến ngắn... Thì đến đây nên thôi là phải!


















































































































































































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét