Ông Đại Tướng với những hệ lụy từ chữ “Nhẫn”
Từ lâu, chúng tôi đã biết ông cất đi chữ “Dũng”, cái tính
cách không thể thiếu ở một vị tướng khi đứng trước địch quân. Thế cũng phải, vì
bây giờ là đối với đồng chí, nhưng ông cũng đã nhầm khi cho rằng trong quan hệ
đồng chí không có tính đối kháng (?).
Lịch sử phong trào cộng sản, qua thực tiễn ở các nước anh em
như Liên Xô và Trung Quốc, một khi đã vận dụng chuyên chính vô sản thì các mặt
đối lập đều có thể mang tính đối kháng, chỉ có nhiều hay ít, nông hay sâu mà
thôi.
Khi Lê nin xây dựng chính quyền công nông ở Nga, ông đã đưa
đi đày không ít những người đã từng cùng hội cùng thuyền. Sau này ông Stalin
cũng đã đưa đi đày khổ sai ở Sibêri biết bao người không đồng chính kiến. Ông
cũng đã tiêu diệt cả một trung đoàn Ba Lan vì ông không tin vào sự trung thành
của họ. Ngay cả đối với đồng cấp ở Trung Ương, Stalin cũng thẳng tay đàn áp…
Những ông Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, người bị tù đày đến chết
hoặc bị giết cả nhà bằng đạn chống tăng, do bàn tay đồng chí Mao Trạch Đông,
đâu có phải là chuyện lạ chuyện hiếm?
Ông tướng Giáp nhận thấy sự nguy hiểm khi bị các đồng chí
đẩy về “phía bên kia”, nhưng ông không chọn con đường chống lại mà chọn chữ
nhẫn. Cũng vì thế mà ông đã có thể thọ đến trên trăm tuổi. Trước những chèn ép,
bôi nhọ, chơi xấu ngấm ngầm hay cả công khai, ông cũng đều áp dụng khẩu hiệu
“ba không” (không nghe, không thấy, không biết), mặc dù cả ông và gia đình ông
đều không lạ những thủ đoạn này.
…“Những thủ đoạn quen
thuộc áp dụng để ngăn chặn ông ấy vào Trung Ương, chúng tôi đều biết quá rõ.
Sắp đến Hội Nghị là thế nào cũng có một vài nghi vấn nêu ra đối với ông, sự
việc điều tra đến hết hội nghị, thế là qua một nhiệm kỳ. Lần trước đánh ông ấy
là một tay “bực thày” (Lê Đức Thọ), lần này thì chỉ là một tay học trò (Nguyễn
Đức Tâm)…”
Cả đến câu vè về sự nghiệp của ông kết thúc ở “Cây Đa Nhà
Bò” (Địa chỉ nhà Hộ Sinh phố Lò Đúc) ông cũng thuộc.
Ông Ba Duẩn một thời đi đến đâu cũng riễu “Võ Nguyên Giáp sợ Mỹ”, vừa nói vừa làm
động tác run rẩy gây cười.
Ông Sáu Búa (tức Thọ, tức Khải) ngạo mạn phán rằng: “Còn để cho cái đầu Giáp ở nguyên trên cổ là
may lắm rồi!”
Thật ghê sợ cho cái quan hệ giữa những người cộng sản.
Xử thế, trong trường hợp này, chữ Nhẫn chỉ cứu được mình
ông, còn số phận biết bao người, từ những cộng sự thân tín, đến những người
công khai ủng hộ ông đều chung một số phận kết cục đầy nghi vấn. Những Đặng Kim
Giang, Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Võ Văn Kiệt v.v…
và những cộng sự ở những cấp thấp hơn đều chung một sự đầy ải, nhận những kết cục xấu
số.
Ông Đại Tướng bị đồng đội vô hiệu hóa khi năng lực phục vụ
đất nước của ông còn có thừa, đó là một sự đáng tiếc, một sự mỉa mai.
Cái ngày lịch sử, ông đứng ra thành lập Đội Việt Nam Truyên
Truyền Giải Phóng Quân, 22 tháng 12 năm 1944, sau này lấy làm ngày Thành Lập
Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, cũng bị chèn vào thành ngày Quốc Phòng Toàn Dân, có
nghĩa rằng người ta đã từng bước bôi xóa bớt những gì liên quan đến ông. Năm
1994, kỷ niệm 40 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ, dự Mít tinh tại Điện Biên Phủ
là hai ông Nguyễn Khánh và Đoàn Khuê. Ông chỉ được vi hành thăm Mường Phăng.
Không ai nhắc đến ông Đại Tướng, duy chỉ có ông Võ Văn Kiệt dám đứng lên biểu
dương tướng Giáp ở cuộc Mít tinh tại Hà Nội.
Năm đó vì tự hào và vì
tự ái là Chiến sĩ Điện Biên Phủ, chúng tôi bỏ tiền túi ra rủ nhau làm bộ phim
tài liệu 5 tập “Chín năm làm một Điện Biên”. Khi thông qua, được ông khen là
nhiều tư liệu quý và đẹp nhưng ông cũng dặn dò: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, con người vốn tốt, nhưng vì chưa hiểu
hoặc không hiểu mình, nên có thể không ủng hộ mình thậm chí chống lại, vì vậy
việc xã hội hóa phim náy, nên thận trọng”
Ông còn dặn
thêm: “Lúc này họ còn mạnh lắm, thận
trọng vì không chỉ kỷ luật đâu mà còn có thể tù tội nữa đấy!”.
Không phải đợi đến sau này khi những kiến nghị của ông về
Tổng Cục II về bauxite, về nhà Quốc Hội về sát nhập Hà Đông của ông không được
những nhà lãnh đạo đương thời quan tâm, thậm chí họ còn bỏ ngoài tai… mà ngay
trong tang lễ ông Phạm Văn Đồng ông đã bị những quan chức vào tuổi con cháu
chen bật mãi ra đằng sau. Có ai nghĩ rằng ông là người đồng chí thân cận cuối
cùng của bộ ba Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Không ai nhường ông
đi gần ông Đồng trong giây phút thiêng liêng tử biệt. Đối với người Việt Nam đó là một
hành động vô đạo lý mà họ đã vô tư đối xử với ông.
Tuy chậm, nhưng lúc này đây, ông Đại Tướng của chúng ta đã
theo lối ngựa ông Thánh Gióng, ông bỏ lại tất cả từ sự thương yêu đến lòng ghét
bỏ, cũng không đợi thêm bất kỳ sự vinh danh nào. Ông đã là, chỉ là và mãi mãi
là Đại Tướng, nhưng là một ông Đại Tướng không gì so sánh được. Riêng tôi còn
mừng là ông đã rũ bỏ được Chủ Nghĩa Cộng Sản với lòng đinh ninh một nghịch lý
“Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Vĩnh biệt người “Cộng
Sản Lý Thuyết” cuối cùng của “Phái Việt Bắc”.
Trước dòng người tràn ra vô tận đối với thời gian và không
gian tiễn biệt ông, những kẻ từng ăn nói và đối xử xàm xỡ với ông hẳn lấy làm
hổ thẹn. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều nhưng không vội nói gì vì không muốn làm
vấy bẩn không khí thiêng liêng của mọi người thương tiếc ông. Thêm một chút
phân vân: Giá như Anh Văn bớt Nhẫn đi một chút thì tình hình bây giờ đã có thể
khác.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là trong điếu văn của ông Tổng
Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đọc trước linh cữu tướng Giáp, ông cũng đã bắt
chước mọi người gọi ông Võ Nguyên Giáp là “Anh Văn”, xong hình như danh xưng đó không
phải dành cho những người đã từng không nghe lời Anh Văn lúc sinh thời thiết
tha kiến nghị, phải không anh Nguyễn Phú Trọng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét