THÊM
MỘT CHUYỆN CỔ TÍCH
Gọi là cổ tích vì câu chuyện cũng
đã hơn nửa thế kỷ (1954 – 2014) Đã sáu mươi năm, nhân dân ba tỉnh Cao Bằng, Bắc
Kạn và Thái Nguyên, nhất là hai huyện Nguyên Bình và Đại Từ, cùng với cán bộ và
sỹ quan Trung Đoàn 367, ai cũng biết chuyện này nhưng không ai kể ra vì “lợi
ích của cách mạng”. Chuyện im hơi lặng tiếng vì nói ra là làm hại cho cách mạng
ở Việt Nam ta thì kể tối ngày không hết. Nghĩa là nhiều lắm!
Có nhiều chuyện, sau khi đất nước
thống nhất thì nội dung đã được bạch hóa một phần hay toàn phần. Câu chuyện này
cũng không ai nói nó đã được phép “hé” ra phần nào hay chưa? Nhưng xét riêng
tôi, đã qua tuổi 83, sức nhớ đã lẩm cẩm, sức khỏe đã loạng quạng, không khéo mà
mang theo xuống mồ thì nó phí của giời đi, nên mạo muội cứ viết ra đây để tùy
những người có trách nhiệm cân nhắc xem cần bí mật đến đâu? Chứ về phía địch
thì nó “toạc móng heo” từ đời tám hoánh rồi.
Câu chuyện sau đây nó liên quan
đến Hiệp Định Geneve năm 1954về đình chiến ở 3 nước Đông Dương, nằm ở điều
khoản bổ xung và thay thế vũ khí ở mỗi bên.
Lệnh của Bộ: “Phải bảo đảm cho vườn cây được
xanh tốt!”… Chỉ nguyên nội dung này đủ làm lính vỡ mật. Cả một vạt rừng
dài hàng cây số, rộng vài trăm mét, được lính tạo nên bằng cách chặt cành cây
tươi từ những khu rừng xa, kéo về xếp thành rừng, che kín những khí tài vật
dụng quân sự mới đưa từ xa đến. Cành cây muốn luôn tươi tốt phải thay ngày ba
lượt. Sức lao động của cả nhiều trung đoàn chỉ đủ cho một nhiệm vụ. Ngoài ra
những loại xe cộ di chuyển thành vệt
thành đường cũng phải xóa hết dấu vết. Lính ta có sáng kiến, khiêng ngay hẳn
một căn nhà đặt giữa lối đi thế là đường thành sân trước, vườn sau. Lính đóng
ngay vai chủ nhà, thật tiện…
Tất cả chỉ vì cái anh chàng
Canada trong Ủy hội Quốc Tế Giám Sát đình chiến cứ rẫy lên đòi kiểm tra nơi này
nơi nọ vì nghe nói Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang được ồ ạt đổ vũ khí vào. Nói
thế không có nghĩa là ở phía nam không hề có chuyện ây? Thực ra cả hai phía đều
phải tranh thủ làm cái việc cần thiết ấy, nhưng không bên nào muốn mình mang
tiếng vi phạm Hiệp Định. Sự tăng viện cứ theo nhau tăng mãi cho đến khi bên này
có B-52 thì phía bên kia phải có đến SAM2, MIG21. Như thế câu chuyện mới tâm
đầu ý hợp.
Trở lại năm 1954, khi đơn vị
chúng tôi về đứng chân ở Thạch Thất, chuẩn bị cho việc tiếp quản Hà Nội, thì có
lệnh: Bàn giao Súng máy Phòng Không 12ly8 cho địa phương, chỉ giữ súng bộ binh
và lên đường ngay nhận nhiệm vụ.
Bỏ Hà Nội lại phía sau lưng,
chúng tôi theo đê sông Đáy, vượt sông Hồng sang Phúc Yên rồi theo chân Tam Đảo
lên Thái Nguyên, men Sông Cầu vượt Bắc Kạn, qua Nà Phạc, rồi leo Col Lea sang
Nguyên Bình, nơi đây đã là đất Cao Bằng. Nhiệm vụ hé dần sau từng ngày hành
quân. Thế là chúng tôi bỏ nhiệm vụ tiếp quản Thủ Đô mà hành quân lên biên giới
để tiếp nhận vũ khí phòng không thế hệ mới. Bắn bằng radar, liên động điện, cả
trận địa một động tác rồi thì dựng màn đạn, bắn mà không cần nhìn thấy máy bay
bằng mắt thường… chao ôi là mê ly! Nhưng
nhớ rằng, trước khi sờ được tay vào súng là việc phải dấu súng cho kỹ.
Ủy Ban Quốc Tế Đình Chiến gồm 3
anh Ấn Độ, Ba Lan và Ca Na Đa, phải hành quân bằng đường bộ theo lối Bắc Kạn –
Bell’Air (Đèo Gió) qua Suối Tài Hồ Xìn. Cầu Tài Hồ Xìn đổ nghiêng xuống suối từ
lâu, xe muốn sang Cao Bằng chỉ có 0000nước là lội qua suối.
Xe UBQT dừng ở phía nam suối. Anh
Canada đề nghị mọi người leo trên những
thanh cầu gây trong luồng gió bắc thổi vù vù. Hai anh Ba Lan và Ấn Độ không
chơi, anh Canada thích thì cứ leo.
Con suối đã được lính chúng tôi
lội xuống dưới cái lạnh âm 5 độ C để moi đá cho sâu lòng suối. Làm suốt ngày
đêm, 5 phút phải thay một tổ, nếu không muốn hóa đá. Tin tức báo cáo liên tục
về Bộ Tổng, đầu dây đằng kia là Đại Tướng Tổng Tư Lệnh chỉ đạo.
Suốt một đời lính, cho đến tận
bây giờ chưa có năm nào rét như thế, hơi thở ra bám vào râu, vào lông mày trắng
như tuyết. Lá cây như bị lửa táp, chân tay nứt nẻ lại càng thấm thía với cái rát
buốt.
Doanh trại tuy đã làm xong ở Nước
Hai, nhưng tình hình này thì không thể yên ổn tổ chức chuyển binh chủng, nên
phải tính kế chuyển sâu vào nội địa, thế là phải chuyển tất cả về Đại Từ Thái
Nguyên. Hành quân đường dài hàng trăm cây số, trước sự săn lùng của UBQT phải
hành quân bí mật, phải xóa bỏ dấu vết, biết bao nhiêu việc mà lính ta chưa hề
làm bao giờ. Đại đội của tôi được đơn vị giao cho nhiệm vụ đi sau cùng, xóa bỏ
mọi dấu, kể cả phá cầu cống, không để lại bất kỳ dấu vết nào trên đường.
Pháo 88mm do Liên Xô thu được
nguyên cả dây chuyền sản xuất ở Tiệp Khắc, chưa kịp sử dụng, chuyển cả sang
Việt Nam “thử pháo”. Loại này 8 bánh do xe xích Tholachi kéo, các khí tài 4B,
2B đều do ô tô kéo, Vết xích xe kéo trên đường hoặc bãi tập kết, đại đội tôi
phải xóa hết dấu vết, thậm chí mượn cầy của dân để cầy xóa. Cả đại đội cào bãi,
quét đường, nửa tháng sau mới về đến Vai Cầy thì đã sát Tết.
Cả hai cuộc tiếp quản, một về Thủ
đô thì ồn ào sôi nổi, một đi tiếp quản vũ khí, thì âm thầm lặng lẽ, nhưng với
quân đội, việc hoàn thành mọi nhiệm vụ đều có một giá trị tinh thần ngang nhau,
không thể so sánh,..
Sau một năm, ngày đêm luyện rèn,
đơn vị đã nắm vững vũ khí mới và được chuyển đi bảo vệ yếu địa. Đầu năm 1956,
chung quanh những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng
Ninh,Thái Nguyên v.v… có những bãi pháo, người đi ngoài không biết những hoạt
động bên trong của lính, chỉ sau ngày 5 tháng 8 năm 1964, những trận địa pháo
mới công khai nổ súng bảo vệ thành phố. Một giấc mơ chiến đấu đã được công khai
với mọi người. Chiến công đầu do những người lính “tiếp quản chậm” đã vang lừng
bầu trời quê hương và thỏa lòng nhân dân yêu dấu.
Người lính rời khu vực doanh trại
và pháo trường ra đi, để lại thung lũng Vai Cầy sau này thành thắng cảnh HỒ NÚI
CỐC nổi tiếng.
Liệu có ai qua đây, còn thấy từ
dưới lòng hồ vẳng lên tiếng hát của những chàng trai pháo thủ yêu đời thuở nào.
Linhgia nguyên Khẩu Đội Trưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét