Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài từ trần ở tuổi 94
                          ( Nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/  - Chủ nhật, 6 tháng 7, 2014)
 
                                  
Nhà văn Tô Hoài, một trong những cây viết tên tuổi của nền văn học cận đại ở Việt Nam, vừa qua đời sáng 6/7 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, và lớn lên tại làng Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Sáng tác nhiều ở các thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, v.v..., nhưng có lẽ "Dế Mèn Phiêu Lưu Ký" mà ông viết hồi năm 1941 là một trong những tác phẩm của ông gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc thiếu niên Việt Nam nhất.

Tác phẩm này cũng từng được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

"Vợ Chồng A Phủ", một sáng tác khác của ông, được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và được dựng thành phim ở Việt Nam.

Năm 1992, hồi ký "Cát Bụi Chân Ai" của ông đã gây ồn ào dư luận khi đưa ra chân dung một số nhà văn thuộc hàng 'vai vế'.

Trong hồi ký, ông có nhắc tới Nhân văn Giai phẩm, một chủ đề luôn được coi là nhạy cảm, tuy cách ông đề cập, nhận định vấn đề được đánh giá là chính thống, phù hợp với cái nhìn của giới chức.

Gần đây hơn, tác phẩm "Ba Người Khác" mà ông viết về thời cải cách ruộng đất, cũng gây tiếng vang ít nhiều. Được biết tiểu thuyết này được viết xong từ 1992 nhưng tới 2006 mới được phép in.
                          
                                  Đọc sách của Tô Hoài
        
                      
                                                  Dế Mèn Phiêu Lưu Ký - ngắn (pdf) 
                                                Dế Mèn Phiêu Lưu Ký - toàn bộ (pdf)
                                Vợ Chồng A Phủ (pdf) - truyện ngắn trong tập Truyện Tây Bắc
                                                       Ba Người Khác (pdf) 
                                                       O Chuột (pdf) 
                                                        Nhà Nghèo (pdf)
                                          Cát Bụi Chân Ai  - ebook từ 4Phuong.net
                                 Tập Truyện Ngắn của Tô Hoài - ebook từ 4Phuong.net
                                    
                                                       Nhà văn Tô Hoài qua hí họa của Còm
              Tô Hoài, hơn cả một nhà văn - Minh Hạnh
                           

“Mình không được học như Huy Cận, Xuân Diệu nên ít chịu ảnh hưởng Tây học và không biết nhiều về sự hình thành các khuynh hướng văn học. Chỉ là tự nhiên, mình thích viết về cuộc đời thực” - Đó là lời tâm sự của nhà văn Tô Hoài, trích trong cuốn “Tô Hoài – Sức sáng tạo của một đời văn” (tác giả Hà Minh Đức).

Là một trong những nhà văn có bút lực và sức đi dồi dào bậc nhất làng văn Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng, thời còn trẻ, nhà văn Tô Hoài chưa từng học qua các trường lớp đào tạo bậc cao về chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Thuở nhỏ, ông chỉ học đến tiểu học rồi đi bán giày ba-ta ở Hàng Khay (Hà Nội). Vì vậy, hầu hết các kiến thức văn học và vốn sống mà nhà văn Tô Hoài có được đều do ông tự học, tự đi, tự nghiên cứu. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều gắn bó chặt chẽ và vô cùng gần gũi với đời sống người dân Việt Nam.

Một khi đã bước chân đến đâu, đã đặt bút viết về cái gì, ông đều cố gắng viết cho thật, cho “tới”. Điều này thể hiện qua những trang văn chứa đựng phong cách và phong tục tập quán của bà con vùng cao như “Vợ chồng A Phủ”, “Miền Tây”…; hay những câu chuyện thiếu nhi sống động về thế giới động vật như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Một cuộc bể dâu”, “Cá đi ăn thề”…

Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên

Thật khó để tìm được một nhà văn thứ hai vừa có thể miêu tả chân thật, tinh tế những cung bậc cảm xúc của cô Mị yêu sống nhưng bị giam cầm trong cảnh tù túng của “Vợ chồng A Phủ”; lại vừa có thể thổi hồn, nhân hóa những loài động vật nhỏ bé với một giọng điệu vô cùng hồn nhiên và trong sáng như trong “Dế mèn phiêu lưu ký”.

Không chỉ gắn bó với thể loại truyện ngắn, nhà văn Tô Hoài còn sở hữu một số lượng lớn các tác phẩm ký sự, du ký, hồi ký và cả tự truyện - sản phẩm của những chuyến đi dài, đi liên tục của ông từ lúc trẻ đến tận khi về già (từ Lào, Campuchia… đến cả các nước Âu, Mỹ, Á, Phi), mà ông thường coi là “bắt chước Dế mèn”.

Đi nhiều, viết nhiều nhưng văn của Tô Hoài hầu như ít lặp lại, đặc biệt không loãng và không nhạt. Tác phẩm nào cũng có một chiều sâu triết lý nhất định, nhân vật nào cũng có một thế giới nội tâm phong phú, dù cho nhân vật ấy là người hay những loài động vật. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng tìm tòi và sức sáng tạo dồi dào của ông.

Tuy nổi tiếng với vai trò nhà văn, nhưng ít người biết rằng: Tô Hoài cũng từng có một thời làm báo sôi nổi. Những tác phẩm văn học đầu tay nổi tiếng của ông viết trong những năm 1940 từng được đăng trên “Hà Nội tân văn chủ nhật” và “Tiểu thuyết thứ bảy”. Vì vậy, ông thường nói: chính nghề báo đã chắp cánh cho nghiệp văn chương của ông.

Các tác phẩm văn học của ông được chia làm 4 mảng chính: các tác phẩm viết về vùng núi rừng Tây Bắc trong thời kì kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, về ngoại thành Hà Nội xưa và nay, sáng tác cho thiếu nhi, chân dung và hồi kí.

Tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới

Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ lí do viết văn của mình rằng: “Chỉ là tự nhiên, mình thích viết về cuộc đời thực”. Nghe tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng để có được những trang văn thật là “thực”, thật là “tự nhiên”, nhà văn đã phải lăn lộn tìm tòi, tự học và tìm hiểu trong nhiều năm trời thì mới có thể đưa thế giới rộng lớn vào trang sách một cách vừa chân thực, vừa nên thơ như thế.

Tuy đã dừng viết văn, dừng “phiêu lưu ký”, nhưng những trang văn sống động về từng bước đường đã qua của nhà văn Tô Hoài sẽ vẫn sống mãi.

Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động vật tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con đường đời dài rộng khi đã trưởng thành.
                              
                                                         Vợ chồng nhà văn Tô Hoài
           Đọc Tô Hoài để bước vào thế giới của mình
                             Nguồn: http://www.baomoi.com/ 07/07/2014



"Bây giờ nhớ lại, tôi cứ thon thót nghĩ rằng, nếu chẳng may không có những cuốn sách ấu thơ ngày ấy thì không biết cuộc đời sẽ ra sao..."


 Lứa trẻ con sinh vào những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi như chúng tôi lớn lên, phần nhờ cơm gạo xấu, bo bo, mì sợi thời bao cấp, và một phần lớn lại nhờ… các nhà văn, trong đó có nhà văn Tô Hoài.

Quả là bây giờ nhớ lại, tôi cứ thon thót nghĩ rằng, nếu chẳng may không có những cuốn sách ấu thơ ngày ấy thì không biết cuộc đời sẽ ra sao! Những ngày mùa đông xam xám, ngồi trong nhà đọc sách, thấy mình như trôi về một miền đất rộn ràng hoa lá, những dế mèn, bọ ngựa, cào cào, muồm muỗm, để đến bây giờ, ký ức tuổi thơ tôi vẫn cứ rộn ràng tiếng cười nói, đi lại, tranh cãi... của các nhân vật đồng quê thân mến ấy.

Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác khi mở trang sách đã cũ kỹ rách nát vì qua tay nhiều người đọc ấy ra, tai tôi đầy ắp âm thanh. Đóng lại, là một sự lặng im riêng tư đầy cô đơn của đứa trẻ thích nghĩ ngợi. Bấy giờ, mới thong thả tưởng tượng lại những cảnh vừa đọc. Đó là một niềm vui bí mật, ngỡ tưởng của riêng mình ngày bé. Thế nhưng không phải. Sau này tôi vừa thích thú vừa thất vọng khi nhận ra rằng có rất nhiều người giống tôi, cũng ghi lại trong trí nhớ những chi tiết trong truyện y như tôi nhớ, không hiểu sao như được khắc chạm rất sâu trong đầu. Khắc bằng cả những câu chữ gọn gàng, không có gì phức tạp mà sao cứ lạ lạ, quen quen và đầy quyến rũ.

Một chàng võ sĩ Bọ Ngựa “hợm mình”. Một chàng mèo mướp có bộ lông “mờ mịt như tro ở bếp phủ lên”. Anh ri đá thích “nựng vợ”, chăm chỉ xây tổ ấm. Anh chim sẻ thích “to hó đứng ở đầu nhà”. Những ả Nhà Trò ưa “khóc tỉ tê”... Hay là, tôi cứ nhớ nhớ hình ảnh cậu “Cả Phúc” lôi thôi luộm thuộm trong “Vợ chồng trẻ con”, hoặc hình ảnh bé Mon trong “Đảo hoang” đi hái rau ngót rừng mà “hầm lá” bằng lá dong cho đến khi “cái lá hầm đã chín nục, bấm ngón tay đã đứt đôi”...

Những câu chuyện cuộc sống ở tận đẩu tận đâu, từ những ngày xưa, qua lời kể của nhà văn cứ tha thiết thấm dần mà âm thầm xây dựng cho người đọc một cái phông văn hóa Việt tinh tế, bền chắc. Bởi văn hóa Việt, theo như tôi nghĩ, đâu chỉ tinh tế ở những thứ tròn trịa, trang trọng, nề nếp như nơi phố cổ mà còn có những lầm lụi, chất phác, mến thân ở những vùng quê. Nếu nói riêng về thể loại đồng thoại, thì thế giới đồng thoại trong văn Tô Hoài sống động, có khả năng khắc họa hình ảnh mồn một rõ nét, cho cảm nhận về từng loại cây loại lá, từng loài động vật... bằng tất cả các giác quan thông qua cách dùng từ gợi tả chính xác, thú vị, dí dỏm.

Chỉ cần đọc thôi, chưa cần đưa tác phẩm của Tô Hoài vào phân tích mổ xẻ trong nhà trường, thì văn của ông đã có thể khiến đứa trẻ đang thờ ơ e ngại trở nên nhiệt tình, say sưa với cuộc đời này. Bởi vì trong truyện của ông, sức hút nằm ở những chi tiết bắt người ta phải nhớ, phải nghĩ, phải liên tưởng, đôi khi phải bật cười. Mà trẻ con thì có nhiều thời gian dành cho việc nghĩ ngợi mà cười một mình hay rúc rích cười với nhau.

 
Truyện đồng thoại của Tô Hoài dường như viết không nhắm riêng cho đối tượng nào. Khi trẻ con đọc thì truyện ấy rõ ràng dành cho chúng, còn khi người lớn đọc, thì họ thấy được cái thâm thúy, cái suy ngẫm của câu chuyện bằng chính cái thâm thúy mà họ có được, bằng suy ngẫm qua chính những gì họ trải nghiệm. Tôi nhớ có lần, một anh bạn người Nga của tôi say sưa kể về một “mister Man” nào đó với một người bạn nước ngoài khác. Hỏi kỹ ra mới biết, đó là… ngài Dế Mèn mà anh đọc được trong cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” xuất bản bằng tiếng Nga những năm tám mươi của thế kỉ hai mươi. Và điều thú vị là, những cảm nhận của tôi về nhân vật Dế Mèn có nhiều điểm chẳng giống chút nào với cảm nhận của anh bạn cả. Mỗi người một xuất xứ, một hoàn cảnh sống và những kinh nghiệm sống khác nhau, chỉ giống nhau ở chỗ đã tiếp nhận Dế Mèn và những nhân vật xung quanh chú dế ấy một cách nồng nhiệt và yêu quý. Đọc Tô Hoài, mỗi chúng tôi rơi vào một thế giới, không phải của ông, mà là của riêng mình.
            “Dế Mèn phiêu lưu ký” 70 năm rồi vẫn thấm đẫm tình yêu thương
                                               (Nguồn: baomoi.com - 20/11/2012)
Buổi lễ kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài diễn ra tại Hà Nội vào sáng 20-11 đã mang đến cho độc giả những cảm nhận thú vị về giá trị của một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi có sức sống vượt thời gian, đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới.

Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920 tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 1941, ông viết truyện “Con Dế Mèn” cho sách Truyền Bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Năm 1942, ông viết tiếp 2 tập “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Đây là tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài và cũng là tác phẩm quan trọng đánh dấu sự nghiệp sáng tác của ông.

70 năm qua, “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã trở thành người bạn của tuổi thơ nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Cuốn sách thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lý tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp.
         
Nhà văn Tô Hoài phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm70 năm ra đời tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”

Tại buổi lễ kỷ niệm, những tham luận và phát biểu của các chuyên gia, nhà phê bình văn học đã làm nổi bật giá trị của tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

“Dế Mèn không già, không mỏi. Bảy mươi năm và còn dài nữa về sau, Dế Mèn vẫn luôn trẻ. Một con Dế đã từ tay nhà văn Tô Hoài thả chu du thế giới tìm những điều tốt đẹp cho loài người, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Con Dế ấy đã mang tên tuổi ông đi cùng trên những chặng đường phiêu lưu đến với cộng đồng những con vật văn học thế giới, đến với xứ sở thiên nhiên và văn hóa của các quốc gia khác”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.

Nói về cách sử dụng ngôn từ của nhà văn trong tác phẩm này, nhà phê bình văn học Vũ Nho nhận xét: “Nhà văn Tô Hoài chẳng những quan sát tinh tế, miêu tả sinh động từng loài vật như: Bọ Ngựa, Kiến Chúa, Châu Chấu Voi... mà ngôn ngữ kể chuyện cũng rất cuốn hút. Ngoài những từ ngữ hóm hỉnh, ý nhị, nhà văn còn sáng tạo ra không ít những từ mới mang thương hiệu Tô Hoài”.

“Dế Mèn phiêu lưu ký” được nhà văn Tô Hoài bắt đầu đặt bút viết khi ông mới 18 tuổi. Ở cái tuổi còn trẻ đối với người viết văn mà ông đã tìm ra phương thức viết mới. Điều này đã làm nên thành công của tác phẩm để đến hôm nay “Dế Mèn phiêu lưu ký” vẫn tiếp tục hấp dẫn bạn đọc.

Tác phẩm này không chỉ hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi mà người lớn, cả những nước chưa biết đến con Dế Mèn là thế nào mà nhiều người cũng thích đọc, thích trải nghiệm cùng cuộc phiêu lưu của Dế.
              
                           Độc giả tặng hoa nhà văn trong ngày kỷ niệm

Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Nguyễn Huy Hoàng tự hào khi nhắc đến tác phẩm này: “Mặc dù nhà văn Tô Hoài chưa có một ngày làm việc chính thức tại Nhà xuất bản Kim Đồng nhưng tên tuổi và tác phẩm của ông đều được in tại đây. Cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 1960. Đến nay, tác phẩm này đã được chuyển thành truyện tranh, truyện có minh họa. Qua hàng chục lần tái bản với hàng triệu bản in, Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn luôn được bạn đọc yêu mến và đón nhận”.

Theo đánh giá của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: “Cha đẻ của Dế Mèn không viết chuyện bâng quơ. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính thực là có nội dung xã hội như ông đã nói. Mượn hình thức đồng thoại, nhà văn muốn cổ vũ những người bạn đồng trang lứa mình bước lên con đường xây dựng một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc, không chấp nhận lối sống ủ rũ, buồn chán. Nhưng nội dung đó phải nhờ đến Dế Mèn rất nhiều. Hay nói cách khác, thiên bẩm văn chương đã mách bảo tác giả chọn hình thức đồng thoại để chuyển tải tư tưởng của mình”.

Tại buổi lễ kỷ niệm, Ban tổ chức còn giới thiệu với độc giả 14 bức tranh minh họa được rút ra từ các ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác nhau do các họa sĩ: Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long sáng tác.

Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt hai tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài: “Nói về cái đầu tôi” và “Chú Bồ Nông ở Sa Mác Can”.

Dù đã bước vào tuổi 92 nhưng nhà văn Tô Hoài vẫn dành phần lớn thời gian cho sáng tác. Có lẽ ông là một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương để đến tuổi đại lão, ông vẫn cho ra đời những trang viết tươi rói, tung tẩy như thuở mới tung tăng cùng Dế. Hành trình phiêu lưu của Dế Mèn qua 70 năm vẫn hiệu hữu trong lòng độc giả.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét