TẾT THANH MINH
Với đạo lý uống nước nhớ
nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh, mối quan hệ giữa người sống với người chết đã
trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao
người Việt Nam trong và ngoài nước.
Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn
liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng
nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ
chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh
thành tạo dựng của tổ tiên. Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng
ta không quên hướng về quê cha đất tổ. được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba âm
lịch.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tóm tắt Lễ hội đó trong
hai câu :
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh.
Khắp tha ma mộ địa, nườm nượp người
qua kẻ lại, hầu hết các ngôi mộ đều có kẻ thăm nom, hoa quả khói hương nghi ngút.
cũng có một vài ngôi như mộ Đạm Tiên trong truyện Kiều, đã khiến chị em cô Kiều
trong bước thanh minh phải động lòng trắc ẩn :
Sè sè nấm đất ven đường,
Rầu rầu ngọn cỏ, nửa vàng nửa xanh.
Ngôi mộ côi cút, nặng mầu ảm đạm.
Hình ảnh hiếm hoi đó, ai ngờ ngày nay lại thành phổ biến ở các nghĩa trang Quân
đội Cộng hoà. Không có thân nhân? hay không ai dám đến? Danh chính ngôn thuận,
thăm viếng công khai thì không được, nhưng người ta vẫn lén đến. Chỉ cần một lời
tuyên bố từ người có quyền thì mọi việc thoải mái ngay, nhưng 40 năm rồi thời cơ
đó vẫn chưa đến. Sự bứt rứt vẫn kéo dài từ dương gian đến âm phủ. Đáng tiếc!
Đâu có phải vì người dưới mộ đã
phạm lỗi lầm? Nghĩ như thế là hẹp hòi. Trong chiến tranh hai bên nổ súng vào đầu
nhau, hậu quả và trách nhiệm là 50/50. Với quê hương và nhân dân mà người lính đó
đã phục vụ, họ không có lỗi lầm gì, thậm chí còn có công. Cái chế độ Việt Nam Cộng
Hoà mà những người cộng sản một thời gọi họ là phản đông, thực ra trong con mắt
nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Hội Đồng Liên Hợp Quốc cũng đã coi họ là một
nước, một quốc gia, có đầy đủ lãnh thổ và chủ quyền trên hai thập kỷ. Nhân dân
sống trên mảnh đất ấy, họ cũng có chùm khế ngọt của họ. Con em họ đang nằm dưới
ba tấc đất cũng đã đổ xương máu bảo vệ chùm khế ngọt cho họ. Ở một khía cạnh nào
đó, những người dưới mộ cũng xứng đáng được người thân yêu thương, tưởng nhớ.
Dù cho chúng ta còn hơn ba trăm
ngàn người Việt phía bắc chưa tìm thấy hài cốt, cũng nên tạo điều kiện cho những
bộ hài cốt Việt phía nam được chăm nom săn sóc. Đó là nghĩa cử cần thiết, và là
nguyên cớ để chúng ta tự hào về đạo lý Việt. Sau chiến tranh Việt Nam mà chúng ta
chỉ chú trọng đến “Pao” đến “Mia” thì thật là bất công!
Với đà suy nghĩ này tôi nhớ đến
một trường hợp đặc biệt. Một câu chuyện đã nhiều người biết nhưng chưa thống nhất
ý kiến. Đó là chuyện Thiếu tá “Ngụy” Văn Thà cùng những chiến sĩ Hải Quân Việt
Nam Cộng Hoà, năm 1974 đã tử chiến với người anh em cộng sản Trung Hoa (của ta)
trong trận Trung Quốc xâm lăng Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ là những người
tiếp tục sự nghiệp của các binh sĩ thuộc lớp cha ông dưới các triều đại phong kiến
Việt Nam, đã đổ máu, tuy chưa tô thắm lá cờ đỏ sao vàng, nhưng đã bảo vệ lãnh
thổ Việt Nam cũng là Tổ Quốc của họ. Họ là những người vì Tổ Quốc quên thân đáng
được vinh danh. Sống trên mảnh đất mà ta đang tiêp họ làm chủ, tại sao ta không
tuyên dương những người đã đổ máu cho lãnh thổ cho biển đảo của đất nước này?
Chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của
ông cha để lại, họ là những người con anh hùng của dân tộc. Hãy thay mặt nhân dân
Việt Nam mà tuyên dương họ như những Anh hùng Lực lượng Vũ trang khác, như các
liệt sĩ đã tuẫn mình ở đảo Gạc Ma, và nếu có thể hãy lập một tượng đài tưởng niệm,
(khi chưa đặt được ở Hoàng Sa thì có thể đặt tạm ở đảo Lý Sơn) để nhân dân tưởng
niệm họ.
Mùa Xuân này, với những hoạt động
rầm rộ của người Việt khắp năm châu về hoà hợp dân tộc, tưởng rằng những việc làm
như thế này góp thêm một bước tiến tới cái đích Nước Việt Nam là một, dân tộc
Việt Nam là một, rất xứng đáng biên tập vào “Chuyện Tử tế” để phát trên sóng
Truyền hình cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét