Lời người ra đi
Qua
điện thoại Phạm Duy tâm sự vụn 3 ngày trước khi về Việt Nam. Ông nói,
thực sự chẳng có kỳ vọng gì. Về để chết ở quê hương. Cuộc nói chuyện
ghi lại trong băng nay trở thành di chúc văn nghệ cho bằng hữu. Đầu thập
niên 50, bỏ kháng chiến về thành, cộng sản lên án Phạm Duy phản bội dân
tộc. Sáu mươi năm sau, ông trở lại Việt Nam, hải ngoại lên án Phạm Duy
phản bội quốc gia. Cả hai phía, trong và ngoài đất nước đều có những
người thương yêu và thù ghét. Ông được mang những tội danh và tước vị
khác biệt từ hai quan niệm. Riêng ông, trong thế giới văn nghệ tự nhận
là người hát rong.Trong cuộc đời gọi là hý trường ông đóng vai hề và
trong cuộc đoạn trường ông tự nhận là thằng du côn. Còn hơn thế nữa,
đứng đầu du côn. Vậy thực sự Phạm Duy là ai. Người ra đi dặn rằng khi
“moi” chết, “toi” đưa ra cho anh em hiểu “moi”. Ông ví mình như con
chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Hiểu được không. Ông nói là
60 năm chưa ra khỏi Việt Nam, làm sao lại nói đi rồi về. Hiểu được
không. Xin đọc bài giới thiệu của Giao Chỉ với phần mở đầu lời người ra
đi. Sau đó, khi mồ yên mả đẹp sẽ phổ biến toàn phần. Rồi hậu thế tùy
nghi phán xét. Yêu thương hơn hay thù hận nhiều hơn.
Phạm Duy, người gây hấn.
Thế
rồi sau cùng, con người theo mệnh nước nổi trôi, ông già 93 tuổi đã ra
đi. Phạm Duy trở về nằm trong lòng đất quê hương để lại một gia tài âm
nhạc và văn hóa hết sức vĩ đại. Ngay cả những người chỉ trích ông đều
phải công nhận nhạc của ông quả thực là sản phẩm của thiên tài.
Phạm
Duy là người hết sức cao ngạo. Ông tự cao tự đại đến mức tự gọi mình
là tên hát rong, thằng hề của cuộc đời và thậm chí là tay đứng đầu du
côn. (Ma cà bông ma cà cúi, lúi húi vườn hoa. Ông Cẩm bắt được hỏi nhà
mày đâu? Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, Số nhà 54, đứng đầu… du côn!) Con
người của ông với ngôn ngữ thường nhật, luôn luôn tự gọi là ăn tục nói
phét. Giữa anh em và ngay trên diễn đàn ngôn luận, ông thường đóng vai
kẻ gây hấn, Ông chuyên nói vung vít cho người ta ghét. Nhưng tất cả chỉ
là mặt ngoài. Lời ca của Phạm Duy mới thực là tâm sự của một nghệ sĩ
phản ảnh cuộc đời với tình yêu nước chứa chan.
Phạm Duy, người yêu nước.
Năm
1962 tôi đi du học Hoa Kỳ, khóa học chỉ có mấy tháng về chiến tranh
sinh hóa tại Alabama. Anh ngữ không thông thạo, lại cô đơn có một mình.
Vào những ngày cuối tuần cả cư xá sĩ quan vắng lặng. Các khóa sinh về
nhà hoặc đi chơi xa. Chỉ còn một mình anh sĩ quan Việt Nam sống với
nhạc Phạm Duy từ những đĩa nhựa. Thời gian đó tôi yêu tiếng nước tôi
biết chừng nào. Cảm thông với con người đã viết lời và soạn nhạc. Con
người viết ra những ca từ như thế, dù là bài ca kháng chiến, tình ca, du
ca, dân ca hay tục ca mãi mãi vẫn là người yêu quê hương. Đối với người
nghệ sĩ yêu quê hương như thế, dù bất cứ ai đang cầm quyền thì cũng
chẳng hề quan trọng.
Mùa xuân 1976
gia đình tôi từ Springfield , Illinois đội tuyết về Chicago xem Phạm Duy
trình diễn lần đầu tại hải ngoại. Tôi viết một bài báo tường thuật và
ngậm ngùi với nhạc sĩ về hoàn cảnh gia đình chia cắt. Năm 1978 chúng tôi
và nhạc sĩ Lê Văn Khoa đứng ra tổ chức cho gia đình Phạm Duy trình
diễn lần đầu tại San Jose. Lúc đó ông vẫn còn mang nỗi đau thương vì đám
con trai còn kẹt lại Việt Nam.
Lại viết bài về Phạm Duy thêm một lần nữa. Để đáp lại nhạc sĩ viết cho tôi những lời hết sức quá đáng.
Ông viết rằng: “Tôi rất vô cùng hạnh phúc được tác giả nhắc nhở”.
Quả thực ngôn ngữ đời thường của Phạm Duy có phần thậm xưng. Chẳng đáng
gì một bài báo tầm thường để ông phải nhún mình cảm ơn như thế. Kịch
đấy. Nhờ vậy tôi biết tính ông này thường hay có lời lẽ thái quá. Trở về
quê hương, ông nói lời tâng bốc cựu thù. Nín thở qua sông. Một trăm
ngàn HO hẳn còn nhớ. Người ra đi đã biết rằng qua sông phải lụy con đò.
Người về cũng phải lụy đò. Hỏi rằng sao phải dẫn xác về. Từ đáy sâu của
tâm khảm ông chỉ muốn về nghe trăm triệu dân Việt hát bài Việt Nam,
Việt Nam rồi đi theo trường ca Con đường cái quan. Ước mong thầm kín
“kinh khủng” đến mức dù phải lạy lái đò ông cũng làm, nói gì chỉ lụy
con đò với vài lời tâng bốc dở hơi. Đó là ứng xử của vai hề. Ở hải
ngoại khi bị chọc giận Phạm Duy thường nổi nóng nói năng vung vít. Đây
là lúc nhập vai du côn. Thủy chung chỉ có lời ca trong dòng nhạc là
phản ảnh đích thực con người nhạc sĩ yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu
đất nước. Ngôn ngữ đời thường của ông là những điều tục lụy. Cũng như
chính con người ông.
Phạm Duy với
hơn 70 năm sáng tác, trải qua bao thời kỳ với ngàn bài ca. Dân ca, tình
ca, kháng chiến ca, thiền ca, tục ca, du ca tất cả góp thành một gia
tài đổ xô để lại cho mai sau. Nếu không thích nhạc của ông, lại trách
cứ ông vì quan điểm chính trị. Cứ mắng cho ông mấy mắng. Phang cho ông
vài hàng chữ nghĩa dưới thắt lưng. Chẳng còn gì để bàn luận. Nhưng chỉ
ghét Phạm Duy vì những lời nói vung vít, nghe nhạc mất hay. Yêu được
ông, nghe nhạc Phạm Duy quả là hạnh phúc
Ông
nhạc sĩ này khi vui buồn . Khi ca ngợi tâng bốc khi chê bai, chửi bới
trong đời thường, đểu không phải là thực. Tất cả đều là hư chiêu. Nhạc
của ông mới là chân lý. Thính giả của ông mới là đối tượng. Người nghe
Phạm Duy mới thực sự là khách hàng. Ông đi theo kháng chiến là phục vụ
cho khách hàng. Bỏ kháng chiến, về tề là chạy theo khách hàng. Ông vào
Nam, ông ra ngoại quốc và ông trở về thẩy là đi theo khách hàng. Chuyến
trở về qua sông nên phải lụy đò. Với những năm tháng sau cùng, ông trở
về đi tìm lại con đường cái quan và tìm về với hàng triệu thính giả
thế hệ tương lai. Suốt đời Phạm Duy chỉ là người nghệ sĩ với câu hát
muôn thuở: Tôi bán đường tơ..Anh chàng hát rong nhà quê suốt đời đi tìm
khách.Gặp cường hào ác bá địa phương anh đóng vai hề diễu dở. Gặp tay
anh chị giữa đường, ông trở thành du côn.Với tâm tình thương cảm đó.
Trước khi trở về Việt Nam, tôi có dịp nói chuyện với Phạm Duy. Chẳng
phải là thực sự thâm giao dù ông cứ nói mình là bạn thân. Tôi chỉ là một
trong hàng trăm ngàn thính giả, một trong số đông đảo khách hàng của
ông. Chúng tôi tán láo nhưng gọi là phỏng vấn chuyện riêng tư. Có thu
lại buổi nói chuyện. Rồi hỏi Phạm Duy rằng có phổ biến được không. Ông
nói rằng. Để khi nào “moi” chết thì “toi” đưa ra cho anh em hiểu “moi”.
Giao chỉ: Này, thế kỳ này ông về thật đấy à.
Phạm Duy:
Tôi như con chuồn chuồn. Khi vui thì ở khi buồn lại bay. Chẳng biết
các ông ra sao. Như khi tôi ở Hà Nội rồi bay vào Saigon. Rồi tôi bay
qua Mỹ. Bây giờ tôi lại bay về. Có gì đâu?.
Giao Chỉ : OK, được rồi. Biết rồi. Chúc ông mạnh giỏ nhé. Thế thì bao giờ anh em mới nghe được sáng tác mới của ông.
Phạm Duy: Đấy
10 bài Hương ca của tôi đấy. Các ông mà không nghe được, chết không
nhắm mắt. Tôi bảo các ông bỏ hết đi. Chỉ giữ 10 bài Hương ca thôi. Tôi
vẫn yêu quê hương tôi.
Giao Chỉ: Thế còn việc phổ nhạc bài của Quang Dũng.
Phạm Duy: Đấy
đấy, quê hương tôi “đổi mới” rồi. Quê hương tôi là Quang Dũng đấy. Quê
hương tôi là ông Phùng Quán đấy, những cái gì hay nhất là tôi đưa vào
đó hết.
Giao Chỉ: Hay lắm. Ba mươi năm rồi. Bây giờ mới chơi mấy bài ấy thì hơi muộn, nhưng có là được rồi.
Phạm Duy:Tôi
nói ông nghe, cái thằng cộng sản dù sao nó cũng có chính nghĩa trong
giai đọan đầu của cuộc kháng chiến. Bởi thế nó mới ôm lấy. Rồi nó phải
ôm lấy tôi. Ôm lấy nhạc của tôi.
Giao Chỉ: Đó là ông nói đến giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến.
Phạm Duy: Đấy đấy nó phải ôm lấy giai đọan đầu, vì vậy khi tôi tung ra, thì bố nó cũng không thể đỡ được.
Giao Chỉ: Nhưng có phải là 10 bài ca mà ông muốn chúng nó hát là những đứa con tinh thần của ông muốn phổ biến.
Phạm Duy: Không không! Nó chui từ trong ổ chuột ra.Rồi nó sẽ nhìn thấy ánh sáng. Nó vẫn còn ở trong đường hầm.
Giao Chỉ: Như vậy ông định soi sáng cho nó.
Phạm Duy: Tôi nói ông nghe, tôi là người thành công nhất trong vụ này. Đáng lẽ các ông phải ôm lấy tôi. Sao một số khốn nạn lại chửi tôi.
Giao Chỉ: Thôi ông để tâm cái đó làm gì.
Phạm Duy: Tôi nói riêng cái đó cho ông nghe, có ai làm nổi cái hòa giải như tôi.
Giao Chỉ: Nhưng tôi nghĩ thế này, ông thương yêu những bài ca thời kháng chiến. Ông đề nghị là chúng mày phải cho ông hát những bài đó.
Phạm Duy: Không,
nó đề nghị chứ không phải tôi. Tôi chỉ nói là cái gì của tôi cũng hay
hết. Anh muốn hát bài nào thì hát, muốn bỏ bài nào thì bỏ. Anh có nước,
anh có luật lệ thì tôi theo thôi. Chứ tôi ở nước Mỹ thì tôi chẳng phải
theo gì cả. Nước của anh lạc hậu thì tôi phải theo thôi.
Giao Chỉ: Thế nhưng mà, ông có nghĩ rằng một ngày nào đó ở Việt Nam sẽ chơi đủ 10 bài.
Phạm Duy: Không, ông ơi. Nó phải chơi một nghìn lẻ một bài.
Giao Chỉ: Thôi
thôi, đủ rồi, nhưng có phải là ông cũng hơi sốt ruột. Ông muốn là ngay
khi ông còn sống thì chúng nó phải chơi hết những đứa con tinh thần của
ông.
Phạm Duy: Không ông ơi ! tôi thấy rồi.
Phạm Duy: Không ông ơi ! tôi thấy rồi.
Giao Chỉ: Nhưng tôi muốn nói là họ phải chơi công khai.
Phạm Duy: Ông ơi, tôi về Việt Nam, nó cấm nhưng khắp hang cùng ngõ hẻm đều chơi nhạc của tôi. Đéo cấm được.
© Giao Chỉ, San Jose.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét