TÔI BIẾT GÌ VỀ CHÂN DUNG MỘT KẺ GIẾT
NGƯỜI?
Kẻ giết người có một thân phận đầy mâu thuẫn, người ta hết
lời lên án nó, nhưng cũng luôn vỗ béo nó để nó hoạt động.
Nó là Điếu thuốc lá!
Mỗi người có một trường hợp, một hoàn cảnh đến với điếu
thuốc lá, không ai giống ai. Vì vậy ở đây tôi chỉ nói về trường hợp của tôi.
Cuối những năm ba mươi (thế kỷ trước), ở một tỉnh lẻ, đó là
tỉnh Ninh Bình, ông bố tôi có một quyết định quan trọng là bỏ thuốc lào. Điếu
ống, điếu bát trong nhà đều xếp xó hết. Bước đầu ông thay thế thuốc lào bằng
thuốc lá. Bao thuốc Poupon có những 50 điếu, nhỏ như cái đầu đũa nhỏ. Một lần
tôi thử hút, liền bị sặc khói, cổ họng đắng nghét. Chừa luôn! Vào những dịp lễ
tết, trong nhà còn thấy những bao thuốc lạ, Camel hay Lucky Strike là quà biếu.
Chắc cũng không khác gì Poupon, nên cũng không thèm. Sau này bố tôi còn đổi
sang Job hay Bastos, có khi cả Mélia hay Esquire... nhưng gì cũng không lung
lạc được tôi, không chơi là không chơi!
Cho đến một hôm, những ông thày dòng trường Lý Đoán dưới
Phát Diệm lên chơi có đem biếu một hộp Cigare do nhà dòng sản xuất. Quà để xin
bố tôi cho tôi vào học ở trường dòng. Bố tôi từ chối vì tôi đã được bán khoán
cho Chùa Hương, đã chót theo Phật nên không thể theo Chúa. Bước ngoặt đầu đời
mà tôi đã bỏ qua, nếu không sau này tôi đã có thể thành một frère thậm chí một
père hết lòng phụng sự Chúa và biết đâu chẳng đã bị xử lý... Âu cũng là cái số!
Hộp cigare cứ để đó cho đến một hôm, cái điếu thuốc mầu đen
nó kích thích sự tò mò của tôi, vì ngứa mắt nên tôi đã đốt thử. Lần này thì
thảm hại hơn nhiều, tôi say lử và khó thở cho đến hôm sau. Biết mặt!
Sáu năm sau, năm 1945 khi đã làm thợ sắp chữ cho nhà in
Quang Hoa thì vì đua đòi nên ra vào phì phèo điếu thuốc đã thành quen. Những
năm đó chúng tôi mỗi lần phát hiện thị trường có loại thuốc lạ, đều báo cho
nhau nếm thử. Nhiều lắm, phong phú lắm, nhưng bây giờ chỉ ấn tượng với vài thứ.
Thuốc Ruby Queen có 10 điếu nhưng kèm theo có bức tranh trong tích Nhị thập tứ
hiếu của Tàu. Macédoine với điếu thuốc cuốn rất lỏng chưa chi đã bẹp dí, nhưng
có mùi hương rất lạ. Ai đó hút trong một căn phòng đóng kín thì người ngoài ghé
mũi vào lỗ khóa cứ tưởng trong phòng có người đang đi mây về gió với Ả phù
dung. Cuối cùng là “tên “sát nhân” Philip Morris. Thứ thuốc mà nhà Xuất bản Âm
nhạc Đan Thanh thường mang đến kèm theo với két bia và phong kẹo lạc để đút lót
chúng tôi (nhà in Minh Tân), khi muốn sớm nhận được ấn phẩm để phát hành, trong
lúc tình hình chiến sự có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Thuốc lá hãm với bia và
kẹo lạc đã cho tôi một trận say điên đảo, nhớ đến bây giờ. Loại thuốc lá này
tôi đã mang theo người vào một đêm đông năm 1946, đêm rời Hà Nội ra đi.
Trong kháng chiến chống Pháp thi thoảng tôi vẫn gặp lại tên
sát thủ Philip ấy, mỗi khi có người từ chi điếm Đống Năm mang về làm quà. Thời
gian đó những loại thuốc lá như Zuk (du kích) Bazooka, Cẩm Lệ do kháng chiến
sản xuất tràn lan thị trường, nhưng mỗi khi thấy cái mầu nâu hạt dẻ của bao
thuốc Philip thường gây nôn nao trong người. Lúc này tôi dang là kế toán trưởng
của một ngành trong Nam Hưng Công Ty (Ban Kinh Tài Liên Khu Ủy ba) Năm 1948 tôi
mới mười bẩy tuổi, nhưng đã được ông phó Bí Thư thông báo: “Hội đã đặc cách xét
kết nạp đồng chí vào Hội!”... Tôi cảm ơn ông và xin phép cho tôi còn suy nghĩ.
Từ bước ngoặt đầu đời không đi theo Chúa
đây là bước ngoặt thứ hai, tôi vẫn lại chưa sẵn sàng đi theo Đảng. Người sớm
phát hiện ra tính cách của tôi có thể là mấy anh Thày Dòng.
Đời tôi còn nhiều bước ngoặt mà xem ra bước nào cũng đầy
tính bi hài. Dù ở đâu và làm gì, tôi vẫn gắn liền với tên sát thủ đầy tính bi
hài như tôi.
Năm 1950 đang là cán sự 5 phòng Tài Chính Ủy Ban Hành Chính
Kháng Chiến Khu đặc biệt Hà Nội, tôi xin chuyển sang Tư Lệnh Ba. Chiến sự đang
lan rộng nên tôi không thể tìm thấy Tư Lệnh ba mà theo lời khuyên của một anh
chính trị viên tiểu đoàn là bộ đội thì ở đâu cũng vẫn là bộ đội, nên tôi đầu
quân vào tiểu đoàn Nguyễn Huệ Trung Doàn Ký Con. Quên đi cái điều ở đây không
cần cán bộ tài chính như Tư Lệnh Ba nên tôi bỗng trở thành anh binh nhì, bỏ đi
đến 7 bậc thang lương, được một bao thuốc lá Quân Nhân Đường 12. Thường xuyên
là thuốc rời cuốn với giấy pelure, truyền tay nhau đến bỏng rát. Lâu lâu qua
phố chợ, qua thị trấn vẫn có điếu Củi tạ (Cotab) mà đồn rằng sợi của nó là
giấy. Kệ nó, vẫn thơm. Thuốc lá vẫn đến với lính lúc phong lưu, khi đói rách,
nào có sá gì. Cái hương của anh Cotab rất dễ đánh hơi, có điếu thuốc, đố hút
trộm được. Lính sáng kiến đục nhiều lỗ ở đáy cái hộp Aspirine, để che lửa khi
hút, nhưng còn khói nó tỏa ra? chỉ cần đi dọc lán là biết khói tỏa ra từ cái
màn nào. Thủ phạm đành ngoan ngoãn chìa ra mỗi đứa một hơi. Đời lính không chỉ
một lần truyền tay nhau điếu thuốc, rít đến hơi cuối cùng trước khi ôm súng vào
trận đánh.
Khói thuốc lá gây nên nỗi hưng phấn tức thì và gây nên cái
chết tiềm tàng như bệnh ung thư thì ai cũng đã biết, nhưng nó gây nên những cái
chết ngay lập tức, thì không phải ai cũng biết. Muốn tường tận xin cứ tìm đến
những ông bà du kích trong cả hai thời kháng chiến. Khói thuốc lá vô tình đã
báo cho đối phương biết sự có mặt và nơi ẩn náu rất cần bí mật của lực lượng
phục kích.
Khi về Ban 1 Phòng Tham Mưu Đại đoàn 304, thi thoảng còn
được hút thuốc của tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Năm 1953, sau trận tiêu diệt đồn
Noọng Hét (Thượng Lào) Trung Đoàn 66 lấy được một thùng Coolicut đem biếu tư
lệnh Đại Đoàn. Anh Thảo biết lính của mình hút thuốc nên khi qua lán đã cho 1
hộp. Lâu lâu anh hỏi còn thuốc không? thì dù còn, tôi cũng báo cáo hết để anh
cho thêm. Thứ thuốc này đựng trong hộp sắt, được hút chân không nên khi mở
thường phát ra tiếng xì. Thuốc được nén thành cục cứng như gỗ, phải bửa ra và
vò thành sợi. Giấy sẵn ngay trong hộp, một phía có quết hồ, chỉ liếm nước bọt
là có thể quấn thành điếu thuốc ngon lành. Thuốc sống thì có mùi nho khô còn
hút lên thì khỏi phải chê.
Cuối năm 1953 đi Trần Đình, được tiếp súc với lính 367 nên
đã biết mùi vị Đại Tiền Môn, Trung Hoa Bài. Năm 1955 Cao Vân Xanh đã bỏ một
điếu Đại Tiền Môn vào phong thư binh sĩ gửi cho tôi với câu: “Tiền Môn một điếu thơm lừng, nhớ về một
thuở lán rừng ngát hương”, đó là kỷ niệm một thời Đèo Chẹn, Cò Nòi, với
cuộc chiến đấu có thể chấm dứt từng ngày. Hút một điếu thuốc để nhớ nhau. Ôi
cuộc đời!
Sau Điện Biên Phủ, về lại Đồng Bằng, trận địa của tôi ở gần
Tía, sát vùng địch chiếm, nên cần thứ gì dân vẫn có thể mua giúp. Khi đó có thứ
thuốc Grand Prix cùng hãng Mic với Cotab nhưng hút đậm hơn nhiều. Tiền rủng
rẻng vì đi chiến dịch không tiêu gì, nên bây giờ trong hầm tôi vẫn có hàng tút
thuốc, mặn này bõ nhạt ngày xưa. So với anh Gaulois thì hơn xa, Grand Prix chỉ
có trong hộp Rations Cinq (tiêu chuẩn cho 5 sĩ quan quân đội Pháp).
Cuối năm 1954, tôi được cử đi dự Hội Diễn Văn Nghệ Toàn Quân
ở Thủ Đô. Về đến Hà Nội thì bố đã mất, mẹ và ba em gái đã bỏ đi Nam...Khi quay
về Cao Bằng tôi làm quà cho anh em một cân kẹo Nougat mua ở Hàng Bông và một
bao thuốc lá đầy duyên nợ là cái anh Philip Morris. Vừa đặt chân đến đơn vị là
bị lột sạch ngay, còn bị phát hiện là dùng nước hoa. Cái thứ nước Ce que femme veut (thứ mà đàn bà thích)
tôi đã cẩn thận xịt trong slip mà vẫn bị mấy anh công nông phát hiện để lên án mình
là “Tạch tạch sè”.
Giữa thế kỷ 20, thế giới ngày càng xuất hiện nhiều loại
thuốc lá có đầu lọc, được dân chơi gọi là “thuốc có cán”. Thứ thuốc cigare to
bằng ngón tay cái hầu như là sản phẩm dành cho chính khách hoặc đại gia. Năm 1939 tờ Ngày Nay có bài châm biếm: Một
anh Xã Việt điTây, chụp ảnh ngậm điếu xì gà gửi về cho vợ. Vợ cầm bức ảnh và òa
khóc: “ Trời ơi! không biết chồng tôi ăn
nói thế nào mà bị người ta đóng nõ vào mồm”. Thật là cười ra nước mắt.
Hòa bình lập lại, phe ta ào ạt viện trợ, tôi nhớ nhất bao
thuốc Bérati hàng viện trợ của Albanie, gout Turque nên hút cứ ngai ngái, không
giống ai, nhưng vẫn trân trọng vì đây là quà của cô bạn gái nhỏ bé mua cho.
Thời đó thuốc Trung Quốc, ngoài Đại Tiền Môn, Trung Hoa Bài, còn Trùng Cửu,
Song Hỉ v.v...
Từ1955 đến 1975 ở Hà Nội có một khu gọi là Cao Xà Lá gồm ba
nhà máy Cao Xu, Xà Phòng, Thuốc Lá. Riêng anh thuốc lá thì phát triển búa xua:
Bông Lúa, Trường Sơn, Tam Đảo, Hoàn Kiếm, Điện Biên, Xuân Mới, Thủ Đô, Thăng Long.
Các thứ này lại chia ra loại có bao bạc, loại không, dành cho từng loại miệng
cóc hay chuột chù, ngậm trùn hay hút khói (bao cấp mà) Thế mà vẫn có anh không
đủ tiền hút thuốc lá, đành quay lại thuốc lào, nên có khẩu hiệu: “Xa Điện Biên,
rời Tam Đảo, vượt Trường Sơn sang Lào”. Hầu hết các loại thuốc lá của Việt Nam đều
chung một dòng hương liệu nhập từ Trung Quốc. Sau này lại thêm nhà máy Sông Cầu
với Tam Thanh, Nhị Thanh, Chim D’rao và nhà máy Thanh Hóa với Du Lịch. Thuốc lá
Thăng Long còn được nâng cấp với hộp nhôm dẹp 20 điếu và hộp sắt tròn 50 điếu. Kể
ra thế để biết cái anh sát nhân này nó được o bế, vỗ béo ra sao? Sau này thuốc
lá Việt Nam
đều chung một công ty mẹ là Vinataba. Mới đây còn nghe ông Thủ Tướng nước ta định
ký kết hợp tác với anh Bulgataba để cùng với Vinataba đóng góp cho cái nguyên
nhân gây ung thư toàn thế giới.
Năm 1973 đi thực tập (học lỏm) ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, lần
đầu tiên nhận phụ cấp tôi đã mua một bao Duette giá 6 Mác (bằng giá 200 nan hoa
xe đạp). Cô bạn Đức đá mé: Liệu thời gian ở đây anh hút hết mấy bao này? Đây là
thứ thuốc cao cấp của Đông Đức hơn cả Kent của Tây Đức. Quả nhiên sau này
chỉ thường xuyên dùng Ép Dếch (F6) hay Klub.
Năm 1975 vào tiếp quản Sài Gòn, khi đó mới “kiến kỳ hình”
cái anh nhà máy Mic, lò đào tạo sát thủ các loại mà trước nay chỉ mới “văn kỳ
thanh”. Mic, Job, Bastos, Mélia, Cotab, Grand Prix v.v... đều đã từng từ đó mà
ra. Sài Gòn lúc này càng đầy rẫy những thuốc lá ngoại nhập, tôi chỉ kể cái thứ
tôi quen dùng: Ruby Quân Tiếp Vụ, Capstan (cho anh phát súng tim anh nát). Rồi
A Lào, rồi Số Một (Number One) Đặc biệt có cái mầu của anh Dunhill, được gọi là
“Đỏ Đun” để chỉ mầu sơn loại xe đạp Peugeot mới nhập.
Ở Hà Nội cần loại thuốc hiếm nào cứ lên Ngõ Gạch. Sài Gòn
cũng có một phố như thế nhưng cũng chỉ bán ở vỉa hè, dễ lưu động, cái gì không
có ở đây thì sẽ cho người đi lấy. Cái thứ Héros và Zesst thấy từ hồi đó, nay đã
trở thành món hàng lậu cộm cán. Cái anh 555 và Craven A (Mèo đen) đã được nội
địa hóa. Anh Khatoco Khánh Hòa góp thêm White Horse vào mục đích gây ung thư.
Miền Bắc có thuốc Bông Lúa thì miền Nam có Đà Lạt nặng và khét nổi
tiếng, chỉ một số dân Tây Nguyên là khoái.
Sau này khi đã hạn chế hút vì huyết áp, vào dịp Tết, con cái
cho bao thuốc Sobranie, hay bao Black Mild hút cho thơm râu. Thứ thuốc thơm mùi
bánh kẹo, nịnh người ngửi chứ không nịnh người hút. Năm nay con trai cho bố bao
Bodéga (Cigarette của Đức) hút chơi vài điếu rồi gửi lại cho con tiếp bạn.
Về cuối đời, hơn 70 năm tự nguyện cho sát thủ làm thịt, tôi
hút Era do một người bạn giới thiệu vì nó ngon mà lại rẻ, chỉ 3 nghìn một bao.
Khi ông trẻ tôi từ Pháp về chơi, tôi mời cụ hút, cụ khen ngon. Khi cụ trở lại
Pháp tôi biếu cụ một tút, nghe đâu các cụ tây cụ đầm vùng Alsace đều khen ngon và đều xin thêm để dành,
mặc cho ai đó luôn miệng rằng:
-
Thuốc lá là thuốc độc!
Dù ai nói ngả nói nghiêng thế nào về thuốc lá, thì người lính
cao xạ pháo Đoàn 361 năm xưa vẫn bồi hồi nghĩ tới lúc nhận điếu thuốc từ tay Bác
Hồ trao cho ngay bên mâm pháo. Điếu thuốc vừa là quà tặng khen thưởng của Bác,
vừa là điếu thuốc Bác mời để bác cháu ta cùng ăn mừng chiến thắng.
Nhìn bao thuốc lá với những dòng chữ in gần kín cả hai mặt,
nào là Hút thuốc là có hại cho sức khỏe,
Thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư... Mọi người có thấy nó giống
cái gì không? Giống một lũ phạm nhân ôm cái bảng ghi rõ tội trạng trước ngực
nhưng không bị bỏ tù mà được thả rông khắp kẻ chợ cùng quê.
Không biết từ bao giờ lại nảy ra cái tục đốt điếu thuốc rồi
cắm lên bát hương. Như thế là điếu thuốc không chỉ đeo đẳng suốt cả đời người mà
còn theo cả người chết sang thế giới bên kia. Cái kết luận thuốc lá gây ra bệnh
ung thư, cho đến bây giờ thiên hạ vẫn bán tín bán nghi. Xem ra nó cũng giống “IS”,
khó mà tận diệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét