Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

TIẾNG CHUÔNG NGÂN





TIẾNG CHUÔNG NGÂN TRONG ĐÊM LẠNH,

65 năm, kể cũng đáng một đời người đấy chứ nhỉ? Năm đó là năm 1949, kháng chiến đã bước sang năm thứ ba, đang ở giai đoạn “Tích cực cầm cự, chuyển mạnh sang tổng phản công”, cái năm mà người dân đã dần quen với kháng chiến, với bom đạn, người tản cư cũng đã thấy cuộc sống nay đây mai đó có thể chấp nhận được.
Với cái tuổi mười tám, cái tuổi đang yêu, chàng trai Hà Nội rời thành phố ra đi cũng đã nguôi ngoai với chiếc quần trắng, tà áo lụa dài màu hồ thủy, của một chiều hòa nhạc Ấu trĩ viên… Thay thế mái tóc với chiếc kẹp nhựa là vành khăn mộc nhuộm nâu, trùm ngoài là tấm khăn mỏ quạ màu đen. Không có chút hương liệu của bất kỳ thứ hóa chất nào, mà chỉ có mùi rơm cháy tạo nên “món hun khói” toàn thân, nồng nàn và thi vị cho bất cứ ai mang tâm hồn “Nguyễn Bính”.
Tối hôm đó, sau khi làm ám hiệu cho nàng rằng tôi đợi ở ngoại đê và ra về thì ngay sau đó, nàng đã kiếm cớ được với mẹ già để ra đê cùng tôi. Vào tháng mười ta, tiết trời đã se lạnh và đoạn đê này trống vắng tứ bề, nên chỉ có thể sưởi ấm cho nhau bằng cách ôm thật sát. Nàng chắc cũng cảm thấy tấm khăn mỏ quạ gây nên sự vướng víu nào đó, nên dã nhẹ nhàng lật nó ra khỏi đầu và cho tuột xuống cổ. Chao ôi, cơ thể tôi run rẩy vì mùi hương lạ và ấm từ nàng tỏa ra. Hai chiếc khuy bấm cuối tà áo không làm khó dễ gì cho Anh Nguyễn Bính mà lại còn đồng lõa với tôi. Chỉ một đoạn ngắn nữa là vuông yếm đũi chỉ còn là hình thức. Hai bàn tay tôi tuy không đến nỗi tê cóng nhưng cũng đủ để mang hơi lạnh chạm vao da thịt nàng, gây cho nàng từng cơn run rẩy. Lạ thay cơn run tẩy đó cũng mau chóng lây lan sang tôi. Thật vô lý khi phơi mình trước gió để nghe cái điệp khúc của hai hàm răng lập cập va chạm vào nhau, tôi rủ nàng vào cái tam quan, phía trong đê một quãng.
Dưới mái tam quan đã thấy hơi ấm tăng lên rõ rệt, nhưng là cái cổng nên tuy đêm hôm khuya khoắt cũng dễ có người qua lại. Những bậc thang lên cổng tam quan cũng tiện, nên tôi rủ nàng lên trên đó. Lúc này tôi có cảm giác nàng sẵn sàng nghe theo tôi bất cứ điều gì. Lên đến nóc tam quan cũng có nghĩa là đã vào chùa, nên cái sự thèm “oản” của tôi càng thôi thúc tợn. Mỗi lúc sự ham khám phá của chàng trai lần đầu biết đến miền đất lạ càng khiến tôi quên mất đây là đất Phật. Cả hai sinh vật tội lỗi mải mê đến mức quên cả thận trọng cho đến khi không biết tôi hay nàng va vào thân cái chuông treo ngay bên cạnh. Một tiếng bô.ô.ng phát ra tuy nhẹ, nhưng trong đêm vắng nó vang xa không kém mỗi buổi chiều khi nhà chùa cất tiếng thu không. Không biết đây có phải là tiếng chuông cảnh tỉnh hay không? Mà cả hai chúng tôi đều đột ngột thoát tục, vả lại không muốn chuốc lấy sự rắc rối khi bị nhà chùa phát hiện, chúng tôi tụt xuống thang và mau chóng ra về, bỏ lại giấc mộng thiên thai dang dở sau lưng. Sau này, mỗi lần nghĩ lại chuyện xưa, tôi thấy tôi đáng bị trừng phạt vì đã chót xàm xỡ làm ô uế chốn Phật đài… Và còn điều này nữa, cũng thật là trớ trêu và khó hiểu, lúc đó chúng tôi chỉ có hai đứa, sao lại còn có kẻ thứ ba nào nữa, đã lẻn đến, rồi đập vỡ vào bên trong tấm váy sồi, đúng chỗ đó một quả trứng gà?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét