Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Thất nghiệp tràn lan, thạc sĩ làm đủ thứ nghề


Thất nghiệp tràn lan, thạc sĩ làm đủ thứ nghề 



VIỆT NAM (NV) - Hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học khắp nơi ở Việt Nam đang là lực lượng lao động dồi dào cho thị trường nhân lực tại đây.

Một cư dân trẻ của Hà Tĩnh, cử nhân Ðại Học Sư Phạm, đành chọn nghề chạy bàn một tiệm nước ở Ðà Nẵng suốt một năm nay. (Hình: báo Người Lao Ðộng)
Tiếc rằng, nền kinh tế chậm phát triển, lạc hậu đã biến thạc sĩ toán học thành người bán “sim” điện thoại; cử nhân quản trị kinh doanh thành kẻ giúp việc; cử nhân sư phạm thành nhân viên chạy bàn các quán nhậu, quán cà phê...

Phúc trình được báo Người Lao Ðộng trích dẫn phác họa bức tranh bi đát về tương lai của hàng vạn thanh niên ở Việt Nam hiện nay, từ An Giang, Ðồng Tháp cho đến Ðà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An...

Phúc trình này dẫn nhiều câu chuyện kể về những cuộc đời “bi đát” của hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học nhiều năm qua vẫn không tìm được việc làm. Bi thảm nhất là số phận của 25,000 sinh viên cư dân tỉnh Thanh Hóa bị thất nghiệp dù tốt nghiệp đại học ít nhất hai năm nay.

Cô Ðỗ Thị Trang, cư dân huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa đã nắm được tấm bằng cử nhân Khoa Báo Chí tại Hà Nội từ năm 2010. Không tìm được việc làm ở các tổ chức truyền thông; không trở thành một nhà báo như ước vọng, cô loay hoay kiếm sống bằng đủ nghề: bán cà phê, bán bia, phân phát bích chương ở các ngã tư... Mới đây, không kiếm được đủ tiền để thuê phòng trọ, cô Ðỗ Thị Trang đành rời Hà Nội, về quê miền núi hẻo lánh để phụ mẹ bán tiệm tạp hóa.

Một người khác là cô Lê Thị Huyền, cư dân Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tốt nghiệp Học Viện Ngân Hàng loại khá. Cô đang làm thu ngân một tiệm tạp hóa để sinh kế và... chờ thời.

Còn cô Trần Thị Hoa 23 tuổi, cư dân Quảng Nam thì não nề đến chán chê vì chỉ nhận được những cái lắc đầu của tất cả mọi người ở đàng sau những cánh cửa mà cô tìm đến. Cô gõ cửa khắp nơi, từ Viện Kiểm Sát cho đến văn phòng các hội đoàn ở Ðà Nẵng, nhưng không ai cần đến tấm bằng tốt nghiệp Ðại Học Luật ở Sài Gòn của cô. Sau đó, cô đành nhận việc lột vỏ tôm ở Sài Gòn, được trả công mỗi ngày khoảng 70,000 đồng, tương đương 3.5 đô, đủ tạm sống qua ngày.

Cuộc sống bấp bênh của các sinh viên trẻ cũng làm ảnh hưởng lây đến các bậc phụ huynh. Một gia đình nông dân tỉnh An Giang tên Trần Phi Hùng lâm vào tình cảnh nợ nần thê thảm vì đã cầm cố đất đai, vay nợ để con được vào đại học. Cho đến nay, cô con gái “rượu” của ông tên Trần Thị Mỹ Hạnh vẫn không tìm được việc làm dù đã tốt nghiệp đại học, ngành quản trị kinh doanh.

Ông Trần Phi Hùng, cư ngụ tại thị xã Châu Ðốc tâm sự: “Ðang túng bấn, vợ tôi lại ngã bệnh, không biết kiếm tiền đâu chạy chữa. Bảy công đất đã cầm cố hết rồi.”

Nhiều sinh viên khác thì đang chạy vạy khắp nơi để tìm việc, kiếm tiền trả khoản nợ với lãi suất lên tới 120%/năm. Họ đã mượn nợ để theo đuổi bậc đại học. Thế mà, niềm hy vọng về một công việc ổn định sau nhiều năm cố công “dùi mài kinh sử” xem ra sắp tan thành mây khói.

Dư luận cho rằng những mảng tối trong đời sống sinh viên trẻ đã làm bùng phát những mảng tối của xã hội Việt Nam hiện nay. (PL)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét